Doanh nghiệp xây dựng: Cùng tắc biến, biến tắc thông?

Doanh nghiệp xây dựng: Cùng tắc biến, biến tắc thông?

Hải Thu
Hải Thu thutrinhk96lhp@gmail.com
Thứ Sáu, 21/04/2023 - 06:09

Cổ nhân có câu “Cùng tắc biến, biến tắc thông”, nghĩa là sự việc đi đến tột cùng sẽ làm nảy sinh biến hóa, biến hóa sẽ hanh thông. Thị trường xây dựng hiện nay đang ở trong tình cảnh nguy khốn cực cùng, điều này đã kích hoạt quá trình biến hóa của các doanh nghiệp. Nhưng sự biến hóa đó có giúp các doanh nghiệp vượt qua khúc quanh sinh tử hay không thì vẫn còn là một dấu hỏi lớn.

*****

LTS: Kể từ cuối năm 2022, thị trường bất động sản đi xuống, nhiều dự án bị đình trệ dẫn tới chuyện các doanh nghiệp ngành xây dựng bắt đầu bị giam vốn. Tới quý I năm nay, nhiều nhà thầu chính, thầu phụ đều đã "ngấm đòn" vì những khoản nợ ngày càng phình to, họ phải sa thải bớt lao động, thắt chặt chi tiêu, nhưng vẫn "thiếu trước hụt sau". Theo Bộ Xây dựng hết quý I/2023, ngành xây dựng tăng trưởng âm 3%.

Sự sụt giảm quá mạnh của ngành xây dựng không chỉ dẫn tới hệ lụy trước mắt là kéo giảm sự đóng góp vào tăng trưởng GDP 2023, mà xa hơn nếu hàng loạt doanh nghiệp ở lĩnh vực này phá sản thì sẽ gây ra ảnh hưởng lâu dài tới an sinh xã hội khi hàng vạn lao động mất việc làm, nợ xấu tăng cao cũng tác động tiêu cực tới các tổ chức tín dụng và nền kinh tế.

Đó là lý do Reatimes đăng tải loạt bài viết "Đi tìm giải pháp đưa ngành xây dựng thoát khỏi cơn khốn cùng"

Bài 2: Doanh nghiệp xây dựng: Cùng tắc biến, biến tắc thông?

Trân trọng gửi tới quý độc giả!

“Hết duyên ếch đực, cua kềnh cũng vơ”

Cuối năm 2021, Phó tổng giám đốc một tập đoàn xây dựng cỡ lớn tại Hà Nội, “khoe” với PV rằng giá trị backlog của đơn vị này đạt khoảng 12.000 tỷ đồng; nếu tính thêm cả các hợp đồng đã đạt được thống nhất về chủ trương với đối tác, con số này có thể lên tới trên dưới 1 tỷ USD. Trong tình cảnh vừa ra khỏi Covid-19, đó là một con số “trong mơ” với bất kỳ nhà thầu nào.

Tuy nhiên, đầu năm 2023, một giám đốc bộ phận của tập đoàn này hé lộ với PV rằng doanh số năm 2022 chỉ đạt… vài nghìn tỷ đồng. Không có giải thích nào được đưa ra, nhưng tự thân con số đã nói lên tất cả. Và vị giám đốc bộ phận này chốt lại cuộc trò chuyện bằng một cảm thán: “Hơn 20 năm trong nghề, chưa năm nào khó khăn như năm nay”.

Để sống sót trong thời buổi “thóc cao gạo kém”, tập đoàn xây dựng nêu trên đã phải chuyển từ “thâm canh” mảng dân dụng thương mại sang “quảng canh” mọi công trình, lớn bé bất kể, mục đích không gì khác là để có việc cho anh em, để có doanh thu cho đơn vị và để sống, trước khi nghĩ tới những chuyện cao xa.

Trên thực tế, câu chuyện của tập đoàn nêu trên không phải là dị biệt, mà hầu như là mẫu số chung với hầu hết “đại gia” trong ngành xây dựng. Nếu như trước đây, các “đại gia” chỉ cần chuyên tâm với xây dựng công trình nhà ở, dân dụng, thương mại là đã có thể sống khỏe, thậm chí xưng hùng xưng bá, thì bây giờ thời thế đã đổi khác. Sự khan hiếm về đơn hàng xây dựng dân dụng và đặc biệt là tình cảnh nợ đọng tràn lan ở mảng này, đã buộc các nhà thầu phải với tay sang các mảng khác để kiếm tiền tươi. Tình cảnh đó không khác gì câu ca dao “Còn duyên kén cá chọn canh. Hết duyên ếch đực, cua kềnh cũng vơ”.

