Aa

Doanh nghiệp bất động sản gồng mình trước "bão" Covid-19

Thứ Bảy, 14/03/2020 - 16:32

Nền kinh tế chung đang chịu những ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19, trong số đó, bất động sản cũng phải gánh những áp lực tăng gấp bội khi thị trường này vốn dĩ đã có dấu hiệu suy giảm kể từ 2019.

Khác cơn bão số 1, cơn bão số 2,... đều được dự báo trước và có những phương án phòng chống kịp thời, "cơn bão" mang tên Covid-19 đến bất ngờ, không có bất kỳ dự báo nào, khiến nền y tế toàn cầu trở tay không kịp và kinh tế cũng vậy, dù với sức vóc nào, từ cường quốc cho tới những quốc gia đang trong đà phát triển, đều gặp một trận "ốm" đến suy nhược.

Khi mới xuất hiện, Covid-19 không nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia phương tây, đa phần đều chẹp miệng thờ ơ cho rằng chúng chẳng nguy hiểm gì đâu, đơn giản như một loại virus cúm. Để rồi nay, hàng loạt quốc gia phải ban bố tình trạng khẩn cấp, những tên tuổi sừng sỏ đã phải ra quyết định mở rộng lệnh phong tỏa, thậm chí trên toàn quốc, bởi sức tác động khủng khiếp của loại virus này.

Thật may mắn, khi Việt Nam đã chủ động ngay từ bước đầu và Chính phủ đã có những phương án cũng như đường lối quyết liệt để ngăn chặn dịch bệnh. Nhưng dù vậy, Covid-19 vẫn là nỗi ám ảnh khó quên với hầu hết doanh nghiệp Việt trong thời điểm này khi hoạt động kinh doanh đình trệ, du lịch tuột dốc bởi sự sụt giảm cả từ khách ngoại quốc đến khách trong nước. Có những doanh nghiệp vốn đã yếu ớt, nay chỉ một làn gió nhẹ thôi, e rằng sẽ đổ gục.

Trong báo cáo mới đây nhất, CBRE nhận định đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng tiêu cực cho nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo các chuyên gia, gần như toàn bộ các loại hình bất động sản chính đều đang chịu thiệt hại đáng kể do dịch bệnh trong hơn 2 tháng qua. Do đó, nhóm nghiên cứu này đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của khu vực châu Á - Thái Bình Dương xuống còn 4% trong năm 2020, giảm 0,2%.

Nền kinh tế Việt Nam nói chung đang chịu những ảnh hưởng nặng nề, và trong số đó, bất động sản cũng phải gánh những áp lực tăng gấp bội khi vốn dĩ thị trường này đã có dấu hiệu suy giảm kể từ 2019 bởi những vướng mắc từ pháp lý và thủ tục hành chính. Và từ đầu năm tới nay, Covid-19 như một giọt nước tràn ly khiến thị trường giảm sút, doanh nghiệp điêu đứng.

Những thiệt hại không tưởng, khó lòng đong đếm

Sáng 12/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc để trực tiếp lắng nghe đại diện một số doanh nghiệp tư nhân chia sẻ về tình hình khó khăn do Covid-19 cũng như hiến kế thúc đẩy phát triển kinh tế.

Tại đây, Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga đã công bố những con số "không tưởng" khi mà chỉ tính từ cuối tháng 1 đến nay, ước tính thiệt hại ở mảng kinh doanh khách sạn của Tập đoàn này lên tới 100 tỷ đồng với 12.000 phòng đã bị hủy, thiệt hại ở mảng kinh doanh sân golf là 11 tỷ đồng.

Trong khi đó, Tập đoàn Sun Group đang phải đối mặt với tình trạng hàng loạt khu nghỉ dưỡng, công viên giải trí “vắng như chùa bà đanh”, khách du lịch giảm tới 2 triệu lượt và có thể sau nửa đầu năm, lượng khách giảm sẽ lên tới con số 7 triệu. Với việc mảng kinh doanh này chiếm tới 70% doanh thu, thiệt hại dự kiến của Sun Group trong 2020 là khoảng 1.200 tỷ đồng.

Cụ thể hơn, đại diện Sun Group cho hay, tỷ lệ lấp đầy phòng cho phân khúc khách sạn cấp cao của tập đoàn này đã giảm mạnh, chỉ đạt khoảng 10% đến 20%. Khách từ thị trường Hàn Quốc sụt giảm 100%, các thị trường khác giảm từ 60 - 80%, song song với đó thị trường trong nước cũng sụt giảm nghiêm trọng. Thêm vào đó, các điểm kinh doanh của Sun Group ở Quảng Ninh cũng đã phải đóng cửa do lệnh đóng cửa của UBND tỉnh, điều này làm tăng thêm con số âm về doanh thu của Tập đoàn.

