Aa

Giá trị nợ xấu đã mua khoảng 13.000 tỷ đồng, đề xuất khơi thông thị trường mua bán nợ

Chủ Nhật, 27/08/2023 - 06:09

Theo Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), từ năm 2017 đến nay, giá trị nợ xấu đã mua theo giá thị trường khoảng 13.000 tỷ đồng và VAMC đã xử lý khoảng trên 11.000 tỷ đồng.

Thông qua hoạt động mua bán theo giá thị trường, VAMC vừa phát triển thị trường mua bán nợ; đồng thời cũng góp phần khơi thông dòng tín dụng cho nền kinh tế. Từ đó, góp phần hồi sinh nhiều các dự án cũng như tạo điều kiện cho các hoạt động xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD).

Tuy nhiên để phát triển thị trường mua bán nợ ở Việt Nam, VAMC đã đề xuất với các cơ quan chức năng nhiều giải pháp hiệu quả. Nếu thị trường bán nợ phát triển sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm.

Ông Đỗ Giang Nam, thành viên Hội đồng thành viên (HĐTV) Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết: Mặc dù đạt được nhiều kết quả nhưng việc mua bán nợ xấu theo giá trị thị trường vẫn còn tồn tại hạn chế nhất định, đặc biệt về nguồn lực. Hiện vốn điều lệ của VAMC chỉ có 5.000 tỷ đồng, so với quy mô tổng nợ xấu thị trường còn rất khiêm tốn. 

Mới đây, VAMC đã đề xuất với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép VAMC tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng theo lộ trình tại Quyết định 1058 về Đề án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020. Ngoài ra, cho phép VAMC được phát hành trái phiếu có lãi suất để mua nợ theo giá thị trường.

Và theo hướng này VAMC mong muốn được giữ vai trò làm trung gian. Hiện Sàn Giao dịch nợ VAMC đang tư vấn, môi giới và quan trọng nhất là mong muốn trở thành định chế trung gian kết nối TCTD với các nhà đầu tư.

Theo Thông tư 32/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 19/2013/TT-NHNN quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC,  VAMC được phép phát hành trái phiếu và trái phiếu đặc biệt để mua nợ xấu. Tuy nhiên, lãi suất trái phiếu và trái phiếu đặc biệt là 0%. 

Trước đó, TS .Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia cho biết: Xét về tiềm năng, với tổng giá trị nợ xấu của các TCTD ở mức cao và có thể còn tăng lên trong năm 2023 - 2024 trong bối cảnh kinh tế, doanh nghiệp, bên vay gặp nhiều khó khăn và Thông tư 02 về cơ cấu lại nợ sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 6/2024, cùng với dư nợ tín dụng hiện tại 125% GDP... Tiềm năng phát triển thị trường mua bán nợ nói chung và nợ xấu nói riêng là rất lớn.

Chuyên gia kinh tế này cũng đề xuất: Chính phủ và Bộ Tài chính có thể cân nhắc việc thành lập Trung tâm mua bán nợ có thể do Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam (DATC) là đầu mối, có kết nối chặt chẽ với sàn mua bán nợ xấu của hệ thống TCTD do VAMC làm đầu mối nhằm khơi thông thị trường mua bán nợ nói chung và nợ xấu nói riêng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top