Aa

Giải ngân vốn đầu tư công: Nhiệm vụ không bước lùi

Chủ Nhật, 22/05/2022 - 14:00

Các Tổ công tác của Chính phủ về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đã lần lượt làm việc với các tỉnh, bộ ngành để thúc đẩy tiến độ giải ngân.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho rằng, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ rất cấp bách; các tỉnh hiện đã cam kết đến cuối năm sẽ giải ngân 100% số vốn, vì vậy cần sớm vào cuộc xử lý những vấn đề tồn đọng, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới.

Giải ngân đầu tư công thấp

Bộ Tài chính cho biết, giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2022 ước đạt 22,37% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (22,12%). Trong đó vốn trong nước đạt 23,53%, vốn nước ngoài đạt 6,26%.

Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (50,48%), Ngân hàng Phát triển (49,42%), Văn phòng Chính phủ (38,88%), Lâm Đồng (49,4%), Bình Thuận (41,98%), Tiền Giang (39,1%). Tuy nhiên, vẫn còn 41/51 bộ và 21/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%, trong đó, đáng quan ngại, có 5 bộ vẫn chưa hề giải ngân kế hoạch vốn.

Theo các địa phương, nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là do thời tiết không thuận lợi, việc thi công gặp nhiều khó khăn; công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) gặp vướng mắc về đơn giá, phương án đền bù; vật liệu xây dựng thiếu hụt, giá cả tăng cao. Với các dự án khởi công mới vẫn chưa hoàn thiện thủ tục thiết kế, dự toán và tổ chức đấu thầu xây lắp cũng chưa giải ngân được vốn.

Ngoài ra, một số tỉnh cũng cho biết gặp khó khăn về thẩm quyền trong việc kéo dài thực hiện, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công hằng năm của các dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương.

Thi công cao tốc Bắc Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây - Ảnh: Phước Tuấn/Báo Kinh Tế Đô Thị

Các địa phương đề xuất Trung ương xem xét, sửa đổi một số quy định trong Luật Đầu tư công, Luật Khoáng sản, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng quy định về việc thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi.

Bên cạnh đó, các địa phương đề nghị Trung ương sớm giao vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia; trình Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2021 và các năm trước sang năm 2022; có phương án hỗ trợ cho các nhà thầu khi giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao…

Không được lùi tiến độ

Liên tiếp trong mấy ngày qua (16 - 18/5), 4 tổ công tác của Thủ tướng do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm trưởng đoàn đã trực tiếp tới địa phương, làm việc với lãnh đạo nhiều tỉnh, TP để nắm bắt tình hình, kết quả giải ngân vốn đầu tư công và giải quyết những khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy tiến độ này.

Khối lượng giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 khoảng trên 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 200.000 tỷ đồng so với những năm trước. Trong khi đó, tỷ lệ giải ngân đến nay cơ bản thấp, do đó từ nay đến cuối năm, tổng số vốn NSNN phải giải ngân ở các địa phương là rất lớn.

Qua ý kiến tại các cuộc họp, Tổ trưởng các tổ công tác đã đề nghị các cơ quan liên quan khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện báo cáo về giải ngân vốn đầu tư công phù hợp với tình hình, đặc điểm của các bộ, cơ quan Trung ương; rà soát kỹ tất cả các khâu, từ chuẩn bị dự án đầu tư, GPMB đến triển khai thi công, đôn đốc tiến độ…

Cùng với đó là kiên quyết khắc phục tình trạng khi đưa vào danh mục đầu tư dự án chưa hoàn thiện thủ tục; thực hiện dứt điểm giải phóng mặt bằng trước khi triển khai dự án; rà soát, kiện toàn năng lực các ban quản lý dự án;…

Đặc biệt, lãnh đạo các tổ công tác yêu cầu người đứng đầu các bộ, cơ quan phải xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022. Vì vậy, cần phải chỉ đạo, điều hành quyết liệt để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Tổ trưởng công tác số 6 cho biết, vấn đề cơ chế chính sách vẫn phải sửa đổi nhưng thực tiễn triển khai cũng phải chủ động, sáng tạo, tránh tâm lý sợ trách nhiệm. "Lãnh đạo các địa phương phải đôn đốc, giải quyết ngay tại hiện trường, giải quyết ngay tại nút thắt" - ông Phớc nói.

