"Đồng hành" cùng ngân hàng

"Đồng hành" cùng ngân hàng

Thứ Sáu, 26/06/2020 - 15:00


NHỮNG CHIẾN BINH THẦM LẶNG TỪ CUỘC CHIẾN COVID-19

Các ngân hàng không miễn nhiễm với dịch bệnh Covid-19, thậm chí chịu ảnh hưởng “kép”, nhưng lại tiên phong đồng hành cùng doanh nghiệp kể cả khi dịch bệnh đã tạm qua.

Covid-19 tạo ra cuộc khủng hoảng toàn cầu. Ngay cả Việt Nam, một trong những quốc gia đi đầu trong công tác kiểm soát dịch bệnh thì nền kinh tế cũng đã bị ảnh hưởng không nhỏ. Đặc biệt, trong lĩnh vực ngân hàng, thị trường ngưng trệ, tín dụng “gặp khó”.

Theo kết quả khảo sát từ Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng), khoảng 74% doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực có nguy cơ phá sản nếu dịch bệnh Covid-19 kéo dài khoảng 6 tháng. Tính đến đầu tháng 6, dịch bệnh đã dần được kiểm soát tốt trong nước, tuy vậy trên thế giới nhiều quốc gia vẫn chưa trở về trạng thái bình thường. Do đó, ảnh hưởng của dịch bệnh mới chỉ thuyên giảm.

Theo đánh giá sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước, hiện có hơn 920 nghìn tỷ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh dẫn đến trả nợ không đúng hạn, chiếm tỷ lệ hơn 11% trong tổng dư nợ.

Tăng trưởng quý I/2020 đạt 3,82%, thấp nhất so với cùng kỳ trong nhiều năm trở lại đây. Đây chính là những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp không dám vay mới, làm tăng trưởng tín dụng chậm lại.

Đó là nguyên nhân có thể kể trước nhất tác động đến ngân hàng. Ngoài ra, trong dịch bệnh, cũng theo PGS.TS. Đỗ Hoài Linh: Hoạt động của ngân hàng liên quan mật thiết với mọi biến động của tổ chức và cá nhân trong xã hội. Do đó, trước diễn biến và mức độ tác động của dịch bệnh Covid-19 được đánh giá là nghiêm trọng, phức tạp và khó lường, ảnh hưởng của Covid-19 tới hoạt động ngân hàng là khó tránh khỏi và trên thực thế những ảnh hưởng đó đã bộc lộ rõ nét.

Thứ nhất, mức độ lây lan nhanh chóng của dịch bệnh khiến cho các hoạt động tác nghiệp cũng như cơ cấu vận hành của tất cả các ngân hàng từ Hội sở đến các chi nhánh/phòng giao dịch đều bị ảnh hưởng. Chỉ cần một thành viên ngân hàng bị nhiễm Covid-19 (F0), hoặc tiếp xúc chủ đích hoặc ngẫu nghiên với người thuộc nhóm F0, có thể khiến hoạt động cả ngân hàng bị ảnh hưởng.

Lợi nhuận ngân hàng có xu hướng giảm. Điều này là hệ quả tất yếu khi tỷ trọng thu của tín dụng vẫn chiếm đa số trong tổng thu của ngân hàng. Trước việc Ngân hàng nhà nước giảm hàng loạt các mức lãi suất cơ bản, cùng với ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN hướng dẫn các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, sẽ làm doanh thu của ngân hàng giảm, dẫn đến làm giảm lợi nhuận của các ngân hàng.

Trong khi, xu hướng gia tăng nợ xấu. Theo Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ước tính lên tới 926 nghìn tỷ đồng. Ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn, từ đó gia tăng tỷ lệ nợ quá hạn, gia tăng nợ xấu là khó tránh khỏi.

Chắc chắn là các ngân hàng sẽ gặp rất nhiều khó khăn với những ảnh hưởng gặp phải trên những khía cạnh sau: Hiện tại tổng vay tiêu dùng trên dư nợ của Việt Nam là 11,4% tổng dư nợ. Khi tổng chi tiêu của người dân sụt giảm, nhu cầu vay tiêu dùng cũng sẽ giảm tương ứng. Nên trước sự suy giảm chi tiêu của hộ gia đình được ghi nhận ở mức đáng kể là 15%, mục tiêu đạt mốc 1 triệu tỷ đồng cho vay tiêu dùng trong năm 2020, rồi tiến tới mục tiêu xa hơn là nâng tỷ trọng vay tiêu dùng trên dư nợ lên mức 40-50% tổng dư nợ để đạt mức tỷ trọng của các nước phát triển là điều không khả thi.

