Aa

Đường sắt đô thị Hà Nội – sân bay Nội Bài có đầu tư BOT?

An Vũ
An Vũ pvhongvu@gmail.com
Thứ Tư, 25/04/2018 - 19:30

Về chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội – sân bay Nội Bài, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, cần huy động nhiều nguồn lực kể cả bằng hình thức hợp đồng BOT để xây dựng và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án khác.

Văn phòng Chính phủ mới đây có văn bản hỏa tốc gửi UBND TP. Hà Nội và các Bộ liên quan truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về chủ trương đầu tư ba dự án xây dựng các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội.

Cụ thể, Phó Thủ tướng đề nghị UBND TP. Hà Nội lưu ý thực hiện một số nội dung công việc. Trong đó, trên cơ sở quy hoạch hạ tầng giao thông, cần sớm nghiên cứu, xây dựng kế hoạch đầu tư đồng bộ với hệ thống hạ tầng đường sắt.

Đặc biệt, trước mắt cần lựa chọn các dự án ưu tiên để đầu tư; chú ý huy động các nguồn lực, kể cả bằng hình thức hợp đồng BOT để xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội – sân bay Nội Bài và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

Thành phố Hà Nội đề xuất kết hợp mô hình đầu tư PPP với một phần vốn ngân sách, không vay vốn ODA để xây dựng các tuyến ĐSĐT

TP. Hà Nội từng đề xuất kết hợp mô hình đầu tư PPP với một phần vốn ngân sách, không vay vốn ODA để xây dựng các tuyến đường sắt đô thị (Ảnh minh họa)

Trong quá trình phát triển, thủ đô Hà Nội gặp nhiều thách thức và áp lực do dự gia tăng dân cư ngày càng lớn. Với tình hình và xu hướng phương tiện cá nhân ngày càng gia tăng, nhằm giảm ùn tắc giao thông, yêu cầu phải hiện đại hóa hệ thống giao thông công cộng, trong đó có hệ thống đường sắt đô thị.

Đầu tư các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội cần nguồn kinh phí lớn, trong khi nguồn vốn ngân sách còn hạn chế, do đó, việc huy động các nguồn vốn xã hội cho đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông nói chung, hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội nói riêng là cần thiết.

Thời gian qua, một số tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước đã đề xuất với Hà Nội để thực hiện các tuyến đường sắt đô thị theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), trong đó có việc đổi quỹ đất của thành phố lấy hạ tầng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quyết định chính thức nào được được đưa ra và chấp nhận. Bản thân lãnh đạo TP. Hà Nội mới đây cũng mong muốn doanh nghiệp tự bỏ tiền đầu tư cơ sở hạ tầng ở Hà Nội theo hình thức BT, BOT thay vì chọn lựa vốn vay lại của Chính phủ, vốn ODA của địa phương.

Trước đó, vào tháng 1/2017, Tập đoàn Vision Transportation Group (VTG) đưa ra lời đề nghị trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hà Nội về việc đầu tư một tuyến đường sắt hoàn toàn mới nối khu vực Hồ Tây với sân bay Nội Bài.

Theo đó, VTG đã tiến hành nghiên cứu và đề xuất với TP. Hà Nội, Chính phủ, các bộ ngành liên quan để triển khai dự án đường sắt đô thị số 2 nối sân bay Nội Bài với khu vực Hồ Tây theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Tập đoàn cũng đã báo cáo sơ bộ về ý tưởng, phương thức, công nghệ, tiến độ đầu tư và một số đề xuất liên quan đến tính khả thi cho dự án.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng đề nghị VTG làm việc cụ thể với Hà Nội, các bộ ngành liên quan trước khi trình lên Chính phủ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top