Aa

Mở cửa thị trường để doanh nghiệp tự cứu mình và tăng sức bật “lò xo” kinh tế

Nguyên Hà
Nguyên Hà lienlien.media@gmail.com
Thứ Hai, 27/09/2021 - 06:00

Cộng đồng doanh nghiệp đã nêu kiến nghị với Chính phủ để có những giải pháp cấp bách giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, vượt qua khủng hoảng Covid-19 tại buổi họp trực tuyến với Thủ tướng diễn ra ngày 26/9.

Cộng đồng doanh nghiệp mong mỏi sớm được mở cửa thị trường, quay trở lại xuất kinh doanh

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM cho biết, qua khảo sát nhanh đầu tháng 9/2021, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM nhận thấy có đến 40% doanh nghiệp được hỏi cho biết chỉ còn đủ nguồn lực hoạt động trong 1 tháng. 

Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, cùng chung bối cảnh với thế giới, nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp ở Việt Nam đang trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Các mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước, của các doanh nghiệp đang phải đối mặt với những thách thức lớn chưa từng có. Hơn lúc nào hết, cộng đồng doanh nghiệp rất cần sự tiếp sức và đồng hành của Chính phủ để vượt qua thời khắc cam go này.Trong suốt thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã có ý kiến về việc được phép tự chủ trong công tác chống dịch.

Hội nghị Thủ tướng gặp mặt doanh nghiệp
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp diễn ra ngày 26/9.

Nêu kiến nghị với Thủ tướng, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐTQ Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) cho biết, hiện nay, chống dịch và duy trì sản xuất là hai vấn đề cực kỳ quan trọng với các doanh nghiệp. Theo đó, miễn dịch cộng đồng được coi là “pháo đài” chống dịch cho doanh nghiệp và cần được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương. Doanh nghiệp đăng ký mục tiêu đảm bảo sản xuất kinh doanh, cùng chống dịch sẽ sẵn sàng nhận trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, Phó Chủ tịch thường trực Hội Doanh nhân tư nhân,  Phó Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam cũng cho hay, cộng đồng doanh nghiệp rất vui mừng khi mới ngày 25/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết Ban Chỉ đạo đã thống nhất chuyển chủ trương từ “Không Covid-19” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19” vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục, phát triển kinh tế, xã hội, phấn đấu tới ngày 30/9/2021 trở lại trạng thái bình thường mới.

Theo bà Nga, với đặc thù hoạt động kinh doanh đa ngành, Tập đoàn BRG cũng phải chịu ảnh hưởng vô cùng nặng nề. Đặc biệt là đối với các lĩnh vực kinh doanh trọng yếu của Tập đoàn như du lịch, khách sạn, sân golf, dịch vụ, xuất nhập khẩu... đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn hưởng ứng tích cực và ủng hộ các địa phương trong cả nước chống dịch. Cộng đồng doanh nghiệp đều mong mỏi có thể nhanh chóng trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh trong một điều kiện “bình thường mới”, bà Nga khẳng định.

Bà Nguyễn Thị Nga
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch BRG.

Chủ tịch BRG mong muốn, các điều kiện “bình thường mới” trong bối cảnh “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19” cần được triển khai nhanh chóng và nhất quán, tránh tình trạng hiểu chưa đúng, chưa đủ nhằm sớm đưa trở lại các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đặc biệt những lĩnh vực sử dụng nhiều lao động.

Bà Nga cũng đề xuất gắn trách nhiệm của chủ đầu tư hay người đứng đầu các đơn vị thi công các công trình tuân thủ theo nguyên tắc 5K để tiếp tục triển khai thi công vì từ đây sẽ kéo theo công ăn việc làm cho nhiều ngành liên quan như nguyên vật liệu, sản xuất, thi công….

Đối với các doanh nhân nữ lãnh đạo và sử dụng nhiều lao động nữ, cần được quan tâm đặc biệt nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nữ trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Bà Đỗ Thị Thùy Hương, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) cũng nhìn nhận, không ai hiểu doanh nghiệp bằng chính doanh nghiệp đó. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, bản thân doanh nghiệp sẽ phải biết cách tạo ra vùng an toàn để hoạt động. Vì vậy, không nên xem doanh nghiệp là đối tượng bị kiểm soát mà phải xem họ là lực lượng tham gia phòng chống dịch. Từ đó, cần bỏ bớt các giải pháp quản lý quá cứng nhắc.

“Nên để doanh nghiệp tự chủ sản xuất, chủ động đăng ký và chịu trách nhiệm với hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa của mình. Ngoài các cơ sở được phép tiêm chủng hiện nay, hãy để phòng khám tư nhân tham gia tiêm chủng, các doanh nghiệp sẵn sàng trả phí. Như thế giảm bớt áp lực cho lực lượng y tế nhà nước và cũng giảm bớt áp lực tài chính cho Nhà nước”, bà Hương đề xuất.

Liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco cũng khẳng định, nếu không “mở cửa” thị trường và sản xuất thì sẽ không chết vì Covid-19 mà chết vì đói nghèo khi có rất nhiều đối tượng bị tổn thương, không có đủ điều kiện tối thiểu. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp kéo dài, các địa phương áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để chống dịch cũng đồng thời làm đứt gãy chuỗi cung ứng, lưu thông khiến khan hiếm nguyên vật liệu đẩy giá vốn tăng cao, hàng hóa khiến tồn đọng kéo dài, không bán được hàng.

