Doanh nhân Trần Thị Lệ – Chính trực và tận hiến

Doanh nhân Trần Thị Lệ – Chính trực và tận hiến

Nguyễn Thành Công
Nguyễn Thành Công Congnguyenthanhyb@gmail.com
Thứ Tư, 13/10/2021 - 08:09

Tôi đã từng chứng kiến khoảnh khắc Giáo sư Sử học Lê Văn Lan ở tuổi 85 trào dâng xúc động khi nói về những người phụ nữ kinh doanh tài ba của Việt Nam, những “bông hồng lửa” tạo nên sự nghiệp lớn với tâm hồn đẹp trên một đất nước mà suốt chiều dài lịch sử thường chỉ gắn với nông nghiệp.

Doanh nhân Trần Thị Lệ – Chính trực và tận hiến- Ảnh 1.

Giáo sư Lê Văn Lan khẳng định: “Chúng ta đã có những thương hiệu mang tầm thế giới, ghi dấu ấn của các nữ doanh nhân. Từ thân phận "tòng phụ, tòng phu, tòng tử", những người phụ nữ đã vươn lên và thể hiện “quyền uy” của mình. Trong tâm thức nhưng cũng là vô thức, trong dòng máu của những nữ doanh nhân hiện đại thành đạt có mầm mống le lói của các bậc tiền bối đã thành công và được lịch sử ghi nhận. Họ đang cố gắng sinh cơ, lập nghiệp, phát triển cơ đồ, nhân danh người phụ nữ hiện đại. Chắc chắn, trong những nữ doanh nhân ấy luôn có dòng chảy truyền thống, ý chí, khát vọng và tinh thần của người phụ nữ Việt Nam. Phải kể đến những nữ doanh nhân thành đạt, như: Chị Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk; Chị Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng sáng lập TH; Chị Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc VietJet Air; Chị Trần Thị Lệ, Tổng giám đốc Nutifood… Họ đã có những đóng góp rất lớn cho dân tộc”.

Doanh nhân Trần Thị Lệ – Chính trực và tận hiến- Ảnh 2.

Ngay trước đợt giãn cách xã hội của TP.HCM, tôi có cơ hội được nghe TS. Trần Du Lịch, người từng làm tư vấn kinh tế cho 5 đời Thủ tướng, đặc biệt từng tham gia tư vấn kinh tế và cải cách cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tham gia Ban nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải, chia sẻ về thời vận của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam từ sau đổi mới đến nay.

Ông Lịch hiếm khi khen một doanh nhân nhưng trong cuộc trò chuyện với tôi, cái tên Nutifood và “bộ đôi” doanh nhân Trần Thanh Hải – Trần Thị Lệ liên tục được ông nhắc đến:

“Doanh nhân Trần Thị Lệ là người không muốn xuất hiện nhiều trước công chúng nhưng với nền tảng là một bác sĩ dinh dưỡng, tâm huyết với việc nâng cao sức khỏe cộng đồng và sự quyết liệt, kiên định trong hành động, chị đã đưa Nutifood trở thành thương hiệu dinh dưỡng hàng đầu Việt Nam”.

TS. Trần Du Lịch tâm đắc và khẳng định: “Doanh nhân Trần Thị Lệ là người có khát vọng đưa Nutifood trở thành tập đoàn dinh dưỡng hàng đầu thế giới và mong muốn đưa nông sản của Việt Nam như cà phê, trà, thảo dược, các loại hạt cùng với sữa vượt biên giới, tạo nên dấu ấn Việt. Cách làm của công ty này là mang sản phẩm dưới thương hiệu của Nutifood đi xuất khẩu chứ không phải các sản phẩm thô, để tạo nên giá trị cao, mang về nguồn ngoại tệ lớn cho đất nước”.

Theo TS. Trần Du Lịch, điểm khác biệt lớn nhất và cũng là thế mạnh của Nutifood chính là công ty được sáng lập và điều hành bởi các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng có tâm và có tầm.

Tôi cho rằng, đó là nhận định có cơ sở. Khi đang học Đại học, sinh viên y khoa Trần Thị Lệ làm đề tài tốt nghiệp, người thầy hướng dẫn có nói với chị rằng, phòng bệnh hơn chữa bệnh, những công việc liên quan đến cộng đồng có thể giúp được rất nhiều người trước khi người ta bệnh… Và chị luôn trăn trở với lời dặn dò năm xưa của thầy. Cuộc trò chuyện của chúng tôi với người bác sĩ – doanh nhân Trần Thị Lệ cũng bắt đầu từ câu chuyện đó…

Doanh nhân Trần Thị Lệ – Chính trực và tận hiến- Ảnh 3.

- Tôi được biết trước đây, chị là một bác sĩ và rất yêu thích nghiên cứu về dinh dưỡng. Có phải từ những trải nghiệm trong “nghề”, tận mắt chứng kiến những đứa trẻ tử vong do suy dinh dưỡng, cùng với câu chuyện “máy xay sinh tố” cung cấp nguồn sống đã thôi thúc chị trở thành một doanh nhân trong ngành sữa, hay còn lý do nào khác?

Doanh nhân Trần Thị Lệ: Khi còn là bác sĩ ở trung tâm dinh dưỡng, tôi thường đi nghiên cứu trong cộng đồng, tới các hộ gia đình hay các bệnh viện để khảo sát xem các thành viên trong gia đình có thói quen ăn uống ra sao, chế độ dinh dưỡng như cơm, rau, thức ăn… xem họ đủ hay thiếu thứ gì.

Vào những năm 90 thế kỷ trước, tại Bệnh viện Nhi ở TP.HCM, cứ 8 – 10 em điều trị thì có đến 2 – 3 trường hợp tử vong, thật đau xót! Nguyên nhân là các em không có đủ dinh dưỡng để chống lại bệnh tật và phục hồi vết thương. Tôi đã nghe câu chuyện một vị bác sĩ khi ấy đã dùng chiếc máy xay sinh tố để xay nhuyễn nhiều loại thực phẩm, bỏ men tiêu hóa vào, nuôi ăn cho các em qua ống thông dạ dày. Những trăn trở và tâm huyết của vị bác sĩ đó đã cứu sống hàng nghìn trẻ em lúc bấy giờ. Sau này, vị bác sĩ ấy cũng chính là người tham gia sáng lập Nutifood và tôi may mắn có cơ hội làm việc, học hỏi rất nhiều từ vị bác sĩ đặc biệt này. Việc làm của chị đã trở thành cảm hứng và cũng là nguồn động lực để tôi và Nutifood sau này theo đuổi mục tiêu nâng chuẩn dinh dưỡng cho người Việt.

Doanh nhân Trần Thị Lệ – Chính trực và tận hiến- Ảnh 4.

 

- TS. Trần Du Lịch có nói với tôi rằng, điểm khác biệt và điểm mạnh nhất của Nutifood chính là được sáng lập và điều hành bởi các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng giàu kinh nghiệm. Chị nghĩ sao về điều này?

Doanh nhân Trần Thị Lệ: Nutifood được sáng lập bởi các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng. Họ là người đã sáng lập công ty này và đưa ra chiến lược, triết lý kinh doanh rõ ràng ngay từ đầu: “Mỗi sản phẩm làm ra không phải để tìm kiếm lợi nhuận, mà trước hết nhằm đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng bức thiết của cộng đồng, góp phần vào sự phát triển toàn diện về thể chất của người Việt Nam”.

Doanh nhân Trần Thị Lệ – Chính trực và tận hiến- Ảnh 5.

