Đổi tâm thế đón thời thế: Doanh nghiệp xây dựng tự cứu chính mình

Đổi tâm thế đón thời thế: Doanh nghiệp xây dựng tự cứu chính mình

Thứ Ba, 21/02/2023 - 06:15

Vốn là nhóm ngành kinh doanh đặc thù ở thế "bị động" do nguồn hàng, dòng tiền, lợi nhuận... đều phụ thuộc vào đối tác nhưng ở giai đoạn hiện nay các doanh nghiệp ngành xây dựng cần phải có tính chủ động cao để có thể tự cứu mình và khẳng định uy tín với nhà đầu tư.

*****

Rủi ro của đối tác, thiệt hại thuộc về mình

"Chưa bao giờ khó như thế!" là câu nói của một vị lãnh đạo doanh nghiệp ngành xây dựng đã chinh chiến trên thương trường vài thập kỷ qua. Sau dịch bệnh Covid-19 kéo dài, nền kinh tế "ngấm đòn" gần như ở mọi ngành nghề. Yếu tố khách quan, ngoại cảnh cũng không thuận lợi, doanh nghiệp kinh doanh xuyên biên giới cũng không khác người thất trận trở về. 

Trong bối cảnh đó, Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” do Chính phủ tổ chức sáng 17/2/2023 phần nào khích lệ doanh nghiệp tự tìm hướng đi, tự tạo nội lực và tự tìm cách "thoát hiểm". Ngân hàng cũng khẳng định sẽ không siết tín dụng vào bất động sản, thậm chí mở gói hỗ trợ lãi suất để phát triển nhà ở giá rẻ. Trong khi Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng động viên doanh nghiệp chấp nhận thực tế "kinh doanh có lúc lãi, lúc lỗ" và khẳng định tiếp tục tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển lành mạnh, triển khai sớm các dự án đầy đủ pháp lý. 

Dịch vụ xây dựng không "ăn chắc mặc bền, tiền tươi thóc thật" như những ngành dịch vụ khác. (Ảnh minh họa: BizLive)

Theo giới chuyên gia, sau Hội nghị này hàng loạt chương trình hỗ trợ doanh nghiệp sẽ được "hành động ngay", nhưng hiệu quả ra sao còn phụ thuộc vào nỗ lực mạnh mẽ từ nhóm đang chiếm tỷ lệ cao bậc nhất giá trị GDP của nền kinh tế. "Số phận" của doanh nghiệp bất động sản hiện tại cũng sẽ quyết định đến 2 ngành lớn là ngân hàng và xây dựng. Trong đó, ngân hàng là chủ nợ nhưng được nắm tài sản đảm bảo, còn "nhân công ngành xây dựng" là chủ nợ phụ thuộc vào số dư tài khoản của "con nợ". 

Nói như vậy mới hiểu được phần nào những trăn trở trong câu nói của lãnh đạo doanh nghiệp ngành xây dựng. Dịch vụ xây dựng không "ăn chắc mặc bền, tiền tươi thóc thật" như những ngành dịch vụ khác. Thậm chí, để có được đối tác lớn, được triển khai dự án quy mô, lãnh đạo ngành xây dựng cũng phải "mướt mồ hôi". 

Những năm gần đây, sự suy thoái của ngành bất động sản đã khiến doanh nghiệp xây dựng bị giảm về số lượng đơn hàng. Hệ quả là thị trường xuất hiện cuộc đua xuống đáy về giá, khi các nhà thầu chủ động giảm biên lợi nhuận, thậm chí có những đơn vị chấp nhận làm dưới giá vốn để giành dự án.

Theo TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, với các dự án bất động sản đang triển khai trên cả nước, hầu hết đều phải tạm dừng với giá trị đầu tư lên đến 800 nghìn tỷ đồng; số lượng doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản hoặc giải thể trong năm 2022 tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước, ước lượng gần 1.200 doanh nghiệp. 

Nhiều đơn vị thiếu dòng tiền, phải nghỉ Tết sớm, cắt giảm nhân sự, giảm lương và đóng cửa văn phòng. Số lượng môi giới phải dừng hoạt động ước đạt 80% lực lượng. Bước sang tháng đầu tiên của năm 2023, tình trạng của các doanh nghiệp môi giới vẫn không khá hơn, thậm chí nhiều chủ các doanh nghiệp môi giới vừa và nhỏ phải bán tài sản cá nhân để duy trì hoạt động cho văn phòng.

Vậy doanh nghiệp xây dựng hiện đang ra sao?

