Đôi mắt

Đôi mắt

Thứ Năm, 07/10/2021 - 06:00

Khác với mọi ngày, hôm nay đi làm về chồng tôi không đứng ngắm trời ngắm mây ngoài sân, mà chạy thẳng vào nhà, tay cầm tờ báo cuộn tròn khuơ khuơ trước mặt tôi: "Nè, em xem đi, xem đi nè!" Ngó bộ anh phấn khích lắm.

Tôi, đeo cái tạp dề có những bông cúc vàng, gạt tay làm tờ báo rơi xuống sàn nhà. Tôi đang tập trung trí lực vào nồi nhộng rang, món ăn yêu thích của chồng tôi. Khi nấu món ăn chồng thích tôi thường tập trung cao độ. Ngoài ra, tôi chả làm cái gì mà tập trung như vậy.

Cái món nhộng rang này, nó phải vừa đúng cái độ của nó. Non lửa một tý, cái đáy nồi còn trắng bóc, là chắc chắn anh nhộng còn ướt ngoài, nhão trong, vứt! Mà nếu quá lửa, con nhộng khô quắt lại, chả còn tý bùi béo nào, cũng hỏng. Phải vừa độ, cái đáy nồi khô rang, hơi xém tý lửa, con nhộng ngoài giòn vỏ, trong bùi bùi ngậy ngậy, nó mới chuẩn. Mà lá chanh phải thái thật nhỏ biến như sợ chỉ, đúng lúc tắt bếp mới cho vào, lắc lắc qua, thì cái vị chanh mới thơm mà không hắc, mầu lá vẫn còn xanh biếc.

Chồng tôi liếc qua, miệng không nói gì, nhưng ánh mắt ra chừng khoái lắm, chịu khó cúi xuống nhặt tờ báo để lên bàn, bảo: "Tí vợ xem nhé". Rồi đi lên nhà. Xong nồi nhộng, tôi ra bàn bật quạt, mở tờ báo ra xem. Sao nào, có cái gì mà rộn nào?

Gì đây, đập ngay vào mắt tôi ở trang nhất là ảnh cái quầy hàng ăn, bàn bày đầy đồ ăn, trên có biển hiệu: BỮA  ĂN TÌNH THƯƠNG. BẾP 0 ĐỒNG. Đứng sau quầy, một người đàn ông luống tuổi, nhìn kỹ cũng có nét quen quen.

Tôi liếc xuống dưới đọc lướt: Thầy giáo Th. cùng với các đồng nghiệp, phụ huynh, học sinh của mình lập Bếp ăn 0 đồng, chuẩn bị những suất ăn tình thương dành cho bà con nghèo, bà con nhập cư, người làm thuê đang mất thu nhập vì dịch bệnh trong thành phố (là TP.HCM). Hàng ngày, thầy Th cùng nhóm của mình không quản khó nhọc đưa các chuyến xe chở các suất cơm miễn phí phục vụ bà con trong các khu cách ly, phong tỏa. Hàng trăm suất ăn mỗi ngày…

Là anh đó ư, anh Th?

Ta đặt đôi mắt ở đâu để nhìn ra những điều đẹp đẽ ẩn náu trong Trái tim Con người... (Ảnh minh họa)

Hồi đó, tôi nhập khóa Cao học sau mấy năm đi dạy ở miền Trung du, mục đích là tạo bước đệm để chuyển vùng về Hà Nội. Khi biết Ban lãnh đạo đồng ý cho đi học và thi đỗ, tôi cưới chồng. Vào học năm Nhất (hệ chính quy tập trung) tôi có bầu bạn lớn. Hàng ngày tôi đạp xe đạp đến trường Đại học Sư Phạm - cách nhà 15 cây số, sáng đi trưa về. Hôm nào học cả ngày thì ở lại ăn trưa với các bạn trong ký túc xá. Rồi bụng bầu lớn cùng bài vở đèn sách, đến lúc tầm năm, sáu tháng thì việc đạp xe đạp mấy chục cây số là quá khó khăn với tôi. Tôi chuyển sang đi xe buýt. Những ai đã từng đi xe buýt trên tuyến đường Cầu Giấy khoảng 30 năm trước thì chắc đều hiểu việc đó phong ba bão táp như nào.

