Doanh nhân Lê Viết Hải – Lấy nhân ái để phục vụ!

Doanh nhân Lê Viết Hải – Lấy nhân ái để phục vụ!

Nguyễn Thành Công
Nguyễn Thành Công Congnguyenthanhyb@gmail.com
Thứ Tư, 12/05/2021 - 06:45

Lê Viết Hải - Tập đoàn Hòa Bình HBC 1

***

Tôi đã từng tiếp xúc với anh Lê Viết Hải từ khoảng cách không thực sự gần, nhưng cũng vừa đủ để cảm nhận được sự dịu dàng đến kinh ngạc của con người này. Tôi cố gắng tìm kiếm một ai đó, đủ hiểu, đủ gắn bó và đủ sâu sắc để lý giải về những điều ẩn sâu bên trong con người Lê Viết Hải, bởi tôi rất sợ trực giác bên ngoài đánh lừa những điều thuộc về bản chất mà mình từng mắc phải. Thật may mắn, như một cơ duyên của tạo hoá, nhân vật đó đã xuất hiện.

GS. Phan Văn Trường, từ khoảng cách hàng ngàn ki-lô-mét, trong những ngày dịch bệnh u ám bủa vây khắp cả nước, đã dành cho tôi cuộc trò chuyện online kéo dài hơn dự kiến. Ông hứng khởi, vui vẻ, say mê, chỉ đơn giản bởi ông cảm thấy hào hứng khi nói về người bạn đồng hành “nhân ái, êm ái, đạo đức và hòa bình” của mình. Thú vị là, GS. Phan Văn Trường là người tôi chưa từng có cơ hội được gặp mặt. Nhưng ông vẫn cởi mở đón nhận tất cả những câu hỏi bằng giọng nói hiền hòa, từ tốn nhưng tràn đầy khí chất của một chuyên gia kinh tế lão luyện, là cố vấn cấp cao cho Chính phủ Pháp trong nhiều thập kỷ. Tôi cảm nhận được ông đang hạnh phúc với hành trình mình đang đi, với người đồng hành bấy lâu nay…

Lê Viết Hải - Tập đoàn Hòa Bình HBC 2

- Tròn ba năm về trước, vì lý do bất khả kháng, tôi lỡ hẹn với một người bạn rất đặc biệt không thể đi nghe buổi chia sẻ của Giáo sư với các doanh nhân do Viện Quản trị Kinh doanh FPT tổ chức. Về sau, người bạn đó có nói với tôi rằng, bạn ấy tâm đắc nhất với câu dẫn chuyện của ông: “Người sắc bén chọn người sắc bén để đồng hành”. Ông biết không, chính câu nói đó đã cổ vũ tôi rất nhiều suốt ba năm qua, trong những hành trình và thử thách của chính mình. Hôm nay, tôi ngạc nhiên khi biết rằng, ông chính là một thành viên của Tập đoàn Hòa Bình, nơi có nhân vật mà tôi đang tìm hiểu, doanh nhân Lê Viết Hải.

GS. Phan Văn Trường: Câu chuyện rất đơn giản thôi bạn ạ. Cách đây hơn mười năm, một người bạn của tôi ngỏ ý mời tôi gặp anh Hải. Tôi đồng ý ngay, và bộ ba chúng tôi đã tìm ngay một quán nhỏ để trao đổi.

Anh Hải đã như thường lệ mở đầu câu chuyện một cách thật nhẹ nhàng, mục tiêu thì quá rõ ràng đối với chủ một doanh nghiệp muốn đưa Công ty của mình lên hàng đầu và trở thành một tập đoàn lớn mạnh. Và tôi cũng để cho câu chuyện thoải mái đi tới, chẳng có chuyện chiêu mộ và cũng chẳng có chuyện ký hợp đồng. Vào đúng lúc đó, hình như cả hai chúng tôi đều đã có chung một hoài bão, là tạo nên một tập thể tráng kiện giỏi giang và từ đó đóng góp hết sức mình cho đất nước. Thế là ngay ngày hôm sau tôi đã chung tay, và từ ngày hôm ấy, tôi kiên trì đồng hành cùng anh Hải và các anh em khác.

Lê Viết Hải - Tập đoàn Hòa Bình HBC 3

 

Phải thừa nhận là tôi đã nhận lời đóng góp cho khá nhiều các tập đoàn lớn trong nước, nhưng gắn bó như với anh Hải thì là trường hợp duy nhất. Ở Hòa Bình, tôi có tình cảm thật đặc biệt, với một con người thật đặc biệt.

Tình cảm của tôi với anh Hải không phải là chuyện tiền bạc, bởi tôi làm việc một thời gian khá dài nhưng không hề nhận phí. Mãi tới sau này, tôi cần phải in ấn tài liệu, mua vé máy bay, đi công tác… thì tôi cũng xin vịn vào Hòa Bình chút xíu (Cười). Nhưng bạn biết không, anh Hải cũng chưa bao giờ dùng tiền để lấy lòng một ai, cũng chưa bao giờ lấy tiền để tạo ra thanh danh hay uy thế cho mình.

- Hoà Bình, dưới sự dẫn dắt của anh Lê Viết Hải, trong hơn một thập kỷ ông đồng hành và chứng kiến đã thay đổi ra sao?

GS. Phan Văn Trường: Tôi bắt đầu làm việc cùng anh Hải từ khi Hòa Bình vẫn còn là một công ty nhỏ, doanh thu chỉ mấy chục triệu đô. Tôi còn nhớ những buổi họp, tôi cũng có nhiều ý kiến và anh Hải luôn luôn lắng tai nghe. Đây cũng là một nét vô cùng đáng trân trọng của anh Hải, anh luôn luôn tham khảo ý kiến của đội làm việc trước khi có một quyết định nào đó.

Qua thời gian, con người anh Lê Viết Hải đã thay đổi nhiều và tiến bộ rất nhiều. Càng trải nghiệm, anh càng bộc lộ và phát huy được những đức tính quý báu của dân tộc.

Thứ nhất, anh là một con người hiếu học, sẵn sàng tiếp thu, gom góp những kiến thức mới, những công nghệ mới. Nhờ vậy mà tập đoàn Hoà Bình luôn luôn được trang bị những phương tiện văn minh, tân tiến nhất. Anh còn là một con người rất liêm khiết, sống đạo đức, sẵn sàng hy sinh hết tài sản cá nhân để bảo vệ doanh nghiệp và toàn thể nhân viên, người lao động. Trong mùa đại dịch toàn cầu Covid-19, anh đã không để cho một nhân viên tích cực nào mất việc làm. Tôi thấy đạo đức của anh Hải trên sức tưởng tượng, cả đại gia đình: Lê Viết Hải, Lê Viết Hưng, Lê Viết Hà, Lê Viết Hiếu…, người nào cũng rất nhân văn.

Lê Viết Hải - Tập đoàn Hòa Bình HBC 4

Thứ hai, nói đến công việc, Lê Viết Hải là con người rất sáng suốt. Khi đã quyết định vấn đề gì thì anh rất quyết tâm, đôi khi tới độ “ngoan cố”, thực hiện cho bằng được, và đây là một đức tính rất cần đối với chủ một doanh nghiệp. Chính sự quyết tâm đó đã thay đổi hết vận mệnh của Tập đoàn Hòa Bình. Bởi tập đoàn này đã từng gặp nhiều khó khăn như tất cả các doanh nghiệp khác, nhưng anh Hải đã đưa Hoà Bình vững bước qua những cuộc khủng hoảng. Thực ra, “ngoan cố” mà tôi nói đến chính là sự ngoan cường đáng kinh ngạc của Lê Viết Hải.