Chẳng hạn như Hòa Bình, vài năm trở lại đây, tập đoàn xây dựng từng là số 1 Việt Nam này đã lấn sân sang mảng hạ tầng giao thông và hạ tầng công nghiệp. Cụ thể, ở mảng hạ tầng giao thông, Hòa Bình đã thâu tóm Công ty 479 để giành lấy các gói thầu cầu đường mà thành tựu đáng ghi nhận nhất trong năm 2022 chính là 3 cây cầu lớn trên cao tốc Vân Đồn – Móng Cái và cây “cầu Hôn” ở Phú Quốc. Ở mảng xây dựng công nghiệp, Hòa Bình đã tham gia vào các dự án lớn của Want Want (Đài Loan), của BWID và đặc biệt là của Hòa Phát (nhà máy thép Dung Quất). Tập đoàn này cũng không giấu giếm tham vọng đối với dự án sân bay quốc tế Long Thành qua việc đầu tư khá lớn vào tài sản cố định để nâng cao năng lực thi công.

Với Coteccons, tình hình cũng tương tự. Kể từ khi ông Nguyễn Bá Dương rời đi, tập đoàn này đã trải qua gần 1 năm “trắng” hợp đồng kí mới, khiến doanh số tụt dốc không phanh. Để cứu vãn, Coteccons ngoài việc nỗ lực giành lại thị phần trong mảng xây dựng nhà ở, đã phải đi tranh công việc ở các mảng hạ tầng và công nghiệp.

Đáng chú ý, một số tập đoàn xây dựng vốn chuyên dân dụng thương mại cũng đã tính đến việc nhảy vào các dự án có vốn đầu tư công, dù biết rằng đây là mảng không dễ ăn, thậm chí có thể bị “hóc”.

Theo đánh giá của các chuyên gia, mảng miếng được xem là “ngon” hơn cả hiện nay là dự án của các chủ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, bởi có giá tốt, thanh toán nhanh, biên lợi nhuận khá cao. Tuy nhiên, đây là cuộc chơi không dành cho số đông, chỉ có những doanh nghiệp tốp đầu mới có thể ganh đua. Ví dụ điển hình nhất gần đây là dự án Lego trị giá 1 tỷ USD tại Bình Dương, “vòng chung kết” là cuộc đối đầu giữa Coteccons và Newtecons với kết quả chung cục thuộc về Coteccons.

Ngoài ra, còn một hướng đi khác cũng được các “đại gia” tính đến đó là xuất ngoại. Tuy nhiên, việc “đem chuông đi đánh xứ người” chưa bao giờ là dễ dàng với doanh nghiệp Việt Nam từ trước đến nay, lại càng chưa từng diễn ra với ngành xây dựng. Bởi vậy, hiện chỉ có duy nhất Hòa Bình thực hiện hướng đi này, nhưng thành bại vẫn còn phải đợi thời gian trả lời.

Lĩnh vực mới có ngon ăn?

Việc các doanh nghiệp xây dựng dân dụng, thương mại lấn sân sang các mảng hạ tầng giao thông, công nghiệp có thể nói là bất đắc dĩ, “liệu cơm gắp mắm”, bởi nếu là một chủ trương có tính chiến lược, các doanh nghiệp này đã không đợi đến hôm nay mới làm, chưa kể là vấn đề lợi nhuận.

Trao đổi với PV, đại diện một tập đoàn xây dựng rất lớn nói rằng biên lợi nhuận của mảng xây dựng hạ tầng, công nghiệp khá tốt. Nguyên nhân là độ khó trong thi công công trình mảng này không quá cao; hai là thời gian thi công khá nhanh, chỉ 1- 2 năm, thậm chí với năng lực rất tốt của các doanh nghiệp tốp đầu, việc vượt tiến độ là “chuyện thường ngày ở huyện”, điều này giúp vốn được quay vòng nhanh hơn. “Có dự án, chúng tôi ghi nhận biên lợi nhuận lên tới 20%”, vị đại diện này nói.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đạt được biên lợi nhuận tốt như vậy. Trong một cuộc trao đổi với PV, Chủ tịch Hòa Bình, ông Lê Viết Hải, thừa nhận lợi nhuận của các công trình công nghiệp không cao lắm, vì giá rất cạnh tranh. Bên cạnh đó, đây là những lĩnh vực phi truyền thống của Hòa Bình, do đó tập đoàn cần thêm thời gian để cải thiện hiệu suất.

Thực tế dường như ủng hộ cho quan điểm của chủ tịch Hòa Bình, bởi nếu xây dựng công nghiệp và hạ tầng có lợi suất cao vượt trội so với xây dựng nhà ở, các doanh nghiệp xây dựng tốp đầu đã “nhào sang” từ lâu. Việc phải kiếm thêm công trình ở mảng công nghiệp, hạ tầng rõ ràng là do mảng xây dựng nhà ở, dân dụng, thương mại đã không còn hấp dẫn, do mức độ cạnh tranh khốc liệt về giá.

