Doanh nhân Việt: Từ chữ “con”  chuyển thành chữ “người” - một hành trình tự thức

Doanh nhân Việt: Từ chữ “con” chuyển thành chữ “người” - một hành trình tự thức

Nguyễn Thành Công
Nguyễn Thành Công Congnguyenthanhyb@gmail.com
Thứ Năm, 14/05/2020 - 06:30

- Thưa Giáo sư, gần đây tôi có đọc cuốn sách "Văn minh Việt Nam" của nhà dân tộc học, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, GS. TS. Nguyễn Văn Huyên. Trong tác phẩm xuất bản vào năm 1944, tác giả khẳng định, Việt Nam có nền văn minh riêng không phụ thuộc vào nền văn minh nào, đi ngược lại những điều mà các nước thực dân luôn ra rả: Họ là những người khai sáng văn minh cho nước thuộc địa.

Thực tế, lịch sử nước nhà đã trải qua những nền văn minh kế tiếp nhau. Trong đó, Việt Nam được coi là một trong những cái nôi của nền văn minh lúa nước, là niềm tự hào và gắn liền với sự phát triển dân tộc, in dấu ấn trong từng thời kỳ thăng trầm của đất nước. Và việc sản xuất lúa gạo cho đến nay vẫn là nền kinh tế chủ yếu. Tuy nhiên, có một vấn đề khác vẫn còn nhiều tranh cãi, đó là văn minh thương nghiệp của Việt Nam, trong đó có tầng lớp doanh nhân. Ông có thể lý giải, văn minh nông nghiệp và tầng lớp doanh nhân được ghi nhận xuất hiện ở phần nào trong tiến trình lịch sử đó?

GS. Lê Văn Lan: Chúng ta có một lịch sử dài, quá lâu dài với hai truyền thống. Một truyền thống đã được khai thác rất nhiều là đấu tranh anh hùng. Một truyền thống khác cũng đã được khai thác, nhưng việc khai thác chưa đem lại ích lợi gì nhiều cho hiện tại – đó là truyền thống làm nông nghiệp lúa nước. Lịch sử Việt Nam có nền tảng, bản chất để trở thành một dân tộc đầy bản lĩnh trên trường quốc tế.

Nhà tương lai học Alvin Toffler cho rằng, trong lịch sử nhân loại có các nền văn minh kế tiếp nhau. Trong công trình rất nổi tiếng có tên “Đợt sóng thứ ba” (The Third Wave), Alvin Toffler dùng ẩn dụ đợt sóng để chỉ các nền văn minh, và sự va chạm của các đợt sóng để nói lên sự cùng tồn tại của những đợt sóng, sự thách thức của đợt sóng mới và sự tác động lẫn nhau của các đợt sóng, sự thay thế của đợt sóng mới đối với các đợt sóng cũ.

Ông hình dung tiến hóa nhân loại theo những đợt sóng và chia sự tiến hóa thành ba đợt sóng:

Thứ nhất, sự ra đời của nông nghiệp - đợt sóng của văn minh nông nghiệp; thứ hai, sự ra đời của công nghiệp hóa - đợt sóng của văn minh công nghiệp và phát triển đô thị; thứ ba, đợt sóng của văn minh hiện đại, đợt sóng của thông tin.

Ở Việt Nam, đợt sóng thứ nhất bắt đầu từ thời Hùng Vương. Chúng ta xuất hiện giữa thế giới loài người trên một mẫu số chung là văn minh nông nghiệp, làm lúa nước. Đến khi thế giới bước qua đợt sóng thứ hai - thời văn minh công nghiệp và đô thị, bỏ lại đợt sóng thứ nhất thì chúng ta vì nhiều lý do, vẫn cứ ở lại với đợt sóng thứ nhất, với bản chất là văn minh nông nghiệp.

Từ những thập kỷ thứ 5, thứ 6 của thế kỷ XX, thế giới chứng kiến sự du nhập rộng rãi máy tính, các máy bay dân dụng có động cơ phản lực cũng như nhiều đổi mới khác có tác động to lớn. Theo A.Toffler, chính trong thập kỷ đó, đợt sóng thứ ba xuất hiện - nền văn minh hậu công nghiệp. Khởi nguồn sức mạnh từ Mỹ, rồi sau đó lan dần vào nhiều quốc gia công nghiệp khác, bao gồm Anh, Pháp, Thụy Điển, Đức, Liên Xô (trước đây) và Nhật Bản.

Khi bước sang đợt sóng thứ ba, nhân loại tuần tự như tiến, còn Việt Nam chúng ta bị chậm. Trong hoàn cảnh bị chậm đó, có vấn đề liên quan đến doanh nghiệp - doanh nhân.

- Thưa Giáo sư, chúng ta cần một đợt sóng chiếm ưu thế và trỗi dậy, để định hình một hướng đi rõ ràng. Bởi khi một xã hội chịu sự tác động của hai hoặc ba đợt sóng khổng lồ mà không có đợt sóng nào thống trị rõ ràng, thì hình ảnh về tương lai cũng sẽ rất khó định hình. Khi đó, những đợt sóng đan xen, sẽ tạo ra xung đột, sẽ là một đại dương gầm thét đầy những luồng nước xô đẩy nhau, những cơn lốc, những dòng xoáy, che giấu những dòng chảy lịch sử chủ đạo. Khi đó, sẽ thật khó nhận thức được ý nghĩa của những sự thay đổi và những xung đột đang xuất hiện. Nhưng nếu đó là sự ngự trị của đợt sóng văn minh nông nghiệp, bị chất chứa trong một thời gian quá dài sẽ là nguyên nhân khiến chúng ta chưa có được những lớp doanh nhân nổi bật trong quá khứ, và phải chăng đó cũng là rào cản khiến chúng ta chưa thể chuyển sang văn minh công - thương nghiệp, thưa Giáo sư?

GS. Lê Văn Lan: Suốt từ thời Hùng Vương cho đến thời nhà Nguyễn, chúng ta triền miên với một lịch sử rất dài, mà ta luôn tự hào, nhưng trong sự tự hào ấy là một nước, một dân tộc, một nền kinh tế xã hội, đóng băng mãi trong nền văn minh nông nghiệp.

Do đó, chúng ta đứng ở văn minh nông nghiệp mà nhìn một mầm mống le lói lên, theo quy luật tất yếu nó sẽ phát triển, là văn minh công – thương. Đó là lý do dẫn đến những góc nhìn không mấy thiện cảm, thậm chí là sự khinh miệt đối với doanh nhân.

Tôi có một ví dụ, chúng ta đến Bắc Ninh đều biết bốn câu cổ ngữ đúc kết trí tuệ của người Bắc Ninh xưa, đó là bốn điều đừng nên - tứ vật (đừng nên chữ Hán gọi là vật):

“Vật giao Phù Lưu hữu

Vật thú Đình Bảng thê

Vật ẩm Đồng Kỵ thủy

Vật thực Cẩm Giang kê”.

Trong đó, vật thứ nhất là: “Vật giao Phù Lưu hữu” (đừng chơi, giao lưu, giao tiếp, kết bạn, giao thiệp với người Phù Lưu). Phù Lưu (thời xưa có tên là làng Giầu, chợ Giầu) hiện vẫn là danh hương nổi tiếng, tự hào của huyện Từ Sơn.

Cái tên Phù Lưu được Hán hóa từ tên gốc Việt, nghĩa là giàu (trầu (không) đồng âm, dị nghĩa với giàu có). Đặc trưng của người Phù Lưu là giàu có, bởi đây là làng buôn bán, thương nghiệp. Nhưng người ta dặn nhau đừng chơi với họ, bởi họ là dân buôn bán, nhiều mánh lới, có thể lột anh đến cái khố cũng không còn, nếu anh là dân làm ruộng, với văn minh nông nghiệp chất phác, thô sơ.

Có thể thấy, văn minh thương nghiệp được người làng Phù Lưu chắt chiu, dồn cóp lại được, có mặt phải, có mặt trái, song người ta chỉ nhìn ở mặt trái, và truyền tai nhau đừng chơi với người làng Phù Lưu, và tất nhiên, đó là những câu chuyện xưa, chỉ để lại trong tục ngôn.