Ngoài ra, trước ảnh hưởng của bệnh dịch Covid-19, các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nhất gồm: i) Chi phí y tế trong phòng - chống dịch; ii) Du lịch, lữ hành, khách sạn; iii) Giao thông vận tải; iv) Thương mại; (v) Đầu tư; (vi) Các ngành sản xuất theo chuỗi; (vi) Dịch vụ tài chính. Cùng với đó, dịch bệnh này có thể khiến GDP toàn cầu giảm khoảng 0,3-0,5% năm 2020 khiến cho xuất khẩu của chúng ta tiếp tục giảm 20% và nhập khẩu giảm 16% trong quý II, do đó mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2020 khó có thể đạt được kế hoạch.

KHÓ KHĂN BÊN LỀ

Một trong những khó khăn ngân hàng gặp phải chính là không được doanh nghiệp đồng hành và chia sẻ. Đã có rất nhiều câu hỏi của doanh nghiệp vừa phản ánh thực tế, nhưng vừa gây áp lực cho ngân hàng, rằng: Vì sao khi doanh nghiệp gặp khó, ngân hàng vẫn không hạ chuẩn cho vay?

Còn nhớ, tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2020, báo chí đặt câu hỏi về chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, vốn vay… đối với doanh nghiệp. Doanh nghiệp khó khăn nhưng vẫn không tiếp cận được vốn vay. Ngân hàng Nhà nước cũng chưa hạ các chuẩn cho vay.

Về vấn đề này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng tổ chức tín dụng cũng là doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp và người dân đình trệ sản xuất kinh doanh, gây ảnh hưởng tình hình tài chính của tổ chức tín dụng.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: Khi dịch Covid-19 xảy ra thì Ngân hàng Nhà nước là một trong những đơn vị triển khai rất sớm các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo toàn ngành phải triển khai ngay sau khi Thủ tướng có văn bản, chỉ thị. Ngân hàng Nhà nước đã đánh giá và lựa chọn các giải pháp rất thiết thực, cấp thiết đối với các tổ chức tín dụng trong tình hình hiện nay.

"Khi các doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và sau đó nguồn thu bị ảnh hưởng thì việc cơ cấu lại trả nợ là điều rất quan trọng. Rồi việc miễn giảm các khoản lãi vay, có cả những khoản vay mới, cũng đã được giảm với mặt bằng lãi suất cho vay theo điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước trong tháng 3. Đối với những khoản cho vay cũ thì Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kêu gọi và nhận được sự đồng tình rất quyết liệt và trách nhiệm của các TCTD trong việc giảm lãi suất các khoản dư nợ cũ. Rồi là giảm phí thanh toán, sẵn sàng nguồn vốn kể cả với các doanh nghiệp có nhu cầu vay mới. Đặc biệt là sẵn sàng nguồn vốn khi dịch kết thúc để đáp ứng nhu cầu vốn cho các doanh nghiệp vay vốn nhằm thúc đẩy hoạt động kinh tế trở lại", bà Hồng chia sẻ.

Theo báo cáo của hệ thống các TCTD cho thấy là kết quả của ngành ngân hàng triển khai trong thời gian vừa qua rất đáng kể. Về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, toàn hệ thống đã có cấu được cho 170.746 khách hàng với dư nợ bằng 128.210 tỷ đồng. Miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho 14.372 khách hàng với dư nợ 28.441 tỷ đồng. Hạ lãi suất dư nợ hiện hữu cho 318.528 khách hàng với dư nợ là 980.163 tỷ đồng và mức hạ lãi suất phổ biến từ 0,5-2%, thậm chí có một số TCTD đã hạ lãi suất 2,5% lên tới 4%/năm. Cho vay mới với lãi suất ưu đãi thấp hơn so với lãi suất cho vay trước dịch khoảng từ 1 - 2% cho 147.637 khách hàng với doanh số cho vay mới lũy kế từ ngày 23/1/2020 đạt khoảng 553.000 tỷ đồng.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhận định, kết quả này cho thấy hệ thống ngân hàng đã triển khai rất tích cực. Bên cạnh việc cơ cấu lại trả nợ cũng như là miễn giảm vốn vay, Ngân hàng Nhà nước cũng điều chỉnh giảm phí thanh toán điện tử liên ngân hàng để từ đó các TCTD giảm phí với người dân cũng như Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo.

