Aa

Dự án chung cư 317 Trường Chinh: Đối tác tranh chấp, khách hàng lao đao?

Thứ Năm, 18/10/2018 - 19:48

Dự án khu siêu thị, văn phòng giao dịch thương mại và nhà ở tại 317 Trường Chinh, quận Thanh Xuân, Hà Nội (do Công ty CP Tư vấn Đầu tư dự án quốc tế ICC làm chủ đầu tư) sắp hoàn thiện thì xuất hiện tranh chấp giữa chủ đầu tư và đối tác là Công ty CP Thương mại và Đầu tư Xây dựng Tân Hồng Hà (Công ty Tân Hồng Hà).

Dự án tại 317 Trường Chinh, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Dự án tại 317 Trường Chinh, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Hiện tượng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”?

Công ty ICC được UBND TP. Hà Nội giao cho là chủ đầu tư dự án khu siêu thị, văn phòng giao dịch thương mại và nhà ở (dự án) tại 317 Trường Chinh theo Quyết định số 9603/QĐ-UB ngày 29/12/2004.

Sau đó, Công ty ICC đã thực hiện giải phóng xong mặt bằng, nộp tiền sử dụng đất, thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật của dự án kết nối đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật khu vực; san lấp xong mặt bằng; khoan cọc nhồi; thi công xong đường dẫn tường vây tầng hầm cho toàn bộ công trình thuộc dự án.

Quá trình triển khai dự án, ngày 20/7/2015, Công ty ICC và Công ty Tân Hồng Hà đã ký một số hợp đồng để hợp tác, đầu tư dự án như: Hợp đồng hợp tác đầu tư số 01; Hợp đồng ủy quyền số 01 và Hợp đồng phụ lục số 01. Theo đó, Công ty Tân Hồng Hà sẽ tham gia góp vốn để tiếp tục đầu tư trên cơ sở hiện trạng dự án và được khai thác kinh doanh sau này.

Cụ thể, Công ty Tân Hồng Hà phải hoàn trả chi phí đầu tư và các chi phí khác cho ICC là 140 tỷ đồng trong vòng 90 ngày (trong đó số tiền đặt cọc 20 tỷ đồng phải chuyển trong thời hạn 10 ngày); chịu toàn bộ kinh phí, chi phí để thực hiện nốt các công việc dang dở của dự án từ khi ký hợp đồng đến khi khai thác xong sản phẩm của dự án; giao lại cho Công ty ICC khối nhà 7 tầng kèm hồ sơ kỹ thuật sau khi thi công xong để ICC làm cơ sở thanh quyết toán giá trị xây lắp cho Tân Hồng Hà; bàn giao lại tầng kỹ thuật và toàn bộ tầng 14 khối nhà căn hộ 24 tầng đã hoàn thiện cho ICC (được Công ty ICC thanh toán với giá 28 triệu đồng/m2 sàn).

Bù lại, Công ty Tân Hồng Hà sẽ được chủ động khai thác kinh doanh các sản phẩm của khối nhà 24 tầng (ngoại trừ tầng kỹ thuật và tầng 14); được tìm kiếm đối tác và huy động vốn phục vụ cho dự án (với điều kiện phải được sự đồng ý của Công ty ICC cũng như phù hợp với các quy định của pháp luật và các cam kết trong hợp đồng đã ký.

Đáng nói, khi ông Khoa ký Hợp đồng hợp tác đầu tư với danh nghĩa đại diện của Công ty Tân Hồng Hà vào ngày 20/7/2015 thì trên thực tế lúc đó, ông Khoa đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc Công ty ICC được 18 ngày.

Sau này, ông Khoa đã mua lại 30.051 cổ phần trong Công ty ICC từ bà Hoàng Thanh Thủy để đủ điều kiện trở thành Chủ tịch HĐQT Công ty ICC và thôi vị trí lãnh đạo của Tân Hồng Hà.

Theo phản ánh của ông Phạm Xuân Đức (Tổng Giám đốc Công ty ICC) thì chính việc ông Khoa chuyển vị trí từ người đại diện theo pháp luật của “bên B” sang vị trí người đại diện theo pháp luật cho “bên A” như trên đã khiến dự án có nhiều lình xình do hiện tượng “vừa đá bóng, và thổi còi”.

