Doanh nghiệp bất động sản chuyển đổi số: Cần nhiều hơn sự hợp lực
Ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số không còn là nhu cầu, sự lựa chọn, mà là yếu tố bắt buộc để giúp các doanh nghiệp bất động sản vượt qua những khó khăn trong bối cảnh hiện nay; đồng thời, là cơ sở để xây dựng và phát triển thị trường bất động sản chuyên nghiệp, lành mạnh và bền vững.
*****
Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, phấn đấu để Việt Nam trở thành quốc gia số, trong đó chuyển đổi số cho doanh nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp bất động sản nói riêng cần phải tự tạo ra sức bật cho riêng mình, với cốt lõi là việc số hóa doanh nghiệp trên mọi mặt.
Chuyển đổi số là giải pháp duy nhất để duy trì, phát triển và đón đầu những cơ hội mới cho các doanh nghiệp bứt phá, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường chứng kiến sự sàng lọc mạnh như giai đoạn 2022 - 2023. Với một thị trường “nhạy cảm” như bất động sản, chỉ có công khai, rõ ràng thông tin thì mới có thể phát triển bền vững. Tuy nhiên, chuyển đổi số vẫn là một hành trình nhiều thách thức và đòi hỏi nhiều hơn sự hợp lực, hợp tác giữa các bên liên quan, đặc biệt là sự kết hợp giữa các doanh nghiệp bất động sản và proptech.
Đi sâu vào câu chuyện này, Reatimes đã có cuộc trò chuyện với ông Hoàng Mai Chung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Meey Land.
Chuyển đổi số bất động sản: Đường còn dài
PV: Phát triển nền kinh tế số là mục tiêu trọng tâm nhưng vô cùng thách thức của Chính phủ trong giai đoạn hiện nay. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của các doanh nghiệp trong việc “đồng tâm, hợp lực” đưa kinh tế số trở thành động lực tăng trưởng trong những năm tới?
Ông Hoàng Mai Chung: Tôi cho rằng, sự “đồng tâm, hợp lực” của các doanh nghiệp trong công cuộc phát triển nền kinh tế số rất quan trọng. Tại Nghị quyết 52/TW ngày 27/09/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cụm từ “doanh nghiệp” được nhắc tới 23 lần.
Theo đó, Nghị quyết yêu cầu xây dựng và triển khai Chiến lược quốc gia về phát triển các doanh nghiệp công nghệ, ưu tiên phát triển các doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ cao thực hiện thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt Nam. Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Xây dựng và triển khai các chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số. Có cơ chế khuyến khích và ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp công nghệ tham gia trực tiếp vào quá trình giáo dục và đào tạo, tạo ra sản phẩm phục vụ cho nền kinh tế số…
Như vậy, doanh nghiệp được trở thành trọng tâm và có tính ưu tiên cao, đặc biệt các start-up (doanh nghiệp công nghệ số - doanh nghiệp đổi mới sáng tạo) chính là đối tượng quyết định sự thắng lợi trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này.
Theo mục tiêu cơ bản của Chương trình chuyển đổi số Quốc gia, đến năm 2025, Việt Nam phải phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số. Theo đó, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo càng đóng vai trò chủ chốt trong phát triển nền kinh tế số.
PV: Tiến trình chuyển đổi số bất động sản dù chậm hơn so với các lĩnh vực khác nhưng tầm quan trọng của công nghệ đối với lĩnh vực này ngày càng được khẳng định, đồng thời cũng cho thấy tiềm năng rất lớn. Ông nghĩ sao về điều này?
Ông Hoàng Mai Chung: Đúng vậy. Thị trường bất động sản hiện nay đa số vẫn đang hoạt động theo mô hình truyền thống. Trong bối cảnh Chính phủ đang có chủ trương thúc đẩy nền kinh tế số, xã hội số, có thể thấy, việc chuyển đổi số của các doanh nghiệp bất động sản hiện nay còn khá chậm. Tuy nhiên, đường còn dài, cơ hội còn rộng mở đối với các doanh nghiệp công nghệ bất động sản.
Việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản là cấp thiết, trước hết là bởi sức lan tỏa của ngành này với các ngành kinh tế khác. Theo số liệu thống kê, đóng góp của thị trường bất động sản trong GDP giai đoạn 2019 - 2021 đạt khoảng 14%. Thị trường bất động sản có khả năng lan tỏa đến trên 40 ngành quan trọng khác của nền kinh tế và trở thành nhịp cầu nối cho các thị trường khác, góp phần phát triển đồng bộ các loại thị trường. Khi nhu cầu sử dụng cuối cùng của ngành bất động sản tăng 1.000 tỷ đồng sẽ kích thích giá trị sản xuất của các ngành còn lại là 772 tỷ đồng và lan tỏa tới giá trị tăng thêm là 191 tỷ đồng. Trường hợp giá trị sản xuất của nhóm ngành bất động sản thay đổi giảm 10%, GDP sẽ giảm 1,24%.
Với đóng góp quan trọng như vậy, nếu lĩnh vực bất động sản được “tối ưu hóa” bằng công nghệ thì sẽ càng gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực này.
Thứ hai, thị trường bất động sản muốn tiệm cận đến sự lành mạnh, minh bạch và bền vững, tránh tình trạng đầu cơ, sốt ảo, đẩy giá như thời gian qua thì cần phải minh bạch thông tin. Và để minh bạch thông tin thì tất yếu phải sử dụng công nghệ, phải số hóa thị trường.
PV: Chuyển đổi số cho bất động sản nên bắt đầu từ đâu, thưa ông?
Ông Hoàng Mai Chung: Ứng dụng công nghệ vào doanh nghiệp chủ yếu thường là tự động hóa trong hoạt động vận hành nội bộ và tạo ra sản phẩm số cung cấp cho khách hàng. Một số doanh nghiệp truyền thống thì ứng dụng chuyển đổi số để thay đổi mô hình cung cấp sản phẩm tới khách hàng theo cách đổi mới sáng tạo hoàn toàn. Ví dụ như cách Uber/Grab thay thế phương thức hoạt động của taxi truyền thống.
Đối với doanh nghiệp bất động sản cũng vậy, chủ đầu tư và sàn giao dịch bất động sản nên đầu tư chuyển đổi số trong quản trị vận hành nội bộ, nhằm tăng năng suất, giảm chi phí, tối ưu lợi nhuận. Còn đối với hoạt động truyền thông, marketing, bán hàng và chăm sóc khách hàng thì cứ giao bài toán đó cho các doanh nghiệp công nghệ số. Họ sẽ tìm ra lời giải, giúp các doanh nghiệp bất động sản xây nền tảng của mình theo hướng có lợi nhất, đấu ghép trực tiếp vào hệ thống vận hành nội bộ của doanh nghiệp, giúp tối ưu hiệu suất của toàn bộ hệ thống. Các doanh nghiệp bất động sản chỉ việc tập trung vào cái mạnh nhất của mình là: Đầu tư, xây dựng và bán hàng.
Công nghệ: Liều thuốc xoa dịu những “nỗi đau”
của thị trường
PV: Là một Proptech, Meey Land đang đồng hành cùng Chính phủ và các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản như thế nào, thưa ông?
Ông Hoàng Mai Chung: Hiện nhiều doanh nghiệp bất động sản có chủ trương về việc áp dụng công nghệ nhằm chuyển đổi số trong nội bộ doanh nghiệp để tối ưu chi phí vận hành và tăng trải nghiệm khách hàng. Meey Land ra đời với sứ mệnh tăng tính thanh khoản cho thị trường bất động sản, thiết lập hệ sinh thái công nghệ để hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số để giảm chi phí tạo ra những thông tin đa chiều về thị trường bất động sản (giá cả, pháp lý, nhu cầu, giao dịch, quy hoạch tại từng khu vực, từng địa phương). Đồng thời, khi từng chuyển động của thị trường bất động sản được soi rõ bằng công nghệ, sẽ là lúc các cơ quan quản lý Nhà nước có thể dễ dàng giám sát và nhìn nhận một cách tổng quan nhất, phát hiện kịp thời nhất các bất ổn của thị trường để sớm có các chỉ đạo và giải pháp chính sách phù hợp để điều chỉnh thị trường phát triển đúng quỹ đạo.
