Đó là nhận định của nhà báo Trần Đăng Tuấn khi nhìn nhận về sự phát triển của đô thị Việt Nam.
Vài năm trở lại đây, câu chuyện về quy hoạch không gian sống trong các khu đô thị liên tục được đưa ra mổ xẻ và bình luận. Những khu chung cư chen chúc mọc lên với tốc độ chóng mặt, đối nghịch với nó, không gian dành cho chính những cư dân sống trong các tòa cao ốc này ngày càng trở nên chật chội, bức bối. Các tòa nhà được chất tầng ngày một cao, không gian sinh hoạt chung bị chiếm dụng để kinh doanh làm quán xá, nơi đỗ xe... quy hoạch khu đô thị bị băm nát, xẻ thịt một cách không thương tiếc.
Hàng trăm nghìn cư dân ngày ngày sau giờ tan làm trở về, lại "giam" mình trong những "bao diêm" kín mít, trẻ nhỏ tranh nhau vui chơi trong những khoảng không chật hẹp trước sảnh tòa nhà hay đơn giản chỉ là vỉa hè xen giữa bãi để xe và hàng quán. Theo nhà báo Trần Đăng Tuấn, chính điều này đang khiến cho con người dồn nén sự bức xúc rồi trở nên cáu kỉnh với nhau. Và vì thế, văn hoá cộng đồng cũng dần dần biến mất.
Từng là khu đô thị kiểu mẫu, giờ Linh Đàm được nhắc đến như một nơi điển hình bị "băm nát" về quy hoạch. Ảnh: Kháng Trần
Các tòa nhà được xây san sát, ken đặc, thiếu không gian vui chơi và sinh hoạt cho cộng đồng. Ảnh: Kháng Trần
Xe để tràn ra vỉa hè, hàng quán mọc san sát phía dưới khiến không gian trở nên ngột ngạt, bí bách. Ảnh: Kháng Trần
Hình ảnh nhếch nhác, lôi thôi ở tầng 1 của "khu đô thị kiểu mẫu". Ảnh: Kháng Trần
Theo quy hoạch, khu tái định cư Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) được đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng trên diện tích 56,4 ha sẽ đáp ứng nhu cầu nhà ở cho khoảng 22.500 người với đầy đủ hệ thống điện nước, trường học, khu thương mại, khuôn viên cây xanh, nhà để xe... đảm bảo điều kiện, chất lượng sống của một khu đô thị hiện đại.
Song thực tế ghi nhận, những khuôn viên xanh lại biến thành nơi phơi quần áo của người dân. Rác thải trên thảm cỏ xanh cũng không được thu dọn.
Điều đáng ngạc nhiên là một góc của khu khuôn viên Nam Trung Yên được dành để nuôi gà và chim bồ câu. Một chiếc chuồng gà được dựng ở góc.
Chiếc chuồng chim bồ câu được treo lên trên cây khiến cho bộ mặt của khu tái định cư Nam Trung Yên trở nên lôi thôi và xấu xí. Mặc dù có quỹ đất dành cho xây dựng các tiện ích như khu vui chơi cho trẻ em, khuôn viên cây xanh, trường học nhưng thực tế lại không như... trên giấy tờ.
Người dân đi bộ trong khuôn viên chật hẹp bị lấn làm chỗ để xe máy cho các quán xá
Ngay lối cổng vào khu chung cư, bãi đỗ xe máy được dựng lấn chiếm toàn bộ
Mặc dù được quy định đây là vỉa hè, sân chung của cụm nhà chung cư A6 Nam Trung Yên và cấm đỗ xe ô tô, xe máy nhưng thực tế quy định "một đằng", thực hiện "một nẻo". Sự xuất hiện của cửa hàng đồ ăn hay cafe khiến những chiếc xe máy sẵn sàng bất chấp quy định đỗ xe. Không gian sinh hoạt chung bị lấn chiếm bởi mục đích kinh doanh của các cửa hàng.
Hình ảnh được ghi nhận ở khu chung cư CT5 Mễ Trì Hạ. Điểm đỗ xe ô tô của khu chung cư này chính là khoảng không đi lại giữa các tòa nhà.
Tại khu chung cư VOV, những chiếc xe ô tô lấn chiếm lối đi lại bất chấp biển báo cấm đỗ xe.
Khu chợ tạm xuất hiện ngay giữa những tòa nhà chung cư hiện đại. Lòng đường đi lại bị lấn chiếm. Mặc dù ở khu chung cư VOV, nhiều siêu thị đã xuất hiện song cứ đến sáng hoặc chiều, điểm họp chợ lại xuất hiện tự phát.
Hình ảnh hiện đại của khu chung cư Gemek Tower II nằm trên đường Lê Trọng Tấn, Hoài Đức, Hà Nội. Đến thời điểm hiện nay, lượng cư dân về ở đã đông song nơi đây lại thiếu đi những tiện ích cơ bản cho người dân như chợ hay khu vui chơi cho trẻ em.
Khoảng không chật hẹp để người dân giao lưu trò chuyện và trẻ em vui đùa mỗi khi chiều tà
Ngay cạnh sảnh chờ, nơi vui chơi của trẻ nhỏ là những chiếc xe ô tô đỗ sát vào lòng đường. Thực tế cho thấy, rất nhiều chung cư trên địa bàn Hà Nội đã thiếu đi không gian sinh hoạt xung quanh và các tiện ích cơ bản. Những tòa chung cư mọc lên hiện đại song công năng thực tế chỉ dành... để ở.