GDP tăng đột biến nhưng “sức khỏe“ doanh nghiệp vẫn đáng lo...

GDP tăng đột biến nhưng “sức khỏe“ doanh nghiệp vẫn đáng lo...

Hà Thương
Hà Thương ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Sáu, 11/11/2022 - 06:10

Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, GDP quý III/2022 tăng ở mức 13,67% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng mạnh của quý III, giúp GDP 9 tháng đầu năm tăng 8,83%. Đây là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011 - 2022. 

Tuy nhiên, mức tăng trưởng cao này có duy trì đến sang năm 2023 hay không khi mà lãi suất dự báo sẽ tiếp tục tăng, các doanh nghiệp chao đảo vì khó huy động vốn, lòng tin trên thị trường tài chính và bất động sản đang có phần lung lay?

Để trả lời cho câu hỏi này, Reatimes đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Vũ Sỹ Cường, Kinh tế trưởng Viện Phát triển Công nghệ Tài chính 

PV: Ông đánh giá như thế nào về chỉ số tăng trưởng GDP quý III và 9 tháng đầu năm 2022?

PGS. TS. Vũ Sỹ Cường: Chỉ số tăng trưởng của GDP quý III cũng như 9 tháng đầu năm 2022 là tốt. Tuy nhiên, việc tăng trưởng cao của GDP quý III năm nay chưa thể là lời khẳng định hoàn toàn về chất lượng tăng trưởng kinh tế. 

PV: Ông có thể giải thích rõ hơn?

PGS. TS. Vũ Sỹ Cường: Thực tế, nền kinh tế Việt Nam quý III năm ngoái gần như bị đình trệ do Covid-19, đặc biệt là hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM bị giãn cách nhiều ngày. Bước sang quý III năm nay, dịch bệnh được đẩy lùi, kinh tế phục hồi nhờ một loạt các gói hỗ trợ chính sách và sự vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, kết quả quý III năm nay cao cũng dễ hiểu. 

Hơn hết, kết quả của quý III năm nay là đang được so sánh với nền tăng trưởng của quý III năm ngoái nên việc GDP tăng mạnh là chuyện bình thường. 

Tăng trưởng cao của GDP quý III/2022 có thể sẽ là niềm vui cuối cùng trong năm nay. Bước sang quý IV, GDP sẽ không còn tăng mạnh, dù vẫn sẽ đảm bảo ở mức ổn nhưng sang năm 2023 mới là vấn đề. 

Tôi cho rằng, sang năm tăng trưởng kinh tế sẽ thấp hơn nhiều 2022. Bởi vì nền kinh tế bây giờ đã bộc lộ những khó khăn rõ rệt nên kết quả sẽ được phản ứng trong những quý tiếp theo, có thể là quý I và quý II năm 2023. Hơn hết, nền tăng trưởng của năm 2022 đã rất cao nên để năm 2023 vượt lên là điều không dễ dàng gì. 

Năm 2023, các nước trên thế giới sẽ tiếp tục đối mặt với lạm phát tăng cao, lãi suất điều hành ở nhiều nước sẽ tiếp tục được điều chỉnh theo chiều hướng tăng lên. Khi lãi suất tăng, tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư đều bị ảnh hưởng, từ đó mà ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. 

Tất nhiên, nếu so Việt Nam với các nước thì mức tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023 vẫn sẽ ổn hơn do mình là nước đang phát triển nên dư địa tăng trưởng vẫn còn nhiều. 

PV: Sau khi Ngân hàng Nhà nước nâng biên độ tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam và USD, tăng giá bán USD tại Sở GDNHNN, cơ quan này đã có chính sách tiếp theo là tăng lãi suất điều hành. Ông có đánh giá gì về loạt hành động này của Ngân hàng Nhà nước?

PGS. TS. Vũ Sỹ Cường: Theo tôi, Ngân hàng Nhà nước làm như thế là đúng trong bối cảnh hiện nay khi áp lực tăng tỷ giá USD ngày càng leo thang và nguy cơ tiền VNĐ bị mất giá mạnh.

Thứ nhất, tỷ giá bản chất phản ánh sức mua tương đương của các đồng tiền (hiện tại hay kỳ vọng), khi sức mua thay đổi do các yếu tố khác nhau dẫn tới thay đổi về tỷ giá. Cần lưu ý là USD đã tăng giá rất mạnh thời gian qua do Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất với cường độ cao (6 lần kể từ tháng 3/2022). 

