Aa

Doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng đột biến, nhưng mới chỉ là phần nổi của tảng băng

Ngọc Quang
Ngọc Quang ngocquangbc@gmail.com
Thứ Sáu, 02/06/2023 - 06:12

Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo lắng khi có rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang vùng vẫy trong tứ bề khó khăn bởi thiếu đơn hàng, thiếu thị trường, thiếu vốn, lãi suất cao, chuỗi cung ứng chưa phục hồi.

Cần hỗ trợ thiết thực hơn cho cộng đồng doanh nghiệp nội địa

Đại biểu Trần Thị Hiền (đoàn Hà Nam) dẫn báo cáo của Chính phủ, 4 tháng đầu năm, nếu bình quân mỗi tháng có khoảng 19,9 nghìn doanh nghiệp gia nhập thị trường, bao gồm thành lập mới và quay trở lại hoạt động thì cũng có tới 19,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, bao gồm tạm ngừng kinh doanh và làm thủ tục giải thể. Tính chung 4 tháng có 78,9 nghìn doanh nghiệp gia nhập thị trường, đồng thời cũng có 77.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong số đó có khoảng 27.000 doanh nghiệp, khoảng 35% đã và đang làm thủ tục giải thể.

Từ những số liệu này, đại biểu Trần Thị Hiền nêu một số yếu tố bất thường rất đáng quan tâm về tình hình hoạt động của doanh nghiệp:

Điều bất thường thứ nhất, đó là số doanh nghiệp gia nhập thị trường và số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tương đương nhau. Đây là điều chưa từng thấy, theo dõi số liệu thống kê từ năm 2020, khi Quốc hội sửa Luật Doanh nghiệp đến nay thì hàng năm số doanh nghiệp gia nhập thị trường luôn cao hơn rất nhiều so với số doanh nghiệp rời khỏi thị trường.

Điều bất thường thứ hai, con số bình quân 19,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường mỗi tháng có thể nói là một mức tăng đột biến, nếu so sánh với mức bình quân 11,9 nghìn doanh nghiệp vào năm 2022, 10.000 vào năm 2021, 8,5 nghìn vào năm 2020, 6000 vào năm 1999.

Điều bất thường thứ ba, đó là điều này xảy ra ngay từ những tháng đầu năm, là thời điểm thông thường doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh đầu tư sản xuất, kinh doanh, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước và xu hướng này có thể diễn biến phức tạp hơn trong thời gian tới như đánh giá trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Mặc dù từ cuối năm 2022, Chính phủ đã nỗ lực chỉ đạo thực hiện nhiều chính sách, giải pháp để gỡ khó, tăng cường khả năng chống chịu cho doanh nghiệp nhưng mức độ tác động và hiệu quả dường như chưa được như kỳ vọng.

“Rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang vùng vẫy trong tứ bề khó khăn bởi thiếu đơn hàng, thiếu thị trường, thiếu vốn, lãi suất cao, chuỗi cung ứng chưa phục hồi, thông suốt. Vẫn biết rằng, việc thành đập hay giải thể doanh nghiệp là chuyện bình thường trong vận hành kinh tế thị trường, tuy nhiên sự gia tăng đột biến đến mức bất thường, số doanh nghiệp rời khỏi thị trường cần được Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo đánh giá, phân tích thấu đáo hơn để nhận diện rõ ràng, chính xác thực trạng của doanh nghiệp rút khỏi thị trường ở loại hình nào, lĩnh vực gì, quy mô vốn và nhân lực ra sao, nguyên nhân ngừng hoạt động.

Cần chú trọng đánh giá những nguyên nhân chủ quan liên quan đến trách nhiệm tổ chức thực hiện các chính sách, giải pháp về phục hồi, phát triển kinh tế, xem như cơ hội để có những giải pháp thực tế hơn, hỗ trợ thiết thực hơn cho cộng đồng doanh nghiệp nội địa để nuôi dưỡng trợ lực và phát triển kinh tế tư nhân”, bà Hiền phân tích.

đại biểu quốc hội trần thị hiền
Đại biểu Trần Thị Hiền: "Rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang vùng vẫy trong tứ bề khó khăn". Ảnh: quochoi.vn

Theo đại biểu Trần Thị Hiền, cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ rất mong Quốc hội, Chính phủ quan tâm một số kiến nghị sau:

Thứ nhất, trong bối cảnh một nền kinh tế có độ mở lớn, đối mặt với những biến động khó lường, những khó khăn chưa từng có trong tiền lệ đã đến lúc cần nghiên cứu để có những chính sách ưu đãi căn cơ hơn nữa về thuế thu nhập, tiền sử dụng đất thay cho những chính sách hỗ trợ mang tính tạm thời, chưa đủ độ tạo đà phục hồi cho doanh nghiệp.

"Cách đây một tuần, ngày 24/5 Thủ tướng vừa ban hành Chỉ thị số 14 về một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài. Tôi cũng mong Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ sớm có những chỉ đạo sâu sắc, chia sẻ và hỗ trợ thiết thực đối với cộng đồng doanh nghiệp trong nước", đại biểu Hiền bày tỏ.