Có lẽ không ngoa khi nói rằng, đạo đức và chí can trường, thông minh, sáng suốt của Lê Viết Hải, cộng với một chút may mắn đã giúp cho Hòa Bình trở thành Tập đoàn xây dựng số 1 Việt Nam.

Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa, anh Lê Viết Hải là một con người rất hiếu học và thức thời. Bởi vậy, Hòa Bình là một trong những tập đoàn ít ỏi của Việt Nam có tất cả phần mềm tối tân nhất của thế giới. Những công nghệ dùng cho thiết kế, xây dựng, thi công, thế giới dùng gì Hòa Bình đều có.

Để làm được điều đó, cần rất nhiều đầu tư, sự tìm tòi và học hỏi, nhưng anh Hải không ngại ngần làm, và kết quả đem lại thì quá thuyết phục.

Lê Viết Hải - Tập đoàn Hòa Bình HBC 5

 

Thứ ba, anh Lê Viết Hải là con người tin mãnh liệt vào chất lượng. Anh đặt chất lượng lên trên hết, ưu tiên trên cả những kết quả tài chính. Đó là đạo đức nghề nghiệp mà không phải ai cũng có được! Những công trình của Hòa Bình đều là hoàn hảo nhất có thể.

Thứ tư, anh Lê Viết Hải là một người rất hào phóng, sẵn sàng nhận phần đóng góp, thậm chí hy sinh, nếu như có trường hợp nào kêu gọi sự đóng góp của anh ngoài xã hội. Anh ấy làm tất cả không vì danh vọng, tên tuổi của mình mà đóng góp một cách khiêm cung.

Từ phẩm chất và năng lực, tôi thấy đây cũng là một trong những chủ doanh nghiệp hiếm có của Việt Nam.

Lê Viết Hải - Tập đoàn Hòa Bình HBC 6

- Anh Lê Viết Hải có tư tưởng xuất khẩu ngành xây dựng Việt Nam ra thế giới. Tham vọng này đã có từ nhiều năm, và Hòa Bình là tập đoàn tiên phong. Ông có thể đánh giá cơ hội của Việt Nam khi ra thị trường thế giới?

GS. Phan Văn Trường: Tôi không chia sẻ hoàn toàn với anh Hải về ước muốn này.

Cá nhân tôi đã có cơ hội sống mấy chục năm ở khá nhiều nước trên thế giới, nên cũng hiểu rõ thị trường các dự án quốc tế. Hòa Bình đã đặt chân đến Myanmar, Malaysia, và bước đầu đã gây dựng được nhiều tiếng tăm tốt và có thành tựu sáng giá.

Tư duy chinh phục đỉnh cao và khát vọng quốc tế hoá là chính đáng. Tại sao doanh nghiệp Việt Nam lại không thể xây dựng được ở các chân trời mới? Tại sao các công ty của Hàn Quốc, Malaysia, Singapore đều làm được mà Việt Nam lại không dám làm?

Nhưng, khát vọng càng lớn, khó khăn cũng càng nhiều. Bởi có một thực tế là doanh nghiệp xây dựng Việt khi đi ra nước ngoài chưa được hành nghề bình đẳng như những nhà thầu nước ngoài khác hay doanh nghiệp xây dựng ở nước sở tại. Cụ thể, doanh nghiệp Việt Nam đi xuất khẩu xây dựng chưa nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ như các doanh nghiệp của các nước khác. Chẳng hạn, rủi ro thanh khoản không nhận được bảo hiểm, thậm chí không có cả bảo vệ pháp lý từ Chính phủ, nếu chẳng may gặp phải khách hàng thiếu khả năng hoặc không thực lòng.

Trong khi đó, những công ty của Pháp, Đức hay Canada, Mỹ… họ đều có bảo hiểm, nếu khách hàng không trả thì Chính phủ trả toàn bộ hoặc ít nhất cũng hỗ trợ 80 – 90% bằng chính sách bảo hiểm.

Việt Nam chưa có quy chế để doanh nghiệp xây dựng yên tâm đi ra nước ngoài.

- Chủ tịch Tập đoàn Hoà Bình đã từng trình bày ý tưởng trên tại hai Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp. Tuy nhiên, tôi thấy sốt ruột thay cho anh Lê Viết Hải vì ý kiến cá nhân của anh có vẻ như chưa thực sự được nhiều người quan tâm. Mà thực ra, với một con người năng động như vậy, thời gian là điều đáng nuối tiếc nhất…

GS. Phan Văn Trường: Chúng ta cần có sự đồng thuận nhằm tập hợp mọi nguồn lực. Và sự đồng hành của Nhà nước là rất quan trọng, nếu như không muốn nói là yếu tố quyết định đến thành bại của doanh nghiệp trong cạnh tranh toàn cầu.

- Nhưng nói gì thì cũng cần phải bắt tay vào xây dựng được chiến lược để ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam vươn ra thế giới ngay, nếu không sẽ lỡ nhịp, đúng không thưa Giáo sư? Chính anh Lê Viết Hải cũng đã chỉ ra rằng, thị trường xây dựng nước ngoài có quy mô lên đến 12.000 tỷ USD, gấp khoảng 750 lần quy mô thị trường trong nước (16 tỷ USD). Vì vậy cần phải rất khẩn trương, bởi thời điểm Covid-19 làm tổn thương kinh tế thế giới, các nước đều chọn xây dựng là ngành mà chính phủ có thể can thiệp được thông qua đầu tư công. Nhiều quốc gia có chính sách hạn chế sử dụng hàng hóa, dịch vụ của Trung Quốc, còn Nhật Bản và Hàn Quốc chủ trương không phát triển xây dựng ra nước ngoài bởi họ không còn năng lực cạnh tranh. Do đó, đây là thời điểm chín muồi, cơ hội để Việt Nam vươn lên thay thế Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản ở thị trường xây dựng thế giới, đưa xây dựng trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Nếu mình có một chiến lược tầm vóc quốc gia thì có thể hiện thực hóa được mục tiêu đó.

GS. Phan Văn Trường: Đúng vậy. Anh Lê Viết Hải đã có những đề xuất lên Chính phủ. Tôi được biết mới đây, anh cũng đã viết thư cho Thủ tướng về vấn đề này. Những đề xuất đó chắc chắn đã được Bộ Xây dựng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương… cùng nghiên cứu.

Nhưng chuyện này khó có thể quyết định nhanh được, mà đòi hỏi sự nghiên cứu sâu sắc. Thành ra, tôi cũng không có ý nói đây là sự thiếu sót mà cần đòi hỏi thời gian, bởi chúng ta mới đi vào thị trường này.

Lê Viết Hải - Tập đoàn Hòa Bình HBC 7

 

- Tư duy “muốn đi nhanh có thể đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau” mà anh Hải đưa ra cũng là ở chỗ đó?

GS. Phan Văn Trường: Anh Hải đang nỗ lực truyền đi một thông điệp và nỗ lực tác động thay đổi từ phía chính sách. Muốn thành công trong lĩnh vực xây dựng ở nước ngoài thì phải có sự hậu thuẫn từ Chính phủ, phải có sự đồng hành của Chính phủ.

Anh Lê Viết Hải muốn phát triển ngành xây dựng thành ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia thì trước sau gì cũng sẽ cần có sự tham gia một cách khẩn trương, quyết liệt của các bộ, ngành liên quan.

