Liệu có phải chính thỏa thuận tiền tệ đạt được với Mỹ hồi trung tuần tháng 7 đã dỡ bỏ gánh nặng cho nhà điều hành để tiếp tục mua ròng ngoại tệ, đổi lại phải chấp nhận tăng giá tiền đồng?
Biến động của các thị trường
Trong khi giá mua bán đô la Mỹ trên thị trường tự do sau bước giảm mạnh đến 240 đồng trong tháng 7/2021, đã tăng mạnh trở lại 110 đồng ngay trong tuần đầu tháng 8 này, thì ngày 11/8/2021 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bất ngờ giảm mạnh giá mua vào đô la Mỹ đến 225 đồng, đánh dấu lần giảm thứ 2 liên tiếp chỉ trong vòng hai tháng gần đây, nâng tổng mức giảm lên 375 đồng. Đáng lưu ý là cơ quan này cũng thay đổi chính sách từ niêm yết giá mua ngoại tệ kỳ hạn sáu tháng sang giao ngay, hiện chỉ còn 22.750 đồng/đô la Mỹ.
Ngay lập tức, các ngân hàng thương mại cũng nhanh chóng hành động khi giảm hơn 100 đồng giá giao dịch đô la Mỹ trong cùng ngày, xuống còn quanh 22.700 đồng ở chiều mua vào và 22.900 đồng ở chiều bán ra, nhằm đảm bảo vẫn có lợi nhuận nếu bán lại cho NHNN.
Trước đó, các ngân hàng mua quanh 22.800 - 22.850 đồng và có thể ký hợp đồng bán cho Sở giao dịch NHNN ở giá mua kỳ hạn sáu tháng là 22.975 đồng, đảm bảo lãi từ 125 - 175 đồng/đô la Mỹ. Sau động thái giảm mạnh giá mua của NHNN trong khi mức giảm của các ngân hàng thấp hơn đáng kể, biên độ lãi này đã thu hẹp về chỉ còn 50 đồng/đô la Mỹ.
Giá giao dịch trên thị trường tự do cũng nhanh chóng đảo chiều khi giảm 120 đồng, xóa sạch mức tăng đạt được trong những ngày đầu tháng 8. So với thời điểm đầu năm, giá đô la Mỹ trên thị trường tự do đã giảm đến 250 đồng, hiện chỉ còn quanh 23.070 đồng ở chiều mua vào và 23.180 đồng ở chiều bán ra tính đến cuối tuần qua, phản ánh sự tăng giá đáng kể của tiền đồng trong năm nay.
Diễn biến của các thị trường trong nước ngược chiều với sự tăng giá của đô la Mỹ trên thị trường quốc tế gây ra không ít ngạc nhiên. Sau khi điều chỉnh trong nửa cuối tháng 7, chỉ số USD Index đã phục hồi trở lại hơn 1,3% trong 11 ngày đầu tiên của tháng 8, nâng mức tăng so với đầu năm là hơn 4,2%. Cần biết rằng song song với việc giảm mạnh giá mua vào, NHNN cũng giảm tỷ giá trung tâm USD/VND trong ba ngày liên tiếp 11, 12 và 13/8 với tổng mức giảm đến 42 đồng.
Có đơn thuần là ảnh hưởng từ thỏa thuận tiền tệ?
Trong bối cảnh cung cầu ngoại tệ trên thị trường không có biến động quá lớn, động thái giảm mạnh giá mua ngoại tệ của NHNN đã ít nhiều gây sốc, nhất là khi nhìn vào một lượng cung đô la Mỹ đã bị rút ra khỏi thị trường từ các hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn của các ngân hàng đã ký kết hồi đầu năm nay dần đến hạn thanh toán trong hơn một tháng qua.
Chính vì vậy, hầu hết ý kiến tin rằng chính thỏa thuận tiền tệ đạt được với Mỹ hồi trung tuần tháng 7 có lẽ đã dỡ bỏ gánh nặng cho nhà điều hành, theo đó có thể tiếp tục mua ngoại tệ vào để nâng dự trữ ngoại hối mà không lo ngại bị đánh giá can thiệp một chiều trên thị trường bằng cách liên tục mua ròng trong sáu tháng - một trong ba yếu tố có thể dẫn tới cáo buộc thao túng tiền tệ.
Do đó, NHNN đã nhanh chóng chuyển từ mua kỳ hạn sáu tháng sang mua giao ngay để có thể tiếp tục mua ngoại tệ ngay lập tức, tuy nhiên khi đó cũng phải giảm mạnh giá mua về mức phù hợp với mặt bằng giao dịch trên thị trường hiện tại, hay không muốn nói là thậm chí còn thấp hơn đáng kể giá mua đang niêm yết tại các ngân hàng thương mại lẫn trên thị trường tự do.