Bản thân là những bác sĩ, dược sĩ hằng ngày tiếp xúc với bệnh nhân mắc nhiều bệnh lý liên quan dinh dưỡng, hoặc gặp khó khăn trong việc hấp thu dinh dưỡng bổ trợ cho quá trình chăm sóc, những nhà sáng lập Nutifood luôn đau đáu bài toán làm thế nào cung cấp giải pháp dinh dưỡng đặc thù cho bệnh nhân Việt Nam. Bài toán ấy đã được Nutifood giải bằng những sản phẩm dinh dưỡng đặc trị, tạo ấn tượng mạnh mẽ trên thị trường nhờ chất lượng, thành phần công thức tương đương sản phẩm ngoại nhập nhưng hương vị, giá cả phù hợp thực tế người tiêu dùng Việt.

Tôi là người tiếp nối thực thi hóa tầm nhìn, triết lý của các nhà sáng lập nên Nutifood. Cứ 3 – 5 năm, chúng tôi định hướng lại chiến lược một lần nhưng vẫn không xa rời triết lý ban đầu. Tầm nhìn vươn tầm thế giới cũng được hoạch định ngay từ khi mới thành lập. Tên của công ty là Nutifood cũng được “quốc tế hóa”, gồm “Nuti” xuất phát của “Nutrition” và “Food”. Tên này người Việt dễ đọc mà cũng thân thiện với người nước ngoài. Vì muốn đưa Nutifood vươn ra thế giới nên chúng tôi thường xuyên xem mình đã thực hiện được tới đâu, đánh giá đã làm được gì, đi đến đâu rồi và cần điều chỉnh bổ sung ra sao.

- Để nâng chuẩn dinh dưỡng cho người Việt, Nutifood đã tạo ra các sản phẩm như thế nào?

Doanh nhân Trần Thị Lệ: Chúng tôi đã nghiên cứu hơn 250.000 trẻ em trong suốt nhiều năm bởi muốn làm ra các sản phẩm chuyên biệt, “đo ni đóng giày” cho từng đối tượng, giai đoạn phát triển cụ thể, như: Trẻ 0 – 6 tháng; 6 – 12 tháng; 1 – 3 tuổi; 3 – 6 tuổi; 6 – 12 tuổi…

Để làm được điều này, trước hết mình phải hiểu trẻ em Việt Nam từng độ tuổi thường ăn bao nhiêu 1 ngày, hấp thụ được bao nhiêu, lượng ăn đó đáp ứng được lượng dinh dưỡng cơ thể cần như vitamin, chất béo, đạm… như thế nào. Từ đó chúng tôi mới biết được thiếu bao nhiêu để bù đắp vào công thức sản phẩm cho phù hợp, tính toán 1 ngày uống bao nhiêu ly sữa để không thiếu không thừa. Tất cả đều được nghiên cứu rất chi tiết và khoa học.

Với trẻ 6 – 12 tuổi hay sản phẩm cho tuổi teen và người lớn cũng phải làm tương tự. Người lớn cũng cần chia ra nhiều đối tượng gồm: Người bình thường, thừa cân, suy dinh dưỡng, tiểu đường, thiếu canxi… Các sản phẩm phải chuyên biệt cho từng đối tượng và bệnh lý khác nhau. Đó là sự khác biệt của Nutifood so với các công ty khác hay các công ty đa quốc gia.

Doanh nhân Trần Thị Lệ – Chính trực và tận hiến- Ảnh 6.

Nhớ lại những năm đầu hoạt động, thời điểm đó, các sản phẩm sữa đặc trị luôn bị các công ty ngoại thống trị với giá bán cao. Thế nên đội ngũ bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng của Nutifood đã dành một thời gian dài chuyên tâm nghiên cứu, để mang đến những sản phẩm chất lượng cao với giá cả hợp lý cho từng nhu cầu dinh dưỡng chuyên biệt của trẻ em và người lớn. Đến thời điểm này, Nutifood sở hữu nhãn hiệu sữa trẻ em số 1 tại Việt Nam.

Thế nhưng nhu cầu thị trường ngày càng đa dạng hơn, cần những sản phẩm sữa nước tiện dụng hơn như: Sữa tươi, sữa tiệt trùng, sữa chua uống, sữa hạt... Đã có nhiều người hỏi tôi, sao Nutifood làm sữa bột, sữa đặc trị rồi mà không đẩy mạnh dòng sản phẩm sữa tươi? Chính vì vậy, chúng tôi quyết tâm đầu tư vào phân khúc này để người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn. NutiMilk sữa tươi chuẩn cao với hàm lượng dinh dưỡng tương đương sữa ngoại nhập – 3,5gr đạm và 4 gr béo trên 100ml sữa – là sản phẩm đầu tiên ra mắt năm 2020, sau 2 năm nghiên cứu và áp dụng Bộ tiêu chuẩn của Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng Nutifood Thụy Điển vào Trang trại Bò sữa NutiMilk. Sắp tới, chúng tôi sẽ còn giới thiệu nhiều sản phẩm sữa nước, sữa hạt khác nữa. 

*

*       *

Từ khi thành lập năm 2000, Nutifood luôn giữ vững vị thế tiên phong trong các dòng sản phẩm đặc trị tại Việt Nam như: Pedia Plus (2001) cho trẻ biếng ăn, Diabet Care (2002) cho người đái tháo đường và Nutifood GrowPLUS+ (2012) cho trẻ em suy dinh dưỡng, thấp còi, nay đã trở thành nhãn hiệu sữa trẻ em số một Việt Nam. Thành tựu này đến từ sự thấu hiểu thể trạng của người Việt thông qua những chương trình khảo sát, thăm khám lâm sàng cho hơn 250.000 trẻ em, từ đó ra mắt những sản phẩm "đo ni đóng giày" với nhu cầu dinh dưỡng của người Việt, phù hợp cả về khẩu vị lẫn giá bán.

Nutifood luôn giữ tinh thần tiên phong đương đầu khó khăn, tập trung đầu tư nghiên cứu và phát triển để đưa ra giải pháp cho các vấn đề dinh dưỡng bức thiết nhất. Đến nay, doanh nghiệp thuộc top 3 công ty sữa lớn nhất Việt Nam, góp phần làm giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi từ 36,5% (năm 2000) xuống 23,2% (năm 2018) theo số liệu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia; cải thiện dinh dưỡng để nâng cao tầm vóc và chất lượng sống cho nhiều thế hệ Việt.

Doanh nhân Trần Thị Lệ – Chính trực và tận hiến- Ảnh 7.
Trang trại Bò sữa NutiMilk nhìn từ trên cao.

 

Nutifood hiện sở hữu nhà máy sữa đầu tiên của Việt Nam tại Bjuv, miền Nam Thụy Điển – đất nước của những quy chuẩn chất lượng khắt khe và được bao quanh bởi hơn 2.500 nông trại nuôi bò sữa đạt tiêu chuẩn organic. Nhà máy Nutifood Thụy Điển có giá trị đầu tư gần 20 triệu USD (giai đoạn 1), với tổng công suất 15.000 tấn mỗi năm. Nhà máy được điều hành bởi các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm từ các tập đoàn sữa – thực phẩm nổi tiếng trên thế giới. Ngoài bột ăn dặm, cháo, sữa bột organic cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhà máy còn sản xuất các dòng sản phẩm sữa công thức, cháo và bột ăn dặm organic từ sữa dê.

