Giải phóng nguồn lực đất vàng hậu di dời nhà máy, trụ sở bộ ngành

Giải phóng nguồn lực đất vàng hậu di dời nhà máy, trụ sở bộ ngành

Nguyên Hà
Nguyên Hà lienlien.media@gmail.com
Thứ Bảy, 22/08/2020 - 06:00

Với cách làm hiện tại, những khu đất vàng hậu di dời rất dễ bị thâu tóm, biến thành những chung cư, cao ốc thay vì mục đích ưu tiên xây dựng hạ tầng cây xanh, trường học... Đây là thực tế rất khó phủ nhận. Và chính những “miếng bánh lợi ích” có được từ đất vàng cũng là nút thắt khiến việc di dời nhà máy, trụ sở bộ ngành vẫn mắc kẹt nhiều năm nay, không ít lần làm nóng nghị trường.

dat- vang 1

Chủ trương di dời trụ sở các bộ, ngành, cơ quan trung ương ra khỏi nội đô Hà Nội được thông qua tại Nghị quyết số 16/2008/NĐ-CP của Chính phủ. Đến tháng 1/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội.

Trước đó, kể từ thời điểm năm 1992, Hà Nội đã có kế hoạch di dời các cơ sở công nghiệp không phù hợp ra khỏi nội đô, sau khi quy hoạch chung được duyệt.

Năm 2016, tại báo cáo về tác động của Luật Thủ đô, TP. Hà Nội đã xác định lộ trình đến năm 2020, sẽ di dời 117 cơ sở gây ô nhiễm trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành. Trong đó, quận Đống Đa có 15 cơ sở; quận Ba Đình 2 cơ sở; quận Cầu Giấy 2 cơ sở; quận Hai Bà Trưng 18 cơ sở; quận Hoàn Kiếm 6 cơ sở; quận Hà Đông 28 cơ sở; quận Bắc Từ Liêm 6 cơ sở; quận Thanh Xuân 9 cơ sở; quận Nam Từ Liêm 2 cơ sở; quận Hoàng Mai 11 cơ sở; quận Long Biên 17 cơ sở.

Tuy nhiên, sau 2 năm, tại hội nghị giao ban trực tuyến tháng 9/2018, số liệu báo cáo TP. Hà Nội đưa ra mới chỉ giảm được 4 cơ sở và vẫn còn tới 113 nhà máy chưa di dời.

thu-hoi-dat-vang 3

Đến thời điểm hiện tại, cụm nhà máy sản xuất cao su, thuốc lá, bóng đèn, giày... vẫn nằm “trơ gan cùng tuế nguyệt” giữa trung tâm Thành phố. Đáng nói là trước đó, có rất ít cá nhân, tổ chức, nhất là các cơ quan quản lý Nhà nước của Thành phố nhắc đến vấn đề di dời những cơ sở này cho tới khi xảy ra vụ cháy kho nhà máy Rạng Đông (phường Hạ Đình), với 27kg thủy ngân bị phát tán ra môi trường (theo số liệu từ các chuyên gia của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).

Thực tế, các doanh nghiệp vẫn muốn “ôm đất” chờ thời, mặc kệ những nguy cơ gây hiểm họa cho môi trường Thành phố. Một quỹ đất khổng lồ vẫn đang nằm “chình ình” như những vùng đất chết vì chỉ để làm nhà kho giữa trung tâm Thủ đô, bất chấp sự thiếu hụt nghiêm trọng về quỹ đất để xây dựng các hạng mục hạ tầng đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân đô thị. 

“Hiện nay, các nhà máy trong nội thành Hà Nội đều nằm trên những mảnh đất lớn, có giá trị cao, "miếng bánh lợi ích" từ những miếng đất để lại vẫn còn tồn tại, vì vậy nhiều doanh nghiệp chưa có nhu cầu mở rộng sản xuất vẫn chưa dời đi”, KTS. Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhấn mạnh.

Cũng bởi lý do muốn bám trụ đất vàng, công tác di dời các trụ sở bộ, ngành cũng ì ạch không kém. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng vào cuối năm 2019, trong số 9 cơ quan được bố trí đất để chuyển trụ sở ra nội đô (gồm: Bộ Công an, Ngoại giao, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Dân tộc) có tới 7 đơn vị dù đã chuyển ra trụ sở mới vẫn tiếp tục giữ trụ sở cũ, chỉ có Bộ Nội Vụ đã bàn giao cho trung ương quản lý; 2 đơn vị được chấp thuận chuyển đổi mục đích sang đầu tư xây dựng nhà ở, văn phòng cao tầng cho thuê.

thu-hoi-dat-vang-4

TP. Hà Nội đã dành khoảng 100ha đất trên địa bàn quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm để sắp xếp cho việc di dời trụ sở bộ ngành. Tuy nhiên đến nay, Hà Nội chưa thu hồi được mét đất nào từ các cơ sở cũ nhằm mục tiêu giảm tải cho khu vực nội đô, gây lãng phí lớn đối với ngân sách nhà nước.

