Doanh nhân tử tế và câu chuyện văn hóa kinh doanh

Doanh nhân tử tế và câu chuyện văn hóa kinh doanh

Thứ Sáu, 19/05/2023 - 06:00

 Hành trình gây dựng cơ đồ và thực hiện những khát vọng lớn của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam luôn gắn với các giá trị văn hóa, giá trị con người nơi mình sinh ra. Nêu cao tinh thần dân tộc, sống và kinh doanh có văn hóa là sống có trách nhiệm và tạo ra những giá trị nhân văn cho cộng đồng, xã hội; là sống không chỉ làm giàu cho mình mà còn gắn với hạnh phúc của người lao động, cao hơn là gắn với sự cường thịnh của quốc gia, dân tộc để Việt Nam có thể bước ra thế giới với niềm tự hào và kiêu hãnh. 

******

Lời toà soạn:

Lịch sử đất nước dù thăng trầm, biến đổi không ngừng nhưng thời nào, giai đoạn nào dân tộc Việt Nam cũng sản sinh ra những doanh nhân vươn lên làm sự nghiệp lớn. Qua thời gian, đội ngũ doanh nhân có những bước phát triển đáng ghi nhận, hình thành những tên tuổi lớn, kiến tạo những thương hiệu quốc gia. Trong hành trình phát triển, từ những thăng – trầm, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đã bộc lộ bản lĩnh và khát vọng, cống hiến và đồng hành cùng vận nước. 

Khi đất nước phải căng mình ứng phó với hệ quả của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn kiên cường ở mặt trận kinh tế; đồng hành cùng đất nước vượt qua những giai đoạn khó khăn. Họ cũng là những người tiên phong đang giải bài toán hậu Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - những người truyền cảm hứng mạnh mẽ nhất về câu chuyện vượt khó, làm giàu và sống có trách nhiệm - đã có nhiều đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội và tạo nên những thay đổi tích cực cho cộng đồng. 

Báo cáo Chính trị tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Nguồn lực phát triển cho giai đoạn tới là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”. Để hiện thực hoá khát vọng Việt Nam sẽ trở thành quốc gia hùng cường vào năm 2045, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt chính là rường cột cho công cuộc kiến tạo tương lai thịnh vượng, với vai trò dẫn dắt và truyền cảm hứng trên hành trình thực hiện sứ mệnh và trách nhiệm xã hội của mình. 

Trân trọng và tự hào trước tinh thần phụng sự đất nước của cộng đồng doanh nghiệp – doanh nhân Việt, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (reatimes.vn) thực hiện chuyên đề: Doanh nghiệp, doanh nhân và trách nhiệm xã hội. 

Trân trọng giới thiệu cùng độc giả!

Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (reatimes.vn) đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Văn hóa nuôi dưỡng tầm vóc doanh nghiệp

PV: Là tác giả của "Nước non vạn dặm", bộ tiểu thuyết đồ sộ về Chủ tịch Hồ Chí Minh, chắc hẳn ông rất am tường về cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Người. Ông có thể chia sẻ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giới công thương?

PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ: Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh có khoảng 100 bài nói, viết, điện, thư cho các xí nghiệp, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Những tình cảm và sự quan tâm đó chứng tỏ Người rất coi trọng và sớm nhận rõ vai trò của giới công, thương nghiệp trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Sau mùa Thu cách mạng, nước nhà vừa độc lập, mặc dù còn bộn bề công việc nhưng ngay trong tháng 9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian gặp gỡ giới doanh nghiệp và doanh nhân nhằm tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của họ đối với công cuộc khôi phục, phát triển đất nước. Trong Tuần lễ Vàng, các nhà công thương Hà Nội vinh dự được Bác tiếp tại Phủ Chủ tịch. Sau cuộc gặp này, Chính phủ Cụ Hồ được giới công thương Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung ủng hộ rất lớn về tinh thần và vật chất, trong hoàn cảnh ngân khố quốc gia gần như trống rỗng.