- Dẫu sao đi chăng nữa, khi nhìn lại toàn cảnh bức tranh ngành công nghiệp xây dựng Việt Nam và thế giới, tôi thấy chúng ta không thể cứ quanh quẩn ao nhà, mà phải đi ra biển lớn. Bởi lẽ, cứ “con hát mẹ khen hay” thì đời đời không thể lớn lên được. Thời điểm đi ra biển lớn không thể quá chậm, mà thực tế chúng ta đã chậm rồi. Và có lẽ vì vậy nên anh Lê Viết Hải mới say mê với những nghiên cứu của mình về thời kỳ dân số vàng và khả năng chớp cơ hội tận dụng giai đoạn cơ cấu dân số vàng của quốc gia đến thế! Anh còn quả quyết: “Thập kỷ vàng là cơ hội duy nhất và sống còn! Vì sao tôi dám khẳng định vậy? Vì nó chỉ đến một lần và không bao giờ quay lại!”.

GS. Phan Văn Trường: Lê Viết Hải luôn đau đáu với ý tưởng đó. Và tôi cho rằng, đây là một tư duy đúng. Anh Hải hiểu rằng, không có một cá nhân nào có thể ảnh hưởng tới dân số được. Dân số của ngày hôm nay là kết quả của thế hệ trước cách đây mấy chục năm, chúng ta không thể tác động đến cấu trúc dân số hiện tại. Mình chỉ có thể khai thác hết giá trị từ thời kỳ dân số vàng được hay không mà thôi.

Tôi cũng là người đăm chiêu về dân số vàng, và đó không đơn thuần chỉ là vấn đề dân số. Hiện nay, nền kinh tế hướng về địa ốc khá nhiều và không tạo cho lớp trẻ những cơ hội lớn trong ngành dịch vụ hay công nghệ. Nhưng những lĩnh vực như cơ khí, sinh học, hoá chất… đáng lẽ ra Việt Nam phải tiến bộ hơn nữa.

Trở lại câu chuyện bạn đề cập, dân số vàng chỉ có ý nghĩa nếu hệ sinh thái khoa học và kỹ thuật của chúng ta đã sẵn sàng chuẩn bị cho thế hệ vàng đó những công việc có thể đem lại sự trù phú cho đất nước, lan toả trong từng lĩnh vực, và phát huy giá trị tổng thể của quốc gia. Chứ nếu chỉ loanh quanh ở địa ốc hay gia công thì thật sự lãng phí thế hệ vàng.

Lê Viết Hải - Tập đoàn Hòa Bình HBC 8

 

Lê Viết Hải - Tập đoàn Hòa Bình HBC 9

- Cuối năm ngoái, anh Lê Viết Hải đã chính thức chuyển giao vị trí CEO Hoà Bình cho con trai Lê Viết Hiếu, dù lúc đó, Hiếu mới 29 tuổi. Tôi hiểu rằng, đây không chỉ là cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo cũ cho thế hệ lãnh đạo mới mà quan trọng hơn, đây là sự khởi đầu cho một giai đoạn phát triển mới của Hòa Bình. Là người trong cuộc, sau nửa năm Lê Viết Hiếu “nắm quyền”, ông thấy việc nội chính ở Hoà Bình ra sao?

GS. Phan Văn Trường: Chuyện về Tổng Giám đốc Lê Viết Hiếu thì các bạn ở Hòa Bình đều rõ như tôi. Anh Hiếu đã nhận được từ người cha rất nhiều đức tính quý báu. Và một trong đức tính nổi bật nhất đó là sáng suốt, tự tin, can đảm.

Lê Viết Hải - Tập đoàn Hòa Bình HBC 10

Tôi muốn bạn biết một điều, Hòa Bình là tập đoàn có sự giao thoa đùm bọc của cả tập thể, mọi người gắn bó chặt chẽ với nhau, rất kỷ luật. Có thể tranh cãi, bàn luận trong lúc làm việc, nhưng khi đã ra quyết định thì mọi người tuyệt đối ủng hộ và thực thi . Hoà Bình có đủ nhân sự để đối mặt với mọi tình huống. Thêm vào đó, anh Hải vẫn đang làm Chủ tịch và đang trông nom công ty của anh như từ bao giờ đến nay.

Anh Lê Viết Hải vẫn luôn luôn là “linh hồn” của Hoà Bình.

Tôi muốn nhìn nhận câu chuyện chuyển giao này theo hướng khác, tích cực hơn. Đó là điều kiện cần thiết giúp anh Lê Viết Hải có thời gian để cống hiến nhiều hơn cho đất nước. Song song với đó, anh Lê Viết Hiếu, với nhiệt huyết và nét can trường sẵn có, có thể tiếp bước khởi tạo những khát vọng ngoạn mục hơn nữa cho Hoà Bình.

- Nói như vậy có nghĩa là không có trở ngại gì trong cuộc chuyển giao này, thưa ông?

GS. Phan Văn Trường: Tính đồng thuận rất cao khi giao quyền cho anh Lê Viết Hiếu. Không ai nghĩ ngợi gì và vẫn tự tin, hăng say làm việc, đóng góp cho sự phát triển của Hoà Bình.

- Nhưng, một người trẻ, chịu nhiều ảnh hưởng từ phương Tây như Lê Viết Hiếu thì chắc chắn tính độc lập cũng sẽ cao, tính logic và rạch ròi giữa tình cảm và lý trí cũng sẽ cao. Ngược lại, có vẻ như “ông bố” Lê Viết Hải là người chịu nhiều ảnh hưởng của văn hoá phương Đông, và là con người duy tình hơn duy lý. Điều này nếu là sự thật thì có ảnh hưởng đến chiến lược phát triển của Hoà Bình không, thưa ông?

GS. Phan Văn Trường: Điểm chung của hai người cha con Lê Viết Hải – Lê Viết Hiếu là văn hoá nhân ái của Hoà Bình. Văn hóa là cái gốc. Tại tập đoàn Hoà Bình, văn hoá rất cao và được chia sẻ bởi toàn thể nhân viên.

Lê Viết Hải - Tập đoàn Hòa Bình HBC 11

Còn quả thật đúng như bạn nhận định, anh Lê Viết Hiếu là người có nhiều sáng kiến, suy nghĩ độc lập, rất quyết đoán, tự lập, chủ động và có lẽ không thích sự áp đặt. Có gì sai không?

Trong khi đó, anh Lê Viết Hải là con người nhân ái sâu sắc nhưng vẫn quyết liệt. Ở đây cũng vậy, có gì sai không?

Trong đời sống của một doanh nghiệp, mỗi chiến lược, mỗi phương án đều gây nhiều phản ứng khác nhau. Càng nhiều phản ứng thì việc làm càng phong phú, đa dạng. Gọi thế là mâu thuẫn cũng được, chẳng sao, vì khi quyết định xong rồi thì sẽ không có mâu thuẫn nữa. Trong một doanh nghiệp đó mới là điều thực sự quan trọng.

Lê Viết Hải - Tập đoàn Hòa Bình HBC 12

 

Khi Lê Viết Hiếu và Lê Viết Hải có mâu thuẫn, có sự tranh luận và sau đó đi đến thống nhất bằng những quyết định cụ thể thì tôi nghĩ đó là điều nên cổ vũ, rất biện chứng. Mâu thuẫn này là sự phản biện rất cần thiết, không chỉ giữa cha, con mà chính tôi cùng với các cố vấn khác cũng là người tạo ra nhiều lý luận mâu thuẫn. Bởi với kinh nghiệm từng trải của mình, dù rất khiêm tốn nhưng tôi nghĩ khi mình đưa ra ý kiến phản bác và lập luận, cũng là cách để Hoà Bình tiến bộ và cách để thể hiện trách nhiệm của mình.

Lê Viết Hải - Tập đoàn Hòa Bình HBC 13

- Chính Các Mác cũng từng nói, mâu thuẫn là động lực của sự phát triển cơ mà. Và có phải ông còn đang muốn nói tới văn hóa phản biện của Lê Viết Hải?