Tình trạng nợ đọng gia tăng xuất phát từ chính sách thắt chặt tiền tệ dẫn đến nhiều chủ đầu tư khó khăn về dòng tiền, chậm thanh toán cho nhà thầu. 

Vào thời điểm kết thúc năm 2022, các khoản phải thu của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) tăng thêm 5% lên 12.212 tỷ đồng, chiếm tới 72% tổng tài sản. Coteccons (HoSE: CTD) cũng trong tình cảnh tương tự khi tại ngày cuối cùng của năm 2022, các khoản phải thu ngắn hạn đã tăng thêm 30% so với đầu năm, đạt 11.231 tỷ đồng. Ngoài ra, CTD cũng có các khoản phải thu dài hạn đạt 380 tỷ đồng, nâng tổng giá trị các khoản phải thu lên 11.611 tỷ đồng, chiếm 61% tài sản. Việc phải thu tăng cao đã gây ra hệ luỵ kép. Đầu tiên là nhiều nhà thầu gặp khó khăn về dòng tiền, chẳng hạn dòng tiền kinh doanh của HBC âm 884 tỷ đồng; dòng tiền kinh doanh của CTD âm tới 1.626 tỷ đồng.

Ngược lại, để có tiền tiếp tục thi công dự án, các doanh nghiệp xây dựng phải gia tăng nợ vay. Cùng với mức lãi suất cao của năm 2022, chi phí lãi vay ăn mòn lợi nhuận vốn đã mỏng của các nhà thầu. Với HBC, trong năm 2022, chi phí tài chính của doanh nghiệp này lên tới 521 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ. Còn CTD, chi phí tài chính phi mã 12 lần, đạt 162 tỷ đồng.

Đơn cử như HBC, năm qua, doanh nghiệp này đã phải trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi tới 774 tỷ đồng, khiến chi phí quản lý doanh nghiệp tăng vọt lên 939 tỷ đồng. Chi phí lãi vay cùng chi phí quản lý tăng cực mạnh là một trong những nguyên nhân chính đẩy HBC vào cảnh thua lỗ đậm.

Thảm hơn nữa, có những doanh nghiệp ngành xây dựng không có tiền trả lương nhân công khi đã làm xong công trình, nhưng cũng không đòi được nợ. Nói như ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC), chưa có cơ chế pháp lý để bảo vệ nhà thầu trong những trường hợp không đòi được công nợ. Nếu phải kiện tụng ở toà án dân sự như hiện hành, các doanh nghiệp sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức để đeo đuổi, bởi vụ việc có thể kéo dài vài năm liền.

Cùng với đó, biến động giá nguyên vật liệu khiến giá vốn tăng cao, làm biên lợi nhuận của doanh nghiệp xây dựng suy giảm mạnh. Đơn cử là giá xăng dầu năm 2022 điều chỉnh 23 lần. Đây là loại nhiên liệu không thể đàm phán giá, không thể dự trữ, doanh nghiệp xây dựng đương nhiên chịu ảnh hưởng mạnh. Có doanh nghiệp từng cho biết, đà tăng của giá xăng dầu đã đốt của doanh nghiệp này hàng triệu USD lợi nhuận.

Nội lực trọng yếu nhất cũng "lung lay"

Trong bối cảnh khó khăn ấy, doanh nghiệp xây dựng còn đối mặt với "chính mình" khi khối đoàn kết nội bộ bị phá vỡ. Sau 8 năm gắn bó, từ mối quan hệ "đối tác chiến lược", Kusto và Coteccons chuyển sang "đối đầu", chủ yếu vì những bất đồng về Ricons. Mâu thuẫn, thông tin bất lợi liên quan đến vẫn đề này đã ảnh hưởng đến uy tín cũng như kết quả kinh doanh của Coteccons và Ricons trong suốt nhiều năm, ít nhất là từ 2020 đến thời điểm này. 

Một doanh nghiệp lớn khác cũng từng vướng mâu thuẫn, có điều câu chuyện đã nhanh chóng được lãnh đạo dẹp yên. Cụ thể, hai nhóm thành viên HĐQT có sự khác biệt trong quan điểm về ghế chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình và đẩy xung đột lên cao trào trong những ngày đầu năm mới 2023. Cả ông Lê Viết Hải - người sáng lập Tập đoàn (Chủ tịch HĐQT trước ngày 1/1/2023) lẫn ông Nguyễn Công Phú (thành viên độc lập HĐQT trước ngày 1/1/2023) đều khẳng định mình là Chủ tịch hợp pháp của Hòa Bình. 