Nhưng đó là một ví dụ của nền văn minh nông nghiệp khi nhìn vào văn minh công – thương, để chúng ta thấy được quan niệm xã hội một thời với doanh thương là ác cảm ghê gớm đến như thế nào.

- Đó là góc nhìn của hai giai tầng khác nhau trong xã hội. Nhìn rộng ra, văn minh nông nghiệp còn ảnh hưởng như thế nào đến văn minh công thương, thưa Giáo sư?

GS. Lê Văn Lan: Đúng là suốt một thời kỳ dài, đứng ở góc độ giai tầng xã hội thì đó là cái nhìn của nông dân với con buôn.

Đến thời kỳ quá độ lên CNXH, với học thuyết, nền tảng tư tưởng dựa trên năm phương thức tiến hóa của nhân loại: Cộng sản nguyên thủy, Chiếm hữu nô lệ, Phong kiến, Tư bản chủ nghĩa, Xã hội chủ nghĩa (Chủ nghĩa cộng sản), thì cả một giai đoạn dài là nền kinh tế chỉ huy của Nhà nước, với đầu óc quản lý, điều hành còn chịu nhiều ảnh hưởng bởi nền văn minh với truyền thống rất mạnh nhưng quá dài là nông nghiệp.

Cách đây ba bốn thập kỷ, khi đọc báo Phụ nữ thường thấy có những bài phê phán, phê bình, thậm chí là miệt thị cứng rắn đối với những người làm “áp phe” (affair - tiếng Pháp nghĩa là làm một vụ, nhưng lẫn vào thời chiến tranh thành “phi vụ”, chứ thực ra là “thương vụ”). Rồi dần dần, gọi tắt là “phe”, chuyển sang khía cạnh tiêu cực thành “phe phẩy”, với con người thì là “con phe”, những cách gọi rất tệ, chứa đầy sự phân biệt đối xử, hàm ý miệt thị. Cách gọi ấy tựa như “con ở”, “con sen” chỉ người phụ nữ phục dịch trong các gia đình, phân biệt đẳng cấp thân phận thấp kém của họ. Đau xót lắm!

Đó cũng là cách người ta hay gọi những người phụ nữ làm kinh doanh, như nhà thơ Tú Xương miêu tả cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX:

“Quanh năm buôn bán ở mom sông

Nuôi đủ năm con với một chồng…”

Đó cũng là quan niệm từ thời trung cổ, thương nghiệp bị xem thường và trong 4 “anh” sĩ, nông, công, thương, thì thương xếp hạng bét.

- Nhưng cũng không phải ngẫu nhiên mà báo Phụ nữ một thời phê phán những người buôn bán, kinh doanh?

GS. Lê Văn Lan: Họ là những người tần tảo, những tiểu thương đảm nhận vai trò sát cánh cùng tiểu nông để làm nên lịch sử, văn hóa, văn minh. Cho nên, cũng vì thế mà những người tiểu thương mang trong mình phẩm chất đặc trưng, tích cực có, như lanh lợi, hoạt bát, tháo vát… nhưng bên cạnh đó, vẫn có những mánh khóe kiếm lời, lèo lá, lừa lọc…

Vào thế kỷ XIII – XIX, chúng ta thấy đầy rẫy những câu chuyện được phản ánh trong “Vũ trung tùy bút” của cụ Phạm Đình Hổ, hay “Tang thương ngẫu lục” của cụ Nguyễn Án và cụ Phạm Đình Hổ, khi đô thị manh nha, mầm mống của kinh tế công thương xuất hiện thì mặt trái của giai tầng tiểu thương cũng không ít (những cân, đấu gạo làm lõm xuống, đầy lên…), mà chủ yếu là phụ nữ.

Bởi có một thực tế là đàn ông mấy nghìn năm đều làm ruộng, tới khi ảnh hưởng một chút giá trị Khổng giáo Trung Hoa thì chuyên tâm học hành chữ nghĩa thánh hiền, còn phụ nữ làm ruộng là chính, bên cạnh đó cũng buôn bán.

Về mặt văn minh, chỉ le lói xuất hiện những doanh nhân, trong đó thành phần tiểu thương chiếm rất nhiều. Trong thành phần này thì đông đảo là những người phụ nữ đảm đang, trung hậu, nhưng cũng chanh chua vì họ phải xông pha nhiều nơi, làm thêm nhiều việc. Dân gian còn lưu truyền câu: “Trai Ngõ Trạm, gái Tạm Thương”. Ngõ Trạm là nơi đặt một trạm dịch, nhận và truyền tin tức. Những người đàn ông binh phu làm công việc này thường to lớn, khỏe mạnh chuyên chuyển công văn giấy tờ, hay đưa quan lớn đến các trạm dịch tiếp theo, xong việc quan là họ cờ bạc, hút xách, gây sự, ngổ ngáo với dân quanh vùng nên ai cũng kinh hãi. Đối diện Ngõ Trạm lại là kho tạm, nơi có nhiều phụ nữ sống quanh đó nên họ tìm cách bòn rút kho của triều đình. Vì thế mới có câu nói nổi tiếng là “Trai Ngõ Trạm, gái Tạm Thương”.

Bãi bể nương dâu, giờ ít người gọi những người làm ăn buôn bán là “con phe” nữa. Một từ mới - doanh nhân, đã xuất hiện để dành riêng chỉ những người có hoạt động kinh doanh.

- Thưa Giáo sư, ông có dẫn câu thơ của Tú Xương để nói về thân phận của những người phụ nữ làm kinh doanh. Dường như lịch sử đã đặt họ vào một hoàn cảnh quá lầm lũi?

GS. Lê Văn Lan: Quả thực gần như tuyệt đối, chỉ trừ một vài người phụ nữ kiệt xuất như Hai Bà Trưng, Ỷ Lan… còn thường thì nhà thơ Nguyễn Du cũng đã khái quát rồi: “Đau đớn thay phận đàn bà…”. Chữ “đàn bà”, đi với chữ “phận” khiến chúng ta cảm thấy đau xót, nhức nhối và cảm thông. Ở đây, sự bạc mệnh cũng như một tiền định khi nói về người phụ nữ. Bạn biết không, người phụ nữ xưa, họ ao ước cái gì? 

“Trời mà bắt chết thời thôi

Nếu còn để sống tôi sẽ no xôi chán chè.

Trời còn để sống thì thời

Rời ra có bữa no xôi chán chè”.

Ước mơ chỉ là một bữa ăn no – những thứ rất đơn giản vậy thôi. Sự chịu đựng hiếm có của người phụ nữ Việt Nam bình thường, mà phải đón nhận nó một cách “dễ chịu” và cam phận. Nó trở thành một tính cách, một thước đo của người phụ nữ Việt Nam kể cả trong tình yêu: 

“Cơm ăn mỗi bữa một lưng

Nước uống cầm chừng để dạ thương anh!”. 

Hay:

“Thân em như giếng giữa làng

Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân”.

Phụ nữ xưa là những người chuyên chạy chợ, tay hòm chìa khóa trong gia đình. Ảnh: Báo An ninh Thủ đô.

- Tác giả William Dampier, nhà thám hiểm người Anh đã từng 3 lần đi vòng quanh Thế giới, trong cuốn sách “Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688" (Un voyage au Tonkin en 1688) đã đánh giá cao khả năng buôn bán của phụ nữ Thăng Long, đặc biệt là những người làm nghề đổi tiền: “Đổi tiền là một nghề quan trọng ở đây. Hầu hết họ là phụ nữ và rất khéo léo, khôn ngoan. Họ thực hiện công việc về đêm, biết cách sinh lời giỏi chẳng kém các nhà buôn cổ phần tinh quái nhất ở London”. Vừa rồi, ông cũng có nhắc tới sự lèo lá, lừa lọc trong buôn bán. Phải chăng vì điều đó mà thời trung đại, cận đại, chúng ta chưa có được lớp doanh nhân hùng hậu?

GS. Lê Văn Lan: Đó là cả một bối cảnh, mà cuối cùng, các cụ vẫn biết “phi thương bất phú”, song, “ai ơi nhớ lấy câu này: Khôn ngoan chẳng lọ thật thà/ Lường thưng tráo đấu chẳng qua đong đầy”, nghĩa là: Sự ngay thẳng, trung thực sẽ tạo được niềm tin của người đời. Còn khôn ngoan đến độ... khôn lỏi, lọc lõi khó tránh khỏi sự đố kỵ của thiên hạ.

