Aa

Giảm lãi suất đồng hành cùng doanh nghiệp

Thứ Hai, 20/02/2023 - 16:15

Không chỉ lãi suất huy động hạ nhiệt mà lãi suất cho vay cũng đang phát đi những tín hiệu tích cực...

Lãi suất hạ nhiệt

Lãi suất huy động đang đồng loạt giảm khá mạnh khoảng 1 - 2%/năm so với giai đoạn cao điểm. Theo khảo sát của PV, hiện lãi suất 10%/năm đã không còn xuất hiện trên các biểu niêm yết huy động của ngân hàng, thay vào đó, mức 8% đến dưới 9,5% phổ biến hơn. Đơn cử như với nhóm “Big 4”, lãi suất huy động niêm yết cao nhất là khoảng 9,45%/năm ở kỳ hạn trên 12 tháng. Với nhóm NHTMCP tư nhân, một số nhà băng đã đưa mức lãi suất huy động về khoảng 8,8 - 9,2%/năm như Techcombank, VPBank, Sacombank, MSB…

Không chỉ lãi suất huy động hạ nhiệt mà lãi suất cho vay cũng đang phát đi những tín hiệu tích cực. Một loạt ngân hàng có động thái giảm lãi suất. BIDV cho biết ngân hàng này vừa triển khai gói cho vay ngắn hạn với quy mô 30.000 tỷ đồng với mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 8%/năm dành cho các khoản vay có kỳ hạn dưới 6 tháng; hoặc chỉ từ 9%/năm đối với các khoản vay từ 6 tháng đến 12 tháng.

Vietcombank cũng đang triển khai chương trình ưu đãi lãi suất cho vay ngắn hạn sản xuất kinh doanh với quy mô lên tới 100.000 tỷ đồng với mức sàn lãi suất cho vay chỉ từ 7,5%/năm. VietinBank công bố thông tin triển khai gói ưu đãi lãi suất SME UP có quy mô lên đến 10.000 tỷ đồng. Theo đó, các khoản vay có kỳ hạn đến 6 tháng bằng VND, phát sinh mới trong khoảng thời gian từ nay đến hết ngày 30/6/2023 sẽ được ưu đãi lãi suất chỉ từ 7%/năm.

Ở khối NHTMCP, SeABank thông báo triển khai gói ưu đãi 3.000 tỷ đồng giảm lãi suất cho vay tối đa 1% hỗ trợ các cá nhân, hộ kinh doanh, cơ sở kinh doanh có nhu cầu vay vốn ngắn hạn tối đa 12 tháng. MB Bank cũng kịp thời triển khai chương trình giảm lãi suất vay cho khách hàng doanh nghiệp có doanh thu dưới 100 tỷ đồng. Khách hàng có thể thực hiện đăng ký vay vốn bằng tính năng Giải ngân online ngay trên nền tảng BIZ MBBank để được hưởng lãi suất ưu đãi giảm đến 1%/năm.

Lãi suất được dự báo có xu hướng giảm trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia, sau Tết Nguyên đán là thời điểm doanh nghiệp nhộn nhịp lên phương án, triển khai kế hoạch kinh doanh mới, do đó nhu cầu vay vốn giai đoạn này là rất lớn. Tuy nhiên, khá nhiều doanh nghiệp còn chần chừ vì lãi suất vay tại các NHTM hiện đang ở mức cao.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T (TP.HCM) chia sẻ, trong lĩnh vực xuất khẩu rau củ quả, doanh nghiệp luôn cần có nguồn vốn để đầu tư trước cho nông dân. Chẳng hạn, muốn bao tiêu sản phẩm thì từ đầu mùa vụ, doanh nghiệp phải đầu tư giống cây trồng, phân bón… cho người trồng đến khi thu hoạch. Do đó, doanh nghiệp rất mong muốn được các ngân hàng hỗ trợ vốn với lãi suất hợp lý.

Một doanh nghiệp khác cũng cho biết, hiện giá nhiều nguyên vật liệu tăng cao đẩy chi phí sản xuất tăng, nên các doanh nghiệp đều đang phải “liệu cơm gắp mắm”, cắt giảm tối đa chi phí hoạt động. Doanh nghiệp cũng mong muốn tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất hợp lý để đầu tư, phát triển kinh doanh. Do đó, việc một loạt ngân hàng có động thái giảm lãi suất, tung ra nhiều gói vay ưu đãi hướng vào sản xuất, kinh doanh là sự hỗ trợ quý giá với cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay.

Xu hướng lãi suất năm 2023?