GS. Phan Văn Trường: Đó là con người có văn hóa phản biện rất cao. Anh Lê Viết Hải chấp nhận bất kỳ phản biện nào và trả lời rất lý trí nhưng cũng rất dịu dàng chứ không hề gay gắt với những người phản biện.

Lê Viết Hải - Tập đoàn Hòa Bình HBC 14

Trước khi quyết định, anh luôn hỏi mọi người đã đưa ra hết ý kiến của mình chưa. Chỉ sau khi nghe và ghi nhận tất cả ý kiến của mọi người thì anh Lê Viết Hải mới cảm thấy quyết định đó thực sự có giá trị. Còn muốn gì hơn?

Tôi cũng đã một vài lần tranh luận với anh Hải nhưng sau đó tôi không hề nghĩ ngợi. Bởi vì anh là Chủ tịch, Tổng Giám đốc đã hỏi ý kiến mình, đã nghe, đã tranh luận nhưng khi phản biện xong và mình không có ý kiến gì thêm thì anh mới quyết định. Đó là cách làm việc rất bài bản và khoa học!

Trong cả cuộc đời nghề nghiệp của tôi, ít khi nào tôi gặp ai biết lắng nghe như anh Hải. Tôi nghĩ đó là một sự may mắn cho Tập đoàn Hoà Bình.

- Có bao giờ ông thấy Lê Viết Hải bực tức chưa?

GS. Phan Văn Trường: Anh Hải là con người rất êm ái, mát tính. Là người tu hành nên tâm luôn tĩnh. Có thể sau những cuộc bàn cãi, đêm đêm về anh sẽ nằm suy nghĩ lại, phản biện như vậy có đúng hay không, đó là lương tri của một con người. Ai cũng vậy thôi.

Lê Viết Hải - Tập đoàn Hòa Bình HBC 15

Từ ngày làm việc với anh Lê Viết Hải, tôi không có một phút giây phải bức xúc hay buồn bã. Bởi anh ấy là con người đạo đức, biết lắng nghe và thông minh, như vậy là quá đủ rồi. Cuối cùng, mọi người ở Hoà Bình đều làm việc cho tương lai của Hòa Bình, mà đó cũng là tương lai của đất nước.

- Trong hành trình vươn ra biển lớn thì đâu là giá trị quan trọng nhất để Hoà Bình cạnh tranh được với các tập đoàn quốc tế?

GS. Phan Văn Trường: Riêng điều này chúng ta cần nhìn nhận một cách khách quan.

Trước hết, công nghệ, phần mềm, giải pháp kỹ thuật mà Hòa Bình sử dụng là tốt nhất thế giới. Hễ có gì mới là chúng tôi giành mua bằng bất cứ giá nào và chúng tôi cũng có người sử dụng rất bài bản. Hòa Bình có lợi thế tuyệt đối trong lĩnh vực xây dựng công trình nhà ở cao tầng hiện tại, có đủ khả năng thi công cả trăm tòa nhà cao tầng trong một năm. Hiện tại, Hoà Bình đang đẩy mạnh đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh, công nghệ kỹ thuật cao, xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo…

Giấc mơ vươn ra biển lớn của Lê Viết Hải tạo nên động lực và hướng đi cho không chỉ Hoà Bình.

- Với giấc mơ lên số 1 thế giới của Hòa Bình, Giáo sư có niềm tin không?

GS. Phan Văn Trường: Lên ngay thì không, nhưng niềm tin thì tôi có. Chẳng có gì là không thể, chỉ cần thời gian. Bạn biết không, giấc mơ rất cần thiết.

Lê Viết Hải - Tập đoàn Hòa Bình HBC 16

 

- Năm 2020, một doanh nghiệp xây dựng đầu ngành cũng xuất hiện mâu thuẫn giữa các cổ đông, nhà sáng lập và rồi “tan đàn xẻ nghé”. Ở Hoà Bình, có mối lo ấy không?

GS. Phan Văn Trường: Trong một nền kinh tế tư bản 100% thì đồng tiền có khả năng làm được nhiều thứ. Thị trường mua bán, sáp nhập doanh nghiệp của Việt Nam nói chung là quá rẻ, nhưng hiện thời thế giới không quan tâm nhiều đến việc mua các doanh nghiệp Việt Nam vì một số lý do rất chính đáng: Doanh nghiệp Việt Nam nói chung không sở hữu, hoặc không có sẵn, hoặc không mang tiềm năng để có công nghệ cao. Thêm vào đó, số đông nhân sự nói chung, và một số lãnh đạo nói riêng, đã được bổ nhiệm ở cấp bậc trên trình độ, khả năng và tinh thần đóng góp của họ khá nhiều, tiếng Anh gọi là “underqualified” và “underperforming”. Và nữa, cũng không có văn hoá cách chức khi mắc lỗi. Thành thử món hàng không bở để có được sự quan tâm.

Đây không phải là trường hợp của Tập đoàn Hoà Bình, vì như tôi đã nói lúc trước, tập đoàn đã hội đủ công nghệ cao nhất và nhân sự nhiệt tình, trung thành nhất. 

Tuy nhiên chúng ta cũng không nên ảo tưởng, sức mua của quốc tế kinh khủng lắm. Đừng quên, những công ty như Apple, Microsoft, Facebook giá trị đã lên đến hàng ngàn tỷ đô la, giờ họ tiêu 1 tỷ đô la dễ như chơi. Bằng chứng, Facebook đã mua WhatsApp với giá 19 tỷ đô la. Mà WhatsApp chỉ là một doanh nghiệp nhỏ, 50 nhân viên với nghề duy nhất là công nghệ nhắn tin vào thời điểm bị mua. Thử tưởng tượng ai đó mang 19 tỷ đô la vào Việt Nam để mua doanh nghiệp thì không biết họ sẽ mua được những gì. Có thể  là, họ chưa muốn mua bởi vì họ đợi hành lang pháp lý chỉn chu hơn nữa.

- Cách chơi của anh Lê Viết Hải với cổ đông chiến lược như thế nào, thưa ông?

GS. Phan Văn Trường: Anh Hải không chơi, anh là người kính trọng cổ đông vô cùng, từ cổ đông lớn đến cổ đông nhỏ, không quên một cổ đông nào. Anh ấy cũng rất sòng phẳng.

- Ở bên anh Lê Viết Hải bấy nhiêu lâu, đã bao giờ Giáo sư thấy dư luận không tốt về anh ấy chưa?

GS. Phan Văn Trường: Không, có lẽ toàn xã hội đều biết anh Hải là một con người nhân ái, từ bi và cùng lúc là một chủ doanh nghiệp xuất sắc, hiểu rõ sứ mệnh cao cả của mình, vượt luôn ngoài tầm doanh nghiệp của mình. Đó là chưa nói, anh cũng là một nhạc sĩ có tâm hồn sáng tạo, với những bài ca trong sáng yêu người, yêu gia đình, yêu nhân viên, yêu toàn xã hội. Anh Hải là người biết lắng nghe và thỏa hiệp. Riêng tôi chưa bao giờ, từ bấy lâu nay, có mâu thuẫn lớn với anh ấy. Tôi rất quý trọng anh Hải, và những ý kiến khác nhau chỉ có tác dụng tích cực bổ sung cho nhau. Tôi không bao giờ quên rằng, có nhiều quyết định của người thuyền trưởng mình không thể nắm được hết.

Lê Viết Hải - Tập đoàn Hòa Bình HBC 17

- Hơn 30 năm, cơn sóng lớn nhất mà Hòa Bình gặp phải là gì, thưa ông?