Liên quan đến doanh nghiệp tiếp cận vốn khó khăn và quan điểm của Thống đốc là không hạ chuẩn cho vay, bà Hồng lý giải: Dịch Covid-19 xảy ra đã tác động đến một diện rất rộng các doanh nghiệp và người dân. Có doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp, có doanh nghiệp chịu tác động gián tiếp, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động của các TCTD ở 2 góc độ.

Thứ nhất, các TCTD cũng là DN cung ứng dịch vụ thanh toán cho các doanh nghiệp nên khi doanh nghiệp và người dân bị ngưng trệ hoạt động sản xuất kinh doanh thì đồng nghĩa với việc là nguồn thu dịch vụ của các TCTD cũng sẽ bị giảm xuống, ảnh hưởng đến tình hình tài chính của các TCTD.

Thứ hai, TCTD là trung gian tài chính, là tổ chức nhận tiền gửi của doanh nghiệp và người dân và cho doanh nghiệp và người dân vay. Khi doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng không có nguồn thu thì đồng nghĩa với việc khó khăn trong việc trả nợ và theo đó ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của các TCTD. Khi nợ xấu phát sinh thì các TCTD phải trích lập dự phòng rủi ro và do đó cũng làm ảnh hưởng đến tình hình tài chính của DN.

Bài toán làm sao để Ngân hàng Nhà nước thực hiện các giải pháp để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp và người dân là vấn đề Thống đốc chỉ đạo rất quyết liệt. Tuy nhiên vừa giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và người dân nhưng vẫn phải đảm bảo hoạt động của các TCTD là không được phá vỡ các tiêu chí về an toàn hoạt động của các TCTD.

Nếu như hạ chuẩn cho vay hoặc phá vỡ các tiêu chí về đảm bảo an toàn thì hệ thống các TCTD sẽ đối mặt với nguy cơ bất ổn trở lại như đã từng xảy ra trong giai đoạn trước đây. Suy cho cùng khi hệ thống ngân hàng bị ảnh hưởng thì cũng sẽ tác động và gây hệ lụy rất lớn đối với nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ.

Việc các ngân hàng áp dụng chính sách cắt giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh được xem là giải pháp phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay, bởi việc giảm lãi vay vừa có thể giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vừa giúp ngân hàng ngăn chặn được nợ xấu nếu doanh nghiệp ngừng sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, khi đánh giá mức độ thiệt hại do Covid-19 gây ra, lãnh đạo nhiều ngân hàng cũng cho rằng, lợi nhuận của chính ngân hàng cũng sẽ bị giảm trong năm nay, bởi khách vay bị ảnh hưởng do doanh thu sụt giảm, không có nguồn để trả lãi. Chính vì vậy, các ngân hàng cũng sẽ gặp khó khăn và đây sẽ là ảnh hưởng dây chuyền.

NGÂN HÀNG - CÂN ĐO ĐONG ĐẾM, TAY CHÈO TAY LÁI

Hệ thống ngân hàng đồng thời phải “căng mình” chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân. Thứ nhất, Hệ thống ngân hàng có trách nhiệm “tiên phong” triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân như miễn giảm phí dịch vụ, phí chuyển tiền…

Các nỗ lực rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ… với khách hàng bị ảnh hưởng của Covid-19. \

Trong khi đó, ngân hàng cũng phải duy trì hoạt động bộ máy, cũng không thể bỏ rơi cán bố nhân viên. Để làm được điều đó, các ngân hàng Thương mại cổ phần giảm chi phí hoạt động, đặc biệt là chi phí lương, thưởng; không chia cổ tức bằng tiền mặt… tập trung mọi nguồn lực cần thiết để có thể giảm mạnh lãi suất cho vay.

