Aa

Du lịch biển Hà Tĩnh sau sự cố Formosa: “Rũ bùn” để hồi phục mạnh mẽ

Thứ Sáu, 19/10/2018 - 08:00

Gần ba năm trôi qua, kể từ ngày biển Bắc miền Trung bị “chết lâm sàng” do sự cố Formosa, thì hiện tại, mọi thứ dường như đã bước sang một trang mới. Du lịch Hà Tĩnh đã “rũ bùn” vươn dậy và cho thấy tiềm năng du lịch không hề thua kém những địa phương khác.

Đặc sản Mực nhảy giành lại “ngôi vương”

Tháng 4/2016, sự cố môi trường biển tại khu công nghiệp Formosa Kỳ Anh - Hà Tĩnh đã kéo theo những hệ lụy không hề nhỏ.

Với việc bị nghi ngờ nhiễm khuẩn, loại đặc sản mà chỉ có Kỳ Anh mới đánh bắt, nuôi trồng được có tên là mực nhảy vô cùng nổi tiếng đã rơi vào tình trạng khó khăn, bị sụt giá nghiêm trọng. Giá thành giảm từ 750.000đ/cân xuống chỉ còn 200.000đ/cân, khiến cuộc sống người dân vô cùng khốn đốn.

Mực nhảy - đặc sản thu hút khách du lịch của Kỳ Anh (Hà Tĩnh).

Mực nhảy - đặc sản thu hút khách du lịch của Kỳ Anh.

Nghiêm trọng hơn, khách du lịch với tâm lý lo sợ cùng những nhận thức chưa đúng đắn, e ngại việc sử dụng các loại hải sản ở Hà Tĩnh và các tỉnh lân cận, khiến cho du lịch ở đây rơi vào tình trạng trì trệ, lao đao, tưởng chừng như không thể vực dây.

Với rất nhiều nỗ lực trong suốt những năm qua của Hà Tĩnh, hậu quả của sự cố Formosa đã được khắc phục. Sở TN&MT Hà Tĩnh luôn theo dõi, thắt chặt quản lý và công bố kịp thời các kết quả quan trắc, lấy mẫu đánh giá chất lượng nước biển tại các khu vực du lịch, bãi tắm ven biển trên địa bàn để khẳng định chất lượng nước biển là an toàn.

Mực nhảy trở về đúng thương hiệu và tiềm năng vốn có, giúp người dân vùng chịu ảnh hưởng khắc phục khó khăn và lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.

Giờ đây, người dân Kỳ Anh lại nô nức kéo mực về, khách du lịch lại tấp nập ghé thăm. Giá loại đặc sản mà chỉ Kỳ Anh mới có không những trở về như ban đầu mà còn có xu hướng tăng lên.

Mực được bắt và thưởng thức ngay tại chỗ.

Mực được bắt và thưởng thức ngay tại chỗ.

Theo ông Võ Xuân Hinh, chủ bè nổi Xuân Hinh tại Cảng Vũng Áng, hiện nay bà con kinh doanh mực nhảy đều đã phấn khởi trở lại. Mực nhảy đã vượt qua khó khăn và trở về đúng với giá trị của nó, đời sống của ngư dân cũng vì thế mà ổn định.

Hầu hết khách du lịch đều cho rằng, mực nhảy là một trong những đặc sản tạo nên dấu ấn riêng biệt cho vùng biển Kỳ Anh. Những con mực tươi, sống, được tự tay chọn và thưởng thức ngay tại bè nổi trên biển đầy thơ mộng là trải nghiệm đáng nhớ đối với mỗi du khách du lịch đến Kỳ Anh.

Bè nổi kinh doanh mực nhảy.

Bè nổi kinh doanh mực nhảy.

Ông Phan Duy Vĩnh, Phó Chủ tịch Thị xã Kỳ Anh cho biết: “Ngoài tiềm năng về công nghiệp, Kỳ Anh còn có tiềm năng lớn về du lịch. Mực nhảy của Vũng Áng từ lâu đã trở thành món ăn đặc sản nổi tiếng cả nước. Chúng tôi xem đây là dịch vụ ven biển, cần tiếp tục có những chính sách phát triển hỗ trợ tốt hơn trong thời gian tới”.