GS. Phan Văn Trường: Anh Hải là con người can trường. Trước những cơn sóng lớn, anh chỉ đối mặt và căng buồm đi. Tất nhiên, cũng có một hai lúc gặp sóng rất mạnh, làm cho con thuyền tròng trành. Chính vào lúc đó mình mới được thấy anh xuất sắc trong vai thuyền trưởng.

Cổ phiếu Hoà Bình cũng từng rớt thê thảm. Những lúc đó, tôi đoán anh Lê Viết Hải sẽ lại nghĩ đến lời Phật dạy về sự vô thường của cuộc sống. Sá chi!

Hoà Bình cũng trải qua ba cuộc khủng hoảng, 1998, 2012 và 2020, nhưng vẫn đứng vững, trở thành nhà thầu nội địa lớn nhất Việt Nam! Còn có minh chứng nào hùng hồn hơn nữa!

Khởi nghiệp vào thời kỳ đất nước đổi mới trong điều kiện thiếu thốn và lạc hậu, bằng những nỗ lực phi thường, từ một “Văn phòng Xây dựng Hòa Bình” với số lượng nhân viên ít ỏi là 5 kỹ sư cùng với 20 người nữa, chủ yếu nhận thiết kế và thi công công trình nhà ở tư nhân. Đến nay, Tập đoàn Hòa Bình đã thi công gần 400 công trình lớn trải dọc từ Bắc đến Nam, ẩn hiện trên những dãy núi ngút ngàn, những cánh đồng mênh mông, những dòng sông êm ả, những bờ biển thơ mộng, những thành phố nhộn nhịp… Hoà Bình đã tạo công ăn việc làm cho hơn 30.000 lao động. Hoà Bình đã giữ đà tăng trưởng nhanh 5 năm tăng 5 lần như 30 năm trước kể từ khi thành lập. 

Với sự can trường của mình, cộng thêm cả sự sáng suốt, đôi khi anh Lê Viết Hải biết có thể đối diện với cái rủi ro cực đoan nhưng anh vẫn đi, đi vì quyết tâm và có niềm tin cao chứ không một chút mù quáng. Con người này thực sự vĩ đại. Có những giai đoạn, khi chủ đầu tư khó khăn, nợ đầm nợ đìa, anh Hải ôm luôn cho cả chủ đầu tư, không buông tay chủ đầu tư. Anh ấy quan niệm, “cứu người cũng là cứu mình”, mọi khó khăn rồi sẽ qua đi. Gọi thế là gì, nếu không phải là sáng suốt và nhân ái?

- Những lúc đó, Giáo sư không ngăn cản ư?

GS. Phan Văn Trường: Lúc đó, tôi cũng có những mâu thuẫn, bởi tôi khác anh Hải, tôi tới từ văn hoá doanh nghiệp Âu Mỹ, có cách giải quyết rất Âu Tây. Với tôi, một cái chân hoại tử, tôi sẽ cưa đi sớm. Bởi nếu không nó sẽ ăn mòn thêm nữa, nhân viên mà xấu tôi sẽ chia tay.

Nhưng, con người của Lê Viết Hải rất sâu sắc, đời sống tinh thần vô cùng phong phú. Con người tâm linh cũng vô cùng sâu sắc. Anh tin một cách mãnh liệt vào con thuyền đạo đức phục vụ xã hội, bênh vực con người, thì xã hội sẽ không bao giờ để cho chìm.

- Đó là những doanh nhân dân tộc? 

GS. Phan Văn Trường: Đúng vậy. Một doanh nghiệp 100% của người Việt, là sản phẩm của người Việt, khi họ gặp khó khăn thì phải ứng cứu. Đó là điều rất thiêng liêng. 

Họ đồng hành cùng dân tộc và đó là lương tri của doanh nhân Việt.

- Lê Viết Hải lại là sự kết hợp hài hoà giữa tình và lý?

GS. Phan Văn Trường: Tình nhiều hơn lý (Cười). Nhưng không thiếu lý đâu nhé!

- Đâu là điều mà Giáo sư còn lăn tăn hay chưa hài lòng ở Hoà Bình và Lê Viết Hải?

GS. Phan Văn Trường: Tôi làm sao có thể có gì lăn tăn, bởi tôi rất tin tưởng vào tài năng và đạo đức của anh Lê Viết Hiếu và chắc chắn anh Hải còn là linh hồn của Hoà Bình trong thời gian rất dài. Và đừng quên là trong Hoà Bình không chỉ có hai người xuất sắc này, mà còn bao nhiêu cộng sự và lãnh đạo khác cũng xuất sắc, nhiệt tình và trung thành. Trong suốt thời gian dài gắn bó, Hoà Bình đã hội tụ được những con người chất lượng và trung thành.

Nói một cách tương đối, hiếm có công ty nào có được cấu trúc như thế. Nếu Hoà Bình mà chìm thì các công ty khác cũng khó có thể nổi. Khi đó, có lẽ sóng phải to lắm rồi. Tôi không nghĩ tới những kịch bản đó, trong khi đất nước đang phát triển hài hoà.

Tôi thấy dân tộc Việt Nam được thánh nhân ưu ái rất nhiều. Chẳng cần chứng minh vũ trụ khi sinh ra đất nước Việt Nam đã dành sự yêu thương đặc biệt cho chúng ta. Chúng ta chưa hiểu hết, ý thức được hết, nhận định được hết, nhưng khi hiểu rồi chúng ta sẽ cảm tạ vũ trụ. Khi biết Singapore không có sông, Dubai thì chỉ có cát, lúc đó mới hiểu Việt Nam được ưu đãi như thế nào.

Lê Viết Hải - Tập đoàn Hòa Bình HBC 18

- Ở Việt Nam, nhiều người biết đến GS. Nguyễn Lân Dũng, nhà nghiên cứu Sinh học hàng đầu của đất nước. Nhà giáo Nhân dân này cũng từng là Đại biểu Quốc hội 3 khoá - X, XI, XII, nhưng không phải là Đảng viên. Ông ấy đã kể một câu chuyện mà tôi nhớ mãi về tư tưởng trọng người tài của Hồ Chủ tịch. Khi thành lập Chính phủ tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa I ngày 3/11/1946, Bác đã đề nghị lựa chọn nhiều trí thức không phải Đảng viên. Tiêu chí là "gồm tất cả các nhân tài trong nước để gánh vác việc quốc gia... đặt quyền lợi Tổ quốc và dân tộc lên trên hết, lấy lòng chí công vô tư mà làm việc". Ðó là các Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Huyên, Trần Ðăng Khoa, Hoàng Tích Trí, Vũ Ðình Hòe, Ngô Tấn Nhơn, Chu Bá Phượng, Nguyễn Văn Tố, Bồ Xuân Luật, Phan Anh, Hoàng Minh Giám, Phan Kế Toại. Chính phủ khi đó có tới mười vị ngoài Ðảng, đều là những trí thức nhiệt tình và đem hết tâm trí ra để hoàn thành trọng trách của mình.

GS. Nguyễn Lân Dũng vẫn tin rằng ở mọi thời, mọi quốc gia, mọi dân tộc, chữ Tâm chữ Đức là cao hơn cả. Dù làm chức gì đi nữa, nếu trái tim thiếu hơi ấm và sự quan tâm đến con người, mọi thứ khác đều không nhiều ý nghĩa. Bây giờ dân số nước ta đã tăng gấp hơn 4,3 lần, người tài đức đâu có thiếu, vậy mà nơi này nơi khác vẫn còn tình trạng "dùng người không biết nhạc làm nhạc trưởng".

Thưa Giáo sư, quay lại câu chuyện của anh Lê Viết Hải, một người cũng không phải là Đảng viên, từ mười năm trước từng được giới thiệu ra ứng cử Đại biểu Quốc hội nhưng từ chối vì quá bận, do khi đó anh Hải vừa làm Chủ tịch, vừa làm Tổng Giám đốc Hoà Bình. Đến tận vừa rồi, anh ấy mới đồng ý ứng cử sau khi Hòa Bình chuyển giao thế hệ.

