Thực tế, năm 2020, lần đầu tiên lịch sử hệ thống Ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam ghi nhận có tỷ lệ CASA vượt mốc 45%. Khi đó, dự báo chuyên môn cho rằng mức độ này đã đạt đỉnh. Song, cuối năm 2021, Techcombank tạo kỷ lục mới với 50,5%.
Cuộc đua càng gay cấn, vị thế càng cao
Techcombank đã tạo được điều tưởng như “không tưởng” trong hoạt động ngân hàng tại Việt Nam: Nguồn vốn rẻ chiếm quá nửa cơ cấu vốn huy động. Chính kỷ lục trên càng thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường, tạo mục tiêu cho các NHTM khác.
Từ năm 2016, Techcombank trở thành NHTM đầu tiên thực hiện chiến dịch miễn phí giao dịch trực tuyến cho khách hàng cá nhân rồi đến khách hàng doanh nghiệp. Vài năm gần đây, nhiều nhà băng khác đã đi theo, bao gồm các ngân hàng quốc doanh lớn. Nhưng dữ liệu lại cho thấy một diễn biến thú vị.
Năm 2016 - 2018, Techcombank vẫn dẫn đầu về tỷ lệ CASA, mức tăng trưởng mạnh, từ 22,7% lên 28,7%. Nhưng khi cuộc đua ZeroFee ngày càng nóng, nhiều nhà băng khác nhập cuộc chính sách miễn phí nói trên, CASA của thành viên tiên phong này mới thực sự bứt phá.
Trong một lần trả lời nhà đầu tư, đại diện lãnh đạo Techcombank cho rằng, chính sách tiên phong miễn phí giao dịch chỉ là cú hích ban đầu - điều mà nhiều NHTM khác hoàn toàn có thể “sao chép” và đi theo. Song bí quyết “không thể sao chép” lại nằm ở yếu tố con người, mô hình vận hành, các giải pháp sáng tạo để tiên phong mang đến lợi ích và trải nghiệm cho khách hàng. Chỉ khi có tổng hòa các yếu tố trên, ngân hàng mới có thể gia tăng CASA một cách bền vững, Tổng Giám đốc Techcombank Jens Lottner cho hay.
Quan trọng là giải pháp cho khách hàng
Năm 2022, lãi suất có xu hướng tăng lên. Những nhà băng có tỷ trọng CASA lớn càng có lợi thế hóa giải áp lực cải thiện lãi biên (NIM), bình ổn lãi suất cho vay. CASA lớn cũng tạo nền tài nguyên rộng lớn cho phát triển các hệ sinh thái dịch vụ tài chính trong bán chéo, tăng thu dịch vụ và thúc đẩy lợi nhuận.
Những giá trị đó khiến cuộc cạnh tranh thu hút CASA ngày càng quyết liệt. Từ đây, câu hỏi thường xuyên được đặt ra là “Techcombank có thể giữ vị thế đứng đầu về CASA đến khi nào?”
Theo ông Ngô Hoàng Hà - Giám đốc cao cấp Tài chính Doanh nghiệp Techcombank, để tăng CASA, điều quan trọng là phải làm sao để khách hàng chọn Techcombank làm ngân hàng giao dịch chính, tức là ngân hàng cần phải thực sự thấu hiểu được nhu cầu của khách hàng và từ đó đáp ứng thật tốt.
Phân tích rõ hơn, ông Hà lấy ví dụ với với phân khúc khách hàng thu nhập cao, Techcombank không chỉ đưa ra các dịch vụ đáp ứng nhu cầu thanh toán mà còn cung cấp cả hệ thống quản lý tài sản của khách hàng, trong đó bao gồm cả hệ sinh thái đầu tư như bất động sản, trái phiếu chất lượng cao, đồng thời, đưa ra các chương trình cash back hấp dẫn khi chi tiêu thẻ tín dụng… Theo đó, khách hàng sử dụng càng nhiều sản phẩm, dịch vụ thì càng nhận được mức giá ưu đãi lớn.
Ông Hà cho biết, đây chính là phân khúc khách hàng mà Techcombank có lợi thế, với số dư CASA trung bình của phân khúc này cao hơn tới 50 lần so với nhóm khách hàng thu nhập thấp và cao hơn 10 lần phân khúc khách hàng thu nhập trung bình.
Cũng theo lãnh đạo Techcombank, dù sản phẩm được thiết kế phù hợp với từng đối tượng, phân khúc, nhưng “kim chỉ nam” đối với tất cả các sản phẩm của Techcombank là đều phải mang đến cho khách hàng trải nghiệm tốt, tiện dụng và an toàn. Theo đó, ngân hàng tiếp tục đầu tư mạnh vào công nghệ, liên tục cải tiến, đưa thêm nhiều trải nghiệm khách hàng lên kênh số.
“Đây là điểm nói thì rất dễ nhưng khó có ngân hàng nào bắt chước được chúng tôi”, ông Hà nói. Đại diện Techcombank cũng nhấn mạnh: Tỷ lệ CASA nên nhìn theo dài hạn từng năm, thay vì chỉ phân tích ngắn hạn theo từng quý.
Cụ thể hóa thêm lợi thế và yêu cầu đó, cuối năm 2021, Techcombank đưa dự án chiến lược thiết lập hồ dữ liệu (Data Lake) vào vận hành. Một hồ dữ liệu sâu rộng giúp ngân hàng thấu hiểu hơn, nắm sát hơn đặc điểm của từng phân khúc khách hàng, để chiết xuất các sản phẩm, dịch vụ tốt hơn nữa, cá nhân hóa hơn nữa theo nhu cầu/yêu cầu của họ. Và hồ dữ liệu này cũng là cơ sở để ngân hàng tối ưu hơn, tốc độ hơn, an toàn hơn nữa trong vận hành và phục vụ.
“Một điểm rất thú vị là trong năm 2021, không chỉ phân khúc khách hàng cá nhân mà cả phân khúc doanh nghiệp siêu nhỏ và SME đều có sự tăng trưởng CASA ở mức tốt. Số lượng, khối lượng giao dịch online đều tăng trưởng mạnh, đặc biệt là giao dịch thanh toán chuyển tiền, mua bán ngoại tệ online”, ông Ngô Hoàng Hà cho hay.
Theo dự kiến, từ tháng 3/2022, Techcombank sẽ ra mắt App Mobile mới cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp, với nhiều cải tiến và trải nghiệm tốt hơn. Đây là điểm sẽ giúp Techcombank tiếp tục giữ đà tăng trưởng và “thách thức” các nhóm bám đuổi CASA trong năm 2022 và các năm tiếp theo..