Đặc biệt, các ngân hàng Thương mại cổ phần đã thực hiện những biện pháp này trong bối cảnh ngành Ngân hàng vẫn phải thực hiện các nhiệm vụ: (1) kiểm soát lạm phát; (2) đảm bảo hoạt động ngân hàng thông suốt và liên tục, cung cấp đầy đủ các hoạt động dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế, cho người dân và doanh nghiệp; (3) giữ ổn định tình hình thanh khoản của thị trường; (4) giữ ổn định diễn biến tỷ giá;…

CHỈ CÒN CÁCH BIẾN KHÓ KHĂN THÀNH CƠ HỘI

Bên cạnh những khó khăn thì dịch bệnh Covid-19 là cơ hội để các ngân hàng kiểm định tính hiệu quả của các chính sách đã xây dựng về quản trị rủi ro, trong đó có rủi ro hoạt động. Là cơ hội để ngân hàng biết được quy trình hoạt động và hệ thống nhân sự hiện tại có vận hành hiệu quả không, có chỗ nào có thể điều chỉnh để tối ưu hóa hơn không.

Thứ hai, đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số ngân hàng. Việc số hóa từ văn bản, thủ tục, phương thức làm việc, phương thức giao dịch trong nội bộ cũng như với khách hàng qua giai đoạn dịch bệnh này được nhìn nhận là việc làm hết sức cấp thiết. Đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống big data và nhanh chóng đưa vào sử dụng các sản phẩm ngân hàng số, các giao dịch ngân hàng điện tử, đặc biệt trong lĩnh vực trong nhóm ngân hàng bán lẻ phục vụ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ để giảm giao dịch trực tiếp với nhóm khách hàng này cũng là việc ưu tiên thực hiện.

Việc giảm tăng trưởng tín dụng là cơ hội tốt để các ngân hàng điều chỉnh danh mục cho vay, thậm chí hướng tới điều chỉnh danh mục tài sản tiến tới giảm tỷ trọng tín dụng, tăng các tài sản phi tín dụng, mặc dù đây là điều không hề dễ dàng vì tín dụng luôn được coi là tài sản cơ bản nhất của kinh doanh ngân hàng nhưng nó cũng mang lại nhiều tổn thất nhất nếu rủi ro tín dụng xảy ra. Do đó, giảm tỷ trọng tín dụng, giảm thu lãi từ tín dụng, tăng tỷ trọng các hoạt động dịch vụ từ đó tăng thu từ những hoạt động phi tín dụng luôn là mục tiêu của nhiều ngân hàng.

Để giảm thiểu nợ xấu, các ngân hàng đang kiên trì tuân thủ các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước trong việc cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm lãi vay cho khách hàng vay vốn tại ngân hàng. Việc này sẽ khiến các ngân hàng phải hi sinh mục tiêu lợi nhuận đã đặt ra, nhưng chung lưng cùng doanh nghiệp và cá nhân đang gặp khó khăn vì Covid-19 sẽ giúp họ sớm phục hồi hoạt động, từ đó, không chỉ khách hàng mà cả ngân hàng và nền kinh tế sẽ hồi phục bền vững.

CĂNG NÃO CHO TỪNG KHOẢN MỤC

Covid-19 là yếu tố rủi ro hệ thống (là thách thức bên ngoài trong ô ma trận SWOT) nền tảng để hệ thống ngân hàng có thể chống đỡ trước ảnh hưởng của Covid-19 phải dựa vào sự kết hợp SWOT để tìm ra hướng đi, tùy vào nguồn lực hiện có của mỗi ngân hàng.

Việc kết hợp ST (sử dụng điểm mạnh để tránh các nguy cơ), với những điểm mạnh như tài chính dồi dào, nhân sự, quản trị, marketing, hệ thống phân phối online hiện đại…; ngân hàng có thể sử dụng những hướng chiến lược: (1) phát triển khách hàng và hệ thống phân phối dịch vụ online; (2) triển khai các gói hỗ trợ tín dụng cho các ngành bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; (3) tái cơ cấu hệ thống - nhân sự - phúc lợi; (4) thúc đẩy hoạt động marketing gắn liền với hoạt động hỗ trợ tích cực đẩy lùi dịch bệnh…

Việc kết hợp WT (tối thiểu hóa những điểm yếu và tránh các nguy cơ), ngân hàng cần cơ cấu và khắc phục những yếu điểm trong hoạt động kinh doanh nhằm tránh các nguy cơ. Đánh giá các yếu điểm đang gặp phải và xem xét tác động của Covid-19, sau đó thực hiện khoanh vùng để hướng đến hành động khắc phục hạn chế các yếu điểm và giảm sự tác động nhiều nhất có thể.