Chúng ta lấy đạo đức để khuyên nhau đừng có lừa lọc. Thời đó, hiếm có chí lớn nào để từ tiểu thương nâng mình lên thành chí hướng làm ăn lớn, mà thường quẩn quanh xóm làng, kiếm chác được chút tiền từ đô thị lại trở về làng, tậu đất, làm nhà, không đem được vốn để tích lại thành các công cụ kinh doanh lớn. Tư duy này vướng phải suy nghĩ coi tiền bạc nhẹ tựa như không, tình nghĩa mới là quan trọng. Thành ra không có được nền tảng cơ sở để mà tích lũy, nâng vốn, nâng chí hướng, nâng kỹ thuật lên.

Le lói ở đâu đó có những trung tâm làm thủ công, với những người thợ cực khéo nhưng mà cuối cùng, một số chỉ chăm chăm để được triều đình mời về. Ví dụ, dân “Ngũ Xã” năm làng ở Bắc Ninh thì chờ được triều đình nhà Lê mời về trao đất (bán đảo Ngũ Xã) để mà làm thuê, đúc tiền cho triều đình.

Thế nên, doanh nhân thương nghiệp (con phe) trong xã hội cổ truyền le lói xuất hiện nhưng không thể nâng tầm về mọi mặt, từ vốn liếng, tài năng, kỹ thuật, chí hướng… mà chỉ manh mún, sa vào thủ thuật như những bước đầu tiên của chủ nghĩa tư bản, nhưng biết rút kinh nghiệm, thời C.Mác gọi là chủ nghĩa tư bản dã man (lợi nhuận gấp đôi thì dù treo cổ lên vẫn làm). Nhân loại (đặc biệt là những nước theo chủ nghĩa tư bản) đã phải mất mấy trăm năm để khắc phục, tiến hóa, nâng lên thành tư bản văn minh, nhưng vẫn còn truyền thống một thời là tư bản dã man như thế.

C.Mác – Ph.Ăngghen từng nói: “Kinh tế tự mở lấy con đường của nó”, và con đường tự phát ấy đi vào tư bản dã man. Bên cạnh nền tảng của tư tưởng văn hóa, kiến thức đại chúng, thì nó vẫn ở vào lát cắt thời gian của đợt sóng thứ nhất. Cho nên, chúng ta không khó để nhận diện những hình ảnh người phụ nữ tốt bụng, hiền lành, đảm đang trung hậu, nhưng khóc mếu ở đủ các làng, mạc, phố, phường, kêu than bị lừa, về việc chơi họ, hay bỏ tiền cho con đi đây đó. Phụ nữ Việt Nam nổi tiếng ở thế giới nhiều phương diện nhưng còn phương diện, mà ít người nói đến là rất hay bị lừa.

- Như phác thảo của Giáo sư, đất nước ta vốn là một đất nước chỉ có 3 chữ Nông: Nông thôn, Nông nghiệp, Nông dân, thì tìm ra một nữ thương nhân thời trước là một điều quá khó?

GS. Lê Văn Lan: Ban đầu điều đó là không tưởng. Để rồi, phải mất rất nhiều công sức, chúng tôi mới tìm ra được một nữ doanh nhân nổi bật nhất của Việt Nam, và cũng được coi là nữ thương nhân đầu tiên của Việt Nam ở thế kỷ XV. Đây là một hiện tượng rất lạ.

- Nữ doanh nhân đó chắc hẳn là một nhân vật rất kiệt xuất. Nhưng tại sao ông lại gọi nữ doanh nhân này là một hiện tượng lạ?

GS. Lê Văn Lan: Câu chuyện bắt nguồn từ một cổ vật - vốn là một chiếc bình gốm sứ được xác định là gốm Chu Đậu tại Bảo tàng Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Trên chiếc bình có hàng chữ đề rõ: “Nam Sách Châu – Tượng Nhân Bùi Thị Hý Bút”. Trên nhiều diễn đàn, đã có những tranh luận trái chiều trong cách hiểu dòng chữ trên. “Nam Sách Châu” thì đã rõ, nó có nghĩa là “Châu Nam Sách, vùng đất Nam Sách”. “Tượng Nhân”, có nghĩa là người thợ làm ra sản phẩm này. Riêng “Bùi Thị Hý Bút”, có mấy cách hiểu như sau: “Người họ Bùi viết chơi” (Bùi Thị là người họ Bùi; Hý: vui vẻ, cợt đùa; Bút: viết ra), hoặc “Người phụ nữ họ Bùi, tên Hý, đệm Thị, viết”.

- Việc giải mã dòng chữ này ra sao, thưa Giáo sư?

GS. Lê Văn Lan: Qua quá trình tìm hiểu, chúng tôi đã tìm thấy trên vùng đất Chu Đậu một số cổ vật mang những dòng chữ liên quan đến nữ thương nhân đầu tiên của Việt Nam. Điều may mắn là những dòng chữ này hoàn toàn rõ ràng chứ không mang tính đa nghĩa như dòng chữ trên chiếc bình gốm Chu Đậu tại bảo tàng Istanbul nữa. Sau khi kiểm chứng, có những cổ vật mang chữ “Bùi Thị Hý Tạo”. Vậy có nghĩa là “Người phụ nữ họ Bùi, tên Hý, đệm Thị đã tạo ra những vật này”. Tại các vùng mộ địa, có bia mộ bà Bùi Thị Hý do người chồng thứ hai của bà lập. Có nghĩa bà Hý đã có một đời chồng, sau khi người chồng đầu tiên mất, để lại cơ nghiệp cho bà, bà đã tạo lập nên các xưởng gốm, lò gốm và các sản phẩm gốm Chu Đậu gần như đầu tiên của làng. Sau đó, bà Hý lấy người chồng thứ hai và mất trước ông chồng thứ 2. Người chồng này đã lập bia mộ khắc rõ tiểu sử, sự nghiệp của người đàn bà tài giỏi này. Đọc kỹ bia mộ, chúng tôi thấy rằng, bà còn là cháu nội của Công thần Lam Sơn khởi nghĩa Bùi Quốc Hưng.

Trong cuốn sách Chinese Porcelain Collections in the Near East Topkapiand Ardebil của học giả Nhật Bản T. Misugi (Hong Kong Univesity Press, 1981) cũng in hình chiếc bình này và ghi chú đây là đồ sứ Trung Hoa. Năm 1980, ông Makoto Anabuki, Bí thư văn hóa Đại sứ quán Nhật Bản chụp ảnh chiếc bình này gửi cho ông Tăng Bá Hoành (nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hải Dương) để xác minh lai lịch chiếc bình này. Ông Tăng Bá Hoành đã nỗ lực rất lớn trong việc xác định niên đại, nguồn gốc của chiếc bình Tokapi Saray nói trên và đã tìm ra thân thế của người đã “ký tên” lên món đồ gốm này. Đó chính là bà Bùi Thị Hý, sinh năm 1420 mất năm 1499, quê ở Nam Sách, Hải Dương, vợ của ông Đặng Sỹ, chủ một lò gốm rất lớn ở Chu Đậu lúc bấy giờ. Bà chính là người đã viết chữ và vẽ hoa văn cho rất nhiều món đồ gốm Chu Đậu trong đó có chiếc bình ở Bảo tàng Tokapi Saray.