Nhìn từ góc độ này, có thể thấy nhà điều hành đang chấp nhận tăng giá tiền đồng, khi mà các báo cáo trước đây của phía Mỹ cho rằng tiền đồng đang bị định giá thấp. Như báo cáo vào năm 2020 của Bộ Tài chính Mỹ xác định Việt Nam đã cố tình định giá thấp tiền đồng hơn 4,7% so với đô la Mỹ trong năm 2019. Theo đó, một thỏa thuận tiền tệ giữa hai bên không loại trừ khả năng có thể yêu cầu tiền đồng phải được định giá phù hợp hơn, nhất là khi lạm phát của Mỹ trong ba tháng gần đây liên tục vượt 5% so với cùng kỳ, cao hơn đáng kể mức lạm phát của Việt Nam hiện nay.
Ngoài ra, việc giảm mạnh giá mua vào như vậy cũng có thể thúc đẩy các hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn còn lại sắp tất toán không bị hủy ngang. Theo báo cáo thị trường tiền tệ trái phiếu tuần đầu tiên tháng 8 (từ ngày 2 đến ngày 6/8) của Công ty Chứng khoán SSI, đã có khoảng 75% lượng hợp đồng mua ngoại tệ của NHNN đáo hạn và khối lượng còn lại sẽ được thực hiện hoàn toàn trong tháng 8. Rõ ràng các ngân hàng khó có động lực hủy các hợp đồng này khi giá bán được xác định hồi đầu năm nay ở 23.125 đồng, cao hơn rất nhiều so với mức giá bán giao ngay hiện chỉ còn 22.750 đồng.
Hệ quả của chính sách
Đầu tiên, việc giảm mạnh giá mua có thể giúp NHNN mua vào ngoại tệ giao ngay để gia tăng dự trữ ngoại hối với giá rẻ hơn, trong bối cảnh dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tăng trưởng tích cực và dòng kiều hối vẫn ổn định. Đặc biệt, trên thị trường chứng khoán, sau nửa đầu năm bán ròng không dứt, nhà đầu tư nước ngoài đã quay lại mua ròng tích cực trong gần hai tháng qua. Mới đây quỹ ngoại Fubon FTSE Vietnam ETF đã nộp đơn xin tăng quy mô đầu tư thêm 180 triệu đô la Mỹ, lên mức 720 triệu đô la Mỹ và trở thành quỹ ETF có quy mô lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, với việc giá mua trên thị trường tự do đang cao hơn đáng kể so với giá mua của các ngân hàng, dòng ngoại tệ có thể bị hút sang kênh phi chính thức. Chính vì vậy mà sau bước giảm mạnh hôm 11/8, nhiều ngân hàng thương mại đã buộc phải nâng giá mua lên lại trong những ngày cuối tuần qua để thu hẹp mức chênh lệch quá lớn so với thị trường tự do, đảm bảo giữ chân khách hàng bán ngoại tệ.
Hoạt động xuất nhập khẩu cũng có thể bị ảnh hưởng, khi việc tăng giá tiền đồng mạnh như vậy liệu có xoáy sâu thêm vào con số nhập siêu trong những tháng cuối năm nay. Với thâm hụt cán cân thương mại hàng hóa bảy tháng đầu năm đã tăng lên 2,7 tỷ đô la Mỹ sau bốn tháng nhập siêu liên tiếp gần đây, cộng với tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ảnh hưởng lên hoạt động sản xuất kinh doanh và kim ngạch nhập khẩu trong thời gian tới, nay tiền đồng lại tăng giá có thể gây thêm khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Ở chiều ngược lại, tiền đồng tăng giá lại khiến hàng nhập khẩu rẻ hơn và kích thích các hoạt động nhập khẩu. Dù vậy, trong bối cảnh cầu tiêu dùng suy yếu và hoạt động sản xuất kinh doanh trì trệ vì ảnh hưởng dịch bệnh, nhu cầu nhập khẩu trong giai đoạn hiện nay cũng bị ảnh hưởng.
Đặc biệt, chứng kiến đồng nhân tệ của Trung Quốc (đối tác thương mại mà Việt Nam đang chịu nhập siêu lớn nhất) đã tăng giá đến 10% so với đô la Mỹ từ tháng 5/2020 đến nay và tăng gần 2% từ cuối tháng 3 đến nay, mức tăng giá của tiền đồng so với đô la Mỹ là không thấm tháp gì, do đó sẽ không khiến hàng xuất khẩu Việt Nam bị mất lợi thế cạnh tranh so với hàng Trung Quốc, cũng như khó có thể kích thích tăng nhập khẩu mạnh từ Trung Quốc. Thực tế so với đầu năm nay, tiền đồng vẫn đang giảm giá gần 1% so với nhân dân tệ.
Cuối cùng, việc tiền đồng tăng giá so với đô la Mỹ cho thấy giá trị của tiền đồng vẫn đang được củng cố, giúp gia tăng niềm tin vào đồng nội tệ, từ đó cũng tác động tích cực giúp lãi suất tiền đồng có điều kiện tiếp tục giữ ở mức thấp - điều rất quan trọng trong tình hình nền kinh tế đang gặp nhiều thách thức như hiện nay./.