Nếu kéo dài tình trạng như hiện nay thì rất nhiều doanh nghiệp có thể không tồn tại được và cũng không ngân sách nào có thể hỗ trợ mãi được, chỉ có thể mở cửa, mở cửa từng bước”, ông Vũ Văn Tiền, nhận định.

Ông Vũ Văn Tiền
Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco.

Cần những gói hỗ trợ đặc thù cho doanh nghiệp

Dẫn chứng cụ thể đối với chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tái vận hành trong bối cảnh "bình thường mới” hiện nay, doanh nhân Vũ Văn Tiền cho rằng các cơ chế chính sách tháo gỡ là rất quan trọng với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

“Các chính sách cần có sự đặc thù để xử lý dứt điểm những tồn tại bấy lâu nay, chẳng hạn như chính sách về phát triển nhà ở xã hội vốn chưa hiệu quả, còn nhiều xin - cho thì phía Bộ Kế hoạch & Đầu tư nên là cơ quan làm đầu mối có cơ chế phân cấp, phân quyền cụ thể, không thể việc gì khó cũng lại đẩy lên Thủ tướng”, doanh nhân Vũ Văn Tiền nêu ý kiến.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG đề nghị Chính phủ cần có gói hỗ trợ đặc thù riêng cho lĩnh vực dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch, đặc biệt là về tài chính. "Các khách sạn hiện tại của chúng tôi đang phải đóng cửa kéo dài trong khi vẫn phải duy trì chi phí cho điều kiện tối thiểu của hệ thống", bà Nga nói. 

Theo đó, vị lãnh đạo doanh nghiệp nhấn mạnh lại lời Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thủ tướng với Doanh nghiệp lần trước, rằng “đây là thời điểm “lửa thử vàng - gian nan thử sức”, để cộng đồng doanh nghiệp cùng nhau đoàn kết, sẻ chia, chung vai sát cánh vượt qua khó khăn, nắm bắt cơ hội để phát triển doanh nghiệp và góp phần phát triển đất nước.

Doanh-nghiep-can-chinh-sach-ho-tro
Doanh nghiệp đang rất cần hỗ trợ để đủ sức mạnh vượt qua những khó khăn do dịch bệnh. 

Chủ tịch BRG khẳng định, các doanh nghiệp sẽ nỗ lực hết mình để thực hiện lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc họp với Ban cán sự đảng Chính phủ ngày 17/9 vừa qua là “Nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, quyết tâm nỗ lực cao nhất trong công tác phòng chống dịch bệnh và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội”.

“Cộng đồng doanh nghiệp đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực không ngừng, tham gia đóng góp, đồng hành với các chương trình phát động của Chính phủ và của các cơ quan quản lý nhà nước”, bà Nga khẳng định.

Với 22.000 cán bộ nhân viên,  trong đó 60% là các cán bộ nhân viên nữ, Tập đoàn BRG và SeaBank đề xuất, trong lĩnh vực đầu tư bất động sản, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, để tạo hành lang pháp lý tốt hơn, đồng bộ hơn, thông thoáng hơn, đặc biệt ở mảng bất động sản vì đây là ngành cần một lượng vốn lớn, thời gian triển khai lâu nên bên cạnh các biện pháp hỗ trợ về thuế, cần đẩy nhanh tốc độ xử lý và giải quyết các thủ tục hành chính, các quy trình, quy định pháp luật.

Trong lĩnh vực ngân hàng, đề xuất tiếp tục có những chỉ đạo sâu sát và thiết thực hơn nữa để các ngân hàng luôn có những hỗ trợ kịp thời và thực chất cho cộng đồng doanh nghiệp. Thời gian qua, tuân thủ các định hướng chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, việc các ngân hàng giảm lãi suất cho vay đã góp phần chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp niềm tin để sẵn sàng đồng cam cộng khổ vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Ông Trần Bá Dương
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco.

“Với quyết tâm của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, sự đồng lòng của toàn dân, và đặc biệt 4 chữ Tâm - Tài - Trí - Tín mà Thủ tướng đã dành tặng cộng đồng doanh nghiệp, tôi tin Việt Nam chúng ta sẽ đạt được thắng lợi, phòng chống dịch thành công, duy trì tốt hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời nạp năng lượng, tạo hiệu năng để “lò xo” kinh tế xã hội bật mạnh, tăng trưởng và đạt mục tiêu”, bà Nga nhấn mạnh.

Còn ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco đề xuất, Chính phủ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp nhận tài trợ chống dịch thì được miễn thuế giá trị gia tăng. Thực tế, trong doanh nghiệp đã có phương pháp phân loại lao động và đảm bảo sức khỏe cho các tuyến đầu sản xuất, tiêu biểu tại tỉnh An Giang đã có sự linh hoạt cho doanh nghiệp tự chủ test nhanh kháng nguyên Covid-19, được phép nhập khẩu dụng cụ test nhanh.

Chủ tịch Thaco cũng nêu lên thực trạng về sức mua trên thị trường sụt giảm đáng kể do tác động của dịch bệnh. Doanh nghiệp bị hạn chế nguồn thu nhưng vẫn phải bỏ ra các chi phí cố định, dẫn đến thâm hụt dòng tiền. Vì vậy, các doanh nghiệp cần được miễn hoặc giảm thuế trong thời gian chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.

Ông Trần Bá Dương cho biết, đến nay các doanh nghiệp đang dần mở cửa hoạt động trở lại,  công nhân viên cũng từng bước yên tâm làm việc khi đã được tiêm 1 đến 2 mũi vắc-xin. Doanh nghiệp cần những chính sách hỗ trợ để tái vận hành trong bối cảnh “bình thường mới” hiện nay./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top