Aa

Dự án khách sạn bên Hồ Gươm chưa được phê duyệt

Thứ Tư, 03/08/2016 - 05:40

Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội khẳng định, dự án xây dựng khách sạn tại số 22-32 Lê Thái Tổ sát Hồ Gươm chưa được TP Hà Nội phê duyệt, hiện đang trong quá trình xin ý kiến các bộ, ngành liên quan.

Khu vực số 22-32 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội (ảnh chụp chiều 10-7) - Ảnh: Nguyễn Khánh - Tuổi trẻ.

Khu vực số 22-32 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội (ảnh chụp chiều 10-7) - Ảnh: Nguyễn Khánh - Tuổi trẻ.

Tại phiên chất vấn HĐND TP Hà Nội chiều nay, liên quan đến quy hoạch quanh Hồ Gươm, đại biểu Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội, đồng ý rằng khu vực Hồ Gươm là di tích lịch sử quốc gia, rất nhạy cảm.

Vì vậy, vị đại biểu này đề nghị làm rõ căn cứ nào để xây dựng Dự án đầu tư xây dựng công trình khách sạn tại số 22-32 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm? Khu phụ cận Hồ Gươm rất quan trọng, do đó, ông Nam cũng đề nghị cho biết thêm về dự án Tân Hoàng Minh tại khu phụ cận Hồ Gươm?

“Chúng ta đừng để tình trạng bỏ rất nhiều tiền để phá những cái đã xây dựng, rồi lại mất rất nhiều tiền để xây dựng lại những thứ đã phá” – ông Nam kiến nghị.

Trả lời đại biểu Nam, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Lê Vinh khẳng định hiện dự án xây dựng khách sạn của tại số 22-32 Lê Thái Tổ chưa được TP phê duyệt và hiện đang trong quá trình xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan. Nguyên nhân bởi đây là khu vực đặc biệt nhạy cảm, cần phải có ý kiến của đầy đủ các Bộ, ngành.

Đối với dự án Tân Hoàng Minh, ông Vinh cho biết, chủ đầu tư đã chấp nhận phương án cũ đã được phê duyệt, chỉ xây dựng công trình 8 tầng tại vị trí này.

Ông Vinh cũng cho biết, Hà Nội đã triển khai đồng bộ quy hoạch phân khu Hồ Gươm. Đây là khu vực có vai trò quan trọng vì gắn với di tích Hồ Gươm.

"Trong quá trình triển khai quy hoạch phân khu Hồ Gươm, chúng tôi đã tham vấn ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước, xin ý kiến của các bộ, ngành để làm định hướng. Đến nay, quy hoạch đã cơ bản hoàn thành và đang hoàn thiện để trình UBND TP.

Về các dự án liên quan tới phân khu Hồ Gươm như chỉnh trang các tuyến phố xung quanh, chúng tôi đã rút kinh nghiệm từ đường Lê Trọng Tấn và mời tư vấn thiết kế có kinh nghiệm từ các tập đoàn danh tiếng nước ngoài. Trong những tháng gần đây, Hồ Gươm cũng đang được bổ sung, cắt tỉa cây xanh, để xứng đáng với xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt", ông Vinh nói.

Trước đó, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch Nguyễn Thế Hùng triển khai thực hiện kết luận của thường trực Thành ủy về quy hoạch kiến trúc dự án đầu tư xây dựng công trình khách sạn tại số 22-32 Lê Thái Tổ, Q.Hoàn Kiếm.

Kết luận của thường trực Thành ủy đồng ý chủ trương theo đề xuất của Ban cán sự Đảng UBND TP về quy hoạch kiến trúc dự án đầu tư xây dựng công trình khách sạn tại số 22-32 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm.

Theo kết luận của thường trực Thành ủy, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng giao các sở: Quy hoạch - kiến trúc, Kế hoạch - đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Văn hóa - thể thao, Du lịch, UBND quận Hoàn Kiếm và các đơn vị có liên quan tạo điều kiện giúp nhà đầu tư thực hiện hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và kế hoạch khởi công xây dựng công trình trong tháng 9-2016.

