Aa

Dòng tiền bất động sản 2021: Linh hoạt theo nhu cầu

Nguyên Hà
Nguyên Hà lienlien.media@gmail.com
Thứ Hai, 21/12/2020 - 06:00

Dù thị trường khó khăn nhưng nhu cầu bất động sản vẫn rất cao và được lựa chọn là kênh trữ vốn an toàn. Thị trường BĐS thời gian tới sẽ hướng đến những sản phẩm đa dạng, đáp ứng các nhu cầu của nhà đầu tư.

NHU CẦU TÍCH TRỮ BẤT ĐỘNG SẢN VẪN RẤT LỚN

Tại Hội thảo "Bắt mạch dòng tiền vào thị trường bất động sản" diễn ra mới đây, nhiều chuyên gia có chung quan điểm, dù nền kinh tế nói chung, thị trường bất động sản nói riêng có gặp khó khăn như thế nào chăng nữa thì nhu cầu đối với bất động sản vẫn còn. Càng khó khăn, người dân càng có xu hướng chọn bất động sản làm kênh bảo toàn vốn hiệu quả.

“Với góc độ cá nhân, doanh nghiệp, theo tôi, trong điều kiện kinh tế, chính trị bất ổn, chiến tranh xảy ra thì hầu hết kênh tích trữ của người dân là vàng và bất động sản. Trong những điều kiện khó khăn, người dân sẽ chuyển dòng tiền của họ thành những hình thức đầu tư khác để bảo đảm được tài sản và có thể kiểm soát được. Đối với dự án đang phát triển tức là đang làm thủ tục giấy tờ, làm quy hoạch 1/2.000, 1/500, thiết kế,… nếu có khó khăn hơn đi nữa thì doanh nghiệp cũng phải làm. Thực ra thị trường chúng ta rất nhỏ, khó khăn thì khó khăn nhưng nhu cầu thì vẫn có”, TS. Sử Ngọc Khương, chuyên gia đầu tư bất động sản nhận định.

TS. Sử Ngọc Khương.

Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận tiếp thị dự án nhà ở CBRE cũng cho rằng, xét từ yếu tố vĩ mô, ở một góc độ nào đó, nhu cầu mua nhà của người dân vẫn còn trong bối cảnh kinh tế chung bị ảnh hưởng.

“Với tốc độ tăng trưởng dân số như hiện nay thì nhu cầu mua nhà đang rất cao. Tôi nghĩ khi tình hình kinh tế chung bị ảnh hưởng, thu nhập người dân giảm thì nhu cầu đầu tư nhà ở vẫn rất cao để chuyển đổi tiền vào tài sản, bảo toàn được tài chính”, ông Kiệt khẳng định.

Đồng quan điểm, ông Bùi Quang Anh Vũ, Tổng giám đốc Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt đánh giá, trong bối cảnh nỗi lo lạm phát tăng cao vẫn còn, người dân, nhà đầu tư sẽ chọn cách "đưa tiền vào tài sản để né lạm phát", cho thấy nhu cầu về bất động sản là rất lớn. Mặt khác, niềm tin về kiểm soát dịch bệnh và những tác động tích cực từ cuộc chiến tranh thương mại cũng đã mở ra nhiều cơ hội mới cho thị trường bất động sản Việt Nam, thu hút dòng tiền đầu tư. 

Do đó, các chuyên gia cho rằng, lúc này các chủ đầu tư cần quan tâm đến việc làm sao để phát triển sản phẩm phù hợp với những nhu cầu hiện có trên thị trường bằng cách thường xuyên đánh giá thị trường, theo dõi thị hiếu của khách hàng.

Bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn. Ảnh minh họa.

DOANH NGHIỆP CHỦ ĐỘNG DẪN DẮT DÒNG TIỀN

Ông Nguyễn Thế Nhiên, Phó Tổng Giám đốc Hưng Thịnh Land chia sẻ, trong 18 năm phát triển, đơn vị này đang có hơn 100 dự án, quỹ đất 4.500ha. Dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, doanh nghiệp đã phải dừng lại một số hoạt động kinh doanh để tiến hành nghiên cứu, thay đổi chiến lược.

“Chúng tôi thay đổi trên 3 mảng chính: Sản phẩm (nhìn lại những sản phẩm vừa với túi tiền, nhu cầu người dân), giá, thanh toán (tiến độ thanh toán). Tương lai, chúng tôi cho rằng thế mạnh của Việt Nam vẫn là du lịch. Vì thế, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn sẽ phát triển thế mạnh Việt Nam. Covid-19 có thể kéo lùi việc phát triển từ 1 - 2 năm, nhưng chúng ta sẽ vẫn có thể phát huy được những thế mạnh ấy”, ông Nhiên cho biết.