Dù các kế hoạch di dời liên tục được đặt ra nhưng Hà Nội không cách nào buộc các doanh nghiệp công nghiệp “nhả” đất vàng, các bộ ngành có trụ sở mới "nới" trụ sở cũ mà vẫn tìm mọi lý do để ở lại. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, làm đau đầu các nhà quản lý, nhưng nút thắt lớn nhất có lẽ vẫn nằm ở cụm từ “đất vàng” với bài toán lợi ích chưa được làm tròn. 

Đất vàng với những giá trị khổng lồ đã trở thành miếng bánh lợi ích mà ai cũng muốn xí phần. Một khi đã có được thì khó để “nhả” ra. Và một khi việc xử lý khu đất vàng hậu di dời không đạt hiệu quả, không đúng quy hoạch, không quyết liệt sử dụng đúng mục đích, các hệ lụy đối với tương lai của đô thị chỉ còn chờ thời gian để bộc lộ.

dat- vang 2

Điều 15, Luật Thủ đô, Quyết định số 130/QĐ-TTg về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan đơn vị trong nội thành Hà Nội nêu rõ: 

Việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị; không làm tăng chất tải cho khu vực nội thành, đảm bảo cân bằng nhu cầu về hạ tầng xã hội, kỹ thuật và môi trường đô thị, không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế ở những khu đất sau khi di dời nhà máy, trụ sở bộ ngành, nội dung trong quyết định nói trên dường như mới chỉ nằm trên giấy. Các khu đất vàng thay vì trở thành công viên hay trường học thì lại phải oằn mình gánh loạt chung cư cao tầng.

Câu chuyện 20 tòa chung cư mọc lên chen chúc trên tuyến đường chỉ dài 720m - Nguyễn Tuân là một điển hình. Tuyến đường này đang trở thành điểm nóng về phát triển cao ốc và điểm đen về ùn tắc giao thông, quá tải hạ tầng.

chung cu nguyen tuan
Tuyến đường này đang trở thành điểm nóng về phát triển cao ốc và điểm đen về ùn tắc giao thông, quá tải hạ tầng. Ảnh: Zing.vn

Theo tìm hiểu, quỹ đất xây dựng chung cư dọc đường Nguyễn Tuân chủ yếu xuất phát từ các nhà máy cũ. Cụ thể, dự án Thống nhất Complex tiền thân là Nhà máy xe máy Thống Nhất; dự án 90 Nguyễn Tuân cũng là khu đất Xí nghiệp xe buýt do Tổng Công ty Vận tải Hà Nội quản lý.

Các dự án ở đây được quảng cáo có vị trí nằm tại quận Thanh Xuân, gần các trục đường lớn như vành đai 3, Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương... để thu hút khách hàng. Trong khi đó, tiện ích nội khu, các sân chơi, khuôn viên hầu như không tìm thấy ở các dự án dọc đường Nguyễn Tuân.

Theo một khảo sát thực địa khác của PPWG (nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân), trong số 39 nhà máy thuộc dạng di dời ghi trong danh sách kèm theo công văn số QHKT/8/2011 của Sở Quy hoạch Kiến Trúc Hà Nội ở hai quận Hai Bà Trưng và Thanh Xuân thì có 21 nhà máy đã di dời. Trong đó, có 19 nhà máy được chuyển đổi mục đích sử dụng sang xây chung cư thương mại hoặc biệt thự liền kề và chỉ có 2 nhà máy được thay thế bằng mục đích sử dụng khác là đường trên cao và đại học tư nhân.

di doi nha may

Trong danh sách ngành nghề kinh doanh của Công ty Rạng Đông được ghi trên Cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp trước thời điểm bị cháy nhà máy ở Hạ Đình, ngành nghề kinh doanh bất động sản đã được bổ sung.