Hầu hết các đồng tiền trên thế giới đã mất giá mạnh so với USD: Yên Nhật mất giá khoảng 40%, Euro và bảng Anh mất giá khoảng 30%... Do đó, việc Việt Nam phải điều chỉnh giá trị đồng tiền là khó tránh. Tính từ đầu năm đến nay, VNĐ mất giá tới 9%. Hơn nữa, việc Fed tăng lãi suất, trong khi đó tại Việt Nam lãi suất gửi USD bằng 0, đương nhiên điều này khiến cho USD “chảy ra”, dẫn tới thiếu nguồn cung về ngoại tệ. Vì vậy, để giữ dòng tiền ở lại trong nước bắt buộc phải tăng lãi suất. 

Thứ hai, mặc dù Việt Nam là nước xuất siêu và cán cân thương mại thặng dư, nhưng không bù được thâm hụt của cán cân dịch vụ, do đó cán cân vãng lai thâm hụt. Điều này, gây sức ép lên tỷ giá USD/VNĐ.

Trước đó, để ổn định tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã dùng biện pháp như: Bán ra hơn 20 tỷ USD dự trữ ngoại hối, tăng lãi suất, chuyển phương thức giao dịch ngoại tệ từ bán kỳ hạn 3 tháng sang phương thức bán giao ngay…

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại do sức ép lên tỷ giá ngày càng lớn, buộc Ngân hàng Nhà nước phải có những điều chỉnh phù hợp, như nới biên độ tăng tỷ giá hay tiếp tục tăng lãi suất điều hành kể từ ngày 25/10. Xét về lý thuyết, quốc gia nào tăng lãi suất thì sẽ hỗ trợ cho sức mạnh của đồng nội tệ, giúp đồng nội tệ không bị mất giá nhiều so với USD.

PV: Vậy mục đích chính của việc tăng lãi suất từ phía Ngân hàng Nhà nước là gì, thưa ông?

PGS. TS. Vũ Sỹ Cường: Theo lý thuyết, tăng lãi suất điều hành là để giải quyết hai câu chuyện gồm áp lực tỷ giá và lạm phát. Tuy nhiên, theo tôi, tăng lãi suất ở nước ta hiện nay chủ yếu vẫn là để giải quyết câu chuyện tỷ giá hơn là câu chuyện lạm phát. Bởi vì, theo Tổng Cục thống kê, lạm phát ở nước ta vẫn khá thấp khi ở mức dưới 4%. 

Nếu lạm phát ở mức dưới 4% thì lãi suất thực dương chỉ cần 5 - 6% là ổn. Thế nhưng bây giờ nhiều ngân hàng đã đẩy lãi suất lên đến 9%. Như vậy, điều này đang cho thấy hai vấn đề:

Một là, cách tính lạm phát có vấn đề. 

Hai là, nếu lạm phát tính đúng thì chứng tỏ áp lực giảm giá nội tệ rất lớn và tỷ giá đang có vấn đề. 

PV: Như ông nói, Ngân hàng Nhà nước ắt có tính toán trong các động thái điều hành lãi suất vừa qua. Nhưng nhìn nhận thực tế từ phản ứng của người dân và doanh nghiệp, có vẻ việc tăng lãi suất đang hơi "giật cục"?

PGS. TS. Vũ Sỹ Cường: Đúng vậy, mặc dù chính sách của Ngân hàng Nhà nước là đúng trong bối cảnh hiện nay nhưng vẫn có cái “dở”.

“Dở” ở chỗ, lẽ ra chúng ta nên có những điều chỉnh từ từ, từng bước từ đầu năm bởi việc áp lực tỷ giá tăng không phải bây giờ mà đã nhìn thấy từ hồi đầu năm 2022. Cụ thể, Fed đã thực hiện việc tăng mạnh lãi suất từ tháng 3/2022 và đã dự báo là họ sẽ tiếp tục tăng mạnh nếu cần. Khi lãi suất Mỹ tăng thì sức ép tỷ giá là chắc chắn. 

Vì vậy, thay vì đến bây giờ trong một thời gian ngắn vừa điều chỉnh mạnh tỷ giá, vừa liên tục tăng lãi suất, thì có thể làm một cách hài hoà, từng bước trước đó. Khi điều chỉnh từng bước như vậy sẽ đỡ gây “sốc” cho thị trường và cũng giúp cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư chuẩn bị tâm lý. 

Tuy nhiên, thời điểm này thì bắt buộc phải điều chỉnh nếu không làm bây giờ thì sang năm cũng phải làm và khi đó sẽ nguy hiểm hơn. Lý do, thời điểm này dù sao tăng trưởng kinh tế vẫn khá, sức chống chịu của nền kinh tế còn tích cực.

PV: Với chính sách neo tỷ giá như hiện nay liệu có ổn cho nền kinh tế?

PGS. TS. Vũ Sỹ Cường: Thực chất, chúng ta không có nhiều lựa chọn. Bởi việc để tỷ giá dao động tự do sẽ ảnh hưởng rất nhiều thứ. 

