Cà phê cuối tuần trong những ngày cuối tháng Chạp sẽ là những câu chuyện chia sẻ về văn hóa đón tết ở chung cư. Xin giới thiệu các vị khách mời: Ông Bùi Khắc Sơn, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai; nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn và nhà báo Anh Tuấn Anh.
PV: Trước tiên, xin hỏi nhà báo Anh Tuấn Anh, có ý kiến cho rằng, Tết nay đã buồn, Tết ở chung cư còn cô đơn, lạnh lẽo hơn vì thiếu đi sự gắn kết, nhà nào biết nhà nấy, đóng cửa im ỉm hoặc khóa cửa về quê hết. Là một cư dân của khu đô thị với đa phần là những người trẻ tuổi, anh thấy thấy thế nào?
Nhà báo Anh Tuấn Anh: Nếu nói Tết ở chung cư buồn thì không chính xác đâu. Trước tiên, việc đón Tết phải được nhìn nhận là cả một chuỗi ngày, từ thời điểm những ngày cuối tháng Chạp chứ không phải chỉ đêm 30, mùng 1 Tết. Nơi tôi ở, không khí xuân đã rất rộn ràng. Gần đây nhất, hai ngày cuối tuần, Ban Quản lý đã tổ chức hội chợ xuân cho cư dân với những hoạt động như: bán hàng phục vụ nhu cầu với đủ cả các thức quà tết: ô mai, mứt tết, đào, quất... Cư dân ai cũng hào hứng xuống chợ Tết ngay dưới chân tòa nhà.
Gần hơn nữa, đến dịp xuân về, các tòa nhà đều được trang trí rực rỡ, cư dân họp nhau lại, bàn bạc, lên kế hoạch góp gạo nấu bánh chưng, cùng nhau thức cả đêm để canh nồi bánh. Thế nên tôi nghĩ, buồn hay vui là do mình. Bởi như nơi tôi sống, các cư dân đa phần đều là những người trẻ tuổi và văn minh. Họ không thích sự ồn ào và can thiệp quá sâu vào đời sống mỗi gia đình. Nhưng cư dân nào hợp nhau sẽ thân với nhau hơn, có thể thăm hỏi nhau dịp lễ. tết. Có nhiều bạn chưa hẳn đã vui hơn ít bạn mà thân tình.
Tôi nghĩ, văn hóa cộng đồng và tình làng nghĩa xóm ở đâu cũng có, chỉ có điều nó được thể hiện bằng hình thức khác nhau, không giống như hàng xóm ở làng quê hay giữa những nhà san sát nhau. Nơi chung cư tôi ở, mọi người đều rất cởi mở và đoàn kết. Họ có thể giúp đỡ nhau đón con, xin nhau gia vị khi nấu nướng hoặc chia sẻ thuốc men khi cần…
PV: Vâng, đó là những chia sẻ của nhà báo Tuấn Anh, một người còn rất trẻ. Nhưng với một người đã trải qua những giai đoạn khác nhau của lịch sử, chứng kiến những đổi thay về văn hóa trong mỗi dịp Tết cổ truyền, và cũng trải nghiệm qua các không gian sống khác nhau, từ đời sống làng quê ấm áp nghĩa tình đến cuộc sống hiện đại trong những tòa cao ốc, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn cảm nhận thế nào về văn hóa đón tết trong những tòa chung cư?
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn: Tôi đã ở chung cư đến cả thập kỷ và trải qua những môi trường chung cư với phong cách khác nhau. Bạn có tin không khi tôi nói, một bà già như tôi rất thích ở chung cư? Trước đây, khi tôi ở trong một tòa chung cư cũ, nơi đó cũng có nhiều người lớn tuổi, thậm chí già hơn tôi. Vì thế nếp sống không thay đổi quá nhiều so với khi ở nhà đất nền. Dịp Tết đến, mọi người tưng bừng rủ nhau đón tất niên, hàng xóm đến gõ cửa nhà nhau trò chuyện thân tình, có khi sáng sớm, các cụ đến gõ cửa nhà tôi rồi đàm đạo, đọc thơ cả buổi. Tôi thấy nhiều khu chung cư vui lắm, họ rủ nhau ăn uống, liên hoan tất niên ở hành lang, trẻ con thì vui đùa chạy nhảy, người lớn thì cùng nhau nấu nướng nhưng cũng phải lưu ý, vì không gian sinh hoạt chung nên cần tôn trọng nhau, giữ gìn vệ sinh và trật tự công cộng.