Ngày 13/10/1945, trong thư gửi giới công - thương Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm “xây dựng một nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng” của giới này, đồng thời chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan công quyền đối với sự phát triển của giới công - thương: “Chính phủ Nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công - thương trong công cuộc kiến thiết...”. Tháng 2/1946, chúng ta có Bộ trưởng Bộ Tài chính đầu tiên, là ông Lê Văn Hiến, một nhà tư sản yêu nước, kinh doanh sách báo tiến bộ và lương thực, nông sản trước Cách mạng tháng Tám. Điều này tiếp tục khẳng định tư tưởng của Người trong việc ủng hộ và tin tưởng những nhà tư sản thời bấy giờ.

Ngoài ra, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ hai ngày càng cam go, ác liệt, dù trăm công nghìn việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành nhiều thời gian quan tâm đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp. Trong nhiều bài viết, nói, thư… gửi giới công - thương, ngoài việc đánh giá, cổ vũ những nỗ lực và thành tích đạt được, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng ân cần chỉ ra những thiếu sót, đề ra những định hướng và giải pháp giúp doanh nghiệp, doanh nhân phát triển. Người cũng căn dặn công nhân, lao động trong các xí nghiệp, doanh nghiệp cần phải học nhiều thứ như chính trị, văn hóa, kỹ thuật, nghiệp vụ; động viên mọi người đoàn kết, hăng hái thi đua, thực hành tiết kiệm… để phát triển sản xuất, góp sức làm cho đội ngũ công - thương ngày càng lớn mạnh.

PV: Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24/11/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nhấn mạnh “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, theo ông, điều này có ý nghĩa gì trong hoạt động kinh tế, nhất là khi chúng ta đang hội nhập sâu rộng như hiện nay?

PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ: Khi nhấn mạnh “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tính chất dẫn đường và khai sáng của văn hóa đối với mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Vǎn hóa là một trong ba mặt trận, cùng với kinh tế, chính trị, tác động đan xen, tương hỗ lẫn nhau nhưng quan trọng nhất, văn hóa là ngọn đuốc soi đường cho cả hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội nhằm hướng đến các giá trị chân, thiện, mỹ, các giá trị nhân văn trong mọi hoạt động của con người.

Theo UNESCO, văn hóa là một phạm trù rất rộng cả về vật chất lẫn tinh thần, cả tri thức, tín ngưỡng, đạo đức, pháp luật, thẩm mỹ, truyền thống và lối sống… Xét đến cùng, sự phát triển của xã hội là sự phát triển của văn hóa. Văn hóa gắn với con người, ở đâu có con người thì ở đó có văn hóa. Chính văn hóa làm cho chúng ta trở nên nhân văn hơn và tự ý thức được sự chưa hoàn thiện của bản thân, để luôn tìm tòi, sáng tạo trong lao động, sản xuất, đời sống. Chính văn hóa tạo nên sức mạnh nội sinh, thành nền tảng tinh thần bền vững của một dân tộc, quốc gia.

Một doanh nhân có văn hóa thì không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn có ý thức, có trách nhiệm chăm lo cho chính những lao động của doanh nghiệp, đồng thời mang lại cho khách hàng, cho thị trường những sản phẩm giá trị, chất lượng. Khách hàng hài lòng thì lợi nhuận của mình cũng được đảm bảo, thậm chí có thể tăng lên. Từ văn hóa của doanh nhân - văn hóa của người chủ doanh nghiệp mới hình thành nên bản sắc văn hóa doanh nghiệp - là một trong những yếu tố chính làm nên thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp.

Xét rộng ra, động lực của tăng trưởng kinh tế chủ yếu ở con người, xuất phát từ trí tuệ, tiềm năng sáng tạo và quan trọng nhất là con người văn hóa. Nhìn ra thế giới, chúng ta thấy những doanh nghiệp, tập đoàn lớn đều gắn chặt văn hóa với phát triển kinh tế và chính văn hóa làm cho tầm vóc của doanh nghiệp lớn hơn, bền vững hơn.