Đầu tiên, đồng tiền Việt Nam không phải là đồng tiền chuyển đổi do đó nếu để tỷ giá dao động quá lớn, các nhà sản xuất sẽ rất khó để thực hiện các kế hoạch kinh doanh. Doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa có nhiều các công cụ và kinh nghiệm về bảo hiểm rủi ro tỷ giá. Đó là lý do Ngân hàng Nhà nước luôn muốn giữ tỷ giá ở mức nhất định để hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh. 

Thứ hai, “sức khoẻ” kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Kinh tế Việt nam có độ mở rất cao, bản chất là xuất khẩu dựa trên nhập khẩu. Nên khi mình phá giá đồng tiền sẽ không có lợi nhiều do ảnh hưởng đến giá đầu vào, dễ gây ra lạm phát. 

Ước tính, nếu phá giá 1% sẽ ảnh hưởng 0,2 - 0,3% lạm phát. Nếu phá giá đến 10% sẽ ảnh hưởng đến lạm phát từ 2 - 3%. Đây là con số khá lớn trong khi đó tổng lạm phát cả năm chỉ có 4%. 

Thứ ba là liên quan đến nợ. Vay nợ nước ngoài của Việt Nam chỉ chưa đến 40% GDP. Nhưng phần lớn chúng ta vay bằng USD hoặc quy đổi sang USD. Nên khi phá giá sẽ ảnh hưởng đến việc trả nợ.


Thứ tư, Ngân hàng Nhà nước muốn tạo lòng tin với người dân về đồng nội tệ. Trong quá khứ, dân mình đã trải qua nhiều lần mất giá đồng nội tệ nên nếu để mất giá VNĐ quá nhiều thì người dân sẽ dần mất lòng tin vào nội tệ và tái diễn tình trạng Đô la hóa. Bản chất của việc sử dụng một loại tiền để trao đổi phần lớn là dựa vào lòng tin vào giá trị của nó. Khi tiền nội tệ (như tiền VNĐ) mất giá quá nhiều thì người dân sẽ tìm cách chuyển sang sử dụng ngoại tệ. Trên thế giới cũng đã có nhiều nước gặp phải trường hợp này như Venezuela, Zimbabwe.

PV: Ông có dự báo gì về tình hình lãi suất trong năm 2023?

PGS. TS. Vũ Sỹ Cường: Ngân hàng Nhà nước đang sử dụng lãi suất điều hành ở mức 6% nhưng sang năm có thể tăng tiếp nếu lạm phát và tỷ giá tăng mạnh. Trong khi đó, dự báo về lạm phát và áp lực tỷ giá trong năm sau sẽ tiếp tục tăng. Do vậy, để đảm bảo ổn định vĩ mô, thậm chí lãi suất điều hành có thể tăng đến 10%. 

PV: Theo nhìn nhận của ông, cộng đồng doanh nghiệp nước ta, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản đã và đang bị ảnh hưởng như thế nào trước những chính sách có phần “giật cục” về tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước?

PGS. TS. Vũ Sỹ Cường: Về nguyên tắc, khi lãi suất tăng thì mọi tài sản đều giảm giá kể cả tài sản tài chính và tài sản phi tài chính, hoạt động sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, doanh nghiệp cũng trở nên khó khăn. Bất động sản sẽ là lĩnh vực chịu ảnh hưởng mạnh. 

Cụ thể, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam rất “nghiện vốn vay”, đặc biệt là với các doanh nghiệp bất động sản. Do phụ thuộc nhiều vào vốn vay, khi lãi suất cao thì việc vay vốn sẽ khó hơn, từ đó nguồn vốn để duy trì các hoạt động bị thiếu hụt, ảnh hưởng đến “sức khoẻ” doanh nghiệp cũng như “sức khoẻ” toàn nền kinh tế. Trong khi đó, từ giờ đến cuối năm room tín dụng không còn nhiều, nên không ít các doanh nghiệp bất động sản Việt đang rơi vào trạng thái xoay sở đủ đường để “tồn tại”. 

Ngoài ra, cầu của thị trường bất động sản luôn hình thành từ 3 nhóm nổi bật, gồm: Mua để ở, mua để đầu tư, mua để đầu cơ. Khi lãi suất tăng thì cả ba nhóm này sẽ có nhu cầu giảm đi do khó tiếp cận vốn vay, đặc biệt giảm nhiều nhất là nhóm đầu cơ và đầu tư. 

Khi nhu cầu giảm, thanh khoản sản phẩm sẽ kém, việc thực hiện các giao dịch càng hạn chế dẫn đến việc huy động vốn từ khách hàng của các doanh nghiệp lại càng khó khăn. Như vậy, khó lại càng khó. 

