Đồng hành và phụng sự

Đồng hành và phụng sự

Thứ Tư, 15/09/2021 - 06:00

Cuộc đời tôi có may mắn được cùng "Vua Lốp", hay còn gọi là "Vua dép lốp", tên thật là Nguyễn Văn Chẩn hành trình tìm công lý. Tất nhiên, còn nhiều đồng nghiệp khác nữa. Con người này đã làm “tốn” không ít giấy mực của báo chí. Khởi sự, ông nghĩ ra các bóc vỏ xe ô tô cũ cắt làm dép bán cho dân. Thế rồi, ông bị bắt vì hai từ “tư nhân” đầy miệt thị của xã hội. Ông phải ngồi tù đến 30 tháng, không thiếu một ngày theo bản án sơ thẩm. 

Mãn hạn tù, ông Nguyễn Văn Chẩn mày mò làm bút máy. Trời sinh ra ông thế, cứ phải động não. Đang lúc phát đạt, ông bị cái “tát” lần thứ hai, ông bị bắt và truy tố về tội danh tàng trữ và đầu cơ hàng hóa trái phép. Ra tù lần thứ hai, ông tiếp tục lần hồi làm lại từ con số 0, mày mò, sản xuất ra nhựa vá săm xe đạp. Khi bắt đầu có của ăn, của để, bị tịch thu tiếp. 

Không cam phận, ông Nguyễn Văn Chẩn lại mày mò tìm hướng sản xuất mặt hàng mới. Ông nghĩ ra khuôn đúc lốp xe và sau 5 năm nghiên cứu, ông cho ra đời hiệu lốp “Quyết Thắng”. Những năm đó, lốp của ông nổi tiếng toàn quốc, mỗi năm sản xuất trên 2.000 đôi. Năm 1983 lốp “Quyết Thắng” được trao Huy chương đồng tại Hội chợ triển lãm Giảng Võ, ông được xưng tụng là "Vua Lốp", từ đó.

Những năm tháng đó thật hãi, xe đạp ngoài đường không phanh, không chuông, thiếu pedal, săm (ruột lốp) nát bét vẫn măng xông, lốp mòn vẹt, bật panh vẫn phải băng bó bằng các cuộn dây cao su... Đi trên đường xóc lắc vì chỉ lốp xe phải độn, băng bó. Thời thật hãi, thi thoảng anh em trong cơ quan lại “bốc thăm” xem ai được mua chậu rửa mặt, ai được vài chục nan hoa, ai được chiếc lốp. Phải “cầu nguyện” hàng ngày, may ra chục năm mới đủ các bộ phận để lắp nên một chiếc xe đạp cho mình. Thiếu thốn trăm bề.

Không may cho ông, "Chỉ thị Z30”, nghe nói tối mật được ban hành, tất cả những ai có nhà 2, 3 tầng mới xây những năm 1980, đều bị kiểm tra. Năm 1983, lực lượng liên ngành quận Ba Đình (Hà Nội) bao gồm quân đội, công an, viện kiểm sát... phong tỏa nhà và xưởng sản xuất của “Vua Lốp”, công bố quyết định: Tịch thu nhà cửa, toàn bộ công cụ và nguyên vật liệu sản xuất của xưởng sản xuất lốp và bắt ông Nguyễn Văn Chẩn. May ông trốn được. “Vua Lốp” phải sống chui lủi, vợ con ông lay lắt ngoài đường. 

Mãi tới năm 1990, chính quyền Hà Nội mới có văn bản hành chính về việc trả lại tài sản cho ông. Có văn bản rồi nhưng phải hơn 10 năm sau ông mới nhận được Đó cũng là một hành trình đi đòi gian khổ. Tôi hay được trò chuyện cùng ông, lúc thì ở cơ quan, lúc tại nhà riêng ở phố Đội Cấn. Dù lúc ấy tuổi đã cao nhưng ông vẫn khát khao làm giàu. Người đàn ông thấp đậm, hiền lành Nguyễn Văn Chẩn này là “nhân chứng” tố cáo bi kịch của thời ấu trĩ.  

“Kinh tế tư nhân” từ chỗ bị miệt thị “con buôn”, bị bắt bớ, tù đày cho đến lúc vị trí được xác lập là “động lực quan trọng trong phát triển kinh tế” (Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng) như hôm nay là hành trình đầy nước mắt.