Báo cáo tháng 5/2018 của Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, Rạng Đông đã nhận được sổ đỏ chứng nhận quyền sử dụng đất và có quyền tự do chuyển đổi mục đích khu đất 5,7ha. Dù theo quy hoạch 1/2.000 của TP. Hà Nội về phân khu H2-3, khu đất 5,7ha này của Rạng Đông được quy hoạch là đất công cộng, trường học và một phần chưa xác định.

Với từng bước như vậy, sẽ không khó nếu Rạng Đông muốn hợp tác đầu tư để phát triển ngành nghề kinh doanh mới bổ sung, như cách Công ty Cơ khí Hà Nội, Cao su Sao Vàng, Dệt kim Đồng Xuân... đã từng làm. Chưa kể, giá trị khu đất hiện không được hạch toán như một tài sản của Rạng Đông, do vậy nếu chuyển nhượng khu đất, Rạng Đông có thể thu được lãi cao.

di doi nha may 4

“Sau khi di dời các cơ sở được cho là gây thảm họa ra khỏi Thành phố để bớt độc hại thì việc xây dựng bất động sản trên khu đất lại gây thảm họa cho Thành phố bằng một cách khác, đó là thảm họa mất cân đối về hạ tầng, giao thông, ngập lụt, không khí không thể nhìn thấy được. Đó là sự ngấm ngầm của bụi mịn, chất độc chì trong xăng xe hằng ngày lan tỏa. Vụ Rạng Đông chỉ vài đêm rồi những câu chuyện ồn ào sẽ qua đi. Nhưng di dời rồi quỹ đất ấy không được quy hoạch, quản lý hợp lý, lại bị nhồi nhét chung cư, phá vỡ quy hoạch đô thị… thì hậu quả có khi còn nghiêm trọng hơn”, KTS. Trần Huy Ánh nhấn mạnh.

Không chỉ đất vàng hậu di dời nhà máy bị biến tướng mục đích sử dụng theo quy hoạch, nhiều phần đất của các trụ sở bộ ngành sau khi di dời cũng nhanh chóng biến thành chung cư, nhà ở. Đơn cử như trụ sở của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ở 42 Lý Thường Kiệt đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận chuyển đổi chức năng (xây dựng công trình thương mại, văn phòng cao 21 tầng). Trụ sở cũ của Thanh tra Chính phủ tại 220 Đội Cấn, Ba Đình cũng đang được triển khai lập dự án nhà ở.

Sau thời gian giữ đất, dù đã có trụ sở mới hơn 4.000 tỷ đồng ở mặt đường Lê Quang Đạo (Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhưng mới đây, Bộ Ngoại giao đã đề nghị cho phép Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn được kêu gọi đối tác bên ngoài đầu tư xây dựng lại cơ sở nhà, đất cũ tại số 2, ngõ 294 Kim Mã (quận Ba Đình, Hà Nội) thành Tổ hợp căn hộ, văn phòng cho thuê và khách sạn 5 sao phục vụ hoạt động đối ngoại.

Theo các chuyên gia, việc sử dụng đất vàng hậu di dời nhà máy, trụ sở đang giống câu chuyện “dời một người đi lại đón 10 người về”, điều này không chỉ trái luật, trái quy hoạch mà còn thể hiện cách thức làm quy hoạch của Hà Nội hiện nay đang có vấn đề.

294 kim ma
Khu đất tại ngõ 294 Kim Mã đang được Bộ Ngoại giao đề xuất làm tổ hợp căn hộ, văn phòng cho thuê và khách sạn. Ảnh: Dân Việt.

“Luật Thủ đô xác định: Di dời trụ sở một số bộ ngành, các cơ sở sản xuất công nghiệp không phù hợp và các cơ sở y tế để xây dựng các công trình công cộng và không gian xanh. Nếu không làm đúng như vậy là trái với Luật Thủ đô và cũng cho thấy việc di dời trụ sở bộ ngành đã thiếu sự giám sát, chỉ đạo của Nhà nước trong thực hiện Luật Thủ đô và Quy hoạch chung”, KTS. Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội nhấn mạnh.

KTS. Trần Huy Ánh cũng nhìn nhận, việc các cao ốc lần lượt mọc lên ở quỹ đất đã được di dời thay vì các công trình công cộng là câu trả lời cho sự thiếu kiểm soát, giám sát; sự nhờn luật khiến các đơn vị tiếp tục ôm đất, có nguy cơ biến thành các công trình bất động sản khác, hậu quả là gây áp lực lên hạ tầng trong khu vực nội đô.

TS. KTS. Trương Văn Quảng, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cũng cho rằng, thực tế câu chuyện xây cao ốc, phá vỡ quy hoạch vẫn diễn ra là do khâu thực thi chưa được quản lý chặt chẽ.

