Doanh nhân kiêm “grab”

Doanh nhân kiêm “grab”

Nhà thơ Lữ Mai
Nhà thơ Lữ Mai luthimai@gmail.com
Thứ Sáu, 01/10/2021 - 06:00
doanh nhân thời đại dịch

Phải tới mấy ngày sau, qua vài người bạn chung, tôi mới biết doanh nhân đang tham gia đội lái xe 0 đồng, hỗ trợ nhiều gia đình bệnh nhân ngoại tỉnh nhập viện, điều trị tại Hà Nội trong thời điểm toàn xã hội căng thẳng vì dịch bệnh. Bó hoa kia rất có thể là từ bệnh viện hoặc gia đình người bệnh gửi tặng anh.

Khi dịch bệnh chưa bùng phát, trong mắt tôi, những doanh nhân như anh được ngưỡng mộ bởi sự thông minh, quyết đoán, sự nghiệp thành công, gia đình hạnh phúc. Hình ảnh thường xuyên bắt gặp là vest thẳng li, lịch lãm, đi đâu có trợ lý, lái xe  đồng hành. Một chân dung khác, đời thường hơn, đó là khoảnh khắc cà phê, trò chuyện. Bao năm vẫn tình cảm nồng ấm, chân tình, biết nhau cần gì dù bạn bè chưa mở lời. Nhưng bạn tôi trở thành “grab” thì chưa ai hình dung được, kể cả gia đình bạn.

“Nên viết bài báo về cậu ấy đi, và cả đội xe 0 đồng tập hợp toàn doanh nhân nữa”, một người trong nhóm đề nghị. Ý tưởng ngay lập tức bị những người còn lại gạt đi ngay: “Không được đâu, tính bạn bè chúng ta đều rõ, lâu nay chưa có bài báo nào chụp cảnh cậu ấy làm thiện nguyện, không phải vì không làm, mà là sự thầm lặng. Điều đó để mình cảm được thôi, đừng chạm vào”.

Chúng tôi lặng lẽ dõi theo hành trình của bạn mình thông qua group được gia đình các bệnh nhân ở tỉnh xa lập để tiện trao đổi thông tin, lịch trình khi về Hà Nội. Cô giáo người Kinh cắm bản miền Tây Bắc đưa mấy trò nhỏ xuống Bệnh viện Nhi Trung ương chữa bệnh. Trong tay cô, em bị dị tật bẩm sinh, em đang điều trị phổi. Âu lo trĩu nặng nhưng ai cũng thấy cô giáo hiền lành, dịu dàng với trẻ thơ. “Mai em đưa các con về, chắc kịp năm học mới, thời gian tới xuống đây lại nhờ sự giúp đỡ của mọi người”.

Đáp lời cô giáo, một doanh nhân trong đội lái xe gửi bình luận: “Quan trọng là cô đã thắp lên ngọn lửa trong lòng các em nhỏ, chúng tôi chỉ giúp cô trò một chặng đường thôi”. Một chặng đường, vào đúng giai đoạn này, đủ làm ấm lòng nhiều phía.

doanh nhân thời đại dịch, nhà thơ Lữ Mai

Bạn tôi chẳng những lái xe mà còn thành bảo mẫu, những lúc bố mẹ các bệnh nhi đôn đáo lo thủ tục, thuốc men. Trong tay anh, em bé mới 2 tuổi, đã truyền hóa chất từ cuối năm ngoái. Lần đầu vào bệnh viện chọc tuỷ, cả nhà quấn quýt lấy nhau, nhưng bây giờ, hành trình ấy chỉ còn hai mẹ con, bố ngày đêm bươn chải lo tích góp thêm tiền thuốc thang chạy chữa. Chẳng biết thông qua kênh nào, một số gia đình biết đội lái xe là doanh nhân. Một người phụ nữ sụt sùi khóc, nước mắt đẫm khẩu trang: “Chúng em dân lao động, chịu cảnh màn trời chiếu đất quen rồi, nhưng còn các bác, một bước lên xe hơi, ăn ở toàn nơi sang trọng, giờ giúp đời thế này, thương quá!”.

Thành viên đội xe ân cần xoa dịu: “Ơ kìa, doanh nhân thì cũng là người lao động, chúng ta ở đây coi nhau như một gia đình mà”. Thỉnh thoảng, những trường hợp bệnh nhân có điều kiện kinh tế, nhất định gửi đội xe chút tiền xăng xe, nhóm doanh nhân vẫn nhận và chuyển thẳng tới bếp ăn từ thiện của bệnh viện, cải thiện thêm thực đơn cho bệnh nhân mùa dịch.

“Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao”, đó là câu hát chúng tôi thường nghe mỗi lần ngồi trên xe bạn mình. Nhưng giây phút bay bổng ấy thật hiếm hoi. Doanh nhân thì hay tiết chế, để mọi thứ ở mức chừng mực. Dường như thói quen đó ảnh hưởng vào cả đời sống mà họ không hay biết. Thế nên, đôi lúc tôi tự hỏi, khi ở đỉnh cao danh vọng tiền tài, tình yêu và lẽ sống của họ có được bình thường như bao người khác?