Theo VCCI, Việt Nam hiện đã có khoảng 5 triệu doanh nhân, 700.000 doanh nghiệp và khoảng 5 triệu hộ kinh doanh. Dẫu trong số này, quy mô lớn chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 0,65% và doanh nghiệp cỡ vừa là 5,85%; nhưng đội ngũ doanh nhân Việt ấy đã và đang nuôi khát vọng vì một đất nước hùng cường. 

Năm 2021 này, nhất là từ khi đợt Covid-19 bùng phát lần thứ 4, lan rộng toàn quốc tạo áp lực lớn, thiệt hại khó tính toán với kinh tế đất nước. Tỷ lệ thất nghiệp đã lên mức 2,52%. Nhất là khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề. Một số ngành tiếp tục suy giảm sâu hơn, như du lịch, lữ hành, vận tải... 79.000 doanh nghiệp đã phải rút khỏi thị trường. Tuy nhiên, trong khi với toàn cầu đều suy thoái, 7 tháng đầu năm 2021 Chỉ số sản xuất công nghiệp (Index of Industrial Production - IIP) vẫn tăng trưởng 7,9%. 

Nhiều người đã lạc quan khi nói rằng “Nền kinh tế Việt Nam, Covid-19 không thể cản bước”. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước 7 tháng đầu năm đạt 185,33 tỷ USD, tăng 25,5%... Doanh nhân Việt Nam có phẩm chất sáng tạo, cái khó bao giờ cũng làm ló cái khôn. Họ không dễ “buông xuôi” làm đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng.

Nhớ lại số phận bi kịch của “Vua Lốp”, tôi vẫn nghĩ đất nước này, dân tộc này vẫn còn có phước, đổi mới đúng lúc. Câu chuyện về cuộc gặp gỡ "ngẫu nhiên" giữa tiến sĩ Bùi Hải Hưng, một chuyên gia AI tầm quốc tế với người đứng đầu Vingroup, tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Một người là nhà khoa học hàng đầu thế giới về Trí tuệ nhân tạo, người kia là doanh nhân có tên trong danh sách tỉ phú giàu nhất thế giới và hiện sở hữu Tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất Việt Nam tìm đến nhau nhờ hai điểm chung quan trọng: Là công dân Việt Nam và có chung tầm nhìn về một Việt Nam vươn tầm quốc tế.

TS. Bùi Hải Hưng mơ một giấc mơ lớn, tỷ phú Phạm Nhật Vượng là một con người luôn sẵn sàng biến những giấc mơ lớn thành hiện thực. Tỷ phú nổi tiếng Phạm Nhật Vượng khát khao "Muốn thế giới không chỉ biết tới một Việt Nam anh hùng, mà còn là một Việt Nam đẳng cấp, trí tuệ". Câu nói này đã khiến TS. Bùi Hải Hưng, khi đó vẫn còn là chuyên gia cao cấp của Google DeepMind hoàn toàn bị thuyết phục và quyết định trở về Việt Nam thực hiện giấc mơ lớn của mình.

Lần đến thăm TSKH. Phan Xuân Dũng khi ông đang là Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và môi trường của Quốc hội, ông nói với tôi, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang tạo ra những năng lực không giới hạn. Dẫu khoa học công nghệ nước nhà còn nhiều hạn chế, nhưng ông tin doanh nghiệp nhất là khối tư nhân sẽ đi đầu, đi sớm để nắm bắt vận hội.

Dẫu doanh nghiệp tư nhân, trong đó có doanh nghiệp bất động sản còn non trẻ, dấn thân vào nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hoàn toàn chưa có tiền lệ trong lịch sử, nhưng không thể không nhắc đến thành công, những dấu ấn sắc nét. Bạn dễ dàng nhận ra họ tại các khu đô thị lớn nhất Việt Nam, với tòa nhà cao nhất Việt Nam, với các sân bay, bến cảng, tuyến đường cao tốc đạt kỷ lục về thời gian hoàn thành và chất lượng xây dựng, với các dự án sản xuất ô tô, dịch vụ hàng không, thành phố thông minh… Nhiều doanh nghiệp tiên phong, đầu đàn trong các chuỗi giá trị sản xuất mới đã xuất hiện, kết nối mạng lưới với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, với cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đã có những doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài với giá trị dự án hàng tỷ đô la.