“Đôi khi vẫn còn tình trạng cơ chế xin - cho, điều chỉnh quy hoạch theo hướng gia tăng mật độ xây dựng. Doanh nghiệp phát triển mà không có lợi nhuận thì họ sẽ không đầu tư”, ông Quảng nói.

Cao ốc lần lượt mọc lên trên quỹ đất đã di dời nhà máy tại đường Nguyễn Tuân. Ảnh: Zing.vn.

Chính Bộ Xây dựng cũng thừa nhận, việc cụ thể hóa, thực hiện các định hướng, chủ trương của quy hoạch chung đã được phê duyệt chưa được thực hiện nghiêm túc, đặc biệt là chủ trương về di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội, TP.HCM triển khai chậm.

“Quỹ đất sau khi di dời các nhà máy xí nghiệp ra khỏi khu vực nội thành phần lớn được sử dụng để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở, trung tâm thương mại, văn phòng, chưa tuân thủ theo đúng định hướng quy hoạch chung, gây gia tăng áp lực về dân số và quá tải về hạ tầng tại khu vực nội thành”, Bộ Xây dựng cho hay.

Liên quan đến vấn đề này, TS. KTS. Phạm Anh Tuấn, khoa Kiến trúc quy hoạch, Đại học Xây dựng nhấn mạnh thêm, chúng ta có quy hoạch nhưng thực tế thực hiện, triển khai quy hoạch đó dường như lại đang có sự đối lập lại với quy hoạch ban đầu. Không gian xanh không những không được mở rộng thêm mà còn bị giảm đi. Ở vị trí trung tâm, nhu cầu sử dụng không gian xanh lớn thì không còn quỹ đất, nói đúng hơn là quỹ đất hầu hết đã bị “thâu tóm”. Trong khi đó, nhiều công viên lớn lại quy hoạch ở vị trí xa trung tâm, hạn chế khả năng tiếp cận của người dân nội đô, gây ra sự lãng phí lớn.

dat vang 3

Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội cho thấy, cả nước có đến 1.390 dự án có quy hoạch điều chỉnh từ 1 - 6 lần. Quy hoạch được điều chỉnh thường có xu hướng tăng số tầng, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ, tăng mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất; giảm diện tích đất cây xanh công cộng, đất công trình hạ tầng kỹ thuật hoặc bổ sung chức năng nhà ở vào các lô đất thương mại, văn phòng làm gia tăng chênh lệch địa tô, tăng mật độ xây dựng, quy mô dân số.

Điểm đáng lo ngại là việc điều chỉnh quy hoạch được thực hiện theo đề xuất của nhà đầu tư đã làm thay đổi lớn so với quy hoạch ban đầu, gây hệ lụy lớn về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội trong khu vực, ảnh hưởng đến lợi ích người dân như một số dự án của TP. Hà Nội.

“Một điều lạ là Hà Nội dường như đang dễ dàng quá mức trong việc chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch theo hướng ngược, là gia tăng mật độ, gia tăng diện tích xây nhà cao tầng và cắt giảm diện tích không gian xanh, hồ nước, trong khi lẽ ra phải điều chỉnh theo hướng giảm",  TS. KTS. Ngô Doãn Đức, Uỷ viên Ban thường vụ Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhấn mạnh. 

di doi nha may 5

Ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cũng cho rằng, nguyên nhân của tình trạng phát triển đô thị kiểu “phong trào” là do khâu thực hiện và quản lý quy hoạch yếu kém.

“Một thời gian dài, chúng ta thực hiện quy hoạch theo kiểu đã có quy hoạch chung là coi như xong. Các chủ đầu tư bám vào quy hoạch chung để “chấm” dự án, nhưng điều này là sai lệch cơ bản, vì quy hoạch chung chỉ mang tính định hướng, sau nó là các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị... Đây mới chính là một bộ công cụ để quản lý đầy đủ về đô thị và cũng là công cụ để thực hiện quy hoạch”, ông Chiến cho biết.