Đặc biệt, nếu chúng ta hội nhập, phát triển mà không có chiều sâu văn hoá, không biết điều tiết bằng văn hóa thì rất dễ gặp những mâu thuẫn, xung đột. Và nếu không coi trọng việc kế thừa, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong kinh tế, chúng ta sẽ không thể đưa dấu ấn Việt Nam ra với thế giới để thực sự hội nhập một cách bền vững.

Theo chân tiền nhân...

PV: Ông nhìn thấy khát vọng phát triển kinh tế nhân văn và bền vững thông qua việc tôn trọng các giá trị văn hóa bản địa, đề cao tinh thần dân tộc của doanh nhân Việt như thế nào?

PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ: Đầu tiên có lẽ phải nhắc đến doanh nhân Bạch Thái Bưởi ở đầu thế kỷ XX, khi thực dân Pháp vào Việt Nam. Với con mắt nhìn xa trông rộng, ông Bạch Thái Bưởi quyết định từ bỏ công việc lương cao, cuộc sống an nhàn để dấn thân vào con đường kinh doanh. Dù bị thực dân Pháp chèn ép nhưng vị doanh nhân này vẫn làm nên danh hiệu “Vua tàu thủy Việt Nam” và “Chúa sông Bắc Kỳ”. Đó là nhờ tinh thần dân tộc rất cao, như ông từng nói: “Sự nghiệp kinh doanh của mình diễn ra trên đất nước mình, xung quanh có đồng bào mình chắc chắn sẽ thắng lợi”.

Cũng thời kỳ đó, chúng ta có thương hiệu nước mắm Liên Thành. Hưởng ứng lời kêu gọi duy tân của cụ Phan Chu Trinh, Liên Thành Thương Quán được thành lập năm 1906 tại Phan Thiết. Hơn 100 năm đã qua, sứ mệnh duy tân cũng khép lại, nhưng tinh thần dân tộc vẫn còn trong từng giọt nước mắm Liên Thành. Phải nói là các vị tiền nhân rất sáng suốt khi muốn khởi đầu sự nghiệp kinh tế bằng nước mắm. Ruộng đồng miền Trung có hạn lại khô cằn, nhưng cá - một nguyên liệu chế biến nước mắm, lại đầy ắp biển Phan Thiết, sẽ là nơi chúng ta có thể dựa vào để phát triển, mà những nhà tư sản người Pháp hay Hoa kiều không thể cạnh tranh được. Đó là phương thức kinh doanh gắn với văn hóa, với giá trị bản địa Việt Nam đặc sắc rất đáng học hỏi các bậc tiền nhân.

Người Liên Thành bây giờ vẫn nói, Liên Thành là một tài sản không của riêng ai mà đã thuộc về dân tộc Việt Nam. Vì tiền nhân làm nên thương hiệu này là những thương nhân, cũng là những chính trị gia duy tân vì dân, vì nước.

Hiện nay, chúng ta có Tổng Giám đốc Vinamilk, bà Mai Kiều Liên đã xây dựng được thương hiệu sữa Việt hàng chục năm nay, từ năm 2010 đã có mặt trong danh sách 200 doanh nghiệp xuất sắc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; có bà Thái Hương, với triết lý kinh doanh “Trí tuệ Việt, tài nguyên thiên nhiên Việt và công nghệ đầu cuối của thế giới”. Năm 2022, bà Thái Hương là đại diện đầu tiên và duy nhất của Việt Nam được CSRWorks International vinh danh trong danh sách Top 10 "Phụ nữ vì sự phát triển bền vững" 2021 tại châu Á, vì cách thức phát triển kinh tế xanh, bền vững và hướng đến cộng đồng.