Bạn sẽ nghĩ gì khi chứng kiến sự xuất hiện của các doanh nghiệp tư nhân trong nhiều ngành, lĩnh vực vốn được coi là địa hạt riêng của doanh nghiệp nhà nước, như thông tin, viễn thông, hàng không... Với vận tải hàng không đó là Bamboo, Vietjet Air; với hạ tầng hàng không (sân bay) đó là Tập đoàn Sun Group, là tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn. Chính họ, đã góp phần tạo nên sự thay đổi ngoạn mục cả về chất và lượng của doanh nghiệp Việt.

Tôi đã từng trải qua cảm giác xấu hổ khi nhớ lại lần đầu SYM vào Việt Nam, sau đổi mới chừng 5 năm. Khi sang thị trường Việt Nam, VMEP đặt văn phòng trên phố Cát Linh (Hà Nội). Lúc ấy tôi nghĩ: “Việt Nam đến cái pedal xe đạp còn làm chưa xong sao nghĩ đến xe máy?”. Đầu giờ mỗi sáng, nhìn nhân viên SYM tập thể dục trên vỉa hè, người đi qua thấy lạ lẫm.

Tôi đã từng nghi ngại khi Vingroup đầu tư sản xuất ô tô. Lúc ấy tôi nghĩ: “Người Việt Nam đã quen với các thương hiệu nổi tiếng, Toyota, Hyundai, BMW, Ford, Mercedes-Benz hay Volkswagen; Vinfast sao có thị phần?”. Tôi vui mừng, tự giễu vì minh đã nhầm.

Hội nhập quốc tế, cho phép doanh nhân Việt Nam đi những bước rất dài trong dư địa mênh mông cho những ý tưởng kinh doanh sáng tạo, không giới hạn. Rất nhiều doanh nghiệp Việt bền bỉ với chiến lược cạnh tranh, xây dựng nên giá trị thương hiệu. Sẽ rất thú vị, cách đây không xa mấy ai nghĩ rằng, thương hiệu của doanh nghiệp Việt góp phần tạo nên thương hiệu quốc gia? 

Tôi nhớ, trong Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (bây giờ là Chủ tịch nước) đã dành 10 từ để tặng khu vực tư nhân. Đó là “Bình đẳng, được bảo vệ, khích lệ, trao cơ hội”. Có được 10 từ này, được thực hiện thống nhất, từ tư duy, luật pháp, chính sách đến thực tiễn không hề đơn giản. Tuy nhiên, không thể không làm. Giữa Chính phủ và doanh nghiệp tư nhân luôn đòi hỏi tương tác biện chứng. Tương tự như tình yêu có trao và có nhận.

Lịch sử doanh nghiệp Việt là lịch sử đồng hành cùng dân tộc. Covid-19 đang là thời khắc của những kiểm định nghiệt ngã, nó cho thấy, doanh nghiệp Việt đã và đang đồng hành cùng Chính phủ trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. Cộng đồng doanh nghiệp đã phát huy tinh thần trách nhiệm, đóng góp nhiều nguồn lực trực tiếp và gián tiếp vào cuộc chiến chống dịch Covid-19 như hỗ trợ vật tư, trang thiết bị y tế, hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ, tích cực nghiên cứu các giải pháp phòng, chống dịch… Việt Nam đang học làm kinh tế thị trường, nhưng đã đủ thời gian để thấy, doanh nghiệp cũng là một “kênh” an sinh xã hội. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, “Rằng qua cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau” (Trần Hoàn). 

Tỷ phú này, tỷ phú khác, CEO này, CEO khác ở Việt Nam, đều bắt đầu từ con số 0. Với tỷ phú Phạm Nhật Vượng, từ Đông Âu về khởi nghiệp, ban đầu là lĩnh vực bất động sản. Dù là kế hoạch ngắn hạn hay dài hạn, ông đều vì mục đích cải thiện cuộc sống của người dân, mang lại lợi ích cho đất nước. Nay Vingroup đã là một tập đoàn đa ngành, đang thưc hiện những bước đi ngoạn mục vào “kỷ nguyên 4.0”. Top 10 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam theo bảng xếp hạng VNR500, với những cái tên nổi bật như Vingroup, Thế Giới Di Động, Doji, Trường Hải, Hòa Phát, Vinamilk, Vietjet... đã và đang góp phần thay đổi thương hiệu của dân tộc, thời kỳ chuỗi giá trị toàn cầu. 

Lá cờ “đồng hành phụng sự dân tộc” đang được doanh nghiệp Việt Nam giương cao trên sân chơi hội nhập quốc tế, không chỉ hôm nay./.

Nhà thơ Ngô Đức Hành
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top