UBND TP cũng đề nghị Công ty cổ phần Intimex Việt Nam (chủ đầu tư dự án) chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở ngành của TP để tổ chức thực hiện dự án đúng tiến độ và quy định của pháp luật.

Chuyên gia phản pháo

Trong một diễn biến khác, ngày 8/3, Hội Kiến trúc sư Việt Nam có văn bản gửi UBND TP Hà Nội về công trình khách sạn và dịch vụ tại số 22-32 Lê Thái Tổ.

Văn bản nêu rõ: công trình có chức năng dịch vụ, thương mại và khách sạn là phù hợp; nhịp điệu mặt đứng kiến trúc mới không hòa nhập với đặc trưng kiến trúc đô thị và cảnh quan của khu vực.

Do mặt đứng mới là một khối đồng nhất kéo dài liên tục không chú ý đến nhịp điệu mặt phố cũ nhờ sự giãn cách của ba khối kiến trúc Pháp vốn trở thành hình ảnh quen thuộc có giá trị văn hóa kiến trúc hồ Gươm; tổ hợp kiến trúc mặt đứng về tỉ lệ giữa các phần cột, cổng, cửa chưa chuẩn mực, đặc biệt là các chi tiết kiến trúc và màu sắc. Cầu kỳ nhưng đơn điệu và tạo nên ấn tượng xa lạ.

Vì vậy, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề nghị UBND TP Hà Nội đặc biệt quan tâm đến các ý kiến trên để bảo tồn và phát huy hiệu quả nhất những giá trị của không gian kiến trúc và cảnh quan khu vực hồ Hoàn Kiếm - di sản quốc gia đặc biệt.

Tòa nhà 22-32 Lý Thái Tổ sát Hồ Gươm hiện do Công ty cổ phần INTIMEX Việt Nam quản lý.

Tòa nhà 22-32 Lý Thái Tổ sát Hồ Gươm hiện do Công ty cổ phần INTIMEX Việt Nam quản lý.

Trao đổi với báo chí, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng - chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam - nói thêm khi xây dựng công trình này cần phải lưu ý và giải quyết hai vấn đề:

“Mặt đứng phía ngoài của công trình tạo nên một thể thống nhất, đơn điệu, nên bức tường dù bằng chất liệu gì cũng không tốt. Vì vậy cần phải chia nhỏ ra để mặt đứng công trình hài hòa với kiến trúc xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm (xung quanh khu vực dự định xây khách sạn đều là một số công trình kiến trúc nhỏ).

Trong tương lai lâu dài, các tuyến phố xung quanh hồ Gươm trở thành tuyến phố đi bộ, nên cần phải quan tâm đến vấn đề giao thông. Nếu khi hồ Gươm trở thành phố đi bộ thì xe ra vào khách sạn như thế nào?

Bởi có khách sạn thì phải có nơi đỗ xe, mật độ giao thông quanh khu vực đó cũng nhiều hơn. Vì vậy cần phải tính toán làm sao để khu vực khách sạn đó không trở thành nút thắt về giao thông.

Đó là bài toán về lâu dài cần phải tính toán và giải quyết thấu đáo. Việc xây dựng công trình kiến trúc ở khu vực xung quanh hồ Gươm không chỉ tính toán cho hiện tại mà còn phải cho tương lai nữa”.

Trong khi đó, kiến trúc sư . Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) đánh giá: Nhìn bản vẽ công bố dự án, ban đầu tôi không nghĩ là bản vẽ kiến trúc vì chất lượng thấp và cẩu thả. 

Thường những chủ đầu tư kinh doanh lịch lãm sẽ biết khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật tại khu đất để làm giàu lên chứ không phải xóa đi và thay vào đó những giá trị tầm thường. 

Hồ Gươm là địa danh tích tụ nhiều giá trị, mang tính biểu tượng của Việt Nam và những công trình kiến trúc Pháp đã tạo ra sự tiếp biến lịch sử không thể thay đổi, càng không thể thay vào đó những giá trị rẻ tiền.