Chúng ta có ông Lý Ngọc Minh, Chủ tịch Công ty gốm sứ Minh Long kiên tâm với “đất”, với công nghệ nung một lần lửa nhưng vẫn làm ra sản phẩm đạt chuẩn xuất khẩu châu Âu; ông Trần Bá Dương, người sáng lập THACO và thực hiện được giấc mơ ô tô Việt, mang lại sự sung túc, nhộn nhịp cho mảnh đất hoang sơ Chu Lai - Quảng Nam; ông Phạm Nhật Vượng ngoài chuỗi đô thị sinh thái cao cấp khắp cả nước, đã và đang quyết tâm làm xe điện thương hiệu Việt. Còn rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn khác trên khắp các vùng miền đang dựa vào tiềm năng của địa phương để phát triển, khơi gợi niềm tự hào dân tộc khi làm ra những sản phẩm dựa trên nguyên liệu, nhân lực, trí tuệ Việt Nam.

Tuy nhiên, chúng ta nhận của thiên nhiên giá trị này thì cũng cần trả lại cho thiên nhiên những giá trị khác, đó mới là kinh doanh có văn hóa và nhân văn, trách nhiệm. Nhiều khi chỉ cần nhìn slogan là chúng ta biết văn hóa kinh doanh, triết lý kinh doanh và ý tưởng phụng sự đất nước của doanh nghiệp đó. Có văn hóa kinh doanh, kinh doanh có văn hóa, doanh nhân, doanh nghiệp sẽ hiểu, thiên nhiên đã cho chúng ta những giá trị vô giá thì không nên tận diệt, mà phải biết khai thác đi đôi với giữ gìn, tái tạo và bảo vệ môi trường.

Cả TH true Milk, Vinamilk, sữa Ba Vì và nhiều doanh nghiệp khác đang có xu hướng phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp tuần hoàn, bền vững và hướng đến cộng đồng. (Trong ảnh: Trang trại bò sữa hạnh phúc của Vinamilk và cánh đồng kiểu mẫu của TH true Milk)

PV: Vâng thưa ông, như vậy, rõ ràng giá trị đích thực, bền vững của mỗi doanh nghiệp phải là giá trị xã hội, giá trị nhân văn chứ không chỉ là lợi nhuận, tiền bạc?

PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ: Nửa đầu thế kỷ XX, chúng ta có doanh nhân Trịnh Văn Bô, khi Cách mạng tháng Tám thành công và Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động Tuần lễ Vàng, gia đình ông đã ủng hộ hơn 5.000 lượng vàng, gấp đôi ngân khố Chính phủ lúc đó. Dân gian thường nói “đồng tiền đi liền khúc ruột”, nhưng với tinh thần dân tộc cao cả, gia đình ông đã không tiếc với nhân dân, với đất nước trong lúc đất nước nguy nan. Đây là tấm gương doanh nhân có trách nhiệm xã hội để tầng lớp doanh nhân hiện tại noi theo. Kinh doanh thì luôn phải tính đến yếu tố lợi nhuận, lời lãi nhưng việc san sẻ lợi nhuận đó với cộng đồng cũng là cách doanh nhân thể hiện trách nhiệm xã hội và tầm vóc văn hóa.

Thời kỳ sau đó và bây giờ, chúng ta vẫn luôn có những doanh nhân, doanh nghiệp tử tế và thực hiện tốt trách nhiệm xã hội. Nhưng không nói đâu xa, trách nhiệm trước hết phải là với chính những nhân viên, công nhân của mình. Sự thành công của doanh nghiệp không phải chỉ là lợi nhuận mà còn là cuộc sống ổn định, ấm no, hạnh phúc của các cá nhân trong doanh nghiệp đó.