Nguồn thông tin: Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Bình gốm Chu Đậu vẽ hoa cúc dây và hồi văn đầu cánh hoa, có viết dòng chữ Hán “Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị Hý bút”, hiện vật của Bảo tàng Tokapi Saray, Thổ Nhĩ Kỳ.
Bình gốm Chu Đậu vẽ hoa cúc dây và hồi văn đầu cánh hoa, có viết dòng chữ Hán “Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị Hý bút”, hiện vật của Bảo tàng Tokapi Saray, Thổ Nhĩ Kỳ.
Đĩa gốm Chu Đậu vẽ kỳ lân, TK XV-XVI, hiện vật của Bảo tàng thành phố Machida, Nhật Bản.
Đĩa gốm Chu Đậu vẽ kỳ lân, TK XV-XVI, hiện vật của Bảo tàng thành phố Machida, Nhật Bản.
Đĩa gốm Chu Đậu vẽ song điểu, TK XV-XVI, hiện vật của Bảo tàng Mỹ thuật Fukuoka, Nhật Bản.
Đĩa gốm Chu Đậu vẽ song điểu, TK XV-XVI, hiện vật của Bảo tàng Mỹ thuật Fukuoka, Nhật Bản.
Đĩa gốm Chu Đậu vẽ hoa và chim phượng, TK XV-XVI, hiện vật của Bảo tàng Mỹ thuật Fukuoka, Nhật Bản.
Đĩa gốm Chu Đậu vẽ hoa và chim phượng, TK XV-XVI, hiện vật của Bảo tàng Mỹ thuật Fukuoka, Nhật Bản.
Đĩa gốm Chu Đậu vẽ hoa điểu, TK XV, hiện vật của Bảo tàng thành phố Machida, Nhật Bản.
Đĩa gốm Chu Đậu vẽ hoa điểu, TK XV, hiện vật của Bảo tàng thành phố Machida, Nhật Bản.
Đĩa gốm hoa lam vẽ cá và rong, TK XV-XVI, hiện vật của Bảo tàng gốm sứ Kyushu, Nhật Bản. Nguồn: Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Đĩa gốm hoa lam vẽ cá và rong, TK XV-XVI, hiện vật của Bảo tàng gốm sứ Kyushu, Nhật Bản.

Nhiều bảo tàng lớn trên thế giới như: British Museum, Gallery of New South Wales, Seattle Art Museum, Phoenix Art Museum, Asian Art Museum of San Francisco, San Diego Museum of Art… đã mua đồ gốm Chu Đậu do nhà Butterfields bán đấu giá tại San Francisco và Los Angeles (Mỹ) vào tháng 10-2000. Cuộc khai quật tàu đắm Cù Lao Chàm và sự kiện nhà Butterfields bán đấu giá sưu tập gốm Chu Đậu thu được từ con tàu đắm này ở Mỹ đã đưa gốm Chu Đậu “bước ra ánh sáng”, khiến cho giới nghiên cứu và sưu tập gốm sứ trên thế giới quan tâm đến dòng gốm này, đồng thời góp phần hồi sinh làng gốm Chu Đậu sau gần 400 năm “tắt lửa, đóng lò”. hiện vật gốm Chu Đậu nổi danh nhất thế giới là chiếc bình hoa lam vẽ hoa cúc dây và hồi văn đầu cánh hoa, có viết dòng chữ Hán “Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị Hý bút”, trưng bày ở Bảo tàng Tokapi Saray tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Điều thú vị là không ai nghĩ chiếc bình này là gốm Chu Đậu của Việt Nam và Bảo tàng Tokapi Saray khi trưng bày chiếc bình này cũng ghi chú là “Đồ sứ Trung Quốc, thời Minh”. Nguồn thông tin và hình ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

- Chắc hẳn, ông đã cảm nhận được điều đặc biệt nào đó từ người phụ nữ này, nên mới gọi đây là nữ doanh nhân kiệt xuất của Việt Nam thời trung cận đại?

GS. Lê Văn Lan: Khi tìm hiểu, tôi được biết có một tấm bia tại một ngôi chùa làng Chu Đậu ghi rõ ngôi chùa do bà Bùi Thị Hý bỏ công đức ra xây chùa. Bà thường xuyên xây chùa và các công trình phúc lợi cho vùng Chu Đậu. Tôi thấy rằng, phải mất ba thập kỷ, ta mới phát hiện và khẳng định được sự nghiệp lớn của một doanh nhân là phụ nữ Việt Nam kinh doanh tài ba, tạo nên sự nghiệp lớn và tâm hồn đẹp. Càng đặc biệt hơn khi, đây là trường hợp nữ doanh nhân duy nhất được tìm thấy trên một đất nước chỉ gắn với 3 chữ “Nông” thời kỳ đó.

- Có vẻ như ông quan tâm đến cái tâm của nữ doanh nhân này. Vậy còn trí?

GS. Lê Văn Lan: Từ thân phận đàn bà trong một nền văn minh nông nghiệp lại trở thành chủ lò gốm đầu tiên của Chu Đậu ở thế kỷ XV và từ vốn liếng ấy, bà trở thành nữ doanh nhân chân chính khi hội tụ được phẩm chất sáng tạo, biết chớp thời cơ, vươn lên và dẫn trước, để từ sự sáng tạo ấy, cho ra đời được một dòng gốm sứ sánh được với Bát Tràng.

Thứ hai, trên nền tảng sự sáng tạo ấy, bà biết tích lũy để xây dựng được một chuỗi các cơ sở sản xuất, công trường thủ công. Đó là bước tiến vượt bậc và thuộc về chí hướng người làm thợ mở mang ra kinh doanh. Khi hội tụ hai phẩm chất sáng tạo và làm ăn lớn thì cuối cùng mới hình thành được một lĩnh vực kinh doanh lớn. Từ thủ công nhất thiết phải có thị trường, không có thị trường thì không thể phát triển được. Từ đó, bà Bùi Thị Hý biết mở mang lĩnh vực kinh doanh, từ thủ công mở ra ngoại thương, mà muốn có ngoại thương thì phải có thương thuyền. Và bà đã mở ra tổ chức cả đội thương thuyền giàu kinh nghiệm hàng hải.

Có một chi tiết đáng quan tâm là người chồng đầu của bà bị đắm thuyền chết ngoài biển. Từ cái chết của chồng nên bà đã có kinh nghiệm để xây dựng hạm đội thương thuyền hùng hậu, vươn ra biển lớn.

- Ông có thể lý giải, vì sao bà Bùi Thị Hý lại có cơ hội để mở rộng kinh doanh, phát triển như thế?

GS. Lê Văn Lan: Đây là hướng phát triển đúng quy luật, theo sự vận động và thay đổi của những đợt sóng như đã phân tích ở trên, nhưng người như bà chỉ là ngôi sao lóe lên trong sự cô đơn. Thời đó, triều đình chuyển từ Lê sang Mạc và có những hỗn mang. Nhưng điều thú vị là nhà Mạc thì lại biết cách mở mang thương nghiệp. Vào thế kỷ XVI, dưới sự điều hành của chính quyền Mạc Thái Tổ Đăng Dung, Mạc Thái Tông Đăng Doanh, đã có những mầm mống công thương, kỹ nghệ xuất hiện, cho nên bà Bùi Thị Hý rơi được vào môi trường này.

- Như vậy, chính sách phát triển kinh tế của chính quyền quyết định đến vận mệnh thành hay bại của doanh nghiệp – doanh nhân?

GS. Lê Văn Lan: Nói gì đi nữa thì cũng phải khẳng định, Chu Đậu lớn lên nhờ cơ hội từ nhà Mạc, nhưng chúng ta không biết cụ thể quan chức xứ Hải Đông thân thiết như thế nào, có khuyến khích hay chỉ chăm chăm moi tiền từ bà Bùi Thị Hý… Nhưng ta ghi nhận được kết quả là Chu Đậu cứ lớn dần lên, tiếng tăm vang xa. Và từ câu chuyện này, chúng ta thấy mối quan hệ giữa xã hội, giữa chế độ, triều đình nhà Mạc với doanh nhân Bùi Thị Hý là tốt và gắn kết. Từ đó, có thể rút ra được bài học ứng xử của chính quyền với giới công thương chính là cần gượng nhẹ, nương tay, khuyến khích. Nếu họ gặp phải khó khăn như giai đoạn dịch bệnh hiện nay thì cần tương trợ, nuôi dưỡng cho họ phục hồi và dần lớn mạnh.

Tuy nhiên, cũng phải khẳng định là, bản thân các doanh nghiệp của Việt Nam hiện nay, đa số mới được 1 - 2 đời, thường thì cha làm con phá, nên vẫn đang vận động, lật đi lật lại, trong sự chuyển biến của kinh tế - xã hội ngày càng coi trọng doanh nhân - doanh nghiệp.

- Ngoài bà Bùi Thị Hý, còn trường hợp doanh nhân kiệt xuất nào khác, thưa Giáo sư?