Buổi sáng, mát mẻ, chồng đưa ra bến chính nên cũng đỡ phải chen lấn, còn có chỗ ngồi. Trưa về, ra bến trước cổng trường chờ xe, hầu như ngày nào tôi cũng phải lùi từ chuyến này sang chuyến khác. Bởi việc chen lấn để lên xe, lèn chặt trên xe trong giờ cao điểm thì đến người bình thường cũng không chịu nổi chứ nói gì đến bầu bí như tôi.

Một hôm, cũng đang trong tình trạng chờ mấy chuyến xe qua mà không lên được, tôi đứng trên bến trong cái nắng oi bức đầu mùa hè. Tự nhiên có tiếng nói nho nhỏ, khan khàn bên tai tôi: "Này, cậu lên đây, tớ chở về, đằng nào cũng tiện đường". Tôi ngẩng lên: À, anh bạn cùng lớp Cao học của tôi. Gọi là cùng lớp nhưng tôi chưa nói chuyện với anh lần nào. Trông anh khá là lù đù. Người đã thấp càng thấp hơn vì cái lưng gù gù. Hồi mới nhập học là mùa Đông, anh lúc nào cũng sù sụ cái áo đại cán đã cũ, đầu tóc bù xù.

Trong lớp anh cũng chả hay ba hoa, chém gió với mọi người. Nói chung là một nhân vật không có số má, không ai để ý. Tôi hơi băn khoăn nhìn cái xe đạp cũng cà tàng y hệt con người anh, nhưng nhớ mấy hôm vừa rồi ngày nào cũng 2 giờ chiều mới về đến nhà, mệt lả, nên tôi ngần ngừ cảm ơn rồi cũng vui vẻ leo lên cái poocbaga xe anh ngồi.

Ngồi trên xe rồi tôi càng cảm nhận rõ sự cà tàng của cái xe, nó cứ long sòng sọc. Tôi ê mông cứ quay qua quay lại. Nhưng thầm nghĩ, còn hơn đứng giữa nắng.

Rồi chúng tôi cũng về đến nhà. Anh đưa tôi về tận chân cầu thang rồi mới quay xe về nhà mình mà theo anh nói là ở dốc Thọ Lão.

Thế là từ hôm ấy, buổi sáng tôi đi xe buýt đến trường, trưa Th. (tên anh) lại chở tôi về.

Sau anh bảo: "Thôi để sáng tớ qua chở cậu đi luôn cũng tiện chuyến".

Từ bấy ngày ngày anh chở tôi, bầu vượt mặt đi học.

Chồng tôi, chắc thấy anh lù đù, xấu giai, tối om om như vậy nên không có ý đề phòng khó chịu gì. Vả lạ, sau mấy năm ra trường, nhảy việc chỗ nọ chỗ kia, nay mới có chỗ dừng chân tạm tạm, nên cũng bấn bíu công việc. Lại thêm mối lo cày cuốc chuẩn bị nuôi cả chó mẹ lẫn chó con nên càng áp lực. Thế là sáng sáng chồng vui vẻ tiễn tôi xách cái túi vải đựng giáo trình, lon ton (đúng hơn là ỳ ạnh) leo lên xe anh để anh chở đến trường.

Mùa hè năm ấy tôi sinh em bé (cậu lớn nhà tôi).

Sinh xong vừa hai tháng, tôi bước vào học năm thứ hai. Năm học này chủ yếu chúng tôi thi các môn điều kiện (bây giờ gọi là tín chỉ) để đủ tiêu chuẩn làm Luận văn tốt nghiệp.

