Aa

FED tiếp tục tăng lãi suất, bất chấp rủi ro ngành tài chính sụp đổ

Thứ Năm, 23/03/2023 - 11:59

Thời gian qua, thế giới và Việt Nam đều nóng lòng chờ đợi đợt tăng lãi suất của FED trong tháng 3/2023 này. Tại sao động thái của FED lại tác động mạnh đến nền kinh tế, TTCK thế giới và nó sẽ tác động như thế nào?

Chu kỳ tăng lãi suất của FED bắt đầu từ tháng 3/2022. Sau hai đợt nâng "nhẹ nhàng" đầu tiên với bước nhảy 0,25 và 0,5 điểm phần trăm, FED đã mạnh dạn áp dụng bước nhảy 0,75 điểm phần trăm lần đầu tiên kể từ năm 1994 ở trong 4 lần tăng liên tiếp kể từ tháng 6 đến tháng 11/2022, sau đó giảm xuống mức tăng 0,5 điểm phần trăm vào tháng 12/2022 và giảm tiếp mức tăng 0,25 điểm phần trăm vào tháng 2/2023.

Với mức tăng thêm 0,25 điểm phần trăm vào rạng sáng nay theo giờ Việt Nam (23/3), đưa lãi suất quỹ của FED hiện ở mức 4,75 - 5%. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 9/2007. FED đã tăng lãi 9 lần liên tiếp kể từ tháng 3/2022

lãi suất fed
Lãi suất của FED hiện tại qua các lần nâng. (Ảnh investing)

Lãi suất FED là gì?

Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) - là tổ chức tài chính duy nhất trên thế giới được phép in USD (Đô la Mỹ). FED có nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ nhằm đảo bảo ổn định và phát triển nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Lãi suất FED - là lãi suất quỹ liên bang. Mức lãi suất này là lãi suất trong ngày giữa các ngân hàng thành viên mà FED ban hành (các khoản vay qua đêm). Khi tỷ lệ dự trữ bắt buộc không đủ trước kỳ kiểm tra của FED, những ngân hàng thành viên phải vay nợ với mức lãi suất này. Đây được coi là công cụ kiểm soát nền kinh tế Mỹ của Cục dự trữ Liên bang. Mức lãi suất này là chuẩn mực cho lãi suất thẻ tín dụng, lãi suất thế chấp và các khoản vay khác tại ngân hàng thành viên.

chủ tịch fed
Chủ tịch Fed Jerome Powell.

Lãi suất của FED tác động thế nào đối với kền kinh tế thế giới?

Một trong những nguyên tắc kinh tế là tiền và hàng hóa sản xuất phải cân bằng. Khi lãi suất thấp, lượng cung tiền nhiều hơn, cầu kéo, chi phí đẩy,… khiến cho lạm phát tăng cao. Lạm phát của Mỹ đã đạt đỉnh vào giữa năm 2022, nó khiến cho FED phải tăng lãi suất để kìm hãm lạm phát. Với ảnh hưởng của nền kinh tế lớn nhất toàn cầu, đồng USD vẫn là đồng tiền dự trữ và phương tiện thanh toán chính của thế giới, thế nên động thái tăng lãi suất của FED đã ảnh hưởng hầu hết đến các nền kinh tế của các nước trên thế giới.

diễn biến cpi
Diễn biến CPI (đen) và CPI cốt lõi (xanh) của Mỹ - thước đo cho lạm phát. (Ảnh: Bloomberg)

Sau khi tăng lãi suất để kìm hãm lạm phát, nền kinh tế rất dễ bước vào suy thoái. Tốc độ tăng trưởng GDP thấp. Các doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn do lãi suất cao, việc vay vốn để kinh doanh, sản xuất gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ thất nghiệp cao.

Thời điểm một năm trở lại đây, việc FED tăng lãi suất với tần suất nhanh và mạnh tác động rất lớn đến nền kinh tế, tiêu biểu nhất là việc 2 ngân hàng của Mỹ đã phá sản chỉ trong tuần qua - ngân hàng Silicon Valley Bank và Signature Bank kéo theo sự sụp đổ của ngân hàng lớn thứ 2 Thuỵ Sĩ Credit Suisse.

Lãi suất của FED tác động thế nào đối với Việt Nam?

Việc FED tăng lãi suất nhìn chung sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế của Việt Nam. Chỉ là sự ảnh hưởng đó diễn ra lập tức hay sẽ chậm lại so với các quốc gia khác.

Lãi suất FED tăng và Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) chưa tăng lãi suất thì dẫn đến tỷ giá USD/VND cao sẽ khiến nhập khẩu giảm do giá tăng cao, gây khó khăn trong cung ứng hàng hóa nguyên vật liệu. Nợ công cũng sẽ tăng lên. Các khoản nợ nước ngoài đa phần đều phải thanh toán bằng USD, lãi suất FED tăng khiến khoản nợ tăng theo tỷ giá và lãi suất USD, gây ảnh hưởng đến cán cân thu chi của Chính phủ. Do lãi suất FED tăng, người dân ở các quốc gia khác cũng như doanh nghiệp thắt chặt chi tiêu, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng hàng hóa giảm, sẽ mang đến khó khăn cho hàng hóa xuất khẩu. Trước tình hình đó, NHNN phải có các biện pháp tăng lãi suất điều hành nhằm giữ ổn định tỷ giá và cũng phải cân bằng giữa việc kiểm soát lạm phát.

Đối với thị trường chứng khoán (TTCK) cả của Mỹ và Việt Nam đều sẽ bị tác động mạnh. Lãi suất FED tăng, khiến cho "dòng tiền không còn rẻ", các kênh đầu tư sẽ không có được thanh khoản dồi dào như trước. Dòng tiền cũng có xu hướng an toàn hơn, tìm đến các kênh đầu tư ít rủi ro như vàng hoặc gửi tiết kiệm ngân hàng. TTCK Việt Nam cũng sẽ gặp khó khăn hơn trong việc thu hút nguồn tiền của khối ngoại. Lãi suất FED tăng tác động lãi suất điều hành từ NHNN tăng khiến lãi suất cho vay tăng. Doanh nghiệp đối mặt khó khăn trong việc huy động vốn để duy trì hoặc mở rộng kinh doanh, sản xuất. Riêng lãi suất cho vay đầu tư các tài sản rủi ro sẽ ít được giải ngân hoặc lãi suất rất cao. Đó cũng là lí do chính khiến cho thị trường bất động sản ảm đạm trong vòng một năm qua./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top