Hai là, họ làm ra những sản phẩm chất lượng, có ý nghĩa, có lợi ích cho cộng đồng. Ba là, họ biết bảo vệ môi trường, bảo vệ sự sống. Từ triết lý kinh doanh, sản phẩm, mẫu mã sản phẩm đều hướng tới người tiêu dùng. Xu hướng phát triển kinh tế xanh, năng lượng sạch hay hẹp hơn là kinh doanh thực phẩm sạch, sản phẩm, bao bì thân thiện với môi trường, đang được nhiều doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam hướng đến thực hiện và đó cũng là cách doanh nhân mang đến cho cộng đồng xã hội những giá trị kinh tế, giá trị xã hội, giá trị nhân văn tốt đẹp.

Và cái lãi cuối cùng vẫn là văn hóa. Làm sao kiếm được tiền, làm giàu cho bản thân, gia đình và hỗ trợ lại cộng đồng, nhưng không gây hại, không ô nhiễm môi trường, không tạo ra nhiều rác thải? Hoặc nếu chưa nói đến giá trị mang lại thì ít nhất cũng phải không gây hại cho cộng đồng, xã hội, đó là đạo đức kinh doanh tối thiểu mà doanh nhân, doanh nghiệp cần phải có.

Tuy vậy, hiện nay vẫn có không ít doanh nghiệp làm ăn thiếu uy tín, chạy theo lợi nhuận, sản phẩm kém chất lượng, chưa chú ý bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, thậm chí gây ra nhiều tai họa cho môi trường. Do đó, ngoài thúc đẩy tinh thần tự giác của doanh nghiệp, chúng ta cũng cần đề cao pháp luật, đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý những sai phạm trong hoạt động sản xuất kinh doanh để làm trong sạch thị trường, môi trường.

Tinh thần phụng sự và khát vọng "vượt ao làng"

PV: Nhắc đến doanh nhân Nghệ An quê hương ông, có lẽ phải nói đến “nữ cường” Thái Hương, bà chủ của TH true Milk và chuỗi nông nghiệp sạch, kinh tế dược liệu dưới tán rừng hiện nay?

PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ: Doanh nhân đứng lên khởi nghiệp trước hết là vì khát khao lao động, sáng tạo, khát khao làm giàu cho doanh nghiệp mình và cho đất nước. Nhưng những gì bà Thái Hương làm gần đây, liên quan đến sữa sạch, đến chuỗi nông nghiệp sạch, thì dường như khát khao làm giàu ấy còn gắn với tinh thần phụng sự quê hương và đất nước. Đặc biệt, với ngành sữa, cùng với bà Mai Kiều Liên của Vinamilk, hay thương hiệu sữa Ba Vì của người bạn vong niên của tôi, đã làm thay đổi bản chất ngành sữa Việt Nam. Từ một nước chủ yếu nhập khẩu sữa bột về pha lại, chúng ta đã có nguồn sữa tươi dồi dào, đạt chuẩn quốc tế. Rất đáng quý là nhờ vậy, chúng ta có chương trình Sữa học đường mà các hãng sữa như TH true Milk, Vinamilk, Ba Vì… cùng thực hiện, với sứ mệnh cải thiện thể chất lẫn trí tuệ cho trẻ em Việt Nam. Cùng với sự phát triển kinh tế, câu chuyện sữa chỉ dành cho người giàu, người ốm một thời gần như đã lùi vào quá khứ. Ngành sữa Việt Nam cũng đang tiến xa hơn ra thế giới nhờ những giá trị thực sự, nhất là giá trị văn hóa, nhân văn dành cho cộng đồng.

PV: Vâng, không thể phủ nhận những giá trị mà doanh nhân Việt Nam mang lại cho cộng đồng, trước hết cho chính nơi họ khởi nghiệp kinh doanh?

PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ: Đúng vậy. Như Phủ Quỳ, phía Tây Nghệ An, từ một vùng đất liên doanh trồng mía đường và các loại cây khác kém hiệu quả, đời sống người dân còn khó khăn, thì khi bà Thái Hương xuất hiện, đặt trang trại bò sữa đầu tiên, với kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao, với trí tuệ và trách nhiệm thì vùng đất này đã “thay da đổi thịt”, trở thành “thủ phủ” bò sữa lớn nhất châu Á, thu nhận hàng nghìn lao động địa phương, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho nông dân nơi đây.

