Vì một Thủ đô phát triển xứng tầm: Cần tư duy mới trong quy hoạch và quản lý

Vì một Thủ đô phát triển xứng tầm: Cần tư duy mới trong quy hoạch và quản lý

Nguyên Hà
Nguyên Hà lienlien.media@gmail.com
Thứ Hai, 23/08/2021 - 06:00

“Thực tiễn cho thấy tư duy trong quy hoạch và quản lý phát triển ở những đô thị đặc biệt phức tạp như Hà Nội cần mang tính chiến lược thay vì toàn diện, linh hoạt thay vì cứng nhắc, mang tính hành động thay vì lý thuyết, tập trung vào quy trình thay vì sản phẩm, mang tính dài hạn thay vì nhiệm kỳ, tính đến toàn cầu hóa thay vì chỉ địa phương, hợp nhất liên ngành thay vì “mạnh ai nấy làm”…

Năm 2008, Hà Nội chính thức mở rộng địa giới hành chính, hợp nhất với tỉnh Hà Tây (cũ), huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc và 4 xã của huyện Lương Sơn, Hòa Bình. Thủ đô mới có tổng diện tích tăng gấp 3,6 lần, lên mức hơn 3.344km2, trở thành 1 trong 17 thành phố có diện tích lớn nhất thế giới.

Sau mở rộng, đến ngày 26/7/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 1259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch chung 1259).

Bản quy hoạch xác định mục tiêu: Xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững, có hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, phát triển hài hòa giữa văn hóa, bảo tồn di sản, di tích lịch sử, với phát triển kinh tế, trong đó chú trọng kinh tế tri thức và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh theo hướng liên kết vùng, quốc gia, quốc tế. Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, đô thị phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế; có môi trường sống, làm việc tốt, sinh hoạt giải trí chất lượng cao và có cơ hội đầu tư thuận lợi.

Sau 10 năm thực thi, mới đây, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 129/KH-UBND triển khai công tác lập điều chỉnh tổng thể  Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Lý do điều chỉnh là trong 10 năm qua, một số quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực quy hoạch đô thị đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới; ngoài ra có sự điều chỉnh về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cấp quốc gia, cấp vùng ảnh hưởng tới tính chất, chức năng, định hướng phát triển Thủ đô. Việc điều chỉnh nhằm triển khai đồng thời, bảo đảm lồng ghép thống nhất các nội dung với quy hoạch thành phố Hà Nội đang triển khai, tránh trường hợp thiếu sự đồng bộ thống nhất, phải điều chỉnh sau này.

Còn nửa chặng đường để thực hiện mục tiêu định hướng đến năm 2030 nhưng bức tranh phát triển đô thị Hà Nội đã có nhiều những mảng sáng tối đan xen, trong đó, có hàng loạt bài toán đặt ra trong quá trình phát triển đang chờ được giải quyết.

Tiếp tục đi sâu vào vấn đề này, Reatimes đã có cuộc trò chuyện với TS.KTS. Vũ Hoài Đức, chuyên gia quy hoạch, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội.

quy hoạch Hà Nội

PV: Thưa TS. KTS. Vũ Hoài Đức, nhìn lại bức tranh quy hoạch Hà Nội trong thời kỳ đương đại từ sau mở rộng, ông có nhìn nhận như thế nào?

TS.KTS. Vũ Hoài Đức: Từ năm 2008 đến nay, Hà Nội đã mở rộng với một quy hoạch lớn nhất trong lịch sử. Quy hoạch chung 1259 được phê duyệt năm 2011 đã tạo ra mô hình chùm đô thị bao gồm: Đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, 3 đô thị sinh thái, 10 thị trấn. Đô thị được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia. Đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, các thị trấn... được phân cách bằng hành lang xanh.

Quy hoạch Hà Nội

Quy hoạch Hà Nội
Ảnh: TS.KTS. Vũ Hoài Đức.

Đến nay, hơn một thập kỷ Hà Nội mở rộng và thực thi bản quy hoạch. Tỷ lệ đô thị hóa tăng lên, diện mạo Hà Nội đã có phần hiện đại, khang trang hơn. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều yếu tố đang cản trở sự phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội, đòi hỏi cần phải có sự tính toán kỹ lưỡng trong tầm nhìn quy hoạch trong lần rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung 1259 tới đây.