Bình luận về chiến lược này của Nutifood, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, lựa chọn đầu tư ở Thụy Điển vì đây là đất nước cung cấp thực phẩm đạt chuẩn organic cao hàng đầu thế giới, là một trong 3 quốc gia xếp đầu các nước châu Âu (cùng Nauy và IceLand), gần như không sử dụng kháng sinh khi gia súc bị bệnh. Việc chính thức vận hành nhà máy tại Thụy Điển đánh dấu bước tiến quan trọng của Nutifood trong chiến lược vươn ra toàn cầu, nối tiếp hàng loạt dự án táo bạo với nhiều tập đoàn nổi tiếng thế giới như: Bắt tay với Delori Hoa Kỳ đưa sữa đặc trị cho trẻ biếng ăn Pedia Plus vào thị trường Mỹ, hợp tác với tập đoàn BASF CHLB Đức để đưa nguồn dinh dưỡng tiên tiến HMO vào sản phẩm sữa dinh dưỡng cho trẻ em; liên doanh với tập đoàn thực phẩm hàng đầu của Nhật Asahi đưa các sản phẩm dinh dưỡng trẻ em tiêu chuẩn Nhật vào thị trường Việt Nam, thành lập liên doanh với Golf thủ huyền thoại thế giới Greg Noeman đưa Nuti Café thâm nhập thị trường quốc tế…

Ngoài nhà máy tại Thụy Điển, hiện tại Nutifood còn có 5 nhà máy tại Việt Nam gồm: 3 nhà máy ở phía Bắc (2 Hưng Yên, 1 Hà Nam), 1 tại Gia Lai và 1 tại Bình Dương.

*

*       *

Chia sẻ với chúng tôi, doanh nhân Trần Thị Lệ cho rằng, thị trường sữa Việt Nam rất đa dạng, cơ hội và dư địa phát triển còn lớn, bởi sữa ở nước ta đa số chỉ dùng cho trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai và cho con bú, trẻ dưới 5 tuổi, lứa tuổi từ 6 – 12 có dùng nhưng không nhiều, tuổi teen giảm dùng, người lớn thì hầu như không dùng. Trong khi đó trên thế giới, sữa được dùng thường xuyên tới già. Về thức uống dinh dưỡng, Việt Nam là đất nước nhiệt đới nên có nhiều loại nông sản, hạt, trái cây có thể kết hợp được với sữa để cho ra nhiều thức uống có vị khác nhau và tạo nên nhiều xu hướng tiêu dùng mới, không chỉ phục vụ thị trường Việt Nam mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Do đó, dư địa không chỉ ở phạm vi Việt Nam mà còn có thể xuất khẩu sang nhiều nước khác.

- Vốn là bác sĩ, chị hiểu thể trạng của trẻ em Việt và có khả năng phối hợp với các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành để có sản phẩm tối ưu cho trẻ, tôi nghĩ đó cũng là lợi thế của một doanh nghiệp khi phải cạnh tranh với các hãng sữa ngoại. Theo chị, đâu là những yếu tố quan trọng giúp Nutifood vươn tầm?

Doanh nhân Trần Thị Lệ: Trong các chiến lược của mình, Nutifood luôn ưu tiên chính sách đổi mới sáng tạo, trong đó có sự hiểu biết về người tiêu dùng thông qua nghiên cứu thị trường, ứng dụng nghiên cứu khoa học kỹ thuật và đầu tư công nghệ.

Doanh nhân Trần Thị Lệ – Chính trực và tận hiến- Ảnh 8.

 

Thứ nhất, về nghiên cứu thị trường, đầu tiên cần hiểu rõ tình trạng dinh dưỡng của người Việt, tiếp đó là tâm lý tiêu dùng. Chúng tôi luôn tổ chức những đợt nghiên cứu về các đối tượng tiêu dùng của mình, cả trẻ em lẫn người lớn.

Chẳng hạn khi đưa ra một sản phẩm cho trẻ em, Nutifood phải đảm bảo về chất lượng và phải nắm bắt tâm lý của trẻ. Mình nói câu chuyện về sản phẩm theo ngôn ngữ của trẻ, sống cuộc sống của trẻ. Các câu chuyện Nutifood truyền thông sẽ hướng tới những điều bổ ích cho trẻ, giúp trẻ học được những bài học trong cuộc sống như: Bảo vệ môi trường, bảo vệ thế giới, có thể sống tốt, sống đẹp… Các mẹ sẽ yên tâm về chất lượng cũng như các câu chuyện lồng ghép trong sản phẩm, yên tâm về những gì con học được, cách con hành xử…

Thứ hai, Nutifood đẩy mạnh ứng dụng nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Chúng tôi có nhà máy sản xuất tại Thụy Điển, đạt chuẩn mực cao của châu Âu. Việc thành lập và kết hợp hoạt động 2 viện Nghiên cứu của Nutifood tại Thụy Điển và Việt Nam cũng phục vụ cho mục tiêu đó.

Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng Nutifood Thụy Điển tập hợp được các nhà khoa học giỏi của châu Âu. Họ sẽ tư vấn cho Nutifood về xu thế dinh dưỡng trên thế giới, các tiến bộ của khoa học dinh dưỡng, mình phải đầu tư các công nghệ gì, các công thức, nguyên liệu được áp dụng ra sao để bắt kịp tiến bộ của khoa học thế giới. Viện nghiên cứu dinh dưỡng Nutifood tại Việt Nam nghiên cứu, đánh giá tình trạng dinh dưỡng của người Việt. Ví dụ như cơ địa của người Việt Nam nên ăn gì, uống gì, bổ sung chất dinh dưỡng ra sao. Hai Viện này kết hợp, ứng dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật hiện đại nhưng phù hợp với thể trạng của từng nhóm khách hàng, giống như sản phẩm may đo riêng cho thể trạng của người Việt Nam, và đó cũng chính là thế mạnh mà Nutifood vượt qua các công ty nước ngoài.

Thứ ba, chất lượng và hiệu quả của sản phẩm phải được chứng minh bằng khoa học. Đến nay, chúng tôi đã có 14 nghiên cứu lâm sàng cho nhiều dòng sản phẩm của Nutifood. Nhờ vậy, khách hàng khi trải nghiệm sản phẩm đều hài lòng bởi chất lượng và hiệu quả tốt.

Thứ tư, Nutifood là công ty dám đổi mới, đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ. Năm 2020, ngân sách đầu tư của Nutifood là 50 triệu USD. Có năm, tiền đầu tư bằng cả lợi nhuận của công ty thu về, bởi chúng tôi rất chú trọng vào khoa học công nghệ để bắt kịp sự phát triển của thế giới. Tôi vô cùng tự hào về dây chuyền sản xuất hiện đại đạt tiêu chuẩn FDA cho dòng sản phẩm sữa tiệt trùng xuất khẩu đi Hoa Kỳ. FDA cho sản phẩm sữa bột (khô) thì dễ, nhưng cho sữa tiệt trùng thì khó vô cùng. Nutifood là đơn vị không chỉ đầu tiên tại Việt Nam mà còn là đầu tiên của Đông Nam Á đạt chuẩn FDA sữa tiệt trùng vào Hoa Kỳ. Với Nhật Bản, đất nước vô cùng nghiêm ngặt về yêu cầu chất lượng, nhưng chúng tôi cũng đã chinh phục được đối tác Wakodo để hợp tác.

Doanh nhân Trần Thị Lệ – Chính trực và tận hiến- Ảnh 9.

