Aa

Giám đốc Sở Tài chính lý giải vì sao giá nước sông Đuống cao gấp đôi sông Đà

Thứ Ba, 12/11/2019 - 19:02

Ông Vũ Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết giá 10.246 đồng/m3 của Nhà máy nước sông Đuống chỉ là giá tính tối đa để phục vụ việc ký kết thoả thuận dịch vụ cấp nước.

Chiều 12/11, tại cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, UBND TP. Hà Nội đã cung cấp những thông tin liên quan đến giá nước sạch cung cấp bởi Nhà máy nước sông Đuống do Công ty Cổ phần Nước mặt sông Đuống đầu tư.

Trong văn bản 3310 của UBND TP. Hà Nội ngày 6/7/2017 đã chấp thuận giá bán nước sạch tạm tính và lộ trình điều chỉnh giá nước cho dự án Nhà máy nước sạch sông Đuống để triển khai thực hiện dự án nhà máy này.

Theo đó, giá nước sạch tối đa của Nhà máy nước sông Đuống tạm tính năm 2017 là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế VAT). Lộ trình tăng giá nước tối đa là 7%/năm nhưng không vượt quá khung giá nước sạch sinh hoạt theo quy định của Bộ Tài chính.

Ông Vũ Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội thông tin về căn cứ tính giá nước sạch sông Đuống. Ảnh: hanoimoi

Trước câu hỏi của phóng viên về việc: Tại sao giá nước sạch sông Đuống lại cao gấp đôi giá nước sạch sông Đà (chỉ khoảng 5.000 đồng/m3), ông Vũ Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết, giá 10.246 đồng/m3 của Nhà máy nước sông Đuống chỉ là giá tính tối đa để phục vụ cho việc ký kết thoả thuận dịch vụ cấp nước trong quá trình lập và tổ chức thực hiện dự án đầu tư.

Ông Hà cho hay, căn cứ tính giá nước sạch sông Đuống dựa trên quy định tại Điều 31, 38 Nghị định 117 năm 2017 của Chính phủ liên quan đến thoả thuận dịch vụ cấp nước được ký kết giữa UBND cấp tỉnh hoặc cơ quan được uỷ quyền với đơn vị thực hiện dịch vụ cấp nước trên địa bàn. Trong thoả thuận cấp nước có nội dung liên quan đến giá nước, lộ trình và các nguyên tắc điều chỉnh giá nước.

Vì nằm trong giai đoạn chuẩn bị dự án nên trên cơ sở đề nghị của nhà đầu tư, thành phố đã chấp thuận giá nước sạch này, tại thời điểm đó giá là tạm tính và là tối đa. Sau đó, trên cơ sở chấp thuận của TP. Hà Nội, Sở Xây dựng đã thực hiện thoả thuận dịch vụ cấp nước với Công ty Cổ phần Nước mặt sông Đuống.

Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội thông tin: “Mức giá 10.246 đồng/m3 vào thời điểm 2017 chỉ là giai đoạn chuẩn bị dự án, theo quy định để tính đúng, tính đủ toàn bộ chi phí giá nước thì dự án phải hoàn thành đi vào hoạt động và được quyết toán”. Trong đó, có các loại chi phí như chi phí sản xuất, chi phí khấu hao, chí phí vay lãi, chi phí quản lý doanh nghiệp (tạm tính 5%), chi phí bán hàng (1%), chi phí thất thoát 18%, lợi nhuận định mức tối thiểu 5%…

Hiện tại, vì Nhà máy nước mặt Sông Đuống chưa được quyết toán chính thức nhưng việc cung cấp nước đang được triển khai thực hiện nên TP. Hà Nội đã chấp thuận mức giá hiệp thương tạm tính là 7.700 đồng/m3 để công ty thực hiện cung cấp nước cho các đơn vị bán lẻ.

Ông Hà cũng khẳng định mức giá 10.246 đồng không phải là giá bán đến người tiêu dùng hoặc các đơn vị bán lẻ. “Tới đây, nhà đầu tư phải triển khai quyết toán về giá và có kiểm toán với dự án này. Sau đó đơn vị quyết toán sẽ xác định được các chi phí chính thức khi đó sẽ xác định được giá thành chính xác của công ty nước mặt sông Đuống”, ông Hà cho hay.

Trả lời câu hỏi về việc vì sao giá nước sông Đuống cao hơn nước sông Đà, ông Vũ Việt Hà cho biết giá của cả hai nhà máy đều tính theo nguyên tắc chung. Tuy nhiên, yếu tố khác nhau giữa các nhà máy đã tạo nên sự khác biệt.

Cụ thể, công nghệ của nhà máy khác nhau dẫn tới hiệu suất đầu tư của các nhà máy khác nhau. Nhà máy nước mặt sông Đà đi vào hoạt động năm 2009, có nguyên giá tài sản là 1.555 tỷ đồng, còn giá đầu tư nhà máy nước sông Đuống là gần 5.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nước thô vào khác nhau cũng dẫn đến có sự lệch giá.

“Tổng mức đầu tư của nhà máy nước mặt sông Đuống gần 5.000 tỷ đồng, nhưng công ty này đi vay tới 80%, tương ứng gần 4.000 tỷ đồng. Khi nhà máy đi vào hoạt động, chi phí lãi vay cũng tính vào giá nước” – ông Hà thông tin.

Nhà máy nước mặt sông Đuống có quy mô cấp vùng với tổng diện tích 65ha, tổng công suất dự kiến là 1.200.000 m3/ngày đêm. Giai đoạn I đã khánh thành ngày 5/9 với mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, đạt công suất 300.000 m3/ngày đêm.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top