Vấn đề thấy rõ nhất là định hướng phát triển đô thị vệ tinh đã xuất hiện hơn 2 thập kỷ, nhưng chưa phát triển được. Đơn cử như, đô thị vệ tinh Sóc Sơn, dù có động lực từ sân bay quốc tế Nội Bài, Khu chế xuất Nội Bài, quốc lộ 18, quốc lộ 2, quốc lộ 3 và hệ thống cảnh quan tự nhiên của khu vực đồi núi của dãy Tam Đảo… tuy nhiên lại không phát triển được. Trong khi ở khu vực lân cận, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc lại tận dụng được lợi thế để phát triển nhanh và mạnh. Dự báo các tham số nào cho kịch bản phát triển để lựa chọn giải pháp tối ưu cho việc tạo động lực hình thành các đô thị vệ tinh, và kể các đô thị mới: Bắc sông Hồng… là điều cần phải được quan tâm kỹ lưỡng trong thời gian tới.

PV: Lý do vì sao việc phát triển đô thị vệ tinh theo quy hoạch lại “giậm chân tại chỗ” sau nhiều năm như vậy, thưa KTS?

TS.KTS. Vũ Hoài Đức: Chưa có nghiên cứu nào chỉ ra được nguyên nhân thực sự cho vấn đề này. Theo tôi, có thể có 2 lý do: Thứ nhất, Hà Nội chưa chú trọng đặc biệt cho phát triển đô thị vệ tinh Sóc Sơn mà còn tập trung vào khu vực đô thị phía nam sông Hồng. Thứ hai, chưa có kịch bản và giải pháp tối ưu nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cân bằng với các địa phương lân cận, thông qua các tham số đầu vào cho việc đầu tư vào đô thị vệ tinh.

Điều này có lẽ cần được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, nhưng theo tôi, yếu tố cần quan tâm đầu tiên là các chỉ số lao động trong ba lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ để có kịch bản chuyển dịch cơ cấu lao động. Thứ hai là các tham số về sử dụng đất, hạ tầng và hoạt động kinh tế xã hội tại khu vực dự kiến phát triển. Thứ ba là đầu tư phát triển gồm nhiều chỉ số về khung giá đất, thuế, định mức đầu tư xây dựng, dự kiến lợi nhuận và khả năng thu hồi vốn… tức là các tham số về kinh tế - tài chính. Cuối cùng, cần tính đến nguồn lực con người, xã hội và khả năng thu hút, tạo môi trường định cư cho một khối lượng dân cư mới phù hợp với tập quán văn hóa khu vực và năng lực kết nối trong phạm vi tích tụ dân cư tạo lập đô thị.

Quy hoạch hạ tầng đô thị có vai trò rất quan trọng trong phát triển đô thị vệ tinh và đô thị mới, bởi hạ tầng luôn phải đi trước một bước, là một cấu thành quan trọng của “việc lót tổ đón đại bàng” như cách nói ví von trong việc kêu gọi đầu tư phát triển, tạo sự hấp dẫn cho đô thị. Nhà đầu tư nào đầu tiên cũng nhìn vào hệ thống hạ tầng quy hoạch ra sao bên cạnh hành lang pháp lý khi lựa chọn đầu tư vào một khu vực đô thị. Đô thị vệ tinh càng phải đặc biệt quan tâm đến quy hoạch hạ tầng bởi khoảng cách so với đô thị trung tâm và quy mô diện tích không lớn, nhưng tính chất lại đòi hỏi sự đồng bộ, không phụ thuộc vào các đô thị khác.

quy hoạch Hà Nội

PV: Còn trong khu vực nội đô, có xuất hiện vấn đề gì đáng lo ngại không, thưa ông?

TS.KTS. Vũ Hoài Đức: Quy mô, cơ cấu dân số dự báo theo quy hoạch tại khu vực nội đô mở rộng (phía Tây đường vành đai 2) đang vượt ngưỡng khống chế do các khu đô thị đã và đang xây dựng hệ thống hạ tầng hoành chỉnh, tạo sức hút lớn về đầu tư, điều chỉnh dự án theo hướng cao tầng. Sức chịu tải của hệ thống hạ tầng đến đâu, có cần điều tiết các dự án nhà ở hay phải có giải pháp khác? Đây là vấn đề cần có câu trả lời.

Còn tại khu vực nội đô lịch sử xảy thì đang xảy ra nghịch lý: Vừa có sự giảm dân số tại khu phố Cổ, phố Cũ; vừa có sự gia tăng ở các khu vực còn lại; hầu hết thời gian “sống” diễn ra sự quá tải cho hệ thống, đặc biệt là hệ thống giao thông. Do chưa có giải pháp kết nối các khu dân cư với hệ thống giao thông công cộng cũng như các phương án hạn chế giao thông cá nhân đồng thời với phát triển đường mới trong khu vực và các khu đô thị có khả năng thu hút, giảm tải dân số.

Mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển không được thẳng thắn nhìn nhận rằng phát triển không gian đang đe dọa bảo tồn vật thể ở. Tại khu phố Cổ và Khu phố Cũ xây dựng thời Pháp thuộc, cấu trúc không gian truyền thống đã và đang mất đi bởi xu hướng thêm tầng, xóa bỏ và đổ lỗi cho sự xuống cấp của cái cũ, đánh giá cái cũ không phải là di sản đô thị ở góc nhìn đơn lẻ. Ở chiều ngược lại, có hay không việc “di sản cản trở sự phát triển"? Và Đường Lâm có phải là minh chứng? Quy hoạch bảo tồn cần giải quyết được vấn đề mang tính liên ngành như trên.

quy hoạch phố cổ hà nội
phố cổ Hà Nội
phố cổ Hà Nội
phố cổ Hà Nội

Tại khu phố Cổ và Khu phố Cũ xây dựng thời Pháp thuộc, cấu trúc không gian truyền thống đã và đang mất đi bởi xu hướng thêm tầng, xóa bỏ và đổ lỗi cho sự xuống cấp của cái cũ...

Ngoài ra, việc cải tạo các chung cư cũ và quá trình đô thị hoá khu vực làng xóm cũ trong đô thị chưa có giải pháp đảm bảo tính khả thi. Có thể nói các làng xóm trong nội đô lịch sử và một số quận đô thị hóa nhanh rất khó, nếu không muốn nói là không thể sửa chữa được tình trạng xây chen đậm đặc bên những đường làng cũ nhỏ hẹp, bao kín những thiết chế văn hóa truyền thống (đình, đền chùa…).

Bài học này có lặp lại ở các vùng nông thôn dự kiến đô thị hóa trong tương lai? Liệu những khu chung cư sẽ dần được thay thế hết bằng các tòa nhà mới, theo hình thức “nhổ răng”, mỗi tòa một vẻ khác hẳn ngôn ngữ không gian đồng điệu vốn là đặc trưng của một thời? Tôi cho rằng, đây cũng là vấn đề cần được nghiên cứu trong lần điều chỉnh quy hoạch tới.

Chưa hết, các trường đại học, trung tâm văn hoá, thương mại, y tế vẫn tập trung dày đặc ở trung tâm, gây nên hiện tượng quá tải, vừa thiếu lại vừa thừa.

Những cơ sở dự kiến di dời sẽ di dời toàn bộ hay một phần theo định hướng quy hoạch? Việc tính toán cụ thể về số lượng sinh viên, giảng viên, cán bộ công nhân viên trong các trường chuyển dịch đến các cơ sở mới; số lượng dân cư xung quanh có lợi ích kinh tế gắn với các trường sẽ trợ giúp kế hoạch thực thi và các giải pháp quy hoạch thay thế tại cơ sở hiện hữu hiệu quả hơn. 

Việc phát triển hệ thống công viên, cây xanh hồ nước tại đô thị trung tâm trong thời gian qua cũng rất khó khăn, nan giải do không giữ được quỹ đất quy hoạch cũng như vướng mắc trong việc di dân giải phóng mặt bằng để dành đất cho không gian công cộng - thước đo của sự văn minh. Bài toán giữ đất và tạo vốn từ đất vẫn là vấn đề cốt lõi mà nhà quản lý cần sát sao hơn để khơi thông nguồn lực phát triển đô thị.

Có thể thấy Hà Nội đang quá chú trọng phát triển các đô thị mới có chất lượng cao, đem lại nhiều lợi nhuận cho các chủ đầu tư, nhưng các khu đô thị nhà ở xã hội ít lợi nhuận, có vai trò đảm bảo an sinh lại chưa được coi trọng. Các lĩnh vực kinh tế khác có tiềm năng như công nghệ cao, dịch vụ đào tạo chất lượng cao, logistics… cũng chưa được quan tâm đúng mức.

quy hoạch Hà Nội

Việc đầu tư bị dàn trải, thiếu hệ thống, manh mún, không hoàn chỉnh, hay khuynh hướng xây dựng nhiều khu đô thị, song chất lượng không đồng đều, đầu tư cho hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật thiếu đồng bộ vẫn cho thấy tư duy cục bộ, thiếu tầm nhìn và sự tính toán trong quản lý phát triển theo hướng “động”.