Trước tình hình đó, Sun Group đã phải lùi tiến độ khai trương một số khách sạn; đóng cửa tạm thời một số khách sạn để bảo đảm an toàn; 30% số cán bộ, nhân viên phải bố trí nghỉ luân phiên, thu nhập và đời sống người lao động bị ảnh hưởng nặng nề.

Khách du lịch vắng vẻ kéo theo sự sụt giảm doanh thu của hàng loạt ngành hàng

Dù cần phải nhìn thấy "cơ" trong "nguy", nhưng bức tranh tổng thể của nền kinh tế cho thấy, doanh nghiệp bất động sản nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam nói chung đang vô cùng khó khăn. Lạc quan đến thế nào thì doanh nghiệp cũng khó lòng "khỏe" ngay được khi những tác động của dịch bệnh đang hiển hiện.

Đơn cử như với thị trường bất động sản TP.HCM, 2019 vốn là một năm khó khăn. Bước sang năm 2020, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đang ấp ủ hy vọng một cơ hội mới với sự khơi thông của chính sách cũng như tác động tích cực khác sẽ giúp thị trường biến chuyển, thì dịch bệnh ập đến khiến thị trường "đóng băng" đột ngột. 

Đáng nói trong số đó là các sàn môi giới, với đặc thù gặp mặt, tư vấn trực tiếp khách hàng, tổ chức bán hàng tập trung đông người, nhưng trong tình thế hiện nay thì các hoạt động cũng bị hạn chế. Chính vì vậy, không ít sàn giao dịch và công ty môi giới trên cả nước phải tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng.

Không chỉ các sàn môi giới nhỏ lẻ, dịch bệnh Covid-19 cũng đang phá vỡ nhiều dự định của các chủ đầu tư bất động sản lớn. Hầu hết các doanh nghiệp bất động sản lớn tại TP.HCM đã có kế hoạch tung sản phẩm trong năm nay cũng đang trong tình trạng "án binh bất động". Một số công ty lớn "cầm hơi" bằng các hoạt động chào bán giai đoạn tiếp theo của dự án cũ hoặc mua đi bán lại.

“Công ty đã dời hoặc hủy nhiều kế hoạch bán hàng tập trung vì khó kêu gọi khách hàng tham dự. Hiện tất cả các kế hoạch kinh doanh đều phải hoãn lại hết, rất khó khăn”, ông Trần Hiếu, Phó Tổng giám đốc Công ty DKRA chia sẻ.

Môi giới bất động sản nghỉ Tết dài hơi...

Giãn, hoãn nộp thuế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi

Trước những khó khăn chung của doanh nghiệp, Chính phủ đã có đưa ra gói tín dụng 250.000 tỷ đồng, gói tài khóa 30.000 tỷ đồng để giúp doanh nghiệp vượt qua Covid-19. Tại buổi làm việc ngày 12/3 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ có một chương trình hỗ trợ doanh nghiệp toàn diện, tổng thể về thuế, phí, bảo hiểm... với những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề. Một chương trình phục hồi kinh tế toàn diện sau dịch bệnh cũng được Chính phủ lên kịch bản. 

Về phía doanh nghiệp, Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga ghi nhận phương án cho giãn, hoãn nộp thuế giá trị gia tăng dự kiến với thời hạn 5 tháng của Bộ Tài chính, tuy nhiên, vị này cho rằng nếu tăng thời gian nộp chậm lên 9 tháng đến 1 năm sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp. Về thời gian gia hạn nộp tiền thuê đất, đại diện BRG cũng kiến nghị tăng từ 5 tháng lên 12 tháng để giúp doanh nghiệp có thời gian phục hồi.

Đại diện Tập đoàn FLC thì nêu ý kiến, mỗi ngành nghề sẽ cần sự hỗ trợ khác nhau và những định hướng khác nhau trong giai đoạn này cũng như giai đoạn phát triển sau khi hết dịch. Về dự thảo của Bộ Tài chính, đại diện FLC cho rằng dự thảo này ra đời khi tầm ảnh hưởng của Covid-19 với Việt Nam chưa lớn so với hiện tại, do đó, đề nghị Bộ Tài chính tổ chức họp, nghe ý kiến doanh nghiệp và sàng lọc ý kiến để nhanh chóng thực hiện.

Bổ sung thêm, đại diện FLC cho hay, bất động sản là ngành chịu ảnh hưởng rất lớn từ dịch, bởi vậy, cần sớm giải quyết các vấn đề mắc mớ, chưa thống nhất giữa Trung ương và địa phương. Đồng thời, hy vọng có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho bất động sản. 

Một điểm đáng lưu ý là hầu hết các lãnh đạo tập đoàn kinh tế tư nhân có mặt tại buổi làm việc đều kiến nghị cần sớm sửa đổi khoản 3 Ðiều 8 Nghị định 20/2017/NÐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, nhất là việc hồi tố với các doanh nghiệp đã tuân thủ Nghị định từ năm 2017 để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp có nguồn lực phục hồi...