Thứ hai, hiện nay, theo quy định pháp luật về đất đai, điều kiện giao đất để thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất lúa phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ từ 10 héc-ta trở lên và nghị quyết Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với trường hợp sử dụng 10 héc-ta đất lúa. Để tạo điều kiện thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, chấp thuận thực hiện ủy quyền cho Hội đồng nhân dân tỉnh chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất lúa đối với các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh lớn hơn 10 héc-ta, trên cơ sở tuân thủ kế hoạch sử dụng đất đã được cấp thẩm quyền chấp thuận, đảm bảo nguyên tắc, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan.

Thứ ba, theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, đất đai, môi trường hiện hành, các dự án có sử dụng đất lúa phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM) trước khi triển khai thực hiện dự án. Thực tế, có những dự án ở địa phương có quy mô nhỏ, sử dụng diện tích rất ít đất lúa nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục ĐTM dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện dự án. Thủ tục, trình tự đánh giá ĐTM thông thường mất khoảng 6 tháng.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét quyết định cho phép xác định đối tượng đánh giá ĐTM theo quy mô xây dựng, tính chất công trình, không xác định theo nguồn gốc diện tích sử dụng đất lúa trồng, đồng thời xem xét ủy quyền cho địa phương phê duyệt ĐTM đối với các dự án đầu tư thông thường có sử dụng lớn hơn 10 héc-ta đất lúa, trừ các dự án có ảnh hưởng xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Nợ dây chuyền, nợ vòng quanh, nợ chồng chất, nợ chồng nợ

Đại biểuVũ Tiến Lộc (đoàn TP Hà Nội) nêu nhận định, hiện nay doanh nghiệp Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, doanh nghiệp thành lập mới giảm, doanh nghiệp rút khỏi thị trường thì ngày càng tăng, kéo theo đó là sự ảnh hưởng tới hàng chục triệu người lao động và gia đình của họ. Nhưng số doanh nghiệp rút khỏi thị trường thì mới chỉ là phần nổi của tảng băng, vì các doanh nghiệp đang hoạt động thì cũng đang gặp khó khăn chồng chất và đây chính là phần chìm của tảng băng cần phải đặc biệt quan tâm.

Doanh nghiệp hiện nay đều gặp khó khăn chung, đó là thị trường. Sản xuất hàng ra không bán được và tồn kho gia tăng, thiếu khả năng thanh khoản, nợ dây chuyền, nợ vòng quanh, nợ chồng chất, nợ chồng nợ và tác động dây chuyền ở đây rất lớn.

“Bây giờ giải quyết hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, một trong những biện pháp rất quan trọng là chúng ta dùng chính sách giảm thuế”, ông Lộc nói.

vũ tiến lộc
Đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị áp dụng các chính sách giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Vũ Tiến Lộc nêu thực tế, doanh nghiệp phát triển ở thị trường trong nước và thế giới. Tuy nhiên, thị trường thế giới đang rất khó khan vì các nền kinh tế lớn suy giảm và có thể sẽ rơi vào suy thoái. Xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm đã giảm 11,6% so với cùng kỳ, đây là tình trạng khá nghiêm trọng.

Trong bối cảnh khó khăn, gánh nặng cho tăng trưởng bao giờ cũng đặt lên vai người tiêu dùng trong nước và thị trường trong nước cho nên tác động và kích cầu thị trường trong nước là một giải pháp vô cùng quan trọng. Trong những tháng đầu năm nay, đặc biệt trong tháng 5 mặc dù thị trường có tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 38,3% so với cùng kỳ nhưng vẫn thấp hơn mức tăng 10,3% của 3 tháng đầu năm, như vậy là cũng đang trong xu thế suy giảm.

Ông Lộc phân tích: “Giảm thuế giá trị gia tăng là một giải pháp mà tôi nghĩ là nhằm vào cả hai đối tượng, một là khoan sức dân, làm cho người dân bớt khó khăn và thứ hai là tác động ngay vào thị trường của các doanh nghiệp, cho nên các đại biểu đều nhất trí rất cao là chúng ta nên tiếp tục thực hiện chính sách này.

Về phía ngân sách nhà nước, tôi nghĩ là chúng ta có điều kiện thuận lợi để thực hiện chính sách này, thậm chí là quy mô rộng hơn. Trong thời gian qua, chúng tôi rất hoan nghênh Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thúc đẩy đầu tư công cũng là một cách thúc đẩy thị trường tốt. Ngân hàng nhà nước tôi thấy cũng đã dũng cảm đi ngược chiều với thế giới để thực hiện 3 đợt giảm lãi suất liên tục, đồng thời cho phép các tổ chức tín dụng được thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn nợ cho doanh nghiệp thì cũng giúp giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.