Theo nhận định của giới chuyên gia, mặc dù trong thời gian tới, việc giảm lãi suất sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức do áp lực lạm phát vẫn xu hướng tăng và các NHTW lớn trên thế giới tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ; giá nguyên vật liệu thế giới tăng, chi phí vận chuyển tăng, nguồn cung gián đoạn; gánh nặng vốn cho nền kinh tế đối với hệ thống ngân hàng cao… Tuy nhiên, giới chuyên môn kỳ vọng lãi suất vẫn còn dư địa để giảm trong năm 2023, nhưng sẽ có độ trễ nhất định.

Trong báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô năm 2023, CTCK VietinBank cũng dự báo, lãi suất huy động có xu hướng giảm dần về cuối năm 2023, đặc biệt chiều hướng này rõ ràng hơn khi Fed dự kiến sẽ giảm lãi suất vào quý IV/2023. Cùng quan điểm, Báo cáo vĩ mô của CTCK Bảo Việt (BVSC) nhận định, lãi suất sẽ giảm trở lại trong năm 2023 này. Các dấu hiệu rõ nét hơn từ quý II, nhất là nếu Fed ngừng việc tăng lãi suất và lạm phát của Việt Nam được kiểm soát tốt, áp lực tỷ giá giảm bớt.

Lãi suất cho vay giảm là điều mà các ngân hàng rất mong muốn để hỗ trợ khách hàng. Song theo ông Nguyễn Hoàng Dũng, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành VietinBank, lãi suất tùy thuộc quản trị rủi ro, chi phí hoạt động của mỗi ngân hàng. Đặc biệt ngân hàng phải duy trì lãi suất huy động đủ hấp dẫn mới có thể thu hút được tiền gửi trong bối cảnh áp lực lạm phát tăng. Bên cạnh đó, hiện nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro nên ngân hàng phải đảm bảo tỷ lệ NIM đủ để bù đắp rủi ro khi thị trường có biến động. Hơn hết, trong giai đoạn khó khăn, ngành Ngân hàng đã chia sẻ rất lớn với cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngân hàng cũng là doanh nghiệp và phải có trách nhiệm với cổ đông, đảm bảo an toàn vốn. Do vậy, ngân hàng và doanh nghiệp phải ngồi bàn bạc với nhau đưa ra giải pháp hài hòa lợi ích. “Doanh nghiệp và ngân hàng đang trên một chiếc xuồng, phải cùng chèo một nhịp, phải hết sức bình tĩnh, chỉ cần chèo lạc nhịp là có thể bị chìm”, ông Dũng ví von.

Về phía NHNN, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, quan điểm điều hành của NHNN thời gian tới là tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt và hiệu quả chính sách tiền tệ, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế; chính sách tỷ giá, lãi suất tiếp tục các giải pháp để tạo sự ổn định.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank: Ngân hàng mong muốn duy trì mặt bằng lãi suất hợp lý

Thời gian qua, các NHTM có vốn nhà nước trong đó có Vietcombank không nâng lãi suất huy động “kịch khung” để có thể hỗ trợ lãi suất cho vay với doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của NHNN, các NHTM lớn đã đồng thuận giảm thêm lãi suất huy động để từng bước giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường. Mục tiêu của chúng tôi là làm thế nào để phối hợp với doanh nghiệp cùng hoạt động kinh doanh có hiệu quả trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. Vì thế, việc duy trì mặt bằng lãi suất hợp lý cho các doanh nghiệp khi vay vốn, tạo điều kiện để doanh nghiệp làm ăn hiệu quả là mong muốn của các ngân hàng.

Trong năm 2022 Vietcombank đã giảm 1%/năm lãi suất cho vay và tiếp tục giảm thêm 0,5%/năm lãi suất trong những tháng đầu năm 2023 đối với tất cả các khách hàng đang có dư nợ tại ngân hàng. Trong thời gian tới, Vietcombank tiếp tục nỗ lực tiết giảm chi phí và triển khai lộ trình giảm lãi suất cho vay làm thế nào hỗ trợ cho khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay phục hồi phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB: Hy sinh lợi nhuận để giữ khách hàng

Tôi cho rằng, khả năng lãi suất giảm khá cao. Song muốn giảm thêm lãi suất cần có thời gian. Vì giai đoạn vừa qua và cả thời điểm này lãi suất đầu vào tại các ngân hàng vẫn cao. Chưa kể, áp lực lên lãi suất vẫn còn từ cả bên trong lẫn bên ngoài. Ở bên ngoài căng thẳng chính trị giữa Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu giảm. Trong khi kinh tế thế giới đang có dấu hiệu suy giảm... Ở trong nước, những tồn tại trên thị trường bất động sản, thị trường TPDN, những vi phạm trên TTCK bị xử lý ngày càng nhiều... vẫn ít nhiều tác động đến tâm lý người dân, doanh nghiệp... Cho nên sức ép cấp vốn cho nền kinh tế vẫn dồn lên ngân hàng, nguy cơ nợ xấu nợ quá hạn tăng. Khi nợ xấu tăng lên chi phí trích lập dự phòng tăng, ngân hàng khó có điều kiện giảm lãi suất. Đó là những yếu tố tiềm ẩn khó lường có thể xảy ra trong năm 2023 nên ngân hàng phải tăng dự phòng.