Cũng theo ông Chiến, việc chỉ dựa vào quy hoạch chung để hình thành các dự án đã dẫn đến tình trạng phát triển ồ ạt, không xuất phát từ chính nhu cầu phát triển của các đô thị. Điều này cũng chính là nguyên nhân khiến nguồn lực dành cho phát triển đô thị bị phân tán, mất cân đối cung cầu và dẫn đến tình trạng “nhìn mặt nhau để thỏa thuận”. Nhà nước không những mất vai trò định hướng, mà còn trở thành người đi sau nhà đầu tư để hợp thức hóa các dự án.

thu-hoi-dat-vang 2

Theo các chuyên gia, bản quy hoạch dù có hoàn hảo đến mấy khi áp dụng vào thực tế cũng sẽ phát sinh vấn đề, đặc biệt là khi theo thời gian, thực tiễn có nhiều thay đổi. Nhưng việc điều chỉnh quy hoạch lẽ ra phải theo hướng tốt lên, tức là điều chỉnh làm sao để phù hợp hơn nhưng không “giẫm đạp” lên những mục tiêu tốt đẹp đã đặt ra trước đó.

Đó là nguyên nhân căn bản khiến các khu đất vàng của nhà máy, trụ sở bộ ngành dù đã được quy hoạch mục đích sử dụng ban đầu rất rõ ràng nhưng thực tế khi triển khai lại biến tướng theo hướng ngược lại. Đặc biệt là những khu đất được quy hoạch làm công viên, trường học. Việc gia tăng các khối bê tông cao ốc đã dẫn đến sự mất cân đối trong bài toán hạ tầng đô thị, dẫn đến sự quá tải, thiếu hụt trầm trọng không gian xanh.

di doi nha may 3

Theo KTS. Đinh Đăng Hải, chuyên gia Dự án Thành phố Sống Tốt, Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam, hiện nay, diện tích không gian công cộng ở Hà Nội rất hạn chế, trung bình người dân Hà Nội chỉ có 3m2 diện tích không gian công cộng/người. Thậm chí những người dân sống ở quận Hoàn Kiếm chỉ có 30cm2/người. Như vậy, Hà Nội còn một khoảng cách rất xa mới đạt chuẩn về không gian công cộng so với các thành phố trên thế giới. Đây là điều rất đáng lo ngại.

“Một khu đất mà có không gian công cộng thì giá trị khu đất đó cũng tăng lên. Giá trị này thuộc về người dân. Trong khi đó, khu đất chuyển đổi thành trung tâm thương mại thì lợi ích đó thuộc về một nhóm người. Đó là những doanh nghiệp, tập đoàn sở hữu khu trung tâm thương mại đó", ông Hải nhấn mạnh thêm.

Chia sẻ khảo sát về nhu cầu không gian công cộng của người dân Hà Nội, chuyên gia Lê Quang Bình, Chủ tịch PPWG cho biết, đa số người dân được hỏi muốn nhà máy chuyển đi được thay bằng công viên (93%), cơ sở y tế (43%) hoặc cơ sở giáo dục (40%). Điều này cũng nhất quán với nhu cầu của người dân Hà Nội khi 92% người dân được hỏi cho rằng không gian công cộng là quan trọng với lối sống của họ và 79% cho rằng Hà Nội đang thiếu không gian công cộng.

Theo các chuyên gia, hệ lụy của việc phát triển mảng xanh thiếu cân đối chúng ta đã và đang nhìn thấy rất rõ. Đô thị sẽ không thể phát triển bền vững nếu thiếu đi những hạ tầng cốt yếu mang tính cải thiện khí hậu rất lớn như không gian xanh.


dat-vang 4

Trong bối cảnh quỹ đất nội đô hạn hẹp, đặc biệt là quỹ đất dành cho phát triển không gian xanh và hạ tầng xã hội, việc thu hồi đất sau khi di dời nhà máy, trụ sở bộ, ngành cần được thực hiện nghiêm túc. Hậu thu hồi, các khu đất phải được thực hiện đúng quy hoạch, ưu tiên dành cho phát triển không gian xanh thay vì nhồi nhét thêm cao ốc.

Tuy nhiên, việc để doanh nghiệp tự giác bàn giao lại mặt bằng là rất khó khăn nên muốn di dời và sử dụng quỹ đất hậu di dời một cách hiệu quả, các chuyên gia cho rằng, Thành phố cần xây dựng hành lang pháp lý quy định rõ ràng việc doanh nghiệp phải di dời khi đã được bố trí quỹ đất và nhận sự hỗ trợ dịch chuyển. Đối với những đơn vị đã được bố trí cơ sở sản xuất mới, Thành phố cần ban hành quyết định hành chính yêu cầu doanh nghiệp đưa ra lộ trình di chuyển rõ ràng, hoặc cưỡng chế bàn giao lại quỹ đất cho Thành phố quản lý và sử dụng.