Du lịch biển Kỳ Anh khoác “tấm áo mới”

Vượt qua những ngày tháng chật vật vì sự cố môi trường Famosa, Kỳ Anh đang mang trên mình “tấm áo mới” và vươn mình ra biển lớn – vùng biển hội nhập du lịch.

Mảnh đất từng được ví von là chảo lửa, túi mưa với ngành du lịch nghèo nàn nay đang từng ngày, từng giờ thay da đổi thịt. Kỳ Anh vốn có những tiềm năng, lợi thế về biển, đất đai, tài nguyên, khoáng sản và nguồn lao động dồi dào. Mặc dù chưa được khai thác nhiều nhưng nơi đây thực sự đang đứng trước vận hội lớn trên con đường xây dựng phát triển, đặc biệt là du lịch.

Bãi biển Hoành Sơn (Hà Tĩnh) hoang sơ, trữ tình.

Bãi biển Hoành Sơn (Hà Tĩnh) hoang sơ, trữ tình.

Kỳ Anh có vị trí địa lý khá thuận lợi, cách Hà Nội 340km về phía Nam. Chỉ với một đoạn đường khoảng 50km từ Kỳ Anh là du khách đã có mặt ở Trung tâm Du lịch và Quảng trường Phong Nha, một địa điểm du lịch nổi tiếng Quảng Bình,cáchBãi biển Nhật Lệ, bãi biển Đá Nhảy chỉ 70km.

Vẻ đẹp huyền ảo với những tảng đá phủ rêu xanh, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.

Vẻ đẹp huyền ảo với những tảng đá phủ rêu xanh, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.

Với lợi thế đường bờ biển dài khoảng 63km, bỏ lại sau lưng sự cố “biển chết”, Kỳ Anh đang xây dựng cho mình những bãi tắm sạch đẹp, an toàn, thu hút khách du lịch như: bãi tắm Kỳ Ninh (xã Kỳ Ninh), bãi tắm Mũi Đao (xã Kỳ Nam) và bãi tắm Kỳ Xuân (xã Kỳ Xuân).

Trong đó, phải kể đến biển Kỳ Xuân. Kỳ Xuân với lợi thế bờ biển dài 13km, còn giữ nguyên vẹn vẻ đẹp hoang sơ, nước biển trong xanh, bờ cát trắng mịn, các lèn đá, những hàng phi lao… tạo nên sự hấp dẫn đối với du khách khi đến nơi đây. Ngoài ra, Kỳ Xuân còn có nhiều loại đặc sản“độc” như: chim cu kỳ, cụp (cua đá), tôm hùm, mực sống, cá sống…

Khách sạn 4 sao Mường Thanh Grand Hà Tĩnh.

Khách sạn 4 sao Mường Thanh Grand Hà Tĩnh.

Bãi biển Hoành Sơn cách thành phố Hà Tĩnh 80km về phía Nam, cách đèo Ngang chưa đầy 2km, nổi tiếng với bãi cát trắng mịn, khung cảnh hoang sơ và rất thơ mộng. Đi dọc theo bờ biển có những bãi đá rêu xanh nhiều hình dạng khác nhau mê hoặc lòng người.

Một số nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng của Kỳ Anh đã bắt đầu chú trọng phát triển bất động sản nghỉ dưỡng. Điển hình là Khách sạn 4 sao Mường Thanh Grand Hà Tĩnh với các tiện nghi tối đa, siêu thị, nhà hàng, phòng họp đa chức năng kết hợp các dịch vụ giải trí.

Với những tiềm năng phát triển du lịch mạnh mẽ, đây thật sự là mảnh đất còn rất nhiều dư địa để các nhà đầu tư “xuống tiền” và phát triển bất động sản du lịch.

Bottom Banner
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top