Con mọn, nhà xa, ăn uống thất thường, tôi lúc nào cũng phờ phạc, mệt mỏi, người gày nhom, mặt tái ngắt. Nói chung chữ tác đánh chữ tộ.

Ngày thi môn điều kiện đầu tiên, anh bảo tôi: "Tí cậu ngồi cùng bàn với tớ ở dãy trong nhé". Tôi hiểu ý anh, nhưng cái thằng tôi (thực ra tôi là con gái) cũng có cái sĩ diện của nó chứ. Đến lúc vào phòng thi, tôi hiên ngang ngồi ngay bàn đầu dãy ngoài, một mình, trước mặt thầy giám thị. Cả buổi thi tôi cứ cứ vò đầu bứt tai, đầu ong ong… Môn đấy tôi trượt. Bốn điểm!  

Anh im lặng, cũng chẳng bảo gì. Nhưng những bận sau, cứ gần đến ngày có môn thi, anh bảo: Này, hôm nay, học buổi sáng xong tớ với cậu ở lại ký túc xá ăn cơm, chiều cậu chỉ cho tớ dịch mấy bài tiếng Nga. Món ngoại ngữ, tôi không còn giỏi như hồi phổ thông, nhưng cũng khá hơn anh chút xíu. Buổi phụ đạo tôi chỉ cho anh dịch bài độ mươi, mười lăm phút, còn anh giả vờ truy bài, hỏi tôi bài Đại số này, bài Giải tích kia…rồi giảng lại cho tôi những chỗ tôi chưa hiểu hoặc những bài tôi chưa rõ cách làm.

Mấy môn sau thì tôi cũng qua được.

Rồi chúng tôi bước vào giai đoạn làm Luận văn tốt nghiệp. Chả ai còn thời gian quan tâm đến ai, hay ít nhất là tôi như vậy.

Tốt nghiệp, mỗi người lao xồng xộc về một hướng, vào công cuộc mưu sinh, xin việc, gia đình.

Đôi lúc chững lại, tôi tự nhủ: À, mình phải qua tìm nhà anh để chia tay, để cảm ơn anh.

Mà cái thằng tôi (nói lại, tôi là con gái, nhưng tôi đáng bị gọi như vậy), cứ đúng lúc đi qua con ngõ nhà anh thì đều đang là “Có cuộc hẹn không thể lùi lại”, “Cần mua sách cho con chuẩn bị vào lớp mẫu giáo (!!!)”, vân vân và mây mây…

Cho đến hôm nay, ba mươi năm đã trôi qua.

Thực ra, một lần, sau khi tốt nghiệp chừng 5 năm, nhân một chuyến đi chơi Tết qua gần ngõ nhà anh, tôi và chồng cũng rẽ vào ngõ để tìm hỏi thăm.

Bà cụ bán nước ngay trước cửa nhà anh cho biết: Mẹ anh đã mất. Anh chuyển vùng vào Sài Gòn làm việc để gần cô em gái. Nhà chỉ có hai anh em.

Từ đấy bặt đi tôi không có tin gì của anh. Thậm chí tôi gần như đã quên hẳn anh rồi. Chỉ thảng hoặc, trong lúc rảnh rỗi vui vầy, vợ chồng ôn nghèo kể khổ, tôi có thoáng nhớ đến anh. Vẫn nợ anh một lời cảm ơn.

Anh Th., anh không chỉ đưa đi chở về lúc em khó khăn, kèm cặp, phụ đạo, buddy em Đại Số Giải Tích, anh còn dạy em bài học lớn hơn nhiều.

Ta đặt đôi mắt ở đâu để nhìn ra những điều đẹp đẽ ẩn náu trong Trái tim Con người.

Mà em biết anh không cố tình làm thế.

Em cảm ơn anh…   

Nhà giáo Hồ Thu Hằng

         Hà Nội, những ngày tháng lịch sử của năm 2021./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top