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Reenco Sông Hồng cho rằng, Hà Nội đã làm tốt được công tác bố trí đất để phục vụ cho việc di dời. Song mỗi bộ, ngành đều có đặc quyền rất lớn, Hà Nội không thể tự giải quyết vì nó sẽ dẫn đến nguy cơ xung đột về lợi ích và quyền lực. Do đó, cần phải có sự quyết liệt từ Chính phủ buộc phải bàn giao lại đất khi đã có trụ sở mới mà không kể bất cứ lý do gì và phải có chế tài.

“Theo tôi, để giải quyết vấn đề này cần phải có sự kiểm soát chặt chẽ về mật độ dân số và năng lực hạ tầng. Nếu những khu vực nào có đủ điều kiện để tăng mật độ dân số, mật độ văn phòng thì có thể chuyển đổi để cho các bộ, ngành có nguồn lực xây dựng hoặc là Thành phố có quỹ để làm công tác di dời, bố trí mặt bằng mới.

Còn đối với những khu vực nào mật độ dân số và văn phòng đã quá dày rồi thì bố trí làm các công trình công cộng, công ích…”, ông Điệp cho hay.

di- dơi - nha- may 1

TS. KTS. Trương Văn Quảng cũng nhìn nhận, bài toán quan trọng nhất là phải cân bằng được lợi ích của các bên trong việc sử dụng khu đất vàng theo đúng quy hoạch, làm sao để đô thị có lợi, người dân có lợi và doanh nghiệp cũng có lợi, hướng tới lợi ích chung là giải tỏa khu vực gây ô nhiễm, giải phóng nguồn lực khu đất trụ sở bộ, ngành cũ để phục vụ mục tiêu phát triển không gian công cộng cho đô thị.

Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia, cần thống nhất quan điểm, sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. “Các doanh nghiệp, bộ ngành cần nghiêm túc thực hiện theo đúng quy hoạch chung đã được xác định thì rõ ràng sẽ không phải lo ngại vấn đề quá tải do sử dụng đất sai mục đích sau khi di dời”, ông Quảng nói. 

Còn theo phân tích của KTS. Đào Ngọc Nghiêm, các dự án bất động sản, chung cư hoặc các công trình mang tính chất kinh doanh được ưu tiên xây dựng là do đem lại được nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp. Trong khi đó, các công trình cây xanh phục vụ người dân thì không rõ chức năng nhiệm vụ và không đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Điều này khiến quá trình thực hiện xây dựng công trình công cộng rất chậm.

“Nên có quy định các đơn vị di dời trụ sở phải bàn giao lại quỹ đất cho Hà Nội, chứ không thể để tình trạng các đơn vị lấy đất đó liên doanh, liên kết với doanh nghiệp xây cao ốc làm tăng áp lực dân số tại nội thành”, KTS. Đào Ngọc Nghiêm nói thêm.

di - doi- nha- may 2

Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia, phải công bố, công khai quy hoạch phát triển các quỹ đất trống cho nhân dân được biết. Từ đó, người dân sẽ phối hợp với cơ quan Nhà nước để cùng kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện các quỹ đất trống theo quy hoạch đã phê duyệt.

“Năm 2050, nội đô Hà Nội sẽ đạt chuẩn “xanh”. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào quỹ đất của các nhà máy, xí nghiệp chuẩn bị di dời kia. Tuy nhiên, quy hoạch đúng, chủ trương đúng, việc còn lại là cách thực hiện cũng phải đúng, như vậy mới có thể thực hiện được”, ông Nghiêm nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, việc đấu giá công khai minh bạch các khu đất sau khi di dời là chủ trương đúng đắn, nhưng phải làm thận trọng. Phải làm sao để đất “vàng” không biến thành các khu nhà cao tầng, vì sẽ càng gây áp lực cho đô thị. Bên cạnh bài toán lợi ích thì trách nhiệm của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp trong việc quản lý và sử dụng đất vàng cũng cần được làm tròn; tránh tình trạng trách nhiệm của sự ì ạch, chậm trễ di dời hay sử dụng đất sai mục đích sau khi di dời chỉ được gọi tên chung chung, dẫn đến câu chuyện lãng phí đất vàng đã trở thành một vết nhơ khó rửa sạch trong quá trình phát triển bộ mặt đô thị./.

Những khu đất vàng đang nằm "phơi mình" lãng phí giữa Thủ đô. Ảnh: Phi Hùng

Nguyên Hà
Thảo Quyên - Quỳnh Nga
22/08/2020 06:00


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top