BỨT PHÁ HẬU DỊCH BỆNH BẰNG CON MẮT TINH

Chống dịch, phục hồi và bứt phá sau dịch là chặng đua đường dài. Sự an toàn và độ bền của ngành Ngân hàng có ý nghĩa quan trọng cho sự phục hồi và bật dậy của nền kinh tế.

Các biện pháp hỗ trợ chống dịch cần sự chú ý an toàn của ngành Ngân hàng, tránh các rủi ro pháp lý cho các ngân hàng Thương mại cổ phần, gia tăng nợ xấu và rủi ro của hệ thống trong trung hạn. Duy trì các nguyên tắc thị trường trong hoạt động ngân hàng, tách bạch giữa các hoạt động thương mại và cho vay chính sách.

Cũng như tất cả các doanh nghiệp khác, các ngân hàng Thương mại cổ phần không thể ‘miễn nhiễm’ trước dịch bệnh. Các ngân hàng Thương mại cổ phần cũng cần được hỗ trợ các chính sách như giãn thuế, chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp…

MINH CHỨNG VỀ SỰ ĐỒNG HÀNH

Tại Hội nghị của Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 9/5 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Giờ là lúc lò xo bị nén lại sẵn sàng để bung ra. Cần tập trung hơn nữa khởi động nền kinh tế, phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2020 trên 5%, không thấp như IMF dự báo là 2,7%. Các bộ ngành phải xắn tay áo, địa phương phải tháo gỡ cho doanh nghiệp”.

Trong đó, các ngân hàng được giao nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó khăn. Trên tinh thần ấy, ông Hoàng Minh Hoàn, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho biết: SCB triển khai các chương trình hỗ trợ theo chỉ đạo của Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước, ban hành hướng dẫn cho TCTD thực hiện cơ cấu nợ để triển khai. Đồng thời,ban hành các chính sách nội bộ để thực hiện theo sự hướng dẫn này. Tính đến cuối tháng 4/2020, dư nợ mà SCB đã cơ cấu lại là 9.000 tỷ đồng. SCB đã đưa ra gói 500 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong thời gian tới.

Mục tiêu mà các ngân hàng mong muốn đó là hỗ trợ cho doanh nghiệp, bởi khi doanh nghiệp hoạt động hiệu quả thì nền kinh tế mới phát triển. Hoạt động ngân hàng cũng phải đảm bảo các quy trình an toàn theo quy định của pháp luật. Vì vậy, SCB phải có cơ chế tuân thủ quy định để có thể triển khai các chủ trương, chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp một cách hợp lý để không ảnh hưởng hoạt động kinh doanh của tổ chức mình.

“Ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp và giải ngân tín dụng. Trong trách nhiệm của người điều hành ngân hàng, chúng tôi phải đảm bảo an toàn vốn của ngân hàng và hiệu quả trong kinh doanh. Về xếp hạng tín dụng, ngân hàng phải dựa trên nhiều yếu tố để chấm điểm tín dụng cho doanh nghiệp.

Trong bối cảnh đại dịch như hiện nay, các doanh nghiệp bị thu hẹp kết quả kinh doanh nên đối với các doanh nghiệp đang có quan hệ tín dụng thì một mặt SCB gia hạn nợ, mặt khác SCB hiểu được đặc điểm kinh doanh thì mới có thể nới lỏng hạn mức cho vay”.

Đối với doanh nghiệp mới, thì điều kiện đầu tiên là báo cáo tài chính phải đáng tin cậy, được kiểm toán bởi công ty kiểm toán độc lập.

Chính vì vậy đó cũng là cái khó chung của ngân hàng và doanh nghiệp. Ngân hàng có chính sách về cho vay tín chấp nhưng doanh nghiệp phải hoạt động hiệu quả và minh bạch thông tin.