 

- Nutifood nuôi khát vọng vươn tầm thế giới bằng cách đầu tư ra nước ngoài, liên doanh, sáp nhập và mua lại. Khi liên doanh với nước ngoài, chị có lo sợ đối tác chỉ tận dụng mình, tận dụng thị trường của mình, lao động giá rẻ của mình mà không chuyển giao công nghệ không? Nhiều chuyên gia thì khẳng định, doanh nghiệp Việt Nam không nên liên doanh mà nên tự lực cánh sinh, đầu tư mua công nghệ và tự chủ 100% thì chúng ta mới có nền kinh tế độc lập, tự chủ được!

Doanh nhân Trần Thị Lệ: Nutifood hợp tác với đối tác cùng ngành vì chúng tôi muốn được học hỏi họ về quy trình, cách quản lý của các nước trên thế giới để phát triển. Hiện nay, chúng tôi lên một tầm cao hơn là chủ động đầu tư nhà máy tại Thụy Điển, chủ động luôn về mặt quy trình và sản xuất, ứng dụng các nghiên cứu khoa học tốt nhất của thế giới và xuất khẩu đi các nước khác.

Muốn bước vào một thị trường mới thì mình phải hiểu về thị trường đó, như các đối tác nước ngoài muốn vào Việt Nam vậy. Mình phải hiểu thị hiếu tiêu dùng của người dân, sản phẩm nào phù hợp tại thị trường đó. Cái gì có thể tác động đến họ để họ có thể quan tâm đến sản phẩm của mình? Tuỳ mỗi nước mà Nutifood có các chiến lược riêng khác nhau, phù hợp với từng thị trường. Công thức cho sản phẩm và việc hợp tác ở từng thị trường cũng sẽ khác.

Doanh nhân Trần Thị Lệ – Chính trực và tận hiến- Ảnh 10.

Hai tháng trước, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chia sẻ với tôi, ở những đất nước phát triển mà ông có dịp đến thăm, học hỏi thì văn hoá hợp tác chính là nguồn vốn xã hội tạo nên sức mạnh và sự thịnh vượng cho cộng đồng doanh nghiệp. Xu thế hợp tác mới nói không với quan niệm cạnh tranh “một mình một chợ”, chợ thật và cả “chợ ảo”.

“Cạnh tranh trong thị trường là điều đương nhiên, nhưng ngày nay, người ta cạnh tranh để cả hai đều thắng, tất cả cùng thắng”, ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Nhìn vào cách Nutifood hợp tác với những doanh nghiệp và nhà khoa học hàng đầu thế giới để sản xuất các sản phẩm dinh dưỡng mới thấy, nhận định đó của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là có lý.

Trước hết, với Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng Nutifood Thụy Điển, nơi quy tụ đội ngũ chuyên gia hàng đầu thế giới, Nutifood đã tiên phong ứng dụng tinh hoa, thành tựu khoa học, nghiên cứu và phát triển các giải pháp dinh dưỡng chuẩn châu Âu, phối hợp cùng Viện nghiên cứu dinh dưỡng tại Việt Nam để đáp ứng nhu cầu, thể trạng đặc thù của trẻ em và người tiêu dùng Việt.

Thành tựu tiên phong của Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng Nutifood Thụy Điển là Công thức FDI độc quyền. Đây là sự kết hợp hoàn hảo giữa bộ đôi dưỡng chất 2'FL-HMO và FOS, công thức FDI giúp trẻ xây dựng Đề kháng khỏe, Tiêu hóa tốt – nền tảng then chốt cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Nhiều nghiên cứu lâm sàng đã chứng minh, công thức FDI giúp trẻ cải thiện được tình trạng rối loạn tiêu hóa, táo bón và tiêu chảy, hấp thu tối ưu các dưỡng chất. Đặc biệt, công thức FDI còn nuôi dưỡng hệ vi khuẩn có lợi trong đường ruột, giúp tăng cường hệ miễn dịch, trẻ ít bị bệnh hơn. 

Với Công thức FDI, sau 4 năm liên tiếp dẫn đầu ngành sữa đặc trị, đến nay Nutifood GrowPLUS+ đã vươn lên tầm cao mới, trở thành thương hiệu sữa trẻ em số 1 Việt Nam chỉ sau 8 năm ra mắt, trong một thị trường nhiều cạnh tranh với những đối thủ ngoại nhập hùng mạnh. Đây là quả ngọt gặt hái sau chặng đường tận tụy giải bài toán dinh dưỡng đặc thù cho nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam.

Thành tựu thứ hai của Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng Nutifood Thụy Điển, là cho ra đời nguồn sữa tươi chất lượng cao tương đương sữa ngoại với 3,5gr đạm và 4gr béo trong 100ml sữa. Đó là kết quả của 2 năm nghiên cứu và áp dụng Bộ tiêu chuẩn khắt khe của Viện vào Trang trại Bò sữa NutiMilk tại cao nguyên Gia Lai.

Doanh nhân Trần Thị Lệ – Chính trực và tận hiến- Ảnh 11.
Nhà máy sữa Nutifood Gia Lai.

 

Khao khát đạt đến những tiêu chuẩn chất lượng tốt nhất, nâng cao chuẩn dinh dưỡng cho người Việt tiếp tục dẫn đường cho NutiFood có được những bước tiến đột phá trong hành trình phát triển. Đầu năm 2018, Nutifood chinh phục thành công tấm "visa" vào Mỹ, khi được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ FDA cấp giấy chứng nhận cho dòng sản phẩm Pedia Plus, và đưa sản phẩm “lên kệ” tại các siêu thị của Mỹ. Đây là bước đi quan trọng giúp NutiFood chuẩn hóa toàn bộ hệ thống vận hành và chất lượng sản phẩm, nhằm đáp ứng tốt nhất những yêu cầu nghiêm ngặt của bộ tiêu chuẩn uy tín hàng đầu thế giới từ FDA.

Tiếp đó, Nutifood cũng là thương hiệu sữa Việt Nam đầu tiên được “đại siêu thị” nổi tiếng nhất thế giới WALMART cấp phép phân phối hàng trong hệ thống.

Ngoài câu chuyện về “máy xay sinh tố”, tôi đã rưng rưng khi nghe kể lại câu chuyện về một vị bác sĩ, đầu những năm 90 đã đến chơi nhà bạn và chứng kiến một cháu bé gầy nhom nói một câu có thể khiến bất cứ ai nghe cũng cảm thấy đau lòng: “Cháu thích mình ốm, vì ốm cháu mới được ăn ngon hơn và được uống sữa!”.

Mục tiêu giải bài toán dinh dưỡng, nhất là vấn đề suy dinh dưỡng ở trẻ em, xuất phát từ trái tim và tâm huyết của những bác sĩ sáng lập viên Nutifood và được tiếp nối thành công, mạnh mẽ hơn nữa dưới sự lèo lái của bác sĩ Trần Thị Lệ. Cách đi của Nutifood không phải là cách đi thông thường. Theo bác sĩ Lệ, Nutifood xác định và tiên phong chọn những tiêu chuẩn cao nhất, công nghệ hiện đại nhất, sản phẩm khó làm nhất, chuẩn mực chất lượng cao nhất theo tiêu chuẩn của nhiều nước lớn trên thế giới. Đó là cách làm “thái sơn áp đỉnh” (chịu áp lực như có núi lớn đè lên). Trong suốt hành trình hơn 20 năm, Nutifood luôn đi theo đường ray đó, bằng tầm nhìn và sự quyết liệt của người đứng đầu.