GS. Lê Văn Lan: Ở giai đoạn trước, tôi đã cố gắng tìm nhưng không thấy ai kiệt xuất như bà Bùi Thị Hý. Đa phần chỉ là những tiểu thương làm ăn manh mún, những nhân vật không chuyên nghiệp. Có thể thấy con đường phát triển của Nguyễn Hữu Chỉnh vào thế kỷ thứ XVIII. Ông là cận thần nhà Lê, thậm chí là “cố vấn tối cao”.

Ông là người xúi vua Lê Hiển Tông đem Ngọc Hân gả cho Nguyễn Huệ. Nguyễn Hữu Chỉnh tham chính và trở thành người có quyền lực nhất của thời Lê – Trịnh nhưng mà là vào lúc mạt vong. Ông ta lèo lá khi theo Tây Sơn, khi theo Trịnh, khi theo nhà Lê và có lúc ông ta thành công nhờ sự lèo lá, thông minh, giàu mánh lới làm ăn của một thương nhân. Ông ta là thương nhân rất lớn, buôn nước mắm Nghệ An nhưng không đứng vững ở địa vị là doanh nhân kiếm chác vốn liếng về mặt chính trị. Thế nên, chỉ có một vài thành công nhất thời và cuối cùng là thất bại. Đóng góp của ông cho nền kinh tế doanh nghiệp chỉ bằng sự giàu sang chứ không được ghi nhận về mặt xã hội như bà Bùi Thị Hý.

Mãi sau này, chúng ta vẫn thường nhầm lẫn đại gia với doanh nhân, nhưng có những đại gia họ là địa chủ. Như trường hợp Công tử Bạc Liêu, cha làm con phá, là đại gia chứ không phải doanh nhân…

Tuy nhiên, đến thời cận đại, chúng ta có thêm được doanh nhân Bạch Thái Bưởi, doanh nhân Nguyễn Sơn Hà, chủ hãng sơn ở Hải Phòng - một trong những thương gia hàng đầu của Việt Nam thời Pháp thuộc. Ông được biết đến như là người khai sinh nghề sản xuất sơn dầu ở Việt Nam.

Doanh nhân tài Bạch Thái Bưởi.
Doanh nhân tài Bạch Thái Bưởi.
Chân dung nhà chí sĩ, doanh nhân Lương Văn Can.
Chân dung nhà chí sĩ, doanh nhân Lương Văn Can.
Doanh nhân Nguyễn Sơn Hà.
Doanh nhân Nguyễn Sơn Hà.

 

Và đặc biệt trong bước chuyển từ thế kỷ XIX sang thế kỷ XX (từ phong kiến sang tư bản thuộc địa), có gia đình cụ Lương Văn Can và những người đồng chí là những trí thức phong kiến nhưng giác ngộ được một chút lý thuyết tinh thần của những học giả tư sản, cho nên chuyển sang làm kinh doanh. Làm kinh doanh rất giỏi là vợ cụ Lương Văn Can, nhưng cũng mông lung và cũng may khi họ rơi vào lát cắt thời gian mà chủ nghĩa yêu nước, đòi hỏi giải phóng dân tộc là tối thượng, cho nên họ đứng trong trào lưu đó với tư cách là trí thức nhưng hoạt động thêm ở lĩnh vực công thương, mở cửa hiệu.

Thậm chí, con trai của cụ Nguyễn Quang Bích là cụ Ngô Quang Đoan là một nhân sỹ điển hình thời kỳ giữa XIX gối sang XX tham gia vào Đông Kinh Nghĩa Thục, phong trào vừa làm kinh tế, vừa làm văn hóa, để giải phóng dân tộc, được phân công làm đồn điền. Cụ kiên trì từ năm 1907 cho đến thời Việt Minh (1945), cụ ngược lên Phú Thọ, về Vĩnh Yên, đã gây dựng nên không biết bao nhiêu đồn điền, chỉ vì một cam kết thời Đông Kinh Nghĩa Thục phân công cho cụ, trong khi những cụ khác mở lợi ký, mở hưng ký, buôn bán… Cụ Ngô Quang Đoan có thể coi là một doanh nhân làm nông nghiệp với tinh thần của một sỹ phu trung chinh, tận tụy, yêu nước.

- Ông có nhắc đến trường hợp doanh nhân Nguyễn Sơn Hà. Tôi cho rằng, đây cũng là một doanh nhân đặc biệt trong lịch sử, nổi tiếng về ý chí kinh doanh và là người một lòng đi theo con đường giải phóng dân tộc. Nguyễn Sơn Hà cũng là người nổi tiếng khi được mời làm Bộ trưởng Bộ Kinh tế trong Chính phủ, nhưng đã từ chối, bởi “công việc lớn quá sợ khả năng có hạn chế nên xin được chỉ làm một số việc về kinh tế nước nhà”…

GS. Lê Văn Lan: Đây là trường hợp khá lý thú và có nhiều ý nghĩa. Lịch sử ghi lại, Nguyễn Sơn Hà học lén nghề làm sơn dầu sau khi làm cho hãng sơn dầu nổi tiếng Sauvage Cottu. Ông tranh thủ lúc chủ nhà đi vắng, lục lọi trong tủ sách kỹ thuật của nhà chủ, đọc những kỹ thuật về nghề sơn. Hồi nhỏ, Nguyễn Sơn Hà đã được học vài năm chữ nho và chữ Quốc ngữ, cũng đủ để đọc sách. Lúc này, muốn đọc sách kỹ thuật, Nguyễn Sơn Hà phải đêm đêm cặm cụi học thêm Pháp ngữ, và cũng có đủ vốn liếng để học các sách về kỹ thuật sơn dầu.

Khi đã nắm được những bí quyết cơ bản của nghề sản xuất và kinh doanh sơn dầu, ông xin thôi việc. Ông bán chiếc xe đạp, lấy tiền làm vốn, mở một cửa hàng nhỏ nhận việc quét vôi, quét sơn, kẻ biển với mục đích thử chế sơn dầu. Sau nhiều lần thất bại, ông mày mò nghiên cứu pha chế nguyên liệu trong nước như dầu trẩu, nhựa thông, cây thầu dầu…

Nguyễn Sơn Hà hướng dẫn bí quyết làm sơn cho kỹ thuật viên Sở Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Gia đình cung cấp.
Nguyễn Sơn Hà hướng dẫn bí quyết làm sơn cho kỹ thuật viên Sở Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Gia đình cung cấp.
Một số dụng cụ doanh nhân Nguyễn Sơn Hà dùng để nghiên cứu sơn từ ngày đầu khởi nghiệp.
Một số dụng cụ doanh nhân Nguyễn Sơn Hà dùng để nghiên cứu sơn từ ngày đầu khởi nghiệp.
Vợ chồng doanh nhân Nguyễn Sơn Hà và các con.
Vợ chồng doanh nhân Nguyễn Sơn Hà và các con.
Tầng 2 ngôi biệt thự của gia đình Nguyễn Sơn Hà nay là di tích được Nhà nước xếp hạng để bảo tồn. Ảnh: MH.
Tầng 2 ngôi biệt thự của gia đình Nguyễn Sơn Hà nay là di tích được Nhà nước xếp hạng để bảo tồn. Ảnh: MH.

 

Đầu những năm 30 của thế kỷ XX, ở Việt Nam, bắt đầu từ Hải Phòng, hiệu sơn dầu của Nguyễn Sơn Hà đã xuất hiện và dám cạnh tranh với các hãng sơn của người Pháp và người Hoa. Với giá thành hạ, chất lượng tốt, mau khô và bóng đẹp, sơn của Nguyễn Sơn Hà ngày càng được khách hàng ngoài Bắc, trong Nam tín nhiệm. Với những mặt hàng phong phú như sơn Résistanco A - B dùng cho sơn xe đạp, sơn Durolac để sơn ôtô, sơn Ideal dùng sơn các vật dụng thông thường..., sau một thời gian ngắn, sản phẩm của Nguyễn Sơn Hà đã cạnh tranh được với cả sơn của hãng Sauvage Cottu, sơn Ripholin nhập từ Pháp sang.