Ngân hàng Sài Gòn (SCB) đã triển khai sản phẩm "Đầu tư trực tuyến" và "Tăng ưu đãi, thêm phát tài" để gia tăng lợi ích cho khách hàng doanh nghiệp.

Với sản phẩm "Đầu tư trực tuyến", doanh nghiệp sử dụng dịch vụ Internet Banking của SCB để mở hợp đồng tiền gửi và rút tiền mà không cần đến các điểm giao dịch để ký hợp đồng. Kỳ hạn gửi tiền linh hoạt từ một tuần đến 60 tháng với số tiền tối thiểu là 10 triệu đồng. Đồng thời, doanh nghiệp hưởng lãi suất cao so với tiền gửi có kỳ hạn thông thường tại quầy. Khách hàng bảo đảm bằng số dư tài khoản tiền gửi khi có nhu cầu vay vốn tại ngân hàng.

Theo đại diện SCB, sản phẩm "Đầu tư trực tuyến" giúp khách chủ động gửi tiền Online 24/7, tiết kiệm thời gian và an tâm về hệ thống công nghệ bảo mật, hiện đại.

Bên cạnh đó, ngân hàng tăng cường tối đa hóa lợi ích tài chính cho khách qua sản phẩm "Tăng ưu đãi, thêm phát tài", kỳ hạn gửi 6, 9 và 12 tháng. Người gửi được cộng thêm lãi suất tối đa lên đến 0,5% một năm so với lãi suất tiền gửi có kỳ hạn thông thường tại quầy.

Khách sẽ nhận ưu đãi giảm 0,2% một năm lãi suất cho vay, đảm bảo bằng hợp đồng tiền gửi, áp dụng với tài sản bảo đảm là số dư tài khoản tiền gửi tại SCB.

NHÌN THẤY CƠ HỘI CÙNG DOANH NGHIỆP

So sánh với Indonesia, nước cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong việc thu hút FDI, Việt Nam có lợi thế ở gần Trung Quốc nên khoảng cách vận chuyển thuận lợi hơn. Thể chế chính trị củaViệt Nam rất hỗ trợ doanh nghiệp, có nhiều ưu đãi cho các dự án FDI lớn (quy định ưu đãi thay đổi theo từng trường hợp). Đồng thời, Việt Nam cũng tham gia rất nhiều các FTAs như EVFTA hay CPTPP mà Indonesia không tham gia. Về vĩ mô, gần đây, đồng Việt Nam (VND) rất ổn định so sánh với biến động của đồng Rupiah Indonesia (IDR).

Còn riêng với Long An, tỉnh đang hút dòng vốn FDI tăng trưởng mạnh. So với cùng kỳ năm trước, 4 tháng đầu năm 2020, bất chấp đại dịch bệnh, FDI chảy vào tăng 65%. Tại tỉnh này, nhiều dự án khu công nghiệp được giới đầu tư nước ngoài chú ý. Chẳng hạn, dự án khu công nghiệp Việt Phát tại xã Tân Long, huyện Thủ Thừa.

SCB đồng hành cùng doanh nghiệp đón sóng FDI

Việt Phát là dự án khu công nghiệp và đô thị kiểu mới, theo hướng xanh, sạch, bền vững, được kỳ vọng tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Long An, cũng như góp phần đón đầu “làn sóng” dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu hậu Covid-19 của Việt Nam.

Với diện tích lên đến 1.800ha, Việt Phát là một trong những khu công nghiệp có diện tích lớn nhất hiện nay, và nằm trong vùng quy hoạch chiến lược ưu tiên phát triển công nghiệp, khu đô thị hướng ra biển Đông của thành phố Hồ Chí Minh; gần cảng biển, đường cao tốc và các tuyến đường trọng điểm.

Thấu hiểu những khó khăn và để hỗ trợ các doanh nghiệp hồi phục sau đại dịch Covid-19, SCB đã tạo điều kiện về vốn và các giải pháp tài chính, giúp doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào sản xuất và công nghệ; cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và định hướng tìm kiếm thị trường cũng như đầu ra cho sản phẩm.

Không chỉ với KCN Việt Phát, lãnh đạo SCB cho biết sẵn sàng cung cấp các giải pháp quản trị tài chính phù hợp để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia; hay các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.

Huyền Thương
Quyên Lê - Thanh Thảo 
26/06/2020 15:00


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top