Thực tế không ai mong muốn lãi suất cho vay cao. Với người đi vay lãi suất cao dẫn đến hoạt động kinh doanh khó khăn, dễ phát sinh nợ xấu. Về phía người cho vay cũng không muốn điều này. Nhất là trong bối cảnh thị trường khó khăn, doanh nghiệp và cá nhân không muốn sử dụng vốn vay lãi suất cao. Muốn phát triển tín dụng, các ngân hàng phải có chương trình ưu đãi lãi suất hỗ trợ khách hàng; và cũng chính là tạo điều kiện để người vay kinh doanh hiệu quả, trả nợ đúng hạn.

Tôi hy vọng với diễn biến như hiện nay, trong 6 đến 9 tháng tới lãi suất sẽ từ từ giảm. Lãi suất cho vay sẽ giảm trước lãi suất huy động. Bởi muốn khách hàng phát triển bền vững, trong khả năng của mình, ngân hàng phải phục vụ tạo điều kiện tối đa thì họ mới gắn bó. Việc hy sinh lợi nhuận, giảm NIM trong vài tháng mà giữ được chân khách hàng cho nhiều năm sau là cách làm khôn ngoan của ngân hàng. Hiện tại, OCB đang chủ động triển khai một số chương trình ưu đãi lãi suất dành cho nhiều phân khúc khách hàng với mức giảm từ 2-3%/năm...

TS. Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM: Lãi suất sẽ giảm, nhưng không mạnh

Năm 2023, nếu Fed vẫn còn tăng lãi suất thì lãi suất tại Việt Nam rất khó giảm mà sẽ đi ngang. Chưa kể áp lực lạm phát có thể tăng khi tới đây lương cơ bản tăng...

Nói như thế không có nghĩa là lãi suất không giảm được. Trong năm 2023, nếu như không có những tin quá xấu từ xung đột Nga - Ukraine thì khả năng cao Fed chỉ tăng lãi suất ở mức thấp. Nếu vậy, Việt Nam sẽ có nhiều dư địa để giảm lãi suất. Tuy nhiên, lãi suất sẽ không thể giảm mạnh bởi lo ngại dòng tiền lại chảy ra ngoài. Thời kỳ “tiền đắt” vẫn còn nhưng khoảng từ quý II/2023 sẽ bắt đầu hạ nhiệt hơn nếu áp lực về tỷ giá và các áp lực khác giảm. Việc kỳ vọng giảm lãi suất trở về mức trước năm 2022 sẽ rất khó, lãi suất chỉ có thể giảm từ từ và theo tín hiệu của tỷ giá, động thái của Fed...

Dù vậy, từ nay đến cuối năm lãi suất huy động và cho vay vẫn có xu hướng giảm để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế trong giai đoạn phục hồi. Bởi hiện tại, mặt bằng lãi suất cho vay đang cao khiến tháng đầu năm 2023 tín dụng tăng trưởng chậm, doanh nghiệp cũng không dám mạnh tay vay vốn vì chi phí lãi vay đội lên. Mặt khác, với mức lãi suất cho vay như hiện tại, doanh nghiệp cũng sẽ gặp khó khăn. Khi đó áp lực sẽ ngược về ngân hàng phải xử lý nợ xấu. Thời điểm này, các NHTM nên tính toán, cân đối để có thể giảm lãi suất mức nào hỗ trợ doanh nghiệp.

Song nhìn rộng hơn, việc giảm lãi suất toàn hệ thống ngân hàng đòi hỏi điều kiện thuận lợi của những yếu tố vĩ mô như tỷ giá ổn định, cán cân thanh toán thặng dư sẽ giúp NHNN mua vào USD đồng thời bơm VND ra hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng. Dẫu biết hạ lãi suất là điều cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng phải chờ tín hiệu thị trường cho phép chứ không nên hạ lãi suất bằng mọi giá, như vậy sẽ gây hậu quả khôn lường. Điều quan trọng bây giờ là sớm khơi thông thị trường TPDN - nơi doanh nghiệp có thể huy động vốn lớn đang ách tắc.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top