Thông qua những điều Giáo sư nói, tôi cảm nhận anh Lê Viết Hải là người không ham quyền lực. Nhưng anh ấy tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội lần này với mong muốn có thể thay đổi được điều gì đó?

GS. Phan Văn Trường: Tôi không bàn về vấn đề này bởi tôi không có đủ văn hoá chính trị để đánh giá. Tôi chỉ mong đất nước Việt Nam sẽ tạo điều kiện để những người như Lê Viết Hải thể hiện được nhiều hơn, đóng góp được nhiều hơn và phát huy hết vai trò, sức lực của mình.

Lê Viết Hải - Tập đoàn Hòa Bình HBC 19

 

Con người Lê Viết Hải mà tôi biết, chưa bao giờ nghĩ sẽ ứng cử đại biểu Quốc hội để làm chính trị, mà chỉ luôn luôn tập trung vào việc tạo thêm giá trị cho đất nước.

Anh Hải ấy sẽ mãi mãi theo đuổi hoài bão của mình, không bằng cách này thì cách khác. Nếu chẳng may không thể cho “thế hệ vàng” Việt Nam thì ít nhất cũng là cho “thế hệ vàng” Hòa Bình…

- Ở các quốc gia phát triển Giáo sư từng đi qua, việc doanh nhân tham gia vào Quốc hội có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

GS. Phan Văn Trường: Do không làm chính trị nên tôi có ý niệm rất mơ hồ về việc này. Nhưng để ý ở bên Pháp thì người dân họ cũng theo dõi việc làm của Quốc hội ghê lắm. Ở trong Quốc hội có đủ mọi thành phần, trong đó có doanh nhân.

Nói chung, xã hội hiện tại rất cần các đạo luật khuyến khích các doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân phát triển. Cũng vì vậy, không có gì tốt bằng có doanh nhân tham gia vào Quốc hội Việt Nam.

Họ là những con người năng động, có lý luận vững chắc về doanh nghiệp, về kinh tế, họ hướng đến việc tạo lập giá trị trên mỗi bước đi. Vậy nên, tôi nghĩ Quốc hội Việt Nam nên tiếp tục tạo ra những điều kiện cho xã hội nói chung và các doanh nhân nói riêng tham gia góp sức.

Lê Viết Hải - Tập đoàn Hòa Bình HBC 20

- Tôi thật ngạc nhiên khi biết được, mối quan tâm lớn nhất của anh Lê Viết Hải là hoà bình. Hòa bình mà ông nhắc đến không phải là tên tập đoàn Hoà Bình.

GS. Phan Văn Trường: Tôi chỉ bình luận ngắn thôi, ai cũng có quyền có giấc mơ, và giấc mơ hòa bình là giấc mơ chính đáng. Hoà Bình là đứa con tinh thần – vật chất – tim óc của Lê Viết Hải. Tôi nghĩ, Lê Viết Hải như bao gia đình khác, đã phải sống trong thời chiến tranh, hiểu được cái giá quá đắt của chiến tranh, nên khát vọng hoà bình là điều hiển nhiên. 

- Có lẽ vì thế mà trong chương trình hành động của mình khi tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, anh Lê Viết Hải muốn nâng cao hơn nữa vị thế của Việt Nam bằng một sáng kiến trong việc đề xuất Liên Hiệp quốc tổ chức soạn thảo môn học “Giáo dục Công dân Toàn cầu” và thông qua Liên Hiệp quốc, định hình một cơ chế nhằm đảm bảo 100% trẻ em trên thế giới đều được tiếp thu trọn vẹn môn học đó?

GS. Phan Văn Trường: Anh Lê Viết Hải muốn góp phần giúp nhân loại sẽ có một thế hệ mới đầy lòng nhân ái, biết yêu chuộng hoà bình, tránh xa chiến tranh, từ đó sẽ có hoà bình lâu dài cho thế giới và cho chính Việt Nam chúng ta. Trong việc này, tôi sẽ cùng đồng hành với anh Hải.

- Tôi cảm nhận được, khát vọng lớn nhất của cụ Lê Mộng Đào, cha của anh Lê Viết Hải cũng là khát vọng hoà bình, khi tích cực tham gia phong trào Phật tử chống liên minh Thiệu Kỳ Khiêm năm 1967. Lê Viết Hải sinh năm 1958 và trưởng thành trong những năm tháng hoà bình của đất nước, rồi học đại học kiến trúc, đi làmlập một văn phòng tư vấn xây dựng nhỏ và từ đó phát triển thành công ty, thành tập đoàn, đặt cho sự nghiệp của mình cái tên Hòa Bình. Đó có lẽ là sự gửi gắm khát khao của bao nhiêu thế hệ dòng Lê xứ Huế. 

Ngày nay, hoà bình ở riêng Việt Nam là chưa đủ. Anh ấy cảm nhận được là, Việt Nam phải có sứ mệnh đưa ra sáng kiến giải pháp hòa bình cho thế giới hiện giờ vẫn đang âm ỉ nguy cơ bùng nổ chiến tranh ở nhiều nơi. Việt Nam đã gan góc trải qua bốn cuộc chiến tranh trong bão đạn chỉ trong mấy chục năm, nỗi đau dai dẳng qua bao nhiêu thế hệ. Giá trị hòa bình thấm đẫm trong mỗi con người Việt Nam. Tôi thấy tư duy của Lê Viết Hải rất nhất quán, từ chuyện xây dựng ở Việt Nam, khát vọng xuất khẩu ra thế giới cho đến việc mơ về một nền hoà bình toàn cầu…

GS. Phan Văn Trường: Đó là điều kiện tất yếu mà Lê Viết Hải đã chọn: Hòa bình thì cần phải xây dựng, có hòa bình thì các công trình xây dựng mới vững bền. Hòa bình nằm trong mỗi giá trị của Hoà Bình. “Hòa bình dẫn lối hòa bình” mà Lê Viết Hải đang xây dựng cũng là như thế. Anh ấy muốn giúp con người kiểm soát tham vọng, nuôi dưỡng lòng nhân ái, vị tha, nhận thức rõ tính man rợ, căm ghét chống lại mọi hình thái chiến tranh, hiểu sâu sắc giá trị và bồi dưỡng lòng yêu chuộng hòa bình.

Lê Viết Hải - Tập đoàn Hòa Bình HBC 21

- Đâu là giá trị văn hoá cốt lõi của Tập đoàn Hòa Bình, thưa ông?

GS. Phan Văn Trường: Đó là văn hóa nhân ái. Người Việt Nam chúng ta rất thân thiện, nhân viên làm việc nhiệt tình mà nhiều nước khác không có được. Nhân viên Hòa Bình đã viết nên những bài thơ ca ngợi “lá cờ Hòa Bình phấp phới bay lên cao làm hồn em thổn thức…”. Nhân viên Hoà Bình được yêu và mục tiêu tối thượng là để công ty trường tồn, tạo được nhiều giá trị cho xã hội.

Lê Viết Hải - Tập đoàn Hòa Bình HBC 22

Điều đáng tự hào nhất của Hoà Bình chính là "chinh phục được đỉnh cao một cách hòa bình". Lê Viết Hải đã xây dựng được nền văn hóa doanh nghiệp rất hòa bình và nhân văn. Hoà Bình trở thành doanh nghiệp uy tín, dẫn đầu trong ngành xây dựng, nhưng dẫn dắt là hòa bình, nhân văn thì rất đáng tự hào.

