Aa

Gỡ khó bất động sản, hoá giải nút thắt trái phiếu doanh nghiệp

Thứ Sáu, 14/04/2023 - 10:41

Theo chuyên gia, thị trường bất động sản đang là điểm nghẽn quan trọng, gỡ nút thắt đó sẽ dẫn đến việc chúng ta gỡ dần được các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp.

Giãn hoãn rủi ro ngắn hạn

Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), tình hình phát hành mới tiếp tục trầm lắng. Cụ thể, trong tuần đầu tháng 4/2023, không có lô trái phiếu mới nào được phát hành. Trước đó, trong tháng 3/2023, phát hành TPDN sôi động trở lại với hơn 73% lượng TPDN mới phát hành là của doanh nghiệp bất động sản, chủ yếu ở các doanh nghiệp không mấy tên tuổi.

Nguyên nhân được cho là do các vướng mắc liên quan đến quy định về báo cáo tình hình sử dụng vốn với trái phiếu còn dư nợ, phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện. Tuy nhiên đến nay, các tổ chức kiểm toán đều từ chối kiểm toán tình hình sử dụng vốn trái phiếu còn dư nợ của ngân hàng, trong khi Bộ Tài chính chưa có động thái tháo gỡ.

Theo Bộ Tài chính, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP trong bối cảnh cần phải tháo gỡ một số khó khăn ngắn hạn cho doanh nghiệp, đồng thời vẫn đảm bảo quyền và lợi ích của nhà đầu tư. Bên cạnh các giải pháp chính sách tại Nghị định mới, để phát triển thị trường TPDN an toàn, lành mạnh và củng cố niềm tin của nhà đầu tư, từng chủ thể tham gia trên thị trường cần tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Trong tuần đầu tháng 4/2023, không có lô trái phiếu mới nào được phát hành
Trong tuần đầu tháng 4/2023, không có lô trái phiếu mới nào được phát hành. Ảnh: VOV

Ông Vương Hoàng Sơn, Giám đốc khối ngân hàng đầu tư CTCK VNDirect cho rằng, trước khi thị trường TPDN khôi phục lại thì cần phải xử lý được những tồn tại của các trái phiếu đã phát hành cũ. Bức tranh của những sự việc đã xảy ra được giải quyết một cách rõ ràng, gọn gàng hơn, thì chúng ta mới có thể kỳ vọng trái phiếu phát hành mới có thể quay trở lại.

Đánh giá về tính khả thi của Nghị định 08/2023, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc CTCK Kiến Thiết nhận xét, thực tế Nghị định mới ban hành chỉ giúp tạo ra cơ chế để tổ chức phát hành trái phiếu và trái chủ có thêm thời gian đàm phán, tìm ra phương án tối ưu trong việc gia hạn nợ vay, hoặc hoán đổi tài sản nhằm giải quyết khúc mắc của hai bên. Đến nay có nhiều TPDN đã đến hạn và nhiều doanh nghiệp cũng đã quá hạn cả khoản thanh toán lãi trong hạn.

Còn thực chất, Nghị định 08 chỉ làm cho những rủi ro ngắn hạn có thể đẩy đến tương lai, nghĩa là khả năng thanh toán của doanh nghiệp khó ở hiện tại thì được giãn hoãn đến tương lai. Nhưng nếu 1 - 2 năm nữa, doanh nghiệp gỡ được khó khăn, thanh toán được nợ mới là yếu tố quan trọng để giải quyết vấn đề, còn nếu không gỡ được, khả năng thanh toán của doanh nghiệp không được cải thiện, thì đó chưa phải là biện pháp giúp để giải quyết dứt điểm tình trạng thanh khoản trái phiếu của các doanh nghiệp hiện nay.

“Chưa kể, việc chúng ta tạm dừng áp dụng quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp ở Nghị định 65 mà vẫn thực thi theo Nghị định 153, nghĩa là tiêu chí cho nhà đầu tư chuyên nghiệp không có gì thay đổi so với quy định cũ, không chặt chẽ hơn khiến thị trường TPDN vẫn được duy trì với các thành phần tham gia như thời gian vừa qua.

