Aa

Giá đất bồi thường ở TP.HCM năm 2022 gấp 35 lần bảng giá đất

Thứ Sáu, 19/08/2022 - 09:38

Hệ số điều chỉnh giá đất để lập phương án bồi thường đất ở đô thị năm 2022 cao nhất gấp 15 lần bảng giá đất. Còn hệ số điều chỉnh giá đất nông nghiệp cao nhất gấp 35 lần so với bảng giá đất do Nhà nước ban hành.

UBND TP.HCM vừa ban hành hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, lấy ý kiến của người dân có đất bị thu hồi trên địa bàn thành phố trong năm 2022.

Trong đó, hệ số điều chỉnh giá đất ở tại TP.Thủ Đức và các quận từ 3-15 lần, hệ số điều chỉnh cho đất ở của 5 huyện ngoại thành từ 8-15 lần bảng giá đất do Nhà nước ban hành. 

Hệ số điều chỉnh giá đất nông nghiệp từ 7-35 lần giá đất trong bảng giá do UBND TP.HCM ban hành. So với năm 2021, hệ số điều chỉnh giá đất để xây dựng phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư năm nay có phần cụ thể và sát thực tế hơn, hệ số điều chỉnh giá đất ở đô thị cũng cao hơn.

Quá trình lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho một dự án, các cơ quan chức năng phải định giá đất cụ thể cho khu vực chuẩn bị giải phóng mặt bằng để xây dựng dự thảo phương án bồi thường. Sau đó, dự thảo phương án này được đưa ra lấy ý kiến của người dân và tiếp thu điều chỉnh cho phù hợp.

Từ nay, các địa phương sẽ sử dụng hệ số điều chỉnh giá đất này để xây dựng dự thảo phương án bồi thường, đưa ra lấy ý kiến của người dân, không phải thẩm định giá cho từng dự án cụ thể. Áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất này sẽ rút ngắn được thời gian lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho các dự án.

Hệ số điều chỉnh giá đất xây dựng phương án bồi thường sẽ được ban hành đầu mỗi năm để áp dụng cho cả năm. Đây không phải là giá đất cụ thể để bồi thường cho người dân.

Giá đất tại TP.HCM được định giá theo khung giá thấp hơn rất nhiều so với giá trị thật trên thị trường

Tại TP.HCM, bảng giá đất giai đoạn 2020-2024 về cơ bản vẫn giữ nguyên so với giai đoạn 2016-2019. Giá đất ở đô thị cao nhất là 162 triệu đồng/m2 như ở đường Nguyễn Huệ, đường Lê Thánh Tôn 110 - 115 triệu đồng/m2, đường Lê Duẩn 110 triệu đồng/m2, đường Hàm Nghi, Lý Tự Trọng 101,2 triệu đồng/m2…

Đây là những số liệu từ bảng giá đất giai đoạn 2020-2024 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được điều chỉnh và bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2020. Mức giá này được sử dụng để tính thuế sử dụng đất, tính phí và lệ phí trong quản lý sử dụng đất, tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, tính tiền bồi thường khi gây thiệt hại trong quản lý và sử dụng đất…

Tuy nhiên, trên thực tế, giá đất được định giá theo khung giá thấp hơn rất nhiều so với giá trị thật trên thị trường. Điều này dẫn đến tình trạng hàng loạt dự án bị chậm tiến độ do người dân không đồng tình với giá trị đền bù khi Nhà nước tiến hành giải phóng mặt bằng.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho hay, nếu áp dụng hệ số K hiện tại trong khung giá đền bù thì chưa phản ánh đúng giá thị trường, dẫn đến người bị thu hồi đất thiệt thòi và phản ứng, từ đó khiến công tác đền bù giải phóng mặt bằng chậm triển khai và dự án chậm đi vào hoạt động.

Dẫn chứng việc này, ông Châu dẫn giải, giá đất trên các tuyến đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi và Lê Lợi (quận 1) theo khung giá đất (2020 -2024) chỉ ở mức 162 triệu đồng/m2 và theo luật, TP.HCM được phép quy định cao hơn khung giá của Chính phủ, nhưng không quá 30%.

"Như vậy, giá đất tối đa trên mặt tiền 3 tuyến đường này rơi vào khoảng 210 triệu đồng/m2 và ngay cả khi áp dụng hệ số K trong trường hợp đơn giá thuê đất hàng năm hoặc để xác định giá khởi điểm thực hiện đấu giá thì mức đến bù cũng chỉ tăng lên hơn 442 triệu đồng/m2. Mức giá này nếu so với giá đất thực tế lên đến hàng tỷ đồng mỗi mét vuông trong khu vực này thì thấp hơn rất nhiều", ông Châu nói.

Do vậy, trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, việc bỏ khung giá đất là một trong những nội dung quan trọng được đề xuất, nếu được thông qua sẽ tác động rất lớn đến thị trường bất động sản, đặc biệt là sẽ "cởi trói" cho hàng loạt dự án bất động sản.

Thực tế, từ cuối năm 2021, UBND TP.HCM đã gửi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho TP được xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn trên địa bàn để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất, không phân biệt giá trị tính theo bảng giá đất trên hay dưới 30 tỷ đồng đối với các thành phố trực thuộc Trung ương, thay vì phải thuê đơn vị tư vấn để xác định giá cụ thể theo các phương pháp thẩm định giá như trước đây./

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top