Ngoài ra, tôi thấy bà Thái Hương có hướng đi đúng đắn và hòa hợp với tự nhiên khi trồng cây dược liệu, phát triển vùng nguyên liệu dưới cánh rừng. Bởi như tôi đã nói, việc khai thác tài nguyên thiên nhiên phải đi đôi với bảo vệ môi trường, tái tạo và phát triển xanh. Khi độ màu mỡ của đất nghèo đi thì chúng ta phải tìm cách khắc phục. Các dược liệu quý dưới tự nhiên cũng thế, không chỉ khai thác mà phải nhân giống lên. Thêm vào đó, nhiều người Việt còn mang tâm lý sính ngoại, tin dùng hàng Âu Mỹ nhưng quả thật xứ ta có nguồn dược liệu phong phú, quý giá mà các nước ôn đới không có được. Việc phát triển, kinh doanh dựa trên những tiềm năng, thế mạnh sẵn có và tái tạo, phát triển thêm vùng nguyên liệu dược liệu như bà Thái Hương đang theo đuổi rất có ý nghĩa, không chỉ với nông dân trong vùng mà còn với cộng đồng, đất nước.

Nói đến làm giàu từ nông nghiệp, có thể nhắc đến “nông dân” Hồ Quang Cua, vốn là một kỹ sư ngành trồng trọt, chuyên nghiên cứu giống cây trồng phù hợp với tình trạng ngập mặn của đồng bằng sông Cửu Long. Ông cũng là “cha đẻ” của gạo ST25, giống gạo đoạt giải ngon nhất thế giới năm 2019, một sự kiện làm nức lòng giới truyền thông cũng như người tiêu dùng và đánh thức được tinh thần dân tộc Việt Nam. Chúng ta tự hào vì có sản phẩm nông nghiệp đẳng cấp thế giới ngay trên đồng ruộng Việt Nam.

Ông Cua cũng từng cho biết, có nhiều công ty đề nghị nhượng quyền kinh doanh giống lúa ST24, ST25 từng phần hoặc toàn phần với mức giá hậu hĩnh, nhưng ông từ chối bởi lo lắng doanh nghiệp lấy lợi nhuận làm đầu, có thể sẽ không vì lợi ích cộng đồng, không hướng về nông dân. Nên ông chọn nhượng quyền dần cho Nhà nước dù giá rẻ hơn. Hiện nhiều địa phương đã hợp tác rất thuận lợi. Yêu nông nghiệp, yêu cây lúa và tha thiết góp sức giúp nông dân, “cây lúa đã ngấm vào máu nên không thể bỏ cây lúa nửa chừng”…, những gì mà ông Hồ Quang Cua làm cho cộng đồng nông nghiệp và nông dân theo tôi là rất đáng trân trọng.

PV: Ông có nhận xét gì v tầm nhìn và khát vọng đưa thương hiệu Việt, giá trị Việt ra thế giới của doanh nhân Việt Nam?

PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ: Chúng ta đã có những tập đoàn kinh tế có tầm vóc quốc tế như Vingroup với chiến lược bán xe điện sản xuất tại Việt Nam ra thế giới. Đây là xu hướng sản xuất - kinh doanh bắt kịp thời thế, hợp với xu hướng tiêu dùng xanh, bảo vệ môi trường hiện nay; như Sun Group đã đưa Việt Nam ra thế giới khi tập đoàn này có những khách sạn, khu nghỉ dưỡng (thương hiệu Sun Hospitality Group - PV) được quốc tế vinh danh. Chúng ta có Tập đoàn Viettel lớn mạnh từ trong nước và vươn ra thế giới, bắt đầu từ Đông Nam Á, rồi mở rộng ra châu Mỹ, châu Phi và giành được khá nhiều giải thưởng quốc tế uy tín; Tập đoàn FPT với sứ mệnh tiên phong chuyển đổi số để chuyển đổi nền kinh tế - xã hội Việt Nam và cũng đã có chỗ đứng, uy tín đối với thế giới.