Để đảm bảo được yếu tố tránh rủi ro cho các nhà đầu tư mới - là những người không hiểu biết nhưng bị tham gia vào một thị trường nhiều rủi ro, thứ nhất, chúng ta cần phải đề cao yếu tố minh bạch thông tin của những doanh nghiệp, tổ chức phát hành.

Thứ hai, cần nâng cao năng lực phê duyệt các đợt phát hành trái phiếu mới, tăng cường năng lực giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các công ty chứng khoán trong việc kiểm soát tuân thủ pháp luật về phát hành trái phiếu, cũng như sử dụng vốn đúng mục đích sau khi phát hành thành công”, ông Ngọc đề xuất.

Đồng thời gỡ khó thị trường bất động sản 

Bổ sung thêm ý kiến, ông Đỗ Bảo Ngọc cho rằng, hiện tại vấn đề thanh khoản của thị trường trái phiếu liên quan rất nhiều đến thị trường bất động sản. Nhiều doanh nghiệp quá hạn trái phiếu là doanh nghiệp bất động sản, họ gặp khó khăn về pháp lý, về nguồn vốn để phát triển dự án và hoàn thiện các dự án đang dang dở, để đủ điều kiện bán hàng, thu dòng tiền về nhằm thanh khoản nợ vay.

Cho nên, để xử lý dứt điểm những vấn đề của thị trường trái phiếu thì trước hết phải gỡ khó cho ngành bất động sản nói chung. Tổ công tác của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái sẽ phải họp với các Bộ, ban ngành để sớm đưa ra giải pháp cụ thể. Ở đây là gỡ khó về mặt pháp lý như thế nào cho doanh nghiệp bất động sản và khơi thông dòng vốn theo các phân khúc ưu tiên.

Nhiều doanh nghiệp quá hạn trái phiếu là doanh nghiệp bất động sản, họ gặp khó khăn về pháp lý, về nguồn vốn để phát triển dự án và hoàn thiện các dự án đang dang dở
Nhiều doanh nghiệp quá hạn trái phiếu là doanh nghiệp bất động sản, họ gặp khó khăn về pháp lý, về nguồn vốn để phát triển dự án và hoàn thiện các dự án đang dang dở. Ảnh: VnEconomy

“Theo tôi, thị trường bất động sản mới là vấn đề quan trọng nhất, gỡ được nút thắt đó sẽ dẫn đến việc chúng ta gỡ dần được các vấn đề liên quan đến trái phiếu. Khi chúng ta tổng hòa được các giải pháp lớn và các giải pháp nhỏ, thì mới hoá giải được câu chuyện thị trường bất động sản nói chung và thị trường trái phiếu nói riêng”, chuyên gia nhấn mạnh.

Cùng chia sẻ quan điểm về các giải pháp gỡ khó cho thị trường TPDN, LS. Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT công ty luật SBLaw bày tỏ, trong thời gian sắp tới, Chính phủ cần tiếp tục lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp đã từng phát hành trái phiếu, đã từng khó khăn trong việc đứt gãy dòng vốn và hầu như rất khó để phát hành trái phiếu mới thu tiền về. Vậy nên chăng, chúng ta cần phải xem xét thêm điều kiện phát hành trái phiếu.

Trước đây, Nghị định 153 tương đối mở rộng về điều kiện phát hành trái phiếu và mục đích phát hành, nhưng đến Nghị định 65 lại siết các điều kiện chặt chẽ hơn. Nếu mở ra thì Chính phủ sẽ phải tiếp tục sửa đổi bổ sung Nghị định mới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và đó mới là gốc của vấn đề.

“Bên cạnh đó, cái khó nhất hiện nay là giải quyết niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường trái phiếu riêng lẻ. Bản thân Nghị định mới rất khó để giải quyết, mà chỉ tạo hành lang pháp lý, còn lại vẫn phải đến từ niềm tin của nhà đầu tư. Trong đó, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải trả đúng hạn cả gốc lẫn lãi cho nhà đầu tư, khi đó niềm tin của nhà đầu tư với thị trường mới được cải thiện và việc huy động trái phiếu có thể thuận lợi cho các đơn vị phát hành”, LS. Hà phân tích.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top