“Một số các quy định phải thực hiện theo luật pháp, nhưng trong quá trình triển khai phải sáng tạo. Theo kinh nghiệm, công tác chuẩn bị là lâu nên phải đi trước một bước, khi được bố trí vốn, tách dự án GPMB, giai đoạn bồi thường thành dự án độc lập. Các công trình chuẩn bị làm thủ tục đấu thầu, nên thực hiện theo đơn giá điều chỉnh, tạo thuận lợi cho DN và nhà nước trong thanh quyết toán” - Bộ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ.

Chú trọng hiệu quả nguồn vốn đầu tư

Năm 2022 - 2023, chúng ta đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tổng vốn đầu tư công cần hấp thụ trong 2 năm là rất lớn. Bộ Tài chính dự báo tới đây, sẽ còn nhiều khó khăn, do đó, cần tập trung tháo gỡ các vướng mắc, gỡ khó cho doanh nghiệp để công trình đẩy nhanh tiến độ, đưa nhanh vào sử dụng, phát huy hiệu quả, thúc đẩy tăng trưởng, chống lạm phát.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao hơn bình quân chung cả nước, nhưng vẫn còn một số chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp. Tổng vốn Bộ GTVT được giao trong năm nay khoảng 45.000 tỷ đồng.

Để giải ngân hết số vốn lớn kể trên, theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, các chủ đầu tư phải xây dựng phương án theo từng giai đoạn. Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị cần tìm giải pháp đẩy nhanh thủ tục, giải quyết nguồn cung vật liệu, tăng cường thi công bù tiến độ bị chậm.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chia sẻ, các dự án cố gắng bám sát tiến độ đề ra. Song, tuyệt đối không đánh đổi chất lượng công trình lấy tiến độ hay kết quả giải ngân.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho hay, Bộ đặt mục tiêu đến hết ngày 31/1/2023 phải hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2022 được giao. Các chủ đầu tư phải ký cam kết tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 với Bộ Xây dựng theo từng tháng.

Để đưa toàn bộ lượng vốn đầu tư công năm 2022 vào nền kinh tế, TP. Hà Nội đưa ra những giải pháp như: Yêu cầu các cấp tăng cường theo dõi, chủ động kiểm tra, rà soát dự án, rút ngắn tối đa thời gian, tiến độ thực hiện, đảm bảo chất lượng công trình. Báo cáo định kỳ trước ngày 5 hàng tháng, trong đó nêu rõ các khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị của từng dự án.

Sự nỗ lực và quyết tâm sẽ mang lại những thành quả tốt đẹp. Cần nhắc lại, những tháng cuối năm 2021, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương rất sốt ruột khi tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Nhưng nỗ lực “chạy nước rút” cuối năm mang lại kết quả bất ngờ.

Ước đến ngày 31/1/2022, thời điểm kết thúc niên hạn ngân sách năm 2021, giải ngân vốn đầu tư từ nguồn NSNN năm 2021 đạt 93,47% kế hoạch được Thủ tướng giao. Chỉ riêng 6 tháng cuối năm, đã giải ngân được 64,45% kế hoạch cả năm, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 (64,04%).

"Thủ tướng đã rất quyết liệt trong việc chỉ đạo giải ngân cho các dự án, những chỉ đạo như vậy là rất kịp thời và cần thiết. Chúng ta cần phải có những khung khổ pháp lý mạnh mẽ hơn. Đồng thời, Chính phủ nên xây dựng một bộ chỉ số đánh giá về khả năng thực thi giải ngân đầu tư công, giống như chỉ số KPI trong doanh nghiệp, để đánh giá, đo lường khả năng thực thi các dự án.

Chậm, không phân bổ đúng dự toán, không thực hiện đúng dự toán thì năm sau chúng ta điều chỉnh cắt. Nhà thầu nào thi công mà không bảo đảm đúng tiến độ thì loại; địa phương, bộ ngành nào giải ngân chậm thì chuyển cho địa phương, bộ ngành khác; thậm chí phải đánh giá trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo các đơn vị…"- PGS.TS Vũ Sỹ Cường - Học viện Tài chính.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top