PV: Ông có nghĩ rằng, những khó khăn trong việc huy động vốn của các doanh nghiệp cùng một số lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản bị vướng vào lao lý đang khiến tâm lý của các nhà đầu tư hoang mang, dẫn đến một cuộc khủng hoảng niềm tin đang xảy ra?

PGS. TS. Vũ Sỹ Cường: Tất cả thị trường và sự trao đổi đều hình thành trên cơ sở niềm tin chứ không riêng gì thị trường tài chính. Lưu ý rằng, thị trường tài chính là hoạt động mua - bán giấy tờ có giá nên việc mua - bán này đòi hỏi niềm tin rất cao. 

Với thị trường bất động sản, niềm tin cũng rất quan trọng dù vai trò của nó có thể ít hơn thị trường tài chính do bất động sản là một loại hàng hóa thực có thể nhìn thấy được - hay còn gọi là thị trường hàng hóa thực. Song, thị trường tài chính và thị trường thực có sự liên thông với nhau. Khi một trong hai thị trường có vấn đề sẽ ảnh hưởng đến thị trường còn lại. Vì vậy, cũng có thể nói, trên thị trường hiện nay dường như xuất hiện một cuộc khủng hoảng niềm tin và tất cả đều đang “đợi xem sao”. 

PV: Trước thực tế hiện nay, theo ông đâu là giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp bất động sản?

PGS. TS. Vũ Sỹ Cường: Đối với doanh nghiệp không có cách nào khác là phải cơ cấu lại nguồn vốn, nhân sự. Những dự án nào có thể đẩy nhanh tiến độ thì cần đẩy nhanh để hoàn thành và bán lấy tiền, còn dự án chưa triển khai thì nên lùi lại, giữ sức.  

Về phía Nhà nước, cần có những giải pháp để hoàn thiện thể chế, giảm bớt chi phí hoạt động cho doanh nghiệp, đẩy nhanh thủ tục hồ sơ thay vì ngâm hồ sơ dự án cả năm không phê duyệt.

Chính phủ cũng đã ban hành gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng. Theo tôi, quan trọng nhất là giải ngân đầu tư công. Một trong lý do lãi suất tăng là thiếu thanh khoản mà một phần nguyên nhân là lượng tiền lớn đọng trong hệ thống kho bạc, làm cho vòng quay tiền giảm, không có tiền đẩy vào lưu thông. Vì vậy, đẩy nhanh đầu tư công là ưu tiên số 1. Thực tế, việc này đã có nhiều quy định nhưng có động lực để làm hay không lại là câu chuyện khác. 

Ngoài ra, việc kiểm soát chặt nguồn vốn là đúng nhằm mục đích “làm sạch” thị trường bất động sản, “thanh lọc” các doanh nghiệp yếu kém. Tuy nhiên, “đánh chuột không để vỡ bình”. Phải củng cố niềm tin cho doanh nghiệp, cho nhà đầu tư trong bối cảnh nền kinh tế dễ chịu nhiều biến động như hiện nay. 

Đặc biệt, bất động sản là ngành đóng góp vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế cả nước, ảnh hưởng đến rất nhiều lĩnh vực khác và đang tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động. Vì vậy, phải có những giải pháp để đưa thị trường bất động sản trở lại trạng thái cân bằng. 

PV: Làm sao để mặt bằng lãi suất cho vay ổn định trong bối cảnh lãi suất huy động tăng mạnh như hiện nay?

PGS. TS. Vũ Sỹ Cường: Tôi không rõ bạn nói ổn định ở mức nào? Ổn định ở mức thấp thì không có cách nào, chúng ta phải chấp nhận cuộc chơi. Chúng ta phải xác định lãi suất sang năm chắc chắn sẽ tiếp tục tăng lên. Áp lực lạm phát, các doanh nghiệp vay trái phiếu đến kỳ hạn phải đáo hạn làm tăng cầu tiền, tăng lãi suất và khi lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay phải tăng.

PVTheo ông, nếu áp lực tỷ giá vẫn tiếp tục leo thang, Ngân hàng Nhà nước nên làm gì?

PGS. TS. Vũ Sỹ Cường: Thứ nhất, tỷ giá nên được điều chỉnh linh hoạt. Tỷ giá thì phụ thuộc nhiều yếu tố như lãi suất của Fed, cán cân thanh toán, lạm phát… nên cần phải nắm bắt tình hình nhanh chóng để có những điều chỉnh linh hoạt nhưng tránh “giật cục”. 

Thứ hai là Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục tăng lãi suất điều hành như tôi nói ở trên. 

Thứ ba là áp dụng lãi suất tiền gửi ngoại tệ đối với tổ chức. Trước đây chúng ta đã áp dụng nhưng sau đó bỏ đi để chống Đô la hoá nhưng bối cảnh hiện nay có thể áp dụng để giữ Đô la lại trong nước.

- Xin cảm ơn ông!

 
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top