Nhiều người lo ngại rằng, doanh nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh được với các hãng sữa ngoại, bởi chúng ta đi sau khá lâu. Tuy nhiên, doanh nhân – bác sĩ Trần Thị Lệ lại tự tin hoàn toàn có thể chiến thắng trong cuộc đua này. Theo chị, trong “thế giới phẳng”, chúng ta có thể nhập công nghệ mới nhất ở bất cứ nước nào. Càng những doanh nghiệp ra sau, càng có cơ hội tiếp cận công nghệ mới nhất, tiên tiến nhất. Ví dụ ở Nutifood, các dây chuyền sản xuất hiện đều là top đầu thế giới. Còn về nguồn nguyên liệu, với lợi thế dân số đông – trẻ, Việt Nam là thị trường tiêu thụ rất lớn của các nhà cung cấp tốt nhất toàn cầu như New Zealand, Mỹ, EU... “Chúng ta thậm chí không phải đi đâu, mà họ luôn chủ động tìm đến tận nơi chào mời. Công nghệ tốt, nguyên liệu tốt..., chỉ khác người bấm nút chạy máy là người Việt Nam thôi. Có gì mà chúng ta không cạnh tranh sòng phẳng được”, nữ doanh nhân quả quyết.

Có một câu chuyện khác mà ông Lê Minh Hoan chia sẻ với tôi, thật đáng suy ngẫm: “Mỗi sáng ở Châu Phi khi con linh dương thức dậy. Nó biết rằng nó phải chạy nhanh hơn con sư tử nhanh nhất, nếu không nó sẽ bị chết. Cũng mỗi sáng khi con sư tử thức dậy, nó biết nó phải chạy nhanh hơn con linh dương chậm nhất, nếu không muốn bị chết đói. Điều quan trọng không phải việc bạn là sư tử hay linh dương. Khi mặt trời mọc, bạn nên bắt đầu chạy”.

Với Nutifood cũng vậy. Họ đang mang trong mình tâm thế và khát vọng lớn, được xác định ngay từ những ngày đầu tiên thành lập, và vẫn đang tiếp tục tăng tốc, vượt qua nhiều giới hạn để vươn ra thế giới…

Doanh nhân Trần Thị Lệ – Chính trực và tận hiến- Ảnh 12.

- Lần đầu tiên, Việt Nam đã khẳng định giấc mơ lớn của quốc gia, dân tộc trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng là: Khát vọng phồn vinh hạnh phúc. Nói cách khác, đó là khát vọng hùng cường thịnh vượng và hạnh phúc. Giấc mơ đó sẽ được hoàn thành vào năm 2045, để Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển, có thu nhập cao. Và lực lượng chủ đạo để thực hiện giấc mơ này chính là doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Lĩnh vực kinh doanh chủ đạo của Nutifood liên quan tới dinh dưỡng và sức khỏe có ý nghĩa ra sao để góp phần thực hiện giấc mơ lớn của Việt Nam? Nutifood xác định mình ở đâu trong giấc mơ đó, thưa chị?

Doanh nhân Trần Thị Lệ: Giấc mơ lớn của dân tộc thôi thúc và truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp, doanh nhân cùng nhau cố gắng và cổ vũ đội ngũ của mình hướng đến khát vọng phồn vinh, hạnh phúc, nền kinh tế gấm hoa.

Doanh nhân Trần Thị Lệ – Chính trực và tận hiến- Ảnh 13.

 

Tôi luôn tự hỏi, tại sao người nước ngoài tạo dựng được các doanh nghiệp nổi tiếng, vươn tầm thế giới mà chúng ta không làm được? Đó là lý do tôi kêu gọi các anh chị đã từng làm ở các công ty đa quốc gia có kinh nghiệm, có trí tuệ, có nhiệt huyết, muốn cống hiến, muốn tạo dựng danh tiếng cho một doanh nghiệp Việt Nam... hãy về đồng cam cộng khổ với chúng tôi, để khẳng định người Việt Nam làm được. Tôi nghĩ đâu đó những con người Việt Nam vẫn luôn muốn có những công ty Việt Nam để họ cống hiến và đóng góp. Giấc mơ của tôi là tạo dựng được một tập đoàn dinh dưỡng của Việt Nam có danh tiếng, vươn tầm thế giới.

Bên cạnh những chỉ tiêu kinh tế và văn hóa thì chỉ tiêu về sức khỏe, về chất lượng cuộc sống là yếu tố quan trọng làm nên một Việt Nam hùng cường và hạnh phúc. Trong hành trình phát triển, chúng tôi tự hào đã góp một phần trong thành quả giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi của trẻ em Việt Nam. Nhiều thách thức vẫn còn, nhưng cũng là những cơ hội mới mở ra dành cho công ty.

Doanh nhân Trần Thị Lệ – Chính trực và tận hiến- Ảnh 14.

- Theo cảm quan của tôi, không chỉ riêng Nutifood mà hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam hiện đều tự mở lối tiên phong, tìm cho mình những con đường đi riêng rất mạnh mẽ và tạo được dấu ấn thành công. Theo quan điểm của chị, nếu được Nhà nước giao nhiệm vụ trực tiếp để doanh nghiệp thực hiện những giấc mơ lớn, những nhiệm vụ lớn của quốc gia, dân tộc, khi đó doanh nghiệp sẽ thuận lợi hay thách thức hơn? Khả năng sáng tạo hơn hay gò bó nhiều hơn?

Doanh nhân Trần Thị Lệ: Tôi nghĩ đây là thuận lợi nhưng cũng có không ít thách thức. Thuận lợi sẽ nhiều hơn, khi được Nhà nước dẫn dắt và trao cơ hội, tạo động lực. Còn thách thức chủ yếu là việc vượt qua được chính mình. Cơ hội và khả năng sáng tạo do mục tiêu, khát vọng mình đặt ra và nỗ lực để vươn tới.

Doanh nhân Trần Thị Lệ – Chính trực và tận hiến- Ảnh 15.

Tôi quan niệm, đã là doanh nhân thì luôn phải có khát vọng vươn lên và chịu khó đổi mới, sáng tạo liên tục, từng ngày, từng giờ. Thách thức sẽ làm cho mình chịu khó học hỏi, tiến bộ hơn, giúp cho mình trưởng thành và phát triển hơn. Đó cũng là động lực để chúng tôi học hỏi những sự đổi mới trong ngành nghề của mình, những tiến bộ khoa học công nghệ.

Chẳng hạn như trong thời đại 4.0, việc bán hàng rất cần cập nhật thường xuyên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại. Việc truyền thông marketing cũng cần đổi mới liên tục. Cách làm năm trước và năm nay nhiều khi khác nhau hoàn toàn, thậm chí vài tháng sau đã khác rồi. Việc đó phải cập nhật rất nhanh, phải bắt kịp, phải học hỏi, quan sát mỗi ngày. Việc quản lý con người cũng vậy. Cách quản lý con người hiện nay so với mười năm trước là rất khác nhau. Tất cả những điều đó đều là thách thức cần phải học hỏi.

Tôi cho rằng, thách thức lớn nhất của doanh nhân thời đại ngày nay là làm sao để có thể đi đầu về công nghệ để cạnh tranh ngang bằng với những thương hiệu toàn cầu. Mỗi năm, chúng tôi đầu tư nhiều chục triệu USD và đổi mới liên tục về công nghệ.

Thậm chí, nhiều anh chị làm cho các công ty đa quốc gia về đây đã rất ngạc nhiên là Nutifood cái gì cũng có, hiện đại không thua các công ty nước ngoài, công nghệ hàng đầu. Ví dụ như máy móc có nhiều loại của Việt Nam hay các nước trong khu vực Đông Nam Á có giá bán rẻ, nhưng chúng tôi chọn mua hàng tốt nhất do Mỹ, Nhật Bản sản xuất, dù giá cao ngất ngưởng. Chúng tôi tuân thủ cam kết cho ra đời các sản phẩm tốt nhất, chất lượng phải theo tiêu chuẩn thế giới, nên công nghệ sản xuất phải ưu tiên ở chuẩn mực cao nhất. 