Nhịp sống mà cứ chảy trôi không biến động, hẳn nhiều điều lắng sâu, chìm khuất mình không nắm bắt được. Bỗng dưng đại dịch bùng phát, tấn công trực diện, có bao lối rẽ, bước ngoặt ta không ngờ được. Như lối rẽ của bạn tôi. Không còn lái xe, trợ lý, thư ký kề bên, ở cạnh bạn lúc này là những số phận éo le, trắc trở. Trên mỗi cung đường, vừa phải bảo đảm an toàn tuyệt đối về giao thông, quy tắc phòng chống dịch, vừa phải nhen lên ngọn lửa niềm tin tới khách lạ. Hành trình ấy đưa bạn trở về ký ức năm xưa với bao nhiêu kỷ niềm tưởng chừng đã nén sâu, chôn chặt vì áp lực kinh doanh, cuộc sống.

Doanh nhân kể cho các bệnh nhi nghe câu chuyện mình mò cua bắt ốc, nhặt đồng nát kiếm tiền mua sách, ngọn đèn dầu leo lét giữa đêm khuya. Hình ảnh người phụ nữ xanh xao cưng nựng con trong lòng chính là hình ảnh mẹ anh thuở ấy, khi bố đang công tác ở đảo xa còn đứa con trai duy nhất mắc bệnh nặng. Chẳng có chuyến xe 0 đồng nào như bây giờ, mẹ bế bồng con lên chuyến xe khách xộc xệch chạy từ mờ sáng tới xế chiều, chờ trông đỏ mắt mới thấy cổng bệnh viện.

doanh nhân thời đại dịch, nhà thơ Lữ Mai

Ký ức, niềm yêu thương trở về trong chuỗi ngày đại dịch, chính các doanh nhân cũng đã nhận thêm được bao giá trị quý báu, giúp họ “detox”, “reset” lại những phần chừng mực, lơ đễnh, chai sạn... trong mình. Có một hình ảnh quen thuộc trở đi trở lại từ đời sống tới phim ảnh, quảng cáo... liên quan tới doanh nhân đó là mâm cơm đậy lồng bàn giữa căn phòng vắng ngắt. Lạ thay, vẫn mâm cơm ấy, nhưng trong chuỗi ngày này, căn phòng nhà bạn tôi không còn vắng vẻ.

Thỉnh thoảng, vợ và các con lại đôn đáo hết ra cửa ngóng lại ngồi cạnh trông nom, vẻ mặt bồn chồn. Là bởi không còn mặc định đều đều những cuộc họp, công việc công ty, gặp mặt đối tác, khách hàng... thay vào đó, ai cũng hiểu người đàn ông – trụ cột của gia đình – đang làm công việc anh vốn không chuyên, thiên về cảm xúc, vào thời điểm đầy khó khăn trở ngại. Nếu là một mái ấm đúng nghĩa, ai có thể yên lòng bỏ mặc mâm cơm ở đó không mảy may?

Trong khi người vợ soạn một status dài chia sẻ lên mạng xã hội – điều trước đây chị chưa từng làm – về chính mâm cơm chờ đợi và những bông hồng đỏ thắm anh mang về tặng vợ thì cô con gái đầu đã đến bên cây đàn dương cầm. Cô bé được gia đình cho học đàn từ nhỏ, từ khi vào đại học chuyên ngành kinh tế, cây đàn không còn là bạn thân.

Vẫn biết, bố mẹ muốn con nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật, muốn tiếng dương cầm vang vọng đêm đêm... nhưng chẳng biết từ bao giờ, khi nhìn mâm cơm đậy lồng bàn, bước lên từng bậc cầu thang tối trong căn nhà rộng thênh mà vắng vẻ, cô bé chán nản, rời xa phím đàn. Đêm nay, người mẹ đã rơi nước mắt. Chẳng biết vì status đang thu hút nhiều lời bình luận đong đầy cảm xúc hay bên tai đang vang vọng tiếng đàn. Âm nhạc như nguồn sáng thắp lên đủ mọi cung bậc buồn vui, nhớ nhung, mến thương, hờn trách...

Nếu không có những liều “detox” trong cơn biến động, liệu có niềm yêu thương nào đủ lớn để xoa dịu mọi sự cỗi cằn, mòn rỗng đang đầy lên từng ngày? Nếu ở những thời điểm mang tính quyết định, con người không tự bấm lệnh “reset” thì những bông hồng đỏ và khúc nhạc liệu có hòa quyện trong dòng nước mắt yêu thương?

Đêm ấy, và cả những đêm sau nữa, chúng tôi và gia đình doanh nhân không biết bạn đang trên cung đường nào, hay đã trở về bếp từ thiện phát từng suất đồ ăn thức uống. Song có một điều chắc chắc, cuộc sống đã thấm thía hơn, đẹp đẽ hơn không ở vẻ bề ngoài mà chính bởi giá trị cốt lõi đang được vun đắp bằng những tấm lòng hy sinh cao đẹp và lặng lẽ.

Nhà thơ Lữ Mai
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top