Gia đình - Đi để trở về

Gia đình - Đi để trở về

Thứ Bảy, 25/12/2021 - 06:15
Gia đình - đi để trở về

Tôi nhớ những ngày đã qua

Nhớ những mùa đã xa

Hồn tôi bay trong gió

Tìm đến nơi đâu nắng vàng treo đầu ngõ

Sương rớt bên thềm

Tôi nhớ những ngày ấm êm

Mái tranh vương mùi khói

Nhớ những lần chờ đợi

Mẹ mua quà...

Tôi nhớ rằng, mình đã sáng tác những câu thơ này khi mới rời quê về Hà Nội học đại học. Tôi đã trải qua cảm giác cô đơn và nhớ nhà đến phát khóc. Phải mất một thời gian, tôi mới quen dần với cảm giác tự lập và hòa nhập với nơi phồn hoa đô thị. Nhưng càng hòa nhập tốt, tôi lại dần dần ít về thăm nhà hơn. 

Chắc chắn nếu bạn là những người con đi học, đi làm xa quê, mưu sinh nơi thành phố, bạn sẽ giống tôi. Và rồi khi càng tự lập bao nhiêu, bạn lại ít về nhà bấy nhiêu với lý do chính là “bận”: Bận học, bận yêu, bận rộn với công việc, bận tiệc tùng, bạn bè, bận tiếp khách... Bạn dần quen với việc trở thành anh hùng của mình và của ai đó xa lạ, bạn quên dần ngôi nhà ở quê hương nơi có ông bà, ba mẹ hay các em luôn chờ đợi mình về.

Gia đình đi để trở về
Càng lớn và tự lập bao nhiêu, ta lại càng ít về nhà bấy nhiêu với lý do chính là “bận”... (Ảnh minh họa: Internet)

Câu chuyện đầu tiên là về cậu bạn thân của tôi. Thời còn học cấp 3, tuy học chuyên ban A nhưng tôi lại đặc biệt học dốt môn Toán, Lý, Hóa. Thế là 3 năm trên ghế nhà trường, tôi thường nhờ sự hỗ trợ của bạn để vượt qua các kỳ thi, cũng bởi vậy mà nỗi “ác mộng” của tôi với mấy môn học đó được giảm bớt. Và rồi tôi thi đại học khối D, bạn khối A. Tốt nghiệp đại học, tôi mở doanh nghiệp riêng còn cậu ấy làm cho một công ty danh tiếng tại Việt Nam, sau đó đi ra nước ngoài – một quốc gia thuộc châu Phi và giữ vai trò Phó Tổng giám đốc chi nhánh. Tôi mừng cho bạn tôi và tự hào vì đã từng là bạn thân của cậu ấy. Qua bên đó, bạn phải dành nhiều thời gian tập trung cho công việc và ít khi được về nước. Cho đến một ngày, tôi nhận được tin mẹ cậu ấy đột quỵ qua đời. Đám tang mẹ, bạn không về kịp. Rồi có lẽ vì hối hận, cậu ấy đã bỏ sự nghiệp để về nước, sau đó tôi không còn thấy bạn đi xa nữa nhưng cũng từ đó, tôi ít thấy nụ cười của bạn hơn.

Câu chuyện thứ hai: Đứa em gái tôi quen vừa xinh đẹp lại hiền hậu, giỏi giang. Nó tuy là một người nổi tiếng nhưng lại muốn tranh thủ tuổi trẻ để làm thêm nhiều việc khác, vừa để trải nghiệm bản thân, vừa để phát triển sự nghiệp. Nó kết hôn được 4 năm, chồng cũng giỏi không kém, là chủ doanh nghiệp nên liên tục phải đi công tác và tiếp khách, hai vợ chồng có rất ít thời gian dành cho nhau. Họ hứa với nhau rằng tuổi trẻ cố gắng “cày cuốc” rồi tận hưởng cuộc sống sau, bởi còn nhiều thời gian mà. Và rồi chẳng ai biết trước được điều gì sẽ xảy đến, chồng em ấy nhiễm Covid-19, dù trẻ nhưng chưa tiêm đủ vắc-xin nên đã qua đời sau khi nhiễm không lâu. Có lẽ các bạn sẽ hiểu được cảm giác tột cùng đau đớn của cô gái trẻ đó. Sau cú sốc tâm lý, dù rất mạnh mẽ nhưng cô ấy đã chọn từ bỏ toàn bộ sự nghiệp của mình để lên núi ở ẩn, làm nông.

Câu chuyện của tôi: Bốn anh em chúng tôi mỗi người đều có một cuộc sống riêng ở 4 tỉnh thành khác nhau. Anh cả tôi lập nghiệp ở Yên Bái, anh thứ hai đi làm xa nhà ở Hải Phòng, anh thứ ba sống tại Thái Lan còn tôi thì ở Hà Nội, ba mẹ lại ở Thái Nguyên. Quay lại ở thời điểm 10 năm trước, khi đó chúng tôi đều lao đầu vào sự nghiệp và chăm lo cho gia đình nhỏ của mình để rồi dần dần bớt về thăm bố mẹ, để tụ họp anh em lại càng khó hơn, có lẽ chỉ Tết mới gặp nhau đông đủ. 