Tôi tin tưởng rằng, khi được Nhà nước giao nhiệm vụ trực tiếp và tạo cơ hội, cùng đồng hành và chia sẻ với doanh nghiệp, thì chắc chắn doanh nhân sẽ làm nên những kỳ tích.

- Đã bao giờ Nutifood nghĩ đến sẽ nhận nhiệm vụ lớn lao của đất nước, dân tộc để đi vào giải bài toán lớn của quốc gia chưa?

Doanh nhân Trần Thị Lệ: Ngay từ khi thành lập, Nutifood đã xác định sẽ trở thành tập đoàn dinh dưỡng vươn tầm thế giới, không chỉ giải bài toán dinh dưỡng cho người Việt mà còn tạo ra các sản phẩm xuất khẩu toàn cầu, đem lại nguồn ngoại tệ cho Việt Nam.

Doanh nhân Trần Thị Lệ – Chính trực và tận hiến- Ảnh 16.

 

Khát khao lớn nhất của tôi là làm được cái gì để đóng góp cho xã hội, cho cộng đồng, cho tầm vóc, trí tuệ của trẻ em Việt Nam. Khát khao đó luôn cháy bỏng trong tôi. Với khát khao đó, tôi muốn làm ra các sản phẩm tốt nhất, đưa thương hiệu Nutifood vượt khỏi biên giới Việt Nam. Để làm được điều đó không còn con đường nào khác, cách nào khác là phải hành động, phải đổi mới sáng tạo mỗi ngày, làm sao phục vụ tốt nhất cho người Việt Nam trước tiên và tiếp đó là người tiêu dùng nhiều nước khác.

- Nhìn vào đường hướng chiến lược của Nutifood thì có vẻ như chị đã xác định con đường đi tới của doanh nghiệp là nâng cao sức khỏe, nâng cao dinh dưỡng, nâng cao đời sống thể chất cho con người bằng các sản phẩm chất lượng hàng đầu?

Doanh nhân Trần Thị Lệ: Chúng tôi kiên định mục tiêu này. Dù làm sản phẩm gì, chúng tôi cũng đặt ra cam kết về chất lượng. Đó là sự kiên định và cam kết của Nutifood với người tiêu dùng. Như bạn thấy, dù trong hoàn cảnh nào chúng tôi vẫn luôn làm như vậy, bất kể là những giai đoạn khó khăn trong quá khứ hay dưới sự ảnh hưởng của Covid-19, chúng tôi vẫn kiên định đặt yêu cầu rất cao về chất lượng.

Chọn những quy chuẩn tốt nhất trên thế giới làm thước đo, Nutifood sử dụng các nguyên vật liệu có chất lượng tốt nhất, công nghệ sản xuất phải là công nghệ tốt nhất thế giới và dịch vụ chăm sóc cũng phải hiện đại nhất. Những gì Nutifood sử dụng đều hướng đến chất lượng hàng đầu và chúng tôi cam kết điều đó.

Doanh nhân Trần Thị Lệ – Chính trực và tận hiến- Ảnh 17.

- So với trước đây, Nutifood đã có nhiều thay đổi lớn. Hiện công ty đang quy tụ được những chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu và những nhân sự tài năng không những ở trong nước mà còn trên toàn cầu. Sự thay đổi này do khác biệt về tài chính, về chế độ đãi ngộ hay do tư duy, triết lý kinh doanh đã thay đổi, giúp công ty có đủ khả năng để thu phục nhân tài?

Doanh nhân Trần Thị Lệ: Tôi nghĩ sự thay đổi đó đến từ nhiều yếu tố. Trước tiên xuất phát từ định hướng hoạt động của công ty. Những khát vọng đang được hiện thực hóa ngày càng rõ nét và triết lý kinh doanh kiên định đã giúp chúng tôi có được sự đồng hành của nhiều nhân tài, cùng nhau phát triển và bước nhanh trên con đường vươn ra thế giới.

Song song đó là sự ghi nhận, tưởng thưởng xứng đáng của công ty với những nỗ lực, đóng góp từ đội ngũ CBNV. Chúng tôi không xây dựng một chế độ phúc lợi cào bằng mà dựa trên hiệu quả công việc của mỗi thành viên. Nutifood cũng là một trong số ít công ty có tỷ lệ thăng tiến nội bộ rất cao, đạt gần 80%.

Doanh nhân Trần Thị Lệ – Chính trực và tận hiến- Ảnh 18.

Tôi tự hào khi Nutifood có một môi trường làm việc cởi mở, thân thiện, nơi mà mỗi nhân viên đều cảm thấy thoải mái, dễ chịu. Mọi người đều cảm thấy ý nghĩa việc mình làm, đồng hành cùng công ty để tạo ra những giá trị, những sản phẩm dinh dưỡng chất lượng, đóng góp cho sức khỏe của cộng đồng. Việc cảm nhận được ý nghĩa công việc như ngôi sao dẫn đường, giúp nhân viên có động lực để hoàn thành tốt mục tiêu.

- Đâu là phẩm chất cốt lõi mà chị muốn xây dựng ở môi trường làm việc của Nutifood?

Doanh nhân Trần Thị lệ: Với Nutifood, chính trực luôn là yêu cầu hàng đầu. Khi tuyển dụng nhân sự, chúng tôi đặt vấn đề này lên trên hết và nếu như tuân thủ thì mới có sự bắt đầu. Tại sao lại là chính trực? Đâu phải chỉ các bác sĩ, nhà khoa học mới cần chính trực, mà mỗi người trong chúng ta, trong từng hành động đều cần sự chính trực. Ví dụ, đã cam kết với khách hàng về chất lượng thì sản phẩm đó phải thật tốt, cam kết đáp ứng nhu cầu của trẻ em thì phải làm đúng như vậy, ít nhất bằng chuẩn mực mình đã cam kết hoặc phải tốt hơn. Với đồng nghiệp và ngay cả trong gia đình thì cũng cần sự cam kết. Nếu không có tính chính trực thì khó phát triển bền vững.

Doanh nhân Trần Thị Lệ – Chính trực và tận hiến- Ảnh 19.

 

Từng có người hỏi tôi liệu tìm người chính trực có khó quá không? Tôi tin con người luôn có tính chính trực và chắc chắn bạn sẽ gặp nhiều ở Nutifood. Thật ra, khi một nhân sự không chính trực mà vào làm ở môi trường có tính chính trực, chắc chắn nhân sự sẽ nhanh chóng bị đào thải vì họ không thuộc về nơi đó. Ít nhất là các đồng nghiệp xung quanh cũng sẽ không chấp nhận họ. Nếu muốn phù hợp và tồn tại trong môi trường đó thì nhân sự nhất định phải thay đổi. Đó là sự thật và là yêu cầu bắt buộc ở Nutifood.

Doanh nhân Trần Thị Lệ – Chính trực và tận hiến- Ảnh 20.

- Làm sao để có thể thực thi yêu cầu này từ người cao nhất cho đến từng nhân viên của Nutifood?

Doanh nhân Trần Thị Lệ: Ở Nutifood, không chỉ riêng tôi mà tất cả các lãnh đạo phòng ban đều phải làm gương. Tôi luôn muốn tạo dựng một môi trường làm việc mà ở đó, nhân viên có thể gửi gắm niềm tin ở ban lãnh đạo, và bản thân ban lãnh đạo phải là những người xứng đáng để nhân viên tin tưởng.