Doanh nhân Nguyễn Sơn Hà trở thành niềm tự hào của người Việt Nam, từ tay trắng làm nên sự nghiệp, khẳng định tài trí của người Việt. Sinh thời, nhà chí sĩ yêu nước nổi tiếng Phan Bội Châu đã viết tặng cụ Nguyễn Sơn Hà một đôi câu đối: “Hoá học bác Âu trường, tô điểm sơn hà tâm hữu tất – Công khoa tôn Việt chủng, chuyển di thời thế thủ vi cơ”. Nghĩa là: “Lấy hoá học của người Âu, tô điểm cho non sông bởi tấm lòng son sẵn có – Dùng công nghệ của đất Việt thay đổi thời thế làm nên bởi tự tay mình”.

Giải mã những yếu tố tạo nên thành công khi phát triển sản xuất, kinh doanh, Nguyễn Sơn Hà đặc biệt đề cao nguyên tắc “lấy nhân dùng nhân”. Để gắn bó người tâm phúc theo mình, ông mua hàng trăm ha ruộng đất ở Kinh Môn cấp đất cho vợ con họ cày cấy, số thóc thu được ông đem bán rẻ cho anh em công nhân những ngày khó khăn.

Trong Tuần lễ vàng mà chính phủ phát động, doanh nhân Nguyễn Sơn Hà rất tích cực đóng góp tiền vàng và vận động các nhà tư sản khác và nhân dân mọi tầng lớp tham gia. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Ngọc Mùi và con gái Nguyễn Sơn Thạch đi cùng trong lần ủng hộ đầu tiên đã hiến tặng toàn bộ số nữ trang của gia đình, gồm vàng bạc, đá quý cân được 10,5 kg.

Riêng ông Hà không ngần ngại tháo ngay chiếc nhẫn quý bằng platin gắn kim cương bỏ vào thùng hiến tặng. Nguyễn Sơn Hà đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng ảnh và Mặt trận Việt Minh cấp giấy khen vì những đóng góp tích cực của mình.

Sau khi cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Sơn Hà đã cho phép em rể của mình dùng tiền của ông ở đại lý sơn tại Sài Gòn tổ chức một đoàn tàu vượt biển ra Côn Đảo đón tù chính trị bị giam giữ trở về đất liền trước khi Pháp nổ súng gây hấn ngày 23/9/1945. Trong số những người được chuyến tàu đón về có nhiều người sau đó trở thành lãnh tụ cách mạng của Việt nam như Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Phạm Hùng, Lê Thanh Nghị…

- Thưa Giáo sư, việc phân tích từng lát cắt thời gian, với những nhân vật doanh nhân của những giai đoạn trước, có ý nghĩa như thế nào đối với việc nhìn vào thực tại phát triển của những doanh nhân hiện nay trên đất nước ta?

GS. Lê Văn Lan: Đó có thể coi là những ví dụ nêu ra để khai thác, động viên cho những đấng đại gia bây giờ, với những phẩm chất của dân tộc này là kiên trung, cam kết với sứ mạng của mình đã nhận, đó là sứ mạng của thế hệ phát triển dân tộc mang tầm quốc tế. Như ông Phạm Nhật Vượng mở Vinfast làm ô tô, nhưng khi dịch bệnh làm máy thở. Đó là cái nền yêu nước, niềm tự hào và tự tôn dân tộc. Đó là câu chuyện xây dựng đội ngũ doanh nhân dân tộc xã hội chủ nghĩa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngồi xe ô tô VinFast do tỷ phú Phạm Nhật Vượng cầm lái.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngồi xe ô tô VinFast do tỷ phú Phạm Nhật Vượng cầm lái.
Ông Phạm Nhật Vượng tự lái xe điện chở Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan Nhà máy ôtô VinFast.
Ông Phạm Nhật Vượng tự lái xe điện chở Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan Nhà máy ôtô VinFast.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad lái thử xe VinFast.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad lái thử xe VinFast.
Vingroup hoàn thành hai mẫu máy thở phục vụ điều trị COVID-19.
Vingroup hoàn thành hai mẫu máy thở phục vụ điều trị COVID-19.

Ảnh: Internet.

Cũng bởi vì chúng ta có nhiều doanh nhân “non”, cho nên nhiều khi họ trở thành “thần dân”, của cơ chế xin - cho. Nếu cứ yếu ớt, luồn lụy, xin xỏ thì nhiều lắm chỉ được người ta thương hại.

Còn nếu lớn lên một cách đàng hoàng, họ hoàn toàn có quyền ngẩng cao đầu.

Hãy trở nên mạnh mẽ như Phạm Nhật Vượng, thì người ta sẽ nể phục.

Những tia le lói như thế vẫn có thể nối tiếp từ quá khứ sang hiện tại.

- Có một câu chuyện, Vua Lý Thánh Tông trong một lần chinh chiến thất bại, khi trở về kinh thành, nghe dân chúng ca ngợi nguyên phi Ỷ Lan đã thay ông chấp chính điều hành việc triều chính làm cho con dân no ấm, Ngài bỗng cảm thấy hổ thẹn và thốt lên rằng: “Người kia là đàn bà mà làm được như vậy, huống chi ta là nam nhi!”. Đức vua đã quay trở lại và đánh tan quân giặc. Bây giờ, nối tiếp những mạch nguồn truyền thống, chúng ta cũng đã có được những nữ doanh nhân được cả thế giới ghi nhận và họ cũng khiến thế giới phải nể phục Việt Nam…

GS. Lê Văn Lan: Đúng là như vậy. Chúng ta đã có những thương hiệu mang tầm thế giới, ghi dấu ấn của những nữ doanh nhân. Từ thân phận "tòng phụ, tòng phu, tòng tử", những người phụ nữ đã vươn lên và thể hiện “quyền uy” của mình.

Trong tâm thức nhưng cũng là vô thức, những nữ doanh nhân hiện đại thành đạt có trong dòng máu của mình những mầm mống le lói của những bậc tiền bối đã thành công và được lịch sử ghi nhận. Họ đang cố gắng sinh cơ, lập nghiệp, phát triển cơ đồ, nhân danh người phụ nữ hiện đại. Chắc chắn, trong những nữ doanh nhân hiện đại luôn có dòng chảy truyền thống, ý chí và tinh thần của người phụ nữ Việt Nam.

Phải kể đến những doanh nhân thành đạt như chị Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk, chị Thái Hương, nhà sáng lập TH true MILK, chị Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc VietJet… đã có những đóng góp rất lớn cho dân tộc.

Nói như Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn: “Người đàn bà Việt Nam là người có tính dân tộc hơn ai hết”!

- Ông kỳ vọng gì vào những nữ doanh nhân hiện nay?

GS. Lê Văn Lan: Trước đây, những người phụ nữ Việt Nam càng giỏi giang, càng xinh đẹp, càng có một chút ý thức về địa vị, danh vọng thì càng bị quanh quẩn, dày vò trong vòng xoáy của xã hội nền tảng là nông nghiệp, bên trên là thiết chế của quan liêu. Bây giờ, những thứ đó, thật may mắn, chúng ta đã đập vỡ. Nhưng chúng ta mất rất nhiều cái tốt. C.Mác phê phán chủ nghĩa duy tâm: Thấy một chậu nước bẩn, hất đi, nhưng không biết có một đứa bé thanh khiết, xinh xắn, đẹp đẽ đang ngồi trong cái chậu đó.

Chúng ta tạo được cho người phụ nữ một môi trường, bối cảnh sống rất khác với xã hội tiểu nông và chế độ quan liêu. Song, chúng ta cũng làm mất đi rất nhiều giá trị thật thà, chung thủy của xã hội tiểu nông. Doanh nhân nữ bây giờ đúng nghĩa là được giải phóng, xong họ được giải phóng trong hoàn cảnh vô thức.

Điều mà ông thầy của tôi đã nói: Tin và mong vào lương tri của dân tộc. Dân tộc này lạ lùng, rất vĩ đại, rất đáng yêu, nhưng cũng rất lầm than.

Chúng ta đang ở thời văn hóa, văn minh đại dịch với đầy rẫy những mâu thuẫn. Trong đó, có giới doanh nhân một thời bị gọi là “con phe”, “phe phẩy”, từng bị người ta dè chừng giờ bỗng dưng trở thành người thành đạt. Nhưng mới chỉ trong một đời, còn thời gian tích lũy để trở thành một doanh nhân mà từ tự phát đến tự thức, trên thế giới phải mấy trăm năm, mấy chục đời, hoặc tối thiểu cũng phải vài ba đời mà giờ chúng ta mới chỉ có một đời.