PV: Đó cũng là lý do gây nên một loạt các bài toán nan giải như ngập úng, tắc đường, khói bụi… đang khiến cuộc sống của người dân đô thị trở nên ngột ngạt và mệt mỏi hơn?

TS.KTS. Vũ Hoài Đức: Đúng vậy. Sự quá tải, tình trạng tắc đường, úng ngập, ô nhiễm tiếng ồn, không khí, nguồn nước đang ngày càng trở thành vấn đề bức xúc.

Yếu tố hạ tầng mà đặc biệt là hạ tầng giao thông phát triển không tương xứng và đồng bộ với quy mô đô thị. Điều này gây lãng phí khi việc sử dụng nhiều năng lượng đồng thời với tỷ lệ phương tiện giao thông cá nhân quá lớn và tình trạng ách tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng. Hạ tầng xã hội của Hà Nội cũng đang ở trong tình trạng tương tự, khi mà sự quá tải về quy mô học sinh, giường bệnh hay các tiện ích xã hội đang âm thầm diễn ra. Yếu tố hạ tầng xã hội không đảm bảo còn gây nên sự bất bình đẳng xã hội, bất bình đẳng giữa đô thị và nông thôn.

Môi trường Hà Nội ngày càng ô nhiễm, tình trạng nước sông Tô Lịch là ví dụ rất điển hình cho thấy tác động của quá trình đô thị hóa đến môi trường và tự nhiên. Chất lượng không khí của Hà Nội cũng ít khi đạt được chỉ số tối ưu – một trong những hệ quả của quá trình đô thị hóa.

Hà Nội
Hà Nội tắc đường
Hà Nội tắc đường
Hà Nội tắc đường

Quá tải hạ tầng ở khu vực nội đô Hà Nội.

Vấn đề không thể chỉ giải quyết theo từng lĩnh vực hạ tầng mà cần nhiều giải pháp song hành. Tuy nhiên, cấp bách hiện nay chính là vốn đầu tư cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật chính yếu (công trình đầu mối và công trình theo tuyến). Một cơ chế hợp tác - liên kết đa phương thức với chiến lược dài hạn, kế hoạch trung hạn linh hoạt phải chăng là chìa khóa cho phát triển.

Các tuyến UMRT (đường sắt vận chuyển khối lượng lớn) đang xây dựng sẽ tác động mạnh lên cấu trúc đô thị với xu hướng tập trung dân cư cao trên tuyến và tại các điểm kết nối. Những tính toán về năng lực vận tải sẽ trợ giúp các phương án quy hoạch tạo mật độ cao tại các khu vực có điều kiện phát triển, hay tạo liên kết gián tiếp thông qua cải tạo đối với các khu vực không có điều kiện phát triển.

quy hoạch Hà Nội

PV: Trong tầm nhìn phát triển mới, ngoài những vấn đề nêu trên, còn vấn đề gì đang là thách thức cũng cần giải quyết, sớm tìm câu trả lời không, thưa ông?

TS.KTS. Vũ Hoài Đức: Việc nghiên cứu sân bay mới ở phía Nam (huyện Ứng Hòa) đã từng đặt ra (chưa kể Quy hoạch 108 trước đây cũng từng đặt vấn đề sân bay phía Nam tại đô thị vệ tinh Miếu Môn), giờ tiếp tục được đề xuất, trong khi sân bay Quốc tế Nội Bài chưa phát triển hoàn chỉnh & đạt công suất theo quy hoạch. Hệ thống đường sắt cao tốc Bắc - Nam cũng đang nghiên cứu triển khai. Một ý tưởng lớn như vậy sẽ thay đổi và tác động rất lớn đến đô thị vệ tinh Phú Xuyên và toàn bộ không gian vùng Thủ đô phía Nam…, nhưng liệu đã đủ cơ sở khoa học, thực tiễn cho đề xuất này? Tôi cho rằng cần phải nghiên cứu thêm, dựa trên góc nhìn từ thực tiễn. 

Bên cạnh đó, khu vực mở rộng thuộc tỉnh Hà Tây (cũ), 4 xã thuộc tỉnh Hòa Bình và huyện Mê Linh cũng còn rất nhiều thách thức, không thể giải quyết một sớm một chiều. Đó là việc chuyển hóa từ khu vực nông nghiệp sang khu vực có chức năng đô thị, là các điểm dân cư nông thôn sang mô hình dân cư mới, là đất đai canh tác nông nghiệp sang không gian xanh, là khai thác hệ thống sông ngòi vào không gian mặt nước trong đô thị. Đây sẽ là những hạn chế khó khăn trong phát triển đô thị bền vững nếu không sớm khắc phục của Hà Nội.