Nhiệm vụ của những người lãnh đạo được xác định rất rõ. Thứ nhất phải luôn luôn dẫn dắt, đổi mới, định hướng sáng tạo cho đội ngũ. Thứ hai phải biết lôi kéo, thúc đẩy nhân viên cùng làm, cùng tham gia với mình và truyền lửa, truyền nhiệt huyết cho nhân viên, khiến nhân viên tin và tự giác làm chứ không phải vì bị ép buộc. Khi nhân viên cùng tự giác làm thì các mục tiêu, định hướng chiến lược do mình đặt ra mới có thể thành công được.

Nutifood có nét văn hóa khá vui, như đi ra ngoài ăn tối thì sếp phải đãi nhân viên chứ nhân viên không có nghĩa vụ trả tiền. Những công việc nhân viên không làm được thì sếp phải làm được. Chúng tôi đã có những lúc phát triển rất nóng, song cũng có giai đoạn chấp nhận chững lại. Khi tăng trưởng nóng thì quy trình, con người, hệ thống… theo không kịp. Có những lúc phải chủ động dừng lại để đổi mới, sáng tạo, cải tiến quy trình … Những lúc chững lại như thế thì ban lãnh đạo cùng với tôi thật sự phải đoàn kết. Bên cạnh đó, chúng tôi còn phải kiên định, quyết tâm đi đúng định hướng và chiến lược đã đề ra. Trên đường đi của mình, dù gian khổ, chông gai cỡ nào, chúng tôi cũng phải đi, không được dao động, ngả tới ngả lui, và phải truyền đạt điều đó cho nhân viên, dẫn dắt nhân viên hướng đến mục tiêu. Tất nhiên, quá trình đó cũng có những người “rơi rụng” vì họ không theo kịp. Sở dĩ Nutifood có được như ngày hôm nay cũng nhờ sự kiên định đó và tinh thần tận tụy cống hiến của các thành viên.

- Nhìn vào bốn cơn sóng to, gió lớn đã xảy ra với Nutifood, thật ngạc nhiên là khoảng cách giữa mỗi cơn sóng lớn chỉ khoảng 4 năm. Trong 4 năm đó, làm sao để chị có thể cân bằng được giữa tình cảm cá nhân và lý trí phát triển một tổ chức, giữa khát vọng của mình và việc chăm lo cho gia đình, để có thể đưa Nutifood vượt khủng hoảng và thành công như ngày nay?

Doanh nhân Trần Thị Lệ: Trước tiên cần phải có sự hy sinh. Sóng to, gió lớn, công việc khó khăn phải giải quyết nhiều hơn thì người lãnh đạo càng phải nghĩ cho tập thể, cho người khác nhiều hơn trước khi nghĩ đến bản thân mình. Trong những lúc khó khăn, mình phải tự tạo niềm tin để bước tới, không cho phép bản thân mình được thất bại. Thậm chí, không cho phép mình buồn. Tôi hay đùa với mọi người chỉ cho phép buồn 5 phút thôi, không được buồn nhiều. Làm lãnh đạo là chấp nhận hy sinh nhưng tôi vui vẻ đón nhận nó. Đối với tôi, niềm vui là mang lại lợi ích cho ai đó, trước hết là với nhân viên, khách hàng, gia đình, xã hội, cộng đồng. Biến những thứ như vậy thành niềm vui thì mình sẽ có thêm năng lượng.

Doanh nhân Trần Thị Lệ – Chính trực và tận hiến- Ảnh 21.

Về phương diện công ty, đó chính là sự cam kết với người tiêu dùng. Mình nói là làm và làm tốt hơn cả những gì mình nói. Chất lượng sản phẩm luôn được chúng tôi đặt lên hàng đầu. Từ đó, Nutifood luôn nhận được sự tin tưởng và ủng hộ của khách hàng.

Tôi hay nói với phòng R&D là chúng ta nghiên cứu sản phẩm không chỉ cho khách hàng mà còn cho chính bản thân mình dùng, gia đình mình dùng, cha mẹ, con cái, người thân của mình dùng. Có không ít công ty, nhân viên không sử dụng sản phẩm của chính họ, nhưng ở Nutifood, tôi có thể tự hào là gần như 100% nhân viên Nutifood sử dụng và tự động giới thiệu cho người xung quanh, hàng xóm, bạn bè sản phẩm của công ty mình.

Doanh nhân Trần Thị Lệ – Chính trực và tận hiến- Ảnh 22.

Khi nói thật và làm thật thì không phải suy nghĩ gì, lương tâm không áy náy. Không cần phải suy nghĩ câu trước đã nói cái gì, câu sau nói cái gì, vì tất cả đều là nói thật. Mọi người hay nói sao tôi trẻ lâu, tôi cười trả lời rằng: “Chắc có lẽ vì tôi thật”. Tôi nghĩ sao tôi sẽ làm đúng như vậy, không cần suy nghĩ nhiều. Khát vọng, mơ ước của tôi sao thì tôi sẽ làm đúng như vậy. Luôn luôn cam kết, luôn luôn bền bỉ, luôn luôn kiên định.

Dù trên con đường tôi đi có chông gai, có những lúc rất khó vượt qua, nhưng tôi vẫn luôn kiên định, giữ vững cam kết, giữ vững tính chính trực của mình. Dù có bất cứ điều gì xảy ra, tôi không cho phép mình thay đổi. Làm khác trái tim tôi không cảm thấy vui.

- Trải qua những lần khủng hoảng đó, tâm thế của chị đã khác đi như thế nào?

Doanh nhân Trần Thị Lệ: Mỗi giai đoạn đều có nét thăng trầm riêng, nhưng tôi luôn nhận được sự ủng hộ và đồng hành của đội ngũ nhân viên. Và cũng nhờ đó, tôi học được kinh nghiệm xử lý vấn đề, làm sao biến những điều phức tạp nhất thành đơn giản nhất, bằng cách đặt tình yêu đối với công ty, nhân viên và khách hàng lên trên hết.

Tôi nghĩ, bây giờ tôi cứng rắn hơn, trưởng thành hơn và cảm nhận được rõ hơn giá trị mình đóng góp cho gia đình và cộng đồng. Việc quản lý một doanh nghiệp gần 6.000 nhân sự khiến tôi có trách nhiệm hơn. Tôi cũng kỷ luật và cố gắng hơn mỗi ngày, để không làm phụ lòng bất kỳ ai.

Và càng ngày, tôi càng mong ước trao quyền tự chủ cho đội ngũ bên dưới, để họ có thể tự tin quyết định mọi việc trong quyền hạn của mình.

Tôi muốn Nutifood là nơi không chỉ mang lại lương thưởng xứng đáng, mà còn là nơi nhân viên thấy vui mỗi ngày, một môi trường mang lại sự hạnh phúc cho họ. Đó là mơ ước của tôi khi tạo dựng Nutifood trở thành môi trường như thế, để nhân viên có cơ hội phát triển, thăng tiến và thấy vui trong công việc của mình.

Doanh nhân Trần Thị Lệ – Chính trực và tận hiến- Ảnh 23.

- Người phụ nữ Việt Nam nói riêng và người phụ nữ Á Đông nói chung hay có tư duy và chịu nhiều định kiến của xã hội là thường phải lùi về phía sau, vun vén để cho người chồng thực hiện những sự nghiệp lớn, khát vọng lớn. Nhưng dường như ở Nutifood, mọi chuyện dường như khác.