Cho nên, sức nặng của quá khứ, với nền tảng quá lâu dài, bằng cách này hay cách khác, những tư tưởng của làn sóng nông nghiệp vẫn len lỏi trong doanh nhân của thời đại mới. Có thể anh kiếm được nhiều tiền thì anh làm từ thiện, nhưng trong từ thiện ấy cũng lệch lạc vô cùng, như việc có người đem tiền làm chùa chiền để kinh doanh.

Như GS. Trần Lâm Biền phê phán một số nhà sư bây giờ là người hành nghề làm sư, thậm chí cả nhà làm sư, mỗi ông sư kiếm được chỗ trụ trì cũng phải mánh lới, qua hội đoàn để kiếm được chỗ. Với tài khéo ăn nói, ngoại giao họ lại thu hút được tiền từ thiện. Từ nguồn đầu tư không đúng chỗ này, ta đang có những ngôi chùa to, nhà sư được bái lễ, trong những chiếc xe ô tô sang trọng, những phòng ở xa hoa…

Lịch sử, văn minh cần thời gian, nỗ lực và trí tuệ để tự thức cải tạo mình như từ tư bản dã man chuyển sang tư bản văn minh. Nhưng giờ là ăn sổi ở thì, tư duy nhiệm kỳ tồn tại, trong thời gian ngắn, tôi chụp giật được bao nhiêu thì tốt. Trong hoàn cảnh đó, chúng ta biết ơn, ca ngợi, biểu dương, trao bằng khen cho một số doanh nhân có trách nhiệm cộng đồng, làm từ thiện với tinh thần tương thân tương ái, tinh thần dân tộc, và ta làm thế là được nhưng mà cũng cần phải nhận ra những thứ non kém chỉ ở Việt Nam mới thấy.

Chúng ta đang có những doanh nhân mới hình thành, đang hướng tới cõi thiện và chúng ta khuyến khích, kích thích họ hướng tới cõi thiện, nhưng họ vẫn mang trong mình đầy rẫy những tiêu cực của một xã hội văn minh nông nghiệp đã lạc hậu khi lịch sử nhân loại đã sang đợt sóng thứ ba.

Trong trường hợp ấy, nếu cần khuyến khích thì ta nêu vài tấm gương đột xuất, những người vượt được thời gian, nhưng mà vẫn còn lẻ loi, đơn độc, hiếm ít.

- Người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã từng khẳng định: Chúng ta cần có hàng trăm, hàng ngàn và cả một thế hệ doanh nhân hùng mạnh, những con sếu đầu đàn và chúng ta cần có cả “đàn chim Việt” bay cao, bay xa trong nền kinh tế toàn cầu.

Vậy doanh nhân, họ là ai trong thời đại này, thưa Giáo sư?

GS. Lê Văn Lan: Thế kỷ 21 mang giá trị của sự chuyển hóa xã hội, chuyển hóa cả hình thái kinh tế - xã hội, đồng thời chuyển hóa cả việc làm ăn kinh tế, kèm theo đó những giá trị mới và các mỹ từ như mở cửa, hội nhập, kinh tế thị trường. Đứng về mặt lịch sử, nó tạo ra lát cắt mới mà bạo miệng thì có thể gọi là bước ngoặt, và trên bước ngoặt đó, trên lát cắt mới đó, trên sự phát triển mới đó, thì chúng ta có thuật ngữ mà trước đây không hề có: Doanh nhân. Sự đảo ngược quan niệm của một thời trước đó không lâu: Con phe đã trở thành doanh nhân.

Từ chữ “con” chuyển thành chữ “nhân” đã là sự thay đổi hàm ý tôn vinh. Chữ nhân này chúng ta gặp trong sĩ nhân, trong thánh nhân, thần nhân. Như vậy, nhân không đơn thuần là chỉ người, mà còn hàm ý tôn vinh, tôn thờ, tôn kính.

Chữ doanh nghĩa là kiến thiết, hoạt động, sáng tạo. Chữ doanh ghép với chữ nhân ta có chữ doanh nhân. Đi vào lĩnh vực tu từ học, tìm hiểu sắc thái riêng của từng từ, ta thấy làm được những việc lớn thì đó là chữ doanh, làm việc “đẹp”, có ý nghĩa và giá trị tốt thì đó là chữ nhân. Do đó, người được gọi là doanh nhân phải là người làm những việc lớn một chút, có giá trị đẹp.

Ngoài ra, còn phải có thêm thuộc tính mới một chút, tương đương với chuyện hiện đại, như những nhà nông kiểu mới, tức những ông chủ vựa cá, ông chủ vườn… Và khi ta chạm đến thuật ngữ hiện đại là chạm tới tình hình trong nước và thế giới đang đổi mới với tất cả thuận lợi, khó khăn, tiêu cực và tích cực. Trong thuộc tính mơi mới một chút đó, phải ngăn ra một ngăn là không có tiêu cực. Tôi dùng chữ ríu như thế với ý là hơi hơi một chút cũng được, không cần phải hạng siêu, nhưng anh phải mang được phẩm chất mới, lớn, đẹp, thì mới là doanh nhân.

- Doanh nhân có sứ mệnh lịch sử rất lớn. Nhưng dường như chưa được ghi nhận xứng đáng, và chính họ, phải chăng nhiều khi cũng chưa nhận ra được sứ mệnh quan trọng của mình?

GS. Lê Văn Lan: Những doanh nhân ở nông thôn thì nhiều lắm. Họ là tiểu thương. Nhưng, doanh nhân muốn trở thành những người xứng đáng với sự kỳ vọng của cả dân tộc, phải có môi trường đô thị, và họ phải trở thành thị dân. Chúng ta bây giờ chưa quen với thuật ngữ thị dân, nhưng trên thế giới, đặc biệt là ở châu Âu, thị dân là đối tượng có vai trò lịch sử rất quan trọng, đặc biệt là họ đã đi vào rất nhiều công trình nghiên cứu. Thông qua đó, đã định hình tầng lớp thị dân, vừa khẳng định vai trò quan trọng của họ, đặc biệt là cổ vũ tầng lớp thị dân đó.

Về sự liên kết giữa thuật ngữ doanh nhân và thị dân. Thị dân là những người ở đô thị, phân biệt với những người ở nông thôn (gọi là nông dân). Trong thị dân đông đảo là tầng lớp doanh nhân.

Trong lịch sử Việt Nam, nếu nông dân là thành phần cơ bản, chiếm tuyệt đại đa số trong dân số thì nông thôn đã được hình dung là một đại dương, ở đó mọc lên một vài hòn đảo thưa thớt, nhỏ nhoi, nay chìm mai nổi, là các đô thị. Vậy là, xã hội nông thôn, với những người nông dân, cơ sở môi trường cư trú của họ là các làng, xã. Nó làm nên một đại dương, nhìn về cấu trúc địa lý xã hội, đã che khuất và phủ kín những đô thị mà ở đó chứa đựng thành phần dân cư là những doanh nhân và thị dân.

Khái niệm thị dân đã được nghiên cứu khá nhiều, song ở Việt Nam, vì nông dân chiếm quá lớn, nên nhiều lúc người ta không để ý đến thị dân. Nhưng vai trò lịch sử của thị dân nói chung và doanh nhân nói riêng, là những ngòi nổ, là nguồn lực để chuyển thời đại, nền tảng kinh tế xã hội, hay nói cách khác là phương thức sản xuất thay đổi.

Từ những người nông dân, thậm chí là nô lệ, le lói làm nghề thủ công bị chèn ép thì họ tụ lại ở những kẽ hở của những pháo đài lãnh địa lãnh chúa, lập nên những tiểu đô thị (bouerg). Từ những kẽ hở, kết tụ và loang ra, xóa lãnh địa phong kiến, trở thành những thành phố nhỏ, thành phố lớn.

Một đất nước gồm những lãnh địa, công xã như thế dần dần trụ lại, loang ra, xóa đi và trở thành một đất nước đại đô thị. Đó là mầm mống của đô thị.