Meey Land đóng vai trò là một đơn vị chuyển đổi số trong ngành sẽ đứng ra làm “trung gian kết nối” thông qua các nền tảng công nghệ của mình, giúp cho các doanh nghiệp và các đối tượng tham gia vào chuỗi phát triển bất động sản có thể tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng tốt hơn nữa, tạo thuận lợi hơn trong việc hợp tác kinh doanh, giao dịch để tăng tính thanh khoản.
PV: Xin ông chia sẻ rõ hơn về các giải pháp mà Meey Land đang đặt ra để góp phần chuyển đổi số toàn diện cho thị trường bất động sản và vì đâu mà ông thường khẳng định, đó là những “liều thuốc” để xử lý những “nỗi đau” của thị trường?
Ông Hoàng Mai Chung: Sự thiếu minh bạch sẽ dẫn đến hệ quả là có vô số “nỗi đau” phát sinh khiến cho thị trường bất động sản luôn trong trạng thái bấp bênh, mập mờ, bất ổn định. Đây là cơ hội cho một số tổ chức, cá nhân nhưng đồng thời là nỗi khổ cho đa số tổ chức, cá nhân khác. Việc các thông tin chưa được cập nhật một cách kịp thời, chính xác và minh bạch chính là “dung môi” để giới đầu cơ lợi dụng tung tin đồn ảo, tạo sốt đất, đẩy giá đất tăng nhanh khó kiểm soát. Hậu quả là, những người dân, nhà đầu tư non trẻ sẽ phải chịu thua thiệt.
Chuyển đổi số sẽ giúp cho dữ liệu dần được tập trung, đó là cơ sở để cung cấp thông tin một cách đầy đủ, toàn diện và đa chiều cho các đối tượng tham gia thị trường này, bao gồm cả các cơ quan quản lý nhà nước.
Để làm được điều đó, Meey Land không chỉ tạo ra nền tảng nhằm giải quyết những vấn đề của thị trường mà còn luôn sẵn sàng tính mở để kết nối trực tiếp với các nền tảng và cơ sở dữ liệu quốc gia thông qua việc hợp tác với các đơn vị, tổ chức Nhà nước. Ví dụ như Meey Land hợp tác chiến lược với Công ty Cổ phần Viễn Thông Di Động Toàn Cầu (Gtel Mobile JSC.) trong việc phát triển các nền tảng công nghệ số cho thương mại bất động sản.
Các giải pháp công nghệ của Meey Land đều hướng tới thúc đẩy giao dịch nhanh, tăng tính thanh khoản cho thị trường bất động sản. Trong tương lai, một giao dịch bất động sản mua bán sẽ rút ngắn lại từ 3 - 6 tháng xuống còn 1 - 3 ngày. Thuê và cho thuê sẽ từ 1 - 3 tháng xuống còn 1 - 3 giờ. Có thể nói, 26 nền tảng công nghệ bất động sản của Meey Land là 26 sản phẩm số sẽ giúp cho thị trường bất động sản trở nên minh bạch và hoạt động hiệu quả, ổn định hơn. Chúng tôi ưu tiên sản phẩm hỗ trợ tối đa cho nhà môi giới, gia tăng lợi ích tối đa cho các chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản, đem đến hiệu quả tối ưu cho khách hàng chính chủ và nhà đầu tư cá nhân. Bên cạnh đó, chúng tôi phục vụ khách hàng ngân hàng trong việc cung cấp các nền tảng định giá, tra cứu quy hoạch và thúc đẩy bán các tài sản phát mãi, kết nối khách hàng vay tín dụng bất động sản.