Anh em chúng tôi ngày càng ít chia sẻ và nói chuyện với nhau hơn. Anh trai thứ ba ly hôn, rồi tôi cũng ly hôn, mấy năm sau anh cả tôi mất do đuối nước ở Phú Quốc, anh thứ hai bị tai nạn mất trí nhớ, bố mẹ tôi tuyệt vọng... Nhiều khi, tôi ước có thể quay lại thời gian, tôi sẽ bớt đi những cuộc gặp gỡ công việc và hạn chế tham gia các cuộc gặp vô bổ để về nhà nhiều hơn, dành thời gian cho các anh tôi nhiều hơn trước khi quá muộn.

Gia đình - đi để trở về

Cho dù bạn đang làm gì, tôi tin rằng bạn cũng có một nơi chứa đựng ký ức tuổi thơ để trở về, nơi bạn có thể nhỏ bé, nhõng nhẽo như thời còn bé mà không sợ bị đánh giá, nơi có những người luôn dang rộng vòng tay chờ đón bạn về. Rồi bạn còn có một gia đình nhỏ, nơi vợ chồng, con cái cùng nhau chia sẻ trong những bữa cơm gia đình. Có ai đó bất chợt tự hỏi mình: Bao lâu rồi mình chưa dành thời gian ăn tối cùng gia đình nhỏ? Bao lâu mình chưa nhắn những tin nhắn ngọt ngào hay nói những lời yêu thương với những thành viên trong gia đình? Đã bao lâu rồi mình không ngồi thực sự lắng nghe để hiểu con cái đang mong muốn gì, đang suy nghĩ ra sao? Có thể bạn vẫn thấy ổn với mọi thứ hiện tại, nhưng đã có rất nhiều người chỉ khi mọi thứ không còn cứu vãn được nữa, khi phải mất đi một ai đó ở nơi gọi là nhà, họ mới hối tiếc và nói giá như....

Một năm sắp qua, năm của dịch bệnh và những nỗi sợ, năm của mất mát cả về tài sản lẫn con người, nhưng đó cũng là năm để nhìn lại, để thấy rằng khi đến bước đường cùng, ta nương tựa vào đâu? Những dòng người kéo nhau về quê tránh dịch, những đứa con trông ngóng về quê nhà để có bữa ăn no... Chúng ta dành nhiều thời gian hơn cho những người xung quanh mình, nơi gọi là gia đình. Chúng ta hối tiếc vì đã không làm được nhiều cho gia đình khi không có dịch bệnh. Đường về quê ta cảm thấy chưa bao giờ xa vời đến vậy. Nếu có ai đó đã ở trong khu cách ly mới thấu hiểu cái cảm giác thèm được về nhà, ta thèm cảm giác về quê. Covid đã cho ta quá nhiều những cung bậc cảm xúc, để rồi ngộ ra nhiều điều mà trước giờ ta chưa từng nghĩ tới.

Những ngày cuối năm cận kề. Chắc chắn 2021 không phải là năm kinh tế phát triển của đại đa số chúng ta, thế nhưng đó lại là cột mốc đáng để ghi nhớ. Những ngày cuối cùng của năm, ta hãy nhìn lại để biết điều gì phải trân quý, giữ gìn, đừng để đến lúc mất đi rồi hối tiếc khôn nguôi.

Tôi vừa kết thúc chuyến đi đưa bố mẹ của tôi đã gần 80 tuổi vi vu từ TP.HCM qua Phan Thiết, Nha Trang, Phú Yên, Quy Nhơn, Quảng Ngãi và Đà Nẵng. Gần một tuần được ở trọn vẹn bên bố mẹ, có lẽ người vui nhất không ai khác mà chính là tôi. Tôi cảm nhận được sự hạnh phúc và niềm tự hào trong đôi mắt, nụ cười của những bậc cha mẹ hết lòng vì con cháu. Hãy làm những gì có thể để chứng minh rằng “Gia đình là số một”. Hãy nhớ rằng câu nói bạn thường dùng, “tôi làm mọi thứ là vì gia đình”, có lẽ chưa chắc đã đúng đâu. Nhiều khi chúng ta làm mọi thứ chỉ để thỏa mãn chính mình mà thôi, còn điều gia đình cần là hình bóng chúng ta thì ta lại không xuất hiện. 

Sắp sang năm 2022, lại sắp Tết rồi! Điều tôi muốn nhắn nhủ cũng chính là tựa đề bài viết này. Hãy dành trọn vẹn những gì tốt đẹp nhất và hiện diện bên những người thân yêu của mình bạn nhé! Và nếu làm được gì trong khả năng khiến những người thân yêu của bạn hạnh phúc, hãy làm ngay, đừng chần chừ, bởi ta chỉ có 1 cuộc đời để sống và dịch bệnh còn cho chúng ta một bài học: Cuộc đời ấy có thể dừng lại bất cứ lúc nào. Điều đó không có nghĩa là ta đang nhìn mọi việc một cách tiêu cực, mà đơn giản hơn, đó là điều ta cần chấp nhận, đối mặt để rồi sống tốt, sống có trách nhiệm hơn và trân quý hơn gia đình của chính mình./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top