Đại diện doanh nghiệp nói thêm, tình hình vĩ mô hiện tại đang mở ra cơ hội lớn mà không thể bỏ lỡ. Nó là một cơ hội cực kỳ lớn để cho các doanh nghiệp có nền tảng ổn định và tăng trưởng hơn.

“Đây là cơ hội mà Hưng Thịnh cũng đã tận dụng được. Về lập kế hoạch kinh doanh, trong năm vừa qua đến thời điểm này, chúng tôi đã bán được 10.000 sản phẩm và bỏ ra hơn chục nghìn tỷ để M&A các dự án khác”, Phó Tổng Giám đốc Hưng Thịnh Land cho hay.

Ông Nguyễn Thế Nhiên, Phó Tổng Giám đốc Hưng Thịnh Land.

Ông Nhiên cho biết thêm, trong bối cảnh khó khăn, các doanh nghiệp buộc phải có những chiến lược linh hoạt, một trong số đó là việc dịch chuyển dòng tiền đầu tư.

“Hưng Thịnh cũng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên buộc phải linh hoạt ở những nơi khác để phát triển đội ngũ, duy trì kinh doanh của mình”, ông Thịnh nói và khẳng định, cơ sở hạ tầng đã phát triển khá tốt trong nhiều năm qua, tạo ra sự kết nối giữa các vùng với nhau nên việc dịch chuyển đầu tư có phần thuận tiện và dễ dàng hơn. Như ở Lâm Đồng, Quy Nhơn (Bình Định) - những vùng đất mới đang mở ra nhiều cơ hội đầu tư.

TS. Sử Ngọc Khương cũng nhìn nhận, doanh nghiệp muốn làm dự án thì thời gian từ chấp thuận chủ tương đến khi được phê duyệt quy hoạch 1/500 thường phải mất 2 - 3 năm, sau đó để xác định nghĩa vụ tài chính thì “lý tưởng” nhất cũng mất thêm 6 tháng,  trên thực tế thì dài hơn. Tùy theo sản phẩm và chiến lược của doanh nghiệp, việc tìm kiếm địa điểm “mưa thuận gió hòa” về pháp lý để làm dự án là giải pháp nhanh nhất. Đó là lý do vì sao các nhà phát triển trong nước đi tỉnh để tìm cơ hội.

Dưới góc độ quan sát thị trường, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt đánh giá, xu hướng dịch chuyển đầu tư của các doanh nghiệp là tất yếu. Vị chuyên gia nêu dẫn chứng, những năm trước, TP.HCM phát triển mạnh thì những thị trường lân cận như Đồng Nai, Long An,… hơi mờ nhạt. Hiện nay, tại TP.HCM, với sự khó khăn về nguồn cung, vấn đề pháp lý liên quan đến khả năng phát triển dự án của các chủ đầu tư thì sẽ có sự dịch chuyển. Nơi nào có quỹ đất tốt, nhu cầu khách hàng lớn, khả năng thanh khoản thì chủ đầu tư sẽ đầu tư vào.

“Đây là bức tranh chúng ta thấy ở Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Phú Quốc, Lâm Đồng,… thời gian qua có sự phát triển mạnh do thị trường TP.HCM khó khăn, bản thân các chủ đầu tư đã chạy đi rất nhiều để tìm được quỹ đất phát triển. Tuy nhiên, tiềm năng phát triển thị trường TP.HCM vẫn có, nhu cầu nhà ở vẫn cao. Khi các yếu tố về pháp lý và những khó khăn khác ở thị trường này được tháo gỡ thì các nhà đầu tư sẽ tự động quay lại thị trường. Đây là xu hướng hoàn toàn dễ hiểu, sự dịch chuyển cung cầu, sản phẩm thay thế là quy luật bình thường trên thị trường”, ông Kiệt nhấn mạnh.

Theo vị chuyên gia, trong năm 2021, sự dịch chuyển thị trường của các chủ đầu tư tiếp tục xuất hiện. Trong đó, có xu hướng các chủ đầu tư tại TP.HCM sẽ di chuyển ra săn tìm quỹ đất tại Hà Nội và ngược lại các doanh nghiệp ở Hà Nội cũng nam tiến thực hiện các dự án ở TP.HCM. Bên cạnh đó, xu hướng phát triển các dự án ở những thị trường vùng ven, thị trường ven biển vẫn tiếp tục phát triển. Do đó, năm 2021 thị trường sẽ có những yếu tố tích cực hơn rất nhiều, đặc biệt là sự phục hồi của những thị trường trọng điểm như TP.HCM hay Hà Nội.

“Năm 2021 là năm của sự phục hồi nhưng chưa có sự đột phá. Nguồn cung sẽ có sự cải thiện, các chủ đầu tư sẽ đa dạng hóa sản phẩm để phù hợp với nhu cầu của thị trường”, vị chuyên gia nói thêm. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top