Tín dụng ưu đãi sẽ là liều thuốc bổ

Đánh giá sự quan trọng của dòng vốn trong thời điểm này đối với doanh nghiệp, Chủ tịch Tập đoàn BRG kiến nghị Chính phủ áp dụng tín dụng ưu đãi và cho vay các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng trọng điểm với mức 0% để kích cầu xuất khẩu; áp dụng các gói tín dụng tiêu dùng kích cầu trong nước, để thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Về vốn vay, đại diện BRG đề nghị ngân hàng cơ cấu lại các khoản nợ, giãn nợ từ 1 - 3 năm bởi thực sự, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp có sức khỏe khá còn có thể trụ vững chứ doanh nghiệp có sức khỏe trung bình trở xuống thì điều này e rằng rất khó. 

Là một doanh nghiệp đầu tư đa ngành, lãnh đạo Tập đoàn FLC kiến nghị Chính phủ quan tâm, ưu đãi đối với các dự án đầu tư bất động sản du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn hơn 10 nghìn tỷ đồng; thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng.

Đại diện Tập đoàn này đánh giá, về ưu đãi vốn, đang sửa luật đầu tư, đây là công cụ tốt để hỗ trợ phát triển kinh tế, nhưng kiến nghị thêm là hiện nay Luật Đầu tư chưa có điều nào xếp các dự án du lịch được ưu đãi đầu tư, mong được Chính phủ quan tâm vấn đề này, nhất là các dự án đầu tư du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn, có vốn trên 10.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp này khẳng định, chuẩn bị sẵn sàng tâm thế để ngay sau khi dịch kết thúc thì phát triển mạnh hơn, bù đắp lại thiệt hại kinh tế do dịch gây ra, như lò xo bị nén lại, nay bật lên.

Doanh nghiệp bất động sản rất cần 1 "liều thuốc bổ" để vững vàng trở lại

Kích cầu du lịch ngay khi hết dịch

Sau những khó khăn và sự hỗ trợ từ Chính phủ, các doanh nghiệp đều kỳ vọng sẽ có những động lực để bật lên sau khi dịch bệnh được đẩy lùi.

Theo đó, lãnh đạo Tập đoàn BRG kiến nghị áp dụng các cơ chế phê duyệt đặc biệt và giải quyết nhanh chóng các thủ tục về thuê đất phát triển du lịch, trong lúc vắng khách, du lịch có thể đi xuống, nhưng dự án vẫn phải đạt tiến độ xây dựng để các doanh nghiệp đang có thực lực vẫn có thể xây khách sạn, dự án... và khi hết dịch sẽ kịp thời phục vụ nền kinh tế. Đây chính là vấn đề nằm giữa nguy và cơ, để kích hoạt những năng lực sau dịch, cũng là để thu hút vốn FDI vào Việt Nam.

Với sức đầu tư lớn vào phát triển du lịch và chịu những tác động không nhỏ từ dịch bệnh Covid-19, Tập đoàn Sun Group kiến nghị Chính phủ có chiến dịch kích cầu, đặc biệt là kích cầu du lịch trong nước.

Ngay sau khi hết dịch, Tập đoàn này hy vọng Chính phủ có thể linh hoạt các thủ tục cấp thị thực tại cửa khẩu, đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực và tiếp tục miễn thị thực rộng hơn. Song song với đó, có các ưu đãi miễn giảm vé 3 - 6 tháng để kích cầu du lịch, cho phép các doanh nghiệp tư nhân mở thêm các chuyến bay quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng nhiều hơn các kênh quảng cáo để kích cầu du lịch. 

Trước đó, trong bối cảnh khó khăn của thị trường, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cũng đã có nhiều kiến nghị gửi Chính phủ và các bộ ngành cần có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch VNREA cho rằng, ngành ngân hàng cần có phương án giảm lãi suất đối với hợp đồng vay đầu tư cho dự án kinh doanh các sản phẩm căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú… Như giảm 50% lãi suất trong thời gian diễn ra dịch và 30% lãi suất cho thời gian 1 năm sau khi dịch bệnh được kiểm soát, xem xét cơ cấu thời hạn trả nợ, hoãn, giãn nợ cho doanh nghiệp. 

Ngoài ra, Chính phủ nên xem xét các giải pháp về chính sách thuế hỗ trợ ngành kinh doanh như: Giãn thời gian nộp các nghĩa vụ thuế vào ngân sách 6 tháng đối với mỗi kỳ nộp sau 1 năm dịch bệnh được kiểm soát; miễn tiền phạt chậm nộp khi doanh nghiệp đã nộp đủ thuế; giãn tiến độ nộp tiền thuê đất sau khi dịch được kiểm soát, giảm thuế GTGT và lùi thời gian nộp thuế.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top