Chúng tôi cũng đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc thực hiện các chính sách giãn, hoãn, giảm thuế cho người dân và doanh nghiệp cũng rất có hiệu quả. Nhưng có thể nói dư địa của chính sách tài chính cho đến nay còn rất là nhiều, vì chúng ta biết lạm phát ở Việt Nam đang giảm nhanh và CPI trong 5 tháng đầu năm chỉ tăng 0,4% so với thời điểm cuối của năm ngoái, cán cân thương mại thặng dư lớn, trong 5 tháng đầu năm thặng dư xuất siêu đến 9,8 tỷ USD, nợ công thì mới ở mức 43,1% thấp hơn nhiều so với mức nợ công là 60% do Quốc hội ấn định. Như vậy, dư địa của chính sách tài khóa tiền tệ rất nhiều, đây chính là cách mà chúng ta cần phải dư địa để chúng ta có thể mở rộng các chính sách tài khóa, tiền tệ để yểm trợ cho nền kinh tế trong thời gian tới.

Chính vì vậy, việc Quốc hội bàn về việc tiếp tục thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong thời gian tới, tôi nghĩ đấy là một chủ trương đúng đắn và có thể phát huy tác dụng ngay. Nhưng còn mức độ giảm và thời hạn như thế nào và phạm vi như thế nào, tôi đề nghị là tiếp tục giảm 2% nhưng cho tất cả các loại hàng hóa, dịch vụ và tôi đề nghị là thời gian ít nhất đến hết năm 2024, ít nhất là 1,5 năm nữa, sau đó chúng ta quy định một số điều kiện để có thể có tự động gia hạn mà không cần phải trình ra Quốc hội. Cách này sẽ giúp cho các doanh nghiệp và giúp cho người dân, có thể nó sẽ thúc đẩy cho thị trường của chúng ta và nó tạo nên một niềm tin đối với thị trường.

Năm 2022 giảm thuế giá trị gia tăng mới chỉ ở giai đoạn kích hoạt mà đã tăng được 20% doanh số. Như vậy, thuế sẽ tăng lên ở đó và sẽ kéo theo các nguồn thu khác tăng lên. Điều này cũng cần phải được tính vào kế hoạch của chúng ta. Như vậy, hoàn toàn có thể mạnh dạn để mở rộng áp dụng thuế giá trị gia tăng cho đến hết năm 2024 và có thể mở rộng khi điều kiện cần thiết”.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (TP Hà Nội): “Một vấn đề chúng tôi thấy cần phải nêu, đó là hiện nay lại phát sinh số nợ đọng xây dựng cơ bản lớn. Việc này vi phạm Luật Đầu tư công và tất cả những chỉ thị để yêu cầu thực hiện xây dựng dự toán năm cũng như nghị quyết của Quốc hội bao giờ cũng lưu ý một nội dung rất quan trọng, đó là tuyệt đối không để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản. Nhưng số liệu nợ đọng xây dựng cơ bản giữa báo cáo của Kiểm toán nhà nước với Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại chưa thống nhất.

Theo báo cáo của Kiểm toán thì số liệu nợ đọng xây dựng cơ bản đến hết năm 2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trên hệ thống thông tin giám sát về đầu tư công chỉ có 4.465 tỷ đồng, chênh lệch rất lớn với số liệu tổng hợp của Kiểm toán nhà nước tại 5 bộ, cơ quan trung ương và 43 địa phương. Tôi tin đây chưa phải là bức tranh tổng thể vì mới chỉ có 5 bộ, cơ quan của Trung ương và 43 địa phương thôi thì số này đã lên đến 23.608 tỷ đồng. Điều này cho thấy là chúng ta theo dõi cũng như tổng hợp số liệu báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để điều hành cũng như báo cáo với Quốc hội là chưa đảm bảo tính xác thực. Đồng thời, chúng tôi rất mong muốn cần phải rà soát kỹ lại số liệu nợ đọng xây dựng cơ bản này, phân tích các nguyên nhân làm phát sinh lớn số nợ đọng xây dựng cơ bản và có phương án xử lý, cũng như làm rõ trách nhiệm đối với những cơ quan, đơn vị, địa phương khi vi phạm hành vi cấm của Luật Đầu tư công (tôi xin nhấn mạnh là trong Luật Đầu tư công ghi là cấm).

Tôi liên tưởng đến số liệu của các doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, nếu năm 2022 có 143.198 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong đó ngành xây dựng có số doanh nghiệp tăng mạnh là 18,8% thì trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải trình ý kiến thảo luận của các đại biểu tại tổ gần đây nhất, tháng 5/2023 tức là vừa mới xong, trong 5 tháng đầu năm 2023 thôi thì số liệu các doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đã 88.000, tức là tăng hơn 77.000 so với số liệu báo cáo chính thức của Chính phủ có cập nhật. Đáng lưu ý là trong này thì riêng ngành xây dựng số doanh nghiệp rút lui đã tăng đến 25,5% và liệu có sự liên hệ đến doanh nghiệp khó khăn trong lĩnh vực xây dựng mà nợ đọng xây dựng cơ bản, tức là khối của cơ quan nhà nước chúng ta nợ của doanh nghiệp trong tổng số chúng ta tạm thời ghi nhận theo số liệu của kiểm toán là 23.608 tỷ này không, để khiến các doanh nghiệp xây dựng đã khó lại càng khó hơn".

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top