Bởi vậy, vẫn còn là quá sớm để có thể khẳng định việc mở rộng mảng miếng của các “đại gia” xây dựng sẽ là hướng đi giúp các đơn vị này ra khỏi khó khăn, hoặc lấy lại những hào quang xưa cũ, mà chỉ có thể nói rằng đó là một lối thoát, hoặc cùng lắm là tạo ra một thế đứng chắc chân hơn cho các doanh nghiệp này để có thể tránh được những cú ngã như vừa qua.

Phân hóa mục tiêu

Tất nhiên, trong câu chuyện biên lợi nhuận nêu trên, không thể phủ nhận được yếu tố riêng biệt của từng doanh nghiệp. Việc cùng một lĩnh vực nhưng hai đơn vị tạo ra hai kết quả kinh doanh trái ngược hoặc chênh lệch nhau là điều hết sức bình thường.

Có lẽ vì vậy mà trong cùng thế lấn sân, Coteccons và Hòa Bình ngược nhau về mục tiêu kinh doanh 2023. Trong khi Coteccons tự tin đề ra mục tiêu doanh thu toàn năm 2023 (không phải năm tài chính kết thúc vào 30/6/2023) đạt 16.249 tỷ đồng, tăng 12% và lãi sau thuế đạt 233 tỷ đồng, tăng 11 lần thì Hòa Bình “cài số lùi” với doanh thu mục tiêu 12.500 tỷ đồng (giảm 11%) và lãi sau thuế 125 tỷ đồng (năm trước Hòa Bình lỗ 1.140 tỷ đồng).

Các “đại gia” khác cũng trong thế phân hóa về mục tiêu kinh doanh 2023, một số tăng, một số lùi, một số tới nay vẫn còn chưa công bố kế hoạch – phản ánh cho sự khó khăn đang ở mức độ khá nghiêm trọng.

Tuy nhiên, dù tăng hay giảm, nhìn chung các doanh nghiệp xây dựng vẫn đang trong thế khốn khó. Để có thể phục hồi, các doanh nghiệp xây dựng ngoài việc tự trông cậy vào bản thân mình thì cũng rất cần tới sự hỗ trợ của nhà nước. Đáng tiếc, đây dường như lại là một khoảng trống trong chính sách hiện nay.

Đơn cử, các doanh nghiệp xây dựng đang thiếu cơ chế bảo vệ. Đặc thù của ngành xây dựng là nhà thầu phải ứng trước vốn để thi công, sau đó mới được chủ đầu tư nghiệm thu và thanh toán. Nhưng nếu chủ đầu tư gặp vấn đề tài chính và không thanh toán, hay thanh toán bằng bất động sản dở dang pháp lý, nhà thầu chỉ có nước… kêu trời. 

Ngoài cơ chế bảo vệ, ghi nhận một số ý kiến từ các nhà thầu cho thấy, các đơn vị cũng rất mong mỏi được hưởng các cơ chế về ưu đãi vốn và giãn nợ, khoanh nợ để có thể trụ được cho đến khi thị trường bất động sản phục hồi, đơn hàng dồi dào trở lại và chủ đầu tư có dòng tiền để thanh toán các khoản nợ đọng khổng lồ. 

Tuy vậy, trao đổi với PV Reatimes, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, doanh nghiệp xây dựng liên hệ mật thiết với các chủ đầu tư bất động sản, bởi vậy ở góc độ nhà nước, cũng không nhất thiết phải thiết kế một chương trình hỗ trợ riêng mà chỉ cần hỗ trợ cho các chủ đầu tư, khi đó chủ đầu tư sẽ có nguồn lực trả nợ cho các nhà thầu. 

Mỗi năm ngành xây dựng đóng góp hơn 6% vào tăng trưởng GDP của cả nước. Tuy nhiên theo Bộ Xây dựng, kết thúc quý I/2023 ngành xây dựng tăng trưởng âm 3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó theo Hiệp hội nhà thầu Việt Nam, với những khó khăn hiện hữu, dự báo kết thúc năm 2023 kết quả chung của các doanh nghiệp xây dựng chỉ hoàn thành được khoảng 8% so với kế hoạch - đây là điều chưa từng xảy ra trong suốt 20 năm qua. Tại khu vực miền Trung có khoảng 40 doanh nghiệp đang không có việc làm; tại khu vực miền Nam đã có hơn 20 doanh nghiệp lớn nhỏ ký đơn "kêu cứu" gửi tới Thủ tướng Chính phủ.

Không chỉ đối diện với vấn đề bị giam vốn, không xoay chuyển được dòng tiền, không có việc làm, giá nguyên vật liệu tăng cao... các doanh nghiệp xây dựng còn phải đối diện với những vướng mắc tại Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu và nhiều vấn đề pháp lý.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top