Ngoài ra, khai thác phát triển đô thị hai bên sông Hồng đồng bộ với an toàn chống lũ là vấn đề còn chưa đạt sự đồng thuận. Các luận cứ khoa học tính toán cho lũ lụt ở Hà Nội chưa công bố, trong bối cảnh hệ thống hồ, đập thủy lợi của cả Việt Nam và Trung Quốc gần như đã phủ kín toàn bộ lưu vực sông từ thượng nguồn đến hạ lưu… Có ý kiến cho rằng sông Hồng đang thiếu nước, vì có chuyện tích nước để sản xuất điện hay xả nước để đón lũ luôn là vấn đề hàng năm khó thống nhất giữa ngành Công thương với Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

PV: Vậy, theo ông, các bất cập có xuất phát từ công tác làm quy hoạch hay thực thi quy hoạch?

TS.KTS. Vũ Hoài Đức: Công tác lập quy hoạch với vai trò như các dự án thiết kế nên công cụ quản lý không gian đang được lập khá tốt, thậm chí là thừa dẫn đến chồng chéo, đan xen và khó sử dụng. Nhìn nhận tình hình quy hoạch đô thị dưới góc nhìn liên ngành, hiện đại hơn cho thấy sự phối hợp phát triển giữa các ngành - lĩnh vực còn nhiều điểm chưa thống nhất. Việc thực thi quy hoạch trên thực tế còn nhiều bất cập cho thấy các quy hoạch mới chú trọng đến viễn cảnh mà chưa đề cập thực chất đến quá trình.

PV: Để phát triển một Hà Nội xứng tầm với những đô thị văn minh, hiện đại trong khu vực và trên thế giới, thời gian tới, công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị cần có chuyển biến như thế nào, thưa ông?

TS.KTS. Vũ Hoài Đức: Việc thực thi Luật quy hoạch mới (Luật Quy hoạch 2017 – PV) đòi hỏi một tư duy mới. Thực tiễn cho thấy tư duy trong quy hoạch và quản lý phát triển ở những đô thị đặc biệt phức tạp như Hà Nội cần mang tính chiến lược thay vì toàn diện, linh hoạt thay vì cứng nhắc, mang tính hành động thay vì lý thuyết, tập trung vào quy trình thay vì sản phẩm, mang tính dài hạn thay vì nhiệm kỳ, tính đến toàn cầu hóa thay vì chỉ địa phương, hợp nhất liên ngành thay vì “mạnh ai nấy làm”…

Việc đổi mới công tác quy hoạch đô thị theo hướng hợp nhất là cần thiết và tất yếu, dù có hay không có luật quy hoạch. Bởi tính ưu việt đã được khẳng định từ thành công trên thế giới.

Ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, công tác quy hoạch chưa thực sự được lập theo cách hợp nhất, cho dù đã và đang dần có sự đề cập đến nhiều chủ đề thuộc các lĩnh vực ngoài kiến trúc - xây dựng.  Việc đổi mới theo hướng có sự tham gia của các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực, sẽ khiến quy hoạch đô thị có tính liên ngành. Đó là tương lai của ngành quy hoạch đô thị. Tuy nhiên, phương pháp này cần một nhạc trưởng và các chuyên gia làm việc nhóm với tâm thế khoa học và hơn hết là sự dấn thân. 

Mặt khác, quy hoạch đi theo xu hướng dân chủ xã hội, cần có sự tham gia rộng rãi của công chúng và các bên liên quan thay vì ý chí chính trị và quan điểm chuyên gia thuần túy. Điều đó mới đảm bảo sự thành công – tính khả thi của quy hoạch. Quy hoạch và thực hiện quy hoạch ở Hà Nội không thể nằm ngoài xu thế đó. Chuyển biến sớm sẽ tạo nên thành công sớm, bền vững cho mai sau.

-        Trân trọng cảm ơn ông vì những chia sẻ!

TS.KTS Vũ Hoài Đức

- Từ 1995 đến 2021: Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội

- Từ năm 2021 đến nay:

+ Giảng viên Khoa Các khoa học liên ngành, ĐHQGHN

+ Giảng viên thỉnh giảng tại Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội và Trường ĐH Mở Hà Nội

- Hướng nghiên cứu:

+ Cấu trúc không gian đô thị

+ Quy hoạch xây dựng

+ Quy hoạch hợp nhất

+ Lịch sử kiến trúc

+ Lịch sử đô thị

+ Quản lý đô thị

+ Thiết kế kiến trúc công trình

23/08/2021 06:00

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top