Mỗi người Hoà Bình đều yêu lao động, trọng nghĩa tình. Trên hành trình chinh phục đỉnh cao, Hòa Bình còn in dấu những bước chân thiện nguyện, trái tim ấm nồng của mình trên mọi nẻo đường đất nước. Không chỉ là trách nhiệm đối với xã hội, cộng đồng, mà từ lâu công tác thiện nguyện được thực hiện từ tình yêu thiên nhiên, yêu sự sống, từ lòng nhân ái của những con người thấm nhuần văn hóa Hòa Bình.

Cái tài của anh Lê Viết Hải là gạt bỏ mọi tư tưởng về quan hệ chủ – tớ sang một bên, biến nhân viên của mình thành những người phi thường, sắc bén. Người làm quản trị không nên quá chú trọng vào thưởng – phạt, mà cần phải tôn vinh họ một cách chân thành.

Lê Viết Hải - Tập đoàn Hòa Bình HBC 23

- Giáo sư có thể lý giải văn hoá nhân ái đó đến từ đâu?

GS. Phan Văn Trường: Tinh thần nhân ái đó đến từ cụ Lê Mộng Đào, cha của anh em Lê Viết Hải, Lê Viết Hưng, Lê Viết Hà...

Cụ Lê Mộng Đào là người đạo đức vô cùng. Tôi kính trọng cụ và gia đình cụ nên cả ba tác phẩm gan ruột của tôi sau khi xuất bản, tôi tặng hết tất cả tác quyền và nhuận bút cho quỹ giáo dục mang tên Lê Mộng Đào.

Đạo đức của cụ không định nghĩa được bằng từ ngữ của ngày hôm nay mà phải định nghĩa bằng những giá trị xưa. Đó là những tư tưởng đạo đức Nho giáo thời phong kiến, thiêng liêng vô cùng.

Đó là đạo đức tự trọng, chứ không phải đạo đức để phô trương. Đó là đạo đức thực lòng, không cần ai nhìn thấy. Đó là lý do duy nhất mà tôi, cũng như số đông làm việc không có ẩn ý gì với Tập đoàn Hòa Bình cho đến tận bây giờ.

- Đó là đạo đức tự thân, mà chỉ khi có đạo đức tự thân mới sản sinh ra khát vọng tự thân của doanh nhân trong thời đại ngày nay, đúng không thưa Giáo sư? 

GS. Phan Văn Trường: Hoàn toàn đúng như thế. Tôi từng nhiều lần giải thích, vì sao đạo đức tự thân đó mới đem lại sự trường tồn cho doanh nghiệp và cho cả quốc gia dân tộc.

- Tôi cũng đồng ý với quan điểm của Giáo sư, phải có cụ Lê Mộng Đào đạo đức như thế mới có anh Lê Viết Hải. Nhưng, giá trị đạo đức thời phong kiến có sức ảnh hưởng đến như vậy ư?

GS. Phan Văn Trường: Những giá trị đạo đức thời nào cũng rất đẹp. Có những người càng lên cao, càng thương dân như Lý Công Uẩn thì càng tốt đẹp chứ sao? Người ta chỉ sợ lên cao mà không thương dân thôi.

- Có lẽ ở cụ Lê Mộng Đào, tư tưởng của Nho giáo và Phật giáo đã được giao hoà và chắt lọc lại?

GS. Phan Văn Trường: Chữ nhân của cụ Lê Mộng Đào đã hun đúc và làm nên Lê Viết Hải và văn hoá nhân ái của Hoà Bình.

Với tính khiêm nhường, chưa bao giờ cụ Lê Mộng Đào nói về công trạng của mình, nhưng chúng ta đã phải thừa nhận công lớn của cụ trong việc mở rộng ảnh hưởng của văn hoá Phật giáo qua việc phát triển hệ thống trường học.

Lê Viết Hải - Tập đoàn Hòa Bình HBC 24

- Thưa Giáo sư, tư tưởng về Phật giáo có ảnh hưởng ra sao tới Lê Viết Hải?

GS. Phan Văn Trường: Thuyết vô thường của Phật giáo có ảnh hưởng rất nhiều đến anh Lê Viết Hải. Anh ấy không quan tâm nhiều lắm đâu về tài sản của mình có bao nhiêu. 

Tôi chứng kiến, anh Lê Viết Hải là một con người bình thường đúng nghĩa, không cao lương mỹ vị gì, không hàng hiệu đắt tiền, không phô trương bề thế. Anh ấy đã dự tính sau này toàn bộ cổ phần có được tại Hoà Bình thì chỉ giữ cho tuổi già một ít, phần còn lại đóng góp cho Hòa Bình phát triển và các hoạt động công tác xã hội cộng đồng…

Hiện tại, anh ấy đang đi chiếc SUV màu trắng mang thương hiệu của một doanh nghiệp ô tô trong nước. Xin kể với bạn một câu chuyên vui như có những hôm, tôi bận việc cần đi xe gấp, anh đưa tôi chạy cả một ngày… Anh ấy không coi tài sản của mình như biểu tượng hay niềm kiêu hãnh. Đây là con người có tâm hồn cống hiến cho xã hội và hiểu sâu sắc sự vô thường của cuộc đời.

Lê Viết Hải - Tập đoàn Hòa Bình HBC 25

- Liệu còn điều gì mà Giáo sư vẫn chưa nói với anh Lê Viết Hải trong suốt quãng thời gian ông làm việc tại Hòa Bình?

GS. Phan Văn Trường: Anh Lê Viết Hải thành công nhưng không bao giờ nói hoặc nghĩ: “Tôi thành công bởi vì tôi có tài”. Đất nước ta phát triển rất mạnh trong 30 năm vừa qua. Việt Nam phát triển bởi tất yếu buộc phải phát triển, không thể khác được. Chúng ta đang nằm đúng thời kỳ lịch sử mà thế giới muốn chúng ta phát triển. 

Anh Lê Viết Hải là con người thầm lặng, luôn tâm niệm làm được gì thì cứ làm, tạo được giá trị gì cứ tạo, yêu được nhân viên thì cứ yêu, mỗi bước đi đều tạo ra một giá trị. Chính vì thế, đó mới là con người sống “mở mắt”, hiểu được cuộc đời.

Anh Lê Viết Hải cũng đủ thông minh, khôn khéo để làm cho mỗi sự kiện của cuộc đời hoà hợp với giấc mơ của mình. Anh ấy không những không vỗ ngực, tự hào, tự ái sai chỗ, mà còn nỗ lực không ngừng. Anh ấy sống chỉ có tôn chỉ duy nhất là yêu nhân viên, yêu công ty, yêu nước và yêu những giá trị mình tạo ra.

Anh Lê Viết Hải là con người phi thường với tính tình dịu dàng và nhân ái!

- Những người khác tại Tập đoàn Hòa Bình có cùng suy nghĩ với ông không?

GS. Phan Văn Trường: Tôi chưa bao giờ tìm hiểu, nhưng chắc chắn là có nhiều người nghĩ giống tôi. 

- Tôi có cảm giác như ông và anh Lê Viết Hải có nhiều điều khác nhau về tính cách, nhưng lại có thể dung hòa?

GS. Phan Văn Trường: Trong tập đoàn Hoà Bình, tôi không đóng một vai trò gì lớn lao nên bổn phận của mình là tặng những ý kiến thực chất khi lãnh đạo tham vấn. Anh Hải thường lắng nghe, và tôi biết ơn vì điều này.

Tôi cũng như anh Lê Viết Hải và những người đồng hành, đều có một khát vọng là phục vụ Hòa Bình. Mà phục vụ Hoà Bình là phục vụ đất nước chứ đâu phải phục vụ bản thân mình.