Nhìn chung, doanh nhân Việt Nam có tầm nhìn và khát vọng đưa thương hiệu Việt, giá trị Việt ra thế giới qua từng sản phẩm họ làm ra. Nhờ những tập đoàn lớn nỗ lực “vượt sóng” vươn tầm quốc tế mà chúng ta có thể tự hào khi thay đổi được chất “ao làng” của nền kinh tế Việt Nam. Trong quá trình phát triển doanh nghiệp, họ cũng coi trách nhiệm xã hội là một yếu tố quan trọng của văn hóa doanh nghiệp, tạo nên thương hiệu của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cần động lực thể chế, chính sách

PV: Vâng thưa ông, doanh nhân, doanh nghiệp, nhất là những “người mở đường”, đi đầu khai phá những lĩnh vực, những vùng đất chưa ai nghĩ đến và đạt được thành tựu, đóng góp lớn cho cộng đồng xã hội thì rất đáng được tôn vinh. Nhưng doanh nghiệp hiện nay đang rất khó khăn…

PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ: Đất nước chúng ta đã trải qua lịch sử hàng nghìn năm, chịu nhiều sự tàn phá của địch họa, thiên tai, nên tinh thần đùm bọc, cưu mang của đồng bào rất lớn. Đa phần doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam có khát vọng làm giàu, nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng trong văn hóa Việt, là yêu nước thương nòi, tôn kính tổ tiên. Chúng ta vượt qua đại dịch Covid-19 một phần là nhờ công sức không nhỏ của hàng nghìn doanh nghiệp. Không chỉ vậy, nguồn lực công hiện vẫn hạn hẹp nên những đóng góp của doanh nhân, doanh nghiệp cho việc xây dựng, phát triển đất nước là rất quan trọng và đáng quý.

Trân trọng doanh nhân, doanh nghiệp thì chúng ta cần thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn họ phải đối mặt hiện nay, nhất là doanh nghiệp bất động sản đang rất “bế tắc”. Cũng nhiều ý kiến cho rằng chúng ta đã vượt qua khó khăn do Covid-19, nhưng nhìn vào thực tế tôi e rằng chưa thể, cộng thêm bối cảnh chính trị - kinh tế thế giới đang xảy ra nhiều biến động to lớn và khó lường. Nếu nền kinh tế “đóng băng” thì là khó khăn chung của đất nước, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương phải “bắt mạch” đúng và sớm để tìm cách tháo gỡ.

Tôi cho rằng, dù trăm bề khó khăn nhưng doanh nghiệp vẫn có cơ hội “chuyển dòng” nếu cơ quan quản lý mạnh dạn và kịp thời tháo gỡ vướng mắc, nhất là những vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp lý. Trong khi doanh nghiệp đang rất kiệt quệ, thì không chỉ bằng lời nói, chỉ thị mà cần phải làm, phải hành động ngay. Đồng thời, tạo cơ sở pháp lý an toàn để thúc đẩy cán bộ thực thi dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Chúng ta cũng cần tiếp tục tạo ra những động lực phát triển mới cho doanh nghiệp, nhất là động lực về thể chế, chính sách. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các địa phương phải được lưu tâm hỗ trợ và các gói cứu trợ cho doanh nghiệp phải thực hiện mạnh mẽ hơn nữa. Thời điểm này, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Chỉ khi doanh nghiệp phục hồi, phát triển trở lại thì nền kinh tế mới khỏe mạnh, doanh nghiệp mới có thể tiếp tục thực hiện trách nhiệm xã hội tốt hơn.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Ngà
Thế Công
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top