Phát sinh tranh chấp, khách hàng lãnh đủ

Theo ông Đức, trong quá trình thực hiện hợp đồng hợp tác, Công ty Tân Hồng Hà đã có vi phạm mà trước hết là không thực hiện việc chuyển số tiền đặt cọc 20 tỷ đồng cho Công ty ICC theo đúng hạn. Tiếp đó, Công ty Tân Hồng Hà đã không thực hiện đúng cam kết là chuyển cho Công ty ICC 140 tỷ đồng tổng chi phí đầu tư và các chi phí khác trong vòng 90 ngày như hai bên đã ký kết (đến thời điểm hiện tại, mới chuyển được hơn 50 tỷ đồng).

Trước tình hình đối tác không đủ tài chính để thực hiện dự án, Công ty ICC (lúc này do ông Khoa làm đại diện) đã thế chấp dự án, vay 87 tỷ đồng tại Ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh (NCB) để có vốn tiếp tục thực hiện dự án.

Sau khi dự án được thế chấp thì phía ông Đức phát hiện Công ty Tân Hồng Hà đã đem bán các căn hộ của dự án cho đối tác khác nhưng không chuyển tiền vào tài khoản của Ngân hàng NCB để trả nợ vay và lãi vay. Cho rằng ông Khoa có vi phạm, cổ đông Công ty ICC đã hủy bỏ hợp đồng mua bán cổ phần cho ông Khoa và gửi thông báo đến các cơ quan, đồng thời làm thủ tục hủy bỏ tư cách Chủ tịch HĐQT Công ty ICC của ông này. Đến ngày 11/4/2018, Công ty ICC đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (thay đổi lần thứ 18) với người đại diện theo pháp luật là ông Hoàng Kim Đồng (Chủ tịch HĐQT).

Theo đơn tố cáo của ông Đức thì sau khi nhận thấy các căn hộ tại dự án (đang được thế chấp) đã bị bán trái phép, thì Công ty ICC đã đề nghị tạm dừng hợp tác với Công ty Tân Hồng Hà để giải quyết vụ việc. Ông Đức tố cáo: sau khi bị tạm dừng Hợp đồng hợp tác đầu tư và bị thu lại con dấu, ông Khoa cùng một số người đã tiến hành khắc thêm 2 con dấu của Công ty ICC, làm giả Biên bản họp HĐQT Công ty ICC, lập các văn bản mạo danh Công ty ICC đề nghị UBND TP.Hà Nội xem xét cho Công ty Tân Hồng Hà làm đồng chủ đầu tư dự án. Chính vì vậy, ông Đức và các cổ đông Công ty ICC đã tố cáo ông Khoa cùng một số cá nhân khác có hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” cũng như việc bán các căn hộ chung cư tại Dự án trong khi dự án trên đã được thế chấp cho ngân hàng, xâm hại đến quyền lợi của khách hàng, của ngân hàng và Công ty ICC.

Trong khi đó, hiện nay phía Công ty Tân Hồng Hà đã có đơn khởi kiện Công ty ICC ra TAND quận Ba Đình đề nghị tiếp tục thực hiện hợp đồng hợp tác đầu tư. Tuy nhiên, tại phiên xử ngày 12/10 vừa qua, sau khi nghe ý kiến của bị đơn, HĐXX sơ thẩm TAND quận Ba Đình đã quyết định hoãn phiên tòa để xác minh thêm chứng cứ, trong đó có việc xác minh kết quả giải quyết của cơ quan công an đối với đơn tố cáo của ông Đức đối với ông Nguyễn Minh Khoa.

Cho dù kết quả giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc kết quả giải quyết đơn tố cáo trong vụ việc này như thế nào thì có lẽ, khách hàng mua căn hộ tại dự án vẫn là những người “lãnh đủ” hậu quả từ sự kéo dài của dự án. Trong những khách hàng này, sẽ có không ít người như “ngồi lên đống lửa” bởi hiện dự án vẫn đang được thế chấp tại ngân hàng và không biết đến bao giờ tài sản này mới được giải chấp?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top