Những năm gần đây, tôi chuyển về ở một tòa chung cư cao cấp hơn, nhiều người trẻ tuổi hơn và có vẻ nếp sống cũng “tây” hơn. Nhưng tôi lại rất thích môi trường này vì mọi người không làm phiền nhau, chỉ có những người cùng tầng thăm hỏi. Những ngày này, không gian chung của khu chung cư đang được trang hoàng rất đẹp, để trẻ con, người lớn đều có một không gian sinh hoạt chung và đón tết đầm ấm, thậm chí có thể tiếp khách ở đây nếu muốn.
Chúng ta nói đón Tết ở chung cư buồn, hành lang vắng lặng, nhà nào cũng đóng cửa im ỉm nhưng tôi nghĩ, dịp tết cổ truyền, ý nghĩa lớn nhất là sum họp gia đình, vì thế đừng quá câu nệ chuyện hàng xóm phải thăm hỏi nhau. Có thể vì tôi nhiều tuổi rồi nên tôi lại thích sự yên tĩnh, ngày 30 hay mùng 1 Tết, chỉ cần gia đình, anh chị em ở bên nhau, có các con, các cháu thăm hỏi là đủ… Các gia đình trẻ có thể đóng cửa đi du lịch, đó là nếp sống mới, một văn hóa mới mà chúng ta nên đón nhận, thay vì chối từ. Trong cái chung, vẫn cần có cái riêng chứ đừng nghĩ như vậy là cô đơn. Còn văn hóa hay xây dựng nên tinh thần của một cộng đồng, tôi nghĩ mỗi nơi lại có một phong cách khác nhau, điều đó phụ thuộc vào chủ đầu tư, vào ban quản lý.
PV: Như nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn vừa nhận xét, văn hóa đón tết ở chung cư phụ thuộc rất nhiều vào các chủ đầu tư, là Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai, ông Bùi Khắc Sơn nghĩ thế nào về vai trò của của mình trong sự kết nối cộng đồng cũng như gìn giữ những nét đẹp của Tết cổ truyền trong một khu đô thị mới?
Ông Bùi Khắc Sơn: Nhân dịp Tết Nguyên đán, Xuân Mai Corp đã tổ chức sự kiện đón tết cùng các cư dân với những hoạt tập thể như: cuộc thi gói bánh chưng dành cho toàn bộ cư dân, tổ chức các trò chơi dân gian tập thể hay trải nghiệm cho các bé thử nặn tò he, chơi bóng bay nghệ thuật… Ngoài ra, chủ đầu tư cũng tặng quà Tết đến từng hộ cư dân tại tòa nhà. Vói góc độ là chủ đầu tư, chúng tôi luôn mong muốn kiến tạo một môi trường sống tốt cho khách hàng, kết nối và xây dựng cộng đồng cư dân văn minh, thân thiện. Chính từ những hoạt động thế này, tình làng nghĩa xóm của các cư dân sẽ càng thêm thắt chặt và sự gắn kết cộng đồng diễn ra một cách tự nhiên, gần gũi nhất.
Cá nhân tôi cho rằng, quan niệm đón tết chung cư buồn là sai lầm. Bởi tại các tòa nhà chung cư, đa số cư dân còn trẻ, tri thức cao, cư dân có thể giao tiếp với nhau ngay khi bước ra khỏi căn hộ của mình hay khi đi thang máy, ngoài ra còn có các khu vực sinh hoạt cộng đồng khác nhằm tăng tính đoàn thể của khối cư dân. Cách quan tâm, tình làng nghĩa xóm, tiếng nói của của những người trẻ cũng khác với thế hệ trước. Họ có thể cùng nhau trang trí sảnh tòa nhà, trang trí tầng chào đón năm mới, lễ tết, các gia đình tổ chức đón tất niên… nhưng họ vẫn giữ lại cho mình một sự riêng tư cần thiết.
Nhịp sống của cư dân các khu đô thị khác với nhịp ở trong cộng đồng của những khu dân cư ở nhà mặt đất, vốn đã được hình thành từ lâu đời. Và tôi nghĩ đây cũng là xu hướng tất yếu của đô thị hiện đại. Mọi cách thức có thể sẽ thay đổi theo thời gian, quan trọng là vẫn giữ được những giá trị mang tính cốt lõi. Với vai trò là chủ đầu tư, chúng tôi có trách nhiệm quan trọng trong việc kết nối, xây dựng văn hóa cư dân bằng cách tổ chức thường xuyên các hoạt động tập thể, đặc biệt với những dịp tết cổ truyền để đề cao nét đẹp văn hóa của người Việt và gìn giữ, phát huy nó trong guồng quay của nhịp sống hiện đại.
PV: Xin trân trọng cảm ơn các vị khách mời!