Nhưng ở Việt Nam, đô thị phát triển rất lạ. Đầu tiên, là cơ sở tổ chức hành chính do bộ máy nhà nước phong kiến lập ra. Tôi có nhu cầu quản trị miền đất này thì tôi đặt ở đó tòa huyện đường, có quan huyện và thuộc lại. Từ đó, mọc ra phố huyện, những người buôn bán tụ tập lại để hầu hạ. Đô thị kinh tế đóng vai thị tì, phục vụ cho đô thị hành chính. Khi triều đình không có nhu cầu đặt đô thị hành chính tại vùng này nữa, mà chuyển đi chỗ khác thì đô thị này teo, bởi không có cơ sở kinh tế.

Trong hoàn cảnh đó, tầng lớp thị dân mà chủ lực thành phần chính là doanh nhân, cứ teo tóp, èo uột.

Ở các nước khác, thị dân và doanh nhân có vai trò, sứ mạng rất lớn. Chính là nguồn lực, chính là đội ngũ để xóa bỏ các cấu trúc của một hình thái kinh tế xã hội.

Doanh nhân Việt Nam cũng có sứ mạng lịch sử rất lớn như thế. Đó là phát triển thành giới mà có sứ mạng, có thiên chức làm chuyển biến sự phát triển của xã hội.

Thậm chí đã có nghiên cứu về đô thị và thị dân trên thế giới khẳng định, thị dân và doanh nhân là những người cứu vớt cho những xã hội trì trệ. Sứ mạng của họ là đưa được xã hội trì trệ phát triển lên thành những xã hội văn minh.

Cũng vì hiểu được tầm quan trọng của doanh nhân nên sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa non trẻ chỉ vừa ra đời được 1 tháng, ngày 13/10/1945, trong bức thư động viên, đặt niềm tin và khẳng định vai trò, sứ mệnh của doanh nhân, Bác Hồ viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân đang phải cố gắng nỗ lực để giành lấy hoàn toàn nền độc lập, thì giới công thương cũng phải cố gắng nỗ lực để xây dựng nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng. Việc nước, việc nhà bao giờ cũng đi liền với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong cuộc kiến thiết này…”.

- Chúng ta đã có được sự đảo ngược quan niệm từ con phe thành doanh nhân, dù hiện nay, vẫn còn đâu đó những góc nhìn không mấy thiện cảm.

Nhưng để có những “đàn chim Việt” bay cao, bay xa, theo Giáo sư, điều quan trọng nhất cần trông đợi và gửi gắm vào thế hệ doanh nhân mới hiện nay là gì?

GS. Lê Văn Lan: Chúng ta đã và đang có vấn đề rất lớn là ứng xử với doanh nhân, nhưng bị lúng túng như ông thầy của tôi, GS. Đào Duy Anh trong tác phẩm “Nhớ nghĩ chiều hôm” cuối đời đã viết, giải pháp chỉ là trông đợi vào lương tri của dân tộc.

Một bà Bùi Thị Hý xuất hiện trong một xã hội trung cổ rực rỡ như thế mà chúng ta cũng còn hiểu biết ít ỏi. Dù những nhà lãnh đạo hay dư luận xã hội đối xử với giới doanh nhân chưa được bình thường, thì chúng ta cũng chỉ biết phải chờ thời gian với điều kiện tự thức, để có thể thay đổi quan niệm, biến chiến thuật thành chiến lược.

Hiện nay, mặc dù còn có những vấn đề cần hoàn thiện về cơ chế nhưng chưa bao giờ, doanh nhân Việt được tạo môi trường, điều kiện và trao cơ hội tốt như bây giờ. Vì vậy, sứ mệnh chấn hưng đất nước và tự khẳng định mình đang nằm trong tay của các doanh nhân...

Do đó, điều quan trọng vẫn là sự tự thức từ chính các doanh nhân.

Ở ta, doanh nhân trước tiên cần tự thức, mình là thị dân, giống như sứ mạng của những thị dân trên toàn thế giới. Chúng ta đang có những sự nhảy vọt, mà những người cầm cân lịch sử tạo ra. Trong bối cảnh đó, doanh nhân đô thị hãy năng động, quảng giao, linh hoạt, giàu sáng tạo, nhạy bén hơn nữa để gánh vác sứ mệnh lịch sử của mình!

Hỡi các đấng doanh nhân, xin các ngài hãy luôn cố gắng tự thức, tự giác.

Vị thế lịch sử của các ngài quan trọng vô cùng, các ngài hãy xứng đáng với điều đó. Không chỉ là trợ thời hay nhất thời, gặp hoàn cảnh, trước tiên hãy trưởng thành, trở thành sắc sảo, chân chính, đầy bản lĩnh, có chí hướng, trí tuệ, kỹ thuật và tất nhiên, có cả sự lèo lá. Doanh nhân chính là kíp nổ để làm nên những cuộc xoay chuyển thời đại! Và dân tộc, và những người làm lịch sử cho dân tộc như chúng tôi chỉ mong đợi các doanh nhân thành đạt, góp sức cho đời, cống hiến cho đất nước, cho dân tộc.

Cả dân tộc trông cậy và tin tưởng ở các doanh nhân, hãy mạnh mẽ lên!

 

 

 

- Trân trọng cảm ơn Giáo sư về cuộc trao đổi thú vị này – những chia sẻ nhìn nhiều về quá khứ, nhưng gợi những nghĩ suy cho tương lai. Xin kính chúc Thầy luôn thật mạnh khỏe, mỗi ngày mới tràn đầy niềm vui!

(Các ảnh chân dung GS. Lê Văn Lan của nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Kự)

Nguyễn Thành Công
Thúy Hạnh 
14/5/2020 06:30

Lịch sử đất nước dù thăng trầm, biến đổi không ngừng, nhưng thời nào, giai đoạn nào, dân tộc Việt Nam cũng sản sinh ra những doanh nhân vươn lên làm nên sự nghiệp lớn. Tinh thần kinh doanh vẫn như một dòng máu nóng chảy qua nhiều thập kỷ trong lớp lớp doanh nhân Việt Nam, từ một "tư thương" đầy định kiến dăm bảy thập kỷ trước, hay những "tỷ phú Forbes" bây giờ. Họ không chỉ làm giàu cho mình, đóng góp xứng đáng cho công cuộc phát triển đất nước, mà còn tạo dựng hình ảnh con người Việt Nam tự chủ, năng động; thể hiện niềm kiêu hãnh và khát vọng khẳng định giá trị bản lĩnh Việt Nam trên thương trường quốc tế.

Qua thời gian, đội ngũ doanh nhân đang có những bước phát triển đáng ghi nhận, hình thành một số tên tuổi đủ tầm vóc, thương hiệu trên thị trường. Họ là những “con sếu” đầu đàn trong cuộc cạnh tranh quốc tế, là chỗ dựa cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước. Có thể nói, doanh nhân Việt Nam hiện góp phần quan trọng trong tạo việc làm và nguồn thu ngân sách thường xuyên cho đất nước.

Do đó, việc nhìn lại hành trình hình thành và phát triển giới doanh nhân Việt Nam, từ những thăng - trầm đã bộc lộ bản lĩnh - khát vọng, cho đến những cống hiến - đồng hành cùng vận nước, là điều hết sức quan trọng trong bối cảnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đổi mới; Đánh giá khách quan hơn vai trò của doanh nhân Việt Nam cũng là cách để hướng tới mục tiêu vì một Việt Nam hùng cường, từng bước cải thiện và nâng cao vị trí đất nước trên trường quốc tế, đồng hành cùng nhân loại tiến bộ. Đồng thời, việc nhìn lại và đánh giá đúng sự đồng hành của giới doanh nhân Việt Nam với dân tộc còn là việc khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước, ý chí kinh doanh, giải phóng lực lượng sản xuất, phát huy sức mạnh vật chất và trí tuệ, sự nỗ lực, tự cường và đồng thuận xã hội trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập và đứng trước những thời cơ mới, với kỳ vọng Việt Nam sẽ hình thành một thế hệ doanh nhân tài năng và có trách nhiệm xã hội.

Từ những lý do trên, nhân dịp tròn 15 năm từ khi Thủ tướng quyết định lấy ngày 13/10 là “Ngày Doanh nhân Việt Nam”, hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ viết thư gửi giới công thương Việt Nam (13/10/1945-13/10/2020), Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) thực hiện tuyến bài truyền thông: Doanh nhân Việt Nam đồng hành cùng dân tộc.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top