Quyết định thi hành án chủ động số 1561 được quyền Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM Nguyễn Văn Hòa ký ngày 19/1. Chấp hành quyết định này, Hòa Bình tuyên bố ông Lê Viết Hải sẽ tiếp tục giữ chức danh chủ tịch HĐQT và người đại diện pháp luật của công ty sau những tranh cãi trong nội bộ. 

Theo khảo sát có tới 60 - 70% nhân lực trong ngành xây dựng là làm thời vụ. (Ảnh minh họa: VPS)

Lại nói đến vấn đề nhân sự, theo khảo sát có tới 60 - 70% nhân lực trong ngành xây dựng là làm thời vụ. Tuy nhiên, sau Covid-19, và đặc biệt chế độ phúc lợi của ngành xây dựng giảm trong thời gian qua khiến nhiều người không muốn rời quê đi làm. Theo đó, việc tuyển dụng trong ngành xây dựng đang gặp khó, nhiều doanh nghiệp thậm chí phải lên tận vùng núi để tuyển nhân công hoặc phải cân đối các chính sách hỗ trợ khác trong bối cảnh lãnh đạo không nhận lương. 

Cộng gộp những khó khăn ấy đã xoá gần như hết những nỗ lực của doanh nghiệp xây dựng ở giai đoạn ngay sau dịch bệnh. 

Phải đến năm 2022, sau hai năm lao đao vì dịch bệnh, thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi, kéo theo sự đi lên của ngành xây dựng sau quãng thời gian dài gần như đóng băng vì các đợt giãn cách xã hội. Nhiều doanh nghiệp xây dựng cũng trở lại hành trình tái thiết và chạy đua. Giá cổ phiếu của HBC, CTD, PHC, CSC, VC9, HTN, SCG, FCN, Ricons…cũng hồi sinh mạnh mẽ khi doanh thu của doanh nghiệp bứt phá. 

Năm 2022, HBC ghi nhận doanh thu 14.122 tỷ đồng, bằng 80% kế hoạch năm, CTD khi ghi nhận doanh thu thuần 14.537 tỷ đồng, tăng trưởng 60% so với năm trước. Hay như, Ricons cũng đạt 11.384 tỷ đồng doanh thu, tăng 41% so với năm 2021, vượt xa kỳ vọng doanh thu 10.000 tỷ đồng đề ra đầu năm.

Thế nhưng, còng lưng chi phí phát sinh, HBC lần đầu tiên trong lịch sử lỗ trước thuế 1.077 tỷ đồng;  CTD lãi sau thuế 21 tỷ đồng nhờ khoản tiền hoàn nhập; Ricons lãi 115 tỷ đồng nhưng tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS) thì lại suy giảm còn 0,79%; Phục Hưng Holdings lãi sau thuế giảm 65%, Tập đoàn Xây dựng SCG giảm 85% lợi nhuận; Fecon có lãi sau thuế giảm 27%...

Sau cơn mưa, trời sẽ sáng?

Trong số những doanh nghiệp ngành xây dựng, năm 2022 có lẽ là một năm không thể quên được với HBC. Nhưng đúng là "lửa thử vàng, gian nan thử sức", HBC vẫn luôn được biết đến với cách giải quyết khó khăn và tầm nhìn của Ban lãnh đạo, và lần này cũng vậy. Đặc biệt, HBC đã thay đổi tâm thế bị động của người làm dịch vụ cho thị trường bất động sản, để chủ động trong hướng đi, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư và sự an tâm từ cán bộ nhân viên. 

Không cần chờ quyết định chính thức của Hội đồng Trọng tài, chỉ cần đang giữ chức danh Chủ tịch HĐQT và Người đại diện theo pháp luật của HBC ngày nào, vị thuyền trưởng Lê Viết Hải còn nỗ lực ngày đó. Ông Hải thúc đẩy ký kết hợp tác với Công ty Keystone về việc cùng nhau xây dựng và phát triển dự án tại thị trường Mỹ, đồng thời cũng có kế hoạch hướng đến các thị trường trọng tâm ở châu Âu như Canada, Úc... - những thị trường có môi trường kinh doanh tốt, tốc độ tăng trưởng nhà ở cao và đặc biệt giá xây dựng rất cao.