Vị trí khách sạn ngay cạnh Hồ Gươm.

Vị trí khách sạn ngay sát Hồ Gươm.

Cũng theo KTS. Trần Huy Ánh, qui định về chiều cao ở khu vực này không được quá 2 tầng, nhưng ở bản vẽ kiến trúc này đã là ba tầng. Hà Nội đã tổ chức cuộc thi Ý tưởng quy hoạch và thiết kế đô thị khu vực Hồ Gươm và tất cả các phương án đều khẳng định phải giữ nguyên mật độ để tránh tạo áp lực về cơ sở hạ tầng và giao thông ở khu vực này. 

Để bảo đảm giao thông, phải lùi sảnh công trình vào phía trong khu đất, chứ không thể chiếm chỗ của người đi lại. Đây là công trình khách sạn, nên số người lưu trú tăng, kéo theo sử dụng điện, nước, nước thải vv… tăng theo, thì cách ứng xử của chủ đầu tư sẽ ra sao để đảm bảo không ảnh hưởng đến xã hội, cũng cần được đặt ra.

Đặc biệt, KTS. Nguyễn Thanh Sơn (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) đã chỉ ra: Đối chiếu với Quy hoạch chi tiết hồ Gươm và phụ cận được phê duyệt theo Quyết định số 448/BXD-KTQH ngày 3/8/1996 của Bộ Xây dựng, thì “Các công trình kiến trúc có giá trị cần được giữ gìn, bảo vệ chặt chẽ. Khi có yêu cầu cải tạo và xây dựng lại thì phải có giấy phép phá dỡ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. 

Dự án cải tạo và xây dựng lại các công trình này phải được tổ chức xin ý kiến Hội đồng Kiến trúc quy hoạch thành phố, trước khi trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định. Đối với các công trình hiện có, phù hợp với quy hoạch được phép giữ lại, khi có yêu cầu chỉnh trang, cải tạo hoặc xây lại mới thì chủ đầu tư phải xin phép xây dựng. 

Khi giấy phép xây dựng các công trình này cần lưu ý các giải pháp kiến trúc, quy hoạch đảm bảo không làm biến dạng các mặt phố, cảnh quan, huỷ hoại giá trị kiến trúc, văn hoá vốn có của các công trình đó và khu vực có liên quan”.

“Bên cạnh đó, theo Điều lệ quản lý xây dựng theo quy hoạch khu vực hồ Gươm và phụ cận của UBND TP Hà Nội thì cụm công trình này thuộc lô L7, quy định mật độ xây dựng là 80%, tầng cao trung bình là 2,7 tầng, hệ số sử dụng đất là 2,14. 

Quy định chiều cao tối đa của công trình đối với các lô đất tiếp giáp bên bờ hồ Hoàn Kiếm không vượt quá 16m, nhưng khối tích công trình phải đảm bảo thông thoáng. Mà với bản vẽ của dự án, 3 tòa nhà sẽ hợp khối thành bức tường thành chạy dài, ngăn cách không gian hồ với các khu lân cận. 

Chưa kể, nếu dự án có 3 tầng nổi và 5 tầng hầm, thì hệ số sử dụng đất có đảm bảo qui định, hay sẽ chất tải rất cao lên khu vực? Chúng ta đã có Nghị định về các công trình ngầm, vậy dự án này đã có trong qui hoạch hay chưa? 

Đặc biệt, những tác động đến đô thị của dự án rất cần được đánh giá! Những ý kiến của Hội Kiến trúc sư Việt Nam và một số chuyên gia kiến trúc góp ý về công trình là có cơ sở lý luận và thực tế” - KTS. Nguyễn Thanh Sơn khẳng định.

Là người có kinh nghiệm trong quản lý di sản văn hóa, KTS. Nguyễn Thanh Sơn lưu ý: Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm đã đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di quốc gia đặc biệt, do đó, những tác động đến không gian của Di tích phải thực hiện theo Luật Di sản văn hóa./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top