- Có bao giờ Giáo sư nghĩ, tại sao đất nước ta lại chưa có nhiều doanh nhân như Lê Viết Hải...?

GS. Phan Văn Trường: Chúng ta cần phát triển, và chúng ta đang phát triển, không nên cá nhân hoá. Tất nhiên rồi, tôi mong được gặp càng nhiều doanh nhân như anh Lê Viết Hải thì càng tốt.

Những doanh nhân thực thụ như anh Lê Viết Hải, họ không quan tâm tới vật chất mà chỉ quan tâm tới giá trị mình tạo ra.

Có một “đại gia” thực thụ nữa, đó là Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Tôi xin đường đột lấy hình ảnh này, tạm gọi Thiền sư là “đại gia”. “Đại gia” này không quan tâm tới tiền, có lẽ ông không bao giờ có đồng nào trong túi, nhưng những giá trị mà Thiền sư tạo ra là mênh mông cho toàn thế giới, cho toàn nhân loại, và ông được công nhận như vậy.

- Nhân việc Giáo sư nói đến ông Thích Nhất Hạnh, tôi cũng rất tâm đắc với một câu của Thiền sư: “Chẳng biết rong chơi miền Tịnh độ / Làm người một kiếp cũng như không”… 

GS. Phan Văn Trường: Đúng là như vậy. Lê Viết Hải cũng là con người rong chơi trong thiên hạ như thế, cứ thoả sức sống và giương buồm ra khơi. Nhưng đây là một cuộc rong chơi với tinh thần xây dựng sâu sắc.

- Từ cảm quan của mình, ông thấy đóng góp lớn nhất của anh Lê Viết Hải cho dân tộc này là gì?

GS. Phan Văn Trường: Tôi không muốn đếm và đo thêm những thành tích vô cùng phong phú và hoành tráng của Tập đoàn Hoà Bình. Những thành tựu này quá hiển nhiên và ấn tượng. Tôi muốn chọn một giá trị tinh thần để đánh giá sự đóng góp to tát của anh Hải. Và tôi chọn sự tự tin. Bởi lùi lại 30 năm, dân tộc chúng ta có tật xấu là hay nuôi rất nhiều mặc cảm. Tôi nói cũng hơi chủ quan chăng, nhưng anh Lê Viết Hải giúp cho thế hệ trẻ có nhiều sự tự tin hơn. Bởi thế hệ trẻ cũng có những mặc cảm, nhất là mặc cảm với người nước ngoài.

Lê Viết Hải - Tập đoàn Hòa Bình HBC 26

 

Cách đây mấy hôm, tôi tới một trường đại học danh giá ở trong nước, ngồi giữa hiệu trưởng, hiệu phó và được đề nghị trả lời câu hỏi: “Làm thế nào để phá được mặc cảm của các sinh viên khi đứng trước những vấn đề liên quan đến quốc tế hóa”. Như vậy, sự mặc cảm là có thật.

Lê Viết Hải đã đem lại cho nhân viên của Hoà Bình và cho ngành xây dựng Việt Nam sự tự tin. Bởi Hoà Bình làm mỗi dự án đều ở chất lượng cao nhất có thể. Các công ty nước ngoài đã phải ngỡ ngàng: “Ai xây toà nhà này đây mà còn đẹp hơn nhà chúng tôi xây ở bên Mỹ”. Không những vậy, Lê Viết Hải còn là người tạo ra tiêu chuẩn để nước ngoài còn phải học tập.

Hoà Bình là minh chứng thể hiện sự tự tin của dân tộc Việt Nam. 

Dân tộc Việt Nam phải tự tin khi đi ra nước ngoài. Anh Hải đã góp phần tạo ra sự tự tin cho ngành xây dựng, từ đó có thể nhân lên, truyền sự tự tin cho cả thế hệ trẻ, cho dân tộc.

- Trân trọng cảm ơn Giáo sư, một cuộc trò chuyện quá bất ngờ và chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân tâm và đạo đức. Qua đây, không chỉ khiến tôi hiểu hơn về anh Lê Viết Hải và Hoà Bình, mà còn giúp tôi hiểu thêm về những sóng gió của cuộc đời và những va đập để doanh nhân Việt trưởng thành hơn, tự tin hơn khi đứng trước biển lớn.

*****

Như thường lệ, tôi có thói quen sau mỗi cuộc trò chuyện với ai đó, luôn tìm cách để có thể kiểm chứng thêm những giá trị mình đã thu nhận được. Nhưng lần này thì không. Vì tôi có niềm tin vào lòng nhân ái và sự vô tư của GS. Phan Văn Trường.

Thật tình cờ và có lẽ cuộc đời này luôn có những khoảnh khắc loé sáng ngầm định mà ta không nhận ra, rằng có những sợi dây tâm linh kết nối mà ta không thể ngờ tới. 

Lê Viết Hải - Tập đoàn Hòa Bình HBC 27

Ngay sau cuộc trò chuyện với GS. Phan Văn Trường, tôi gặp TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng, người đã dành phần lớn cuộc đời gắn bó với TP.HCM và chứng kiến sự đổi thay của thành phố. Trong cuộc trò chuyện về lịch sử thăng – trầm của kinh tế Việt Nam, ông Lịch nói với tôi rằng, lĩnh vực xây dựng 20 năm trở lại đây nổi lên những doanh nghiệp rất tầm cỡ và thành công như Coteccons của Nguyễn Bá Dương hay Tập đoàn Hòa Bình của Lê Viết Hải…

“Trong khi hiện nay, Coteccons đã bị nước ngoài khống chế, thâu tóm, thì tôi nghĩ và hy vọng rằng, anh Lê Viết Hải sẽ giữ được Hòa Bình, giữ được một doanh nghiệp Việt, do người Việt làm chủ”, TS. Trần Du Lịch mong muốn.

Nguyên Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM nhấn mạnh thêm rằng:

“Việc giới thiệu doanh nhân Lê Viết Hải ra ứng cử Đại biểu Quốc hội, đại diện cho nhân dân cũng như một lĩnh vực rất quan trọng như ngành công nghiệp xây dựng là điều hết sức cần thiết.

Khi đất nước ta đang trong giai đoạn đầu của công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đô thị hoá, rất cần những doanh nghiệp xây dựng mạnh. Thị trường này còn quá nhiều dư địa mà chúng ta chỉ mới bắt đầu. Tôi nghĩ rằng, cần có thêm nhiều doanh nghiệp nữa như Hòa Bình thì Việt Nam mới có thể khai thác hết lợi thế để phát triển mạnh mẽ.

Hiện nay, Hòa Bình là doanh nghiệp tầm cỡ. Khi chọn mua chung cư, ta thấy ở đâu doanh nghiệp này tham gia làm thì khách hàng có thể yên tâm bởi chất lượng. Một loạt khách sạn 5 sao, khu đô thị cao tầng đang xây dựng, chỗ nào cũng treo biển tên Hòa Bình.

Việc giới thiệu doanh nhân Lê Viết Hải ứng cử Đại biểu Quốc hội tại TP.HCM cũng là một điểm mới. Khi một doanh nhân nổi lên trong ngành xây dựng đắc cử sẽ là một điều tốt cho xã hội và nên ủng hộ. Lâu nay, chúng ta vẫn thường giới thiệu một số cá nhân có vai vế ở hiệp hội này hay hiệp hội khác, nhưng lại không phải là những người có uy tín trong ngành. Một doanh nhân lớn và có nhân cách như Lê Viết Hải, tiếng nói của họ sẽ có cả cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn, độ tin cậy và tầm ảnh hưởng sẽ lớn hơn”./.

Lê Viết Hải - Tập đoàn Hòa Bình HBC 28

 

Nguyễn Thành Công 
12/5/2021 06:30
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top