Tóm lại, ứng dụng các giải pháp công nghệ giúp làm giảm tối đa những “nỗi đau” của thị trường, đem đến sân chơi công bằng và win - win cho tất cả các khách hàng.
PV: Về định hướng mở rộng hợp tác với một số đơn vị viễn thông, cơ quan Nhà nước ông vừa nói, xin ông cho biết, tại sao giai đoạn này Meey Land lại chú trọng thúc đẩy sự hợp tác này?
Ông Hoàng Mai Chung: Nội dung hợp tác với đơn vị viễn thông Nhà nước bao gồm các hạng mục: Hệ thống bản đồ số có cơ chế cập nhật dữ liệu theo yêu cầu; cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (kết nối qua kênh chuyên ngành trong việc xác thực và định danh điện tử); kết nối dữ liệu quốc gia về đất đai, tài chính, doanh nghiệp; tra cứu sổ đỏ, sổ hồng trực tuyến, sàn đấu giá bất động sản, ví điện tử, hệ thống tổng đài, tour ảo cho sản phẩm địa ốc…
Việc gia tăng hợp tác nhằm xây dựng các nền tảng số phục vụ cho lĩnh vực công nghệ bất động sản. Bên cạnh đó, việc hợp tác này không chỉ vì phù hợp và thúc đẩy Meey Land hoàn thành được sứ mệnh, tầm nhìn nhanh hơn mà còn cùng nhau làm giàu kho dữ liệu quốc gia để cơ sở dữ liệu sẽ luôn “sống” theo thời gian thực (realtime) nhằm đem lại nhiều giá trị hơn cho các tổ chức, cá nhân và cơ quan quản lý Nhà nước trong chỉ đạo, điều hành.
Cơ hội cho doanh nghiệp proptech
PV: Để sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành “kỳ lân” công nghệ và sứ mệnh tiên phong chuyển đổi số cho bất động sản, xin ông chia sẻ những chiến lược phát triển mà doanh nghiệp đang hoạch định để triển khai trong thời gian tới?
Ông Hoàng Mai Chung: Với sứ mệnh, tầm nhìn lớn nên chúng tôi cần rất nhiều nguồn lực để phát triển, trong đó có nguồn lực về tài chính. Bên cạnh việc phát triển doanh nghiệp theo cơ chế thị trường truyền thống thì chúng tôi đi theo cơ chế vốn, tức là, song song với việc phát triển sản phẩm và đưa được sản phẩm ra thị trường để có được dòng doanh thu lợi nhuận thì chúng tôi luôn tìm kiếm các nguồn vốn từ cộng đồng, các nhà đầu tư quỹ, các tổ chức tài chính và hướng tới niêm yết trên thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế. Với lộ trình tài chính rõ ràng, chúng tôi có nguồn lực để xây dựng hệ thống vận hành, tập hợp được đội ngũ nhân tài, tạo được sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và thực hiện marketing, kinh doanh hiệu quả. Bên cạnh đó Meey Land luôn tìm kiếm các đối tác chiến lược về việc phát triển sản phẩm công nghệ, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế (đầu ra), thu hút nhân tài và các đối tác nguồn vốn.
PV: Ông đánh giá như thế nào về cơ hội của các doanh nghiệp proptech trong tương lai gần? Đối với thị trường bất động sản, theo ông, năm 2023, khả năng minh bạch hóa thị trường thông qua chuyển đổi số có được cải thiện?
Ông Hoàng Mai Chung: Cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước về việc tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì tôi tin chắc các doanh nghiệp công nghệ số nói chung và proptech nói riêng sẽ có cơ hội tốt để phát triển. Việc minh bạch hóa thị trường là một lộ trình phát triển mà các doanh nghiệp công nghệ bất động sản còn phải đầu tư nhiều nguồn lực để theo đuổi, song song với phát triển sản phẩm là phát triển dữ liệu liên tục. Việc này đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và tiền bạc.
Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh lại, để tăng tính minh bạch trên thị trường thì sẽ không có giải pháp nào tốt hơn việc ứng dụng công nghệ số cho thị trường bất động sản. Công nghệ số là công cụ, phương tiện rất hữu hiệu bởi thông qua trải nghiệm số của khách hàng, hệ thống máy chủ sẽ cập nhật được các nhu cầu, hành vi và các thông tin về quy hoạch, dự án trên thị trường để từ đó rút ra được những báo cáo cụ thể, chính xác nhất. Từ đó, các chủ thể trên thị trường có thể nắm bắt được tại thời điểm này, khu vực này có giá bao nhiêu, khu vực kia có thanh khoản ra sao, thời điểm trước đó giá cao hay thấp hơn, trong tương lai giá sẽ ra sao. Hay tại dự án đó, pháp lý có đảm bảo hay không, giao dịch thực tế đang như thế nào?
Và các nhu cầu tìm kiếm nhà ở, nhu cầu đầu tư sẽ được thể hiện một cách rõ ràng nhất… Trên cơ sở đó thì người dân, nhà đầu tư sẽ không bị ảnh hưởng bởi các thông tin đồn thổi thất thiệt được lan truyền trên thị trường. Các hiện tượng thổi giá, hiệu ứng sốt ảo làm giá đất biến động lên xuống trên thị trường sẽ dần được hạn chế.
Meey Land đang tối ưu hóa các nền tảng công nghệ cho thị trường bất động sản và trong từng giai đoạn sẽ giúp thị trường bất động sản giải quyết được các bài toán, các vấn đề ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững mà từ trước đến nay chưa có lời giải.
Khi hệ hống thông tin trên thị trường bất động sản được cập nhật một cách đầy đủ, chính xác, minh bạch qua nền tảng công nghệ, mọi hoạt động đầu tư sẽ được dựa trên các số liệu phân tích và thực tế trực quan hay vì đầu tư theo đám đông, theo các thông tin đồn thổi trên mạng xã hội.
PV: Có thể nói, ứng dụng công nghệ là xu hướng tất yếu. Không thể không chuyển đổi số nếu muốn phát triển thị trường một cách bền vững. Nhưng chắc hẳn hành trình này sẽ còn nhiều khó khăn để đi đến đích?
Ông Hoàng Mai Chung: Đúng vậy, chuyển đổi số là một xu thế. Chính phủ cũng đang thúc đẩy phát triển toàn diện nền kinh tế số để hướng tới một quốc gia phát triển, có thu nhập cao. Chưa khi nào hoạt động về chuyển đổi số lại trở nên phù hợp và cấp thiết như lúc này. Nhưng để có thể thực hiện được, thì trước hết phải thay đổi nhận thức của người dân và doanh nghiệp về tầm quan trọng của công nghệ số. Các doanh nghiệp, chủ đầu tư bất động sản cần chủ động và tích cực hơn trong việc thực hiện chuyển đổi số cho các doanh nghiệp mình.
Để không lãng phí thời gian và gia tăng hiệu quả chuyển đổi số, các doanh nghiệp bất động sản cần kết nối với những doanh nghiệp có năng lực công nghệ số bởi các doanh nghiệp công nghệ đã có nền tảng, có nhân lực và hệ thống để có thể giúp các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ vào quản trị, kinh doanh, đầu tư một cách nhanh hơn, tiết kiệm chi phí hơn.
Trong bối cảnh hiện tại, công nghệ được cho là yếu tố chủ chốt tạo nên sự khác biệt và thành công cho mô hình kinh doanh bất động sản tại Việt Nam. Vì vậy, có thể khẳng định doanh nghiệp bất động sản làm chủ được công nghệ sẽ có cơ hội vàng để bứt phá và làm chủ thị trường./.
PV: Xin cảm ơn ông!