Các nhà đầu tư trên thị trường đang kỳ vọng vào tương lai tươi sáng hơn đối với nhóm xây dựng hạ tầng trong năm 2023. (Ảnh minh họa: Báo Chính phủ)

"Phương án của HBC hướng tới là hợp tác đầu tư, không mua đất mà hợp tác đầu tư làm thầu. Có thể liên kết với công ty thầu sở tại để tham gia dự án tại nước ngoài", ông Lê Viết Hải tiết lộ. Kế hoạch là vậy, trong bối cảnh hiện tại, HBC đang ưu tiên bảo toàn dòng tiền khi khó khăn dự kiến kéo dài sang nửa đầu năm 2023.

Không chỉ khẳng định theo đuổi chiến lược "xuất khẩu xây dựng". Mặt khác, Hòa Bình cũng tỏ rõ mục tiêu lấn sân mạnh hơn trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng khi một công ty con vừa trở thành nhà thầu liên danh thi công dự án 1 của tuyến đường nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 45 ở Thanh Hóa. Đây cũng là hướng đi ấn tượng của doanh nghiệp ngành xây dựng.

Nhóm chuyên gia Mirae Asset đánh giá, hệ thống đường bộ, đường cao tốc, sân bay, cảng biển… sẽ đón nhận dòng vốn đổ vào với mức lớn nhất từ trước đến nay. Do đó, các nhà xây dựng trong lĩnh vực xây dựng công nghiệp, hạ tầng dự kiến sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ đầu tư của Chính phủ. 

“Trong bối cảnh nhiều thách thức phía trước đối với thị trường bất động sản trong 2023, phân khúc nhà ở sẽ tiếp tục ở mức yếu, chỉ một số nhà phát triển bất động sản có quản lý chất lượng cao và nền tảng tài chính vững mạnh mới có thể đưa ra các dự án mới, dẫn đến sự cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn nữa giữa các công ty xây dựng. Do đó, chỉ một số ít nhà thầu có uy tín và thương hiệu mới có thể tiếp tục đảm nhận phân khúc khó khăn này, một số thương hiệu tên tuổi như: Coteccons, Hòa Bình, Central, Delta, Ricons, Newteccons”, Mirae Asset nhận định.

Theo dữ liệu của Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), kể từ ngày 26/12/2022 đến 27/1/2023, nhóm cổ phiếu xây dựng dân dụng như Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC), Xây dựng Coteccons (mã CTD) lần lượt tăng 14,1% và 21,4%. Riêng đối với nhóm xây dựng hạ tầng, trong cùng thời gian, cổ phiếu Vinaconex (mã VCG) tăng 36,7%, Cienco4 (mã C4G) tăng 39,3%, Lizen (mã LCG) tăng 46,8%, Fecon (mã FCN) tăng 33,7% và Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (mã HHV) tăng 59,1%.

Thực tế, nhóm cổ phiếu xây dựng hạ tầng có xu hướng tăng mạnh hơn, đặc biệt là khi các liên doanh liên tục công bố việc trúng những dự án đầu tư công lớn như Dự án Sân bay quốc tế Long Thành, các dự án thành phần của Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam…

Có thể thấy, các nhà đầu tư trên thị trường đang kỳ vọng vào tương lai tươi sáng hơn đối với nhóm xây dựng hạ tầng trong năm 2023 khi Chính phủ đẩy mạnh các dự án đầu tư công trọng điểm để kéo cả nền kinh tế tăng trưởng.

Công ty Chứng khoán VNDirect kỳ vọng đầu tư công sẽ bứt phá ngay từ đầu năm 2023. Theo ước tính của VNDirect, giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 sẽ tăng trưởng 20 - 25% so với cùng kỳ. Đơn vị này đánh giá cao triển vọng phát triển hạ tầng trong năm tới khi các vấn đề thiếu hụt nguồn cung đá, cát và giá vật liệu xây dựng cao hầu như đã được giải quyết.

Ngay từ đầu năm nay, 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn II đã đồng loạt khởi công trên địa bàn 9 tỉnh là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Hậu Giang, Cà Mau. Ngoài ra, cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn được Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải chọn làm điểm tổ chức chính và kết nối trực tuyến với các địa phương còn lại.

Như vậy, nếu như nguồn hàng chính của doanh nghiệp xây dựng vượt qua cơn bão này, các doanh nghiệp ngành xây dựng sẽ có cơ hội đẩy mạnh tăng trưởng lợi nhuận bứt phá hơn bao giờ hết. Kỳ vọng khi thị trường bất động sản phục hồi, dự án tồn tiếp tục được triển khai, dự án mới ổn định về pháp lý, nguồn thầu dồi dào; doanh nghiệp ngành xây dựng còn bận bịu thêm nguồn thu từ chiến lược mới khi đổi tâm thế.

Thanh Thảo
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top