Đang là một doanh nhân thành đạt nổi tiếng trong lĩnh vực bất động sản, ông Trần Thanh Hải đã không ngại ngần bán hết tài sản để đồng tâm hiệp lực, chia ngọt sẻ bùi, cùng gánh vác sự nghiệp với chị. Điều này không chỉ liên quan tới đường lối kinh doanh, mà nó còn là câu chuyện điển hình về sự thay đổi quan niệm của người Việt Nam. Khi trở về để giúp sức cho chị, ông Hải có phải vượt qua rào cản dư luận xã hội hay không? Có phải từ bỏ đam mê của mình không?

Doanh nhân Trần Thị Lệ: Mãi sau này, ông xã tôi mới gia nhập Nutifood, nhưng may mắn là anh ấy yêu thích ngành sữa bởi công việc này có đóng góp rất ý nghĩa cho cộng đồng. Do đó, anh ủng hộ tôi trong mọi quyết định, đặc biệt là về chuyên môn. Anh cũng rất tin tưởng và cổ vũ nhân viên đi theo triết lý, định hướng của Nutifood một cách nhiệt tâm và trách nhiệm. Tôi cảm thấy mình may mắn khi giữa hai vợ chồng có sự thấu hiểu và đồng cảm rất lớn.

- Giữa hai con người, để dung hòa được với nhau thì chắc không phải điều đơn giản. Đặc biệt, trên hành trình khám phá bản thân mình và trong môi trường kinh doanh đầy những thử thách, chị có sợ mình hay chồng mình sẽ thay đổi quan điểm, thay đổi mục tiêu và triết lý đã đặt ra ban đầu?

Doanh nhân Trần Thị Lệ: Trong công ty tôi khá mạnh mẽ nhưng ngoài công việc tôi cũng thích làm đẹp, thích nói chuyện nhẹ nhàng. Tôi hay nói với ông xã, nếu tôi không làm một cán bộ quản lý thì tôi sẽ rất điệu, làm nũng vô cùng. Mỗi khi đi gặp bạn bè, tôi hỏi tôi có thay đổi nhiều không? Thật ra tôi khi là sinh viên rất khác so với tôi của bây giờ, dịu dàng nhẹ nhàng lắm, nhiều khi nói còn không ra tiếng nữa (cười).

Doanh nhân Trần Thị Lệ – Chính trực và tận hiến- Ảnh 24.

Ở Nutifood, tôi làm Tổng giám đốc còn chồng tôi làm Chủ tịch HĐQT. Mỗi vai trò trong công ty có quy định phân nhiệm vụ rõ ràng, và chúng tôi làm việc chung dựa trên chức năng của từng người. Quan trọng hơn là chúng tôi có sự tôn trọng lẫn nhau trong công việc. Mỗi người có phần việc của mình. Nếu giả sử tôi bận có thể nhờ chồng giải quyết thay công việc đó. Nếu người này đã quyết rồi thì người kia sẽ tôn trọng ý kiến của người kia, không thay đổi nữa. Nhân viên chỉ cần nghe một người, chỉ một người quyết là được, không cần xin thêm ý kiến của người kia. Tất cả đều hướng đến một mục tiêu chung: Đưa Nutifood trở thành công ty toàn cầu về khoa học dinh dưỡng.

- Tôi cảm nhận được một nguồn năng lượng rất lớn từ chị. Đâu là bí quyết để chị luôn giữ cho mình tinh thần lạc quan và nguồn năng lượng tích cực như vậy?

Doanh nhân Trần Thị Lệ: Tốc độ làm việc tại Nutifood khá cao nên chúng tôi cũng không có nhiều thời gian cho riêng mình. Đặc biệt trong thời gian gần đây, chúng tôi làm việc cả cuối tuần để triển khai các hạng mục công việc. Cách của tôi là khi làm việc gì tôi sẽ tập trung cao độ, chú tâm làm cho xong việc này mới qua việc khác. Khi làm việc gì tôi chỉ chú tâm cho việc đó, có lẽ bởi ảnh hưởng của thói quen nghiên cứu khoa học.

Tôi thích đọc sách. Những cuốn sách giúp mang lại tư duy, suy nghĩ tích cực cho mình. Đặc biệt, tôi thích những cuốn sách về lãnh đạo bởi vì nó có ích cho mình. Những cuốn sách “best seller” nói về xu hướng đổi mới, các công nghệ mới, các xu hướng lãnh đạo… và tôi là người tham lam đọc sách. Cũng nhờ đọc sách, tôi nhận ra một điểm chung của các doanh nhân trên thế giới. Họ rất kiên định, con đường nào đã xác định đúng, thì phải đi đến cùng.

Còn lại, mình phải duy trì chế độ tập luyện thể thao và ăn uống khoa học mới có được nguồn năng lượng tích cực.

Bản thân tôi vốn là người thích vận động nên tôi đến với thể thao rất tự nhiên, vì đó là hoạt động hằng ngày của mình. Ngoài sự linh hoạt về thời gian, chạy bộ còn mang đến hiệu quả cả về thể chất lẫn tinh thần. Khi chạy bộ đã thành thói quen thì mình sẽ tự giác và có ý thức vận động hơn.

- Chị chạy bộ như thế nào?

Doanh nhân Trần Thị Lệ: Tôi thường chạy bộ 4 buổi mỗi tuần, kết hợp tập gym. Mỗi ngày tôi chạy khoảng 5 – 6km. Buổi sáng không kịp tập thì tập vào buổi tối. Tôi duy trì nếp sống này đã mấy năm nay. Chạy không chỉ giúp mình khỏe hơn mà dáng đi cũng đẹp hơn (cười). Khi chạy bộ, tôi luôn tập trung vào từng bước chân, từng nhịp thở và cảm nhận những điều đang diễn ra trên đường chạy, để tâm trí ở trạng thái thư giãn nhất, từ đó có thể tái tạo nguồn năng lượng cho bản thân. Có một điều rất hay, là việc vận động như thế này sẽ giúp mình nhìn nhận mọi thứ tích cực hơn.

Với xuất phát điểm là một công ty hoạt động trong lĩnh vực dinh dưỡng, do đó, mỗi nhân viên Nutifood được yêu cầu không chỉ là một chuyên gia dinh dưỡng được đào tạo bài bản, mà còn là một nhân viên khỏe mạnh, năng động để tư vấn cho người thân, khách hàng.

Doanh nhân Trần Thị Lệ – Chính trực và tận hiến- Ảnh 25.

Chính hoạt động thể thao sẽ giúp cán bộ nhân viên hoàn thiện về thể chất lẫn tinh thần. Đó là lý do chúng tôi chú trọng đến nền tảng dinh dưỡng và vận động. Đây cũng là một trong những phương thức để chúng tôi xây dựng nên một tập thể vững mạnh, phụng sự toàn diện hơn cho xã hội, cộng đồng. Bên cạnh đó, từ thể thao, những giá trị cốt lõi của công ty cũng được hiện thực hóa rõ ràng hơn ở mỗi cán bộ nhân viên. Đó là sự kiên cường, tinh thần vượt khó, sẵn sàng tiếp nhận thách thức để đạt đến những đỉnh cao mới.

- Trân trọng cảm ơn chị về cuộc trò chuyện cởi mở này! Chúc cho chị luôn giữ được tinh thần tận hiến, năng lượng tích cực và khát vọng để xây dựng Nutifood trở thành thương hiệu lớn mạnh của quốc gia và vươn tầm thế giới!

Doanh nhân Trần Thị Lệ – Chính trực và tận hiến- Ảnh 26.

 

Nguyễn Thành Công
13/10/2021 08:08
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top