Nhiều khách hàng không đủ điều kiện nhận hỗ trợ
Tại Hội nghị, hàng loạt ngân hàng giãi bày khó khăn, vướng mắc khi giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho hay, tính đến 22/8/2022, dư nợ của các hợp đồng tín dụn ký kết từ 01/01/2022 của khách hàng thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất qua rà soát, nhận diện tại Agribank là 40.000 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, dư nợ được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP đạt khoảng 1.700 tỷ đồng, doanh số cho vay khoảng 1.900 tỷ đồng với 361 khách hàng, số tiền lãi hỗ trợ cho khách hàng là 1,5 tỷ đồng (31/7/2022 là 837 triệu đồng).
Dự kiến trong tháng 9, Agribank sẽ thực hiện hỗ trợ lãi suất cho khách hàng với dư nợ lũy kế được hỗ trợ là 8.500 tỷ đồng, số tiền lãi hỗ trợ khoảng 15 tỷ đồng và đến hết năm 2022 số tiền hỗ trợ lãi suất sẽ đạt khoảng 1.000 tỷ đồng. Sở dĩ giải ngân gói hỗ trợ lãi suất còn chậm, theo Phó Tổng Giám đốc Agribank là do bốn vướng mắc chính.
Thứ nhất là, đa số khách hàng của Agribank hoạt động trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn là khách hàng cá nhân, chiếm 96%/tổng số lượng khách hàng. Để tạo điều kiện, đơn giản hóa thủ tục đối với khách hàng cá nhân vay vốn để thanh toán các chi phí hoạt động kinh doanh, Agribank có cơ chế cho vay theo hạn mức quy mô nhỏ tối đa không quá 300 triệu đồng/khách hàng, thời hạn duy trì hạn mức tối đa 03 năm kể từ ngày ký kết. Do đó, nhiều hợp đồng tín dụng đã ký kết với khách hàng trước thời điểm 01/01/2022 không đủ điều kiện để được hỗ trợ.
Mặt khác, đối tượng khách hàng hộ kinh doanh không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và khách hàng cá nhân vay vốn dưới 300 triệu đồng có ngành nghề được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 tại Agribank chiếm khoảng 40 - 50%/dư nợ khách hàng cá nhân không được hỗ trợ theo quy định.
Vì vậy, số lượng khách hàng thực tế đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất còn hạn chế.
Thứ hai là, vướng mắc liên quan đến hồ sơ, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay: Tại điểm 2.4, khoản 2, Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC, đã quy định một số trường hợp thu mua hàng hóa, dịch vụ đầu có thể chỉ lập bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ, trong đó có hàng hóa là nông, thủy, hải sản…
Tuy nhiên, đến thời điểm kiểm tra, thanh tra, quyết toán hỗ trợ lãi suất, về mặt thực tế đối tượng hình thành từ vốn vay đã được luân chuyển qua chu kỳ sản xuất kinh doanh hoặc đã tất toán, về mặt chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn thì không có hóa đơn tài chính mà chỉ có có bảng kê thu mua hàng hóa. Điều này phần nào gây khó khăn, e ngại cho ngân hàng và khách hàng khi chứng minh mục đích sử dụng vốn với cơ quan thanh tra, kiểm toán.
Thứ ba là, một số hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng trong thực tế vừa có sự tương đồng nhưng cũng có sự khác biệt với các ngành nghề/lĩnh vực được quy định và không thể tách bạch chi tiết theo Phụ lục I Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản pháp luật hiện hành cần có hướng dẫn cụ thể hơn.
Thứ tư là, chương trình hỗ trợ lãi suất được lấy kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước nên chi nhánh, khách hàng cũng thận trọng trong quá trình thực hiện. Nhiều khách hàng đang trong giai đoạn hoàn thiện đầy đủ hồ sơ, tài liệu để hỗ trợ lãi suất
Nhiều doanh nghiệp từ chối tham gia gói hỗ trợ lãi suất 2%
Đồng tình với các vướng mắc giống như Agribank, ông Nguyễn Trần Mạnh Trung, Phó Tổng Giám đốc Vietinbank cho biết thêm nhiều nguyên nhân nữa khiến giải ngân gói hỗ trợ lãi suất chậm.
Thứ nhất, nhiều doanh nghiệp vay vốn ngân hàng kinh doanh đa ngành nghề việc bóc tách lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất cũng như chứng từ chứng minh đồng vố vay được sư dụng cho lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất là rất khó.
Thứ hai, một trong những điều kiện để được hỗ trợ lãi suất theo quy định của Nghị định 31 là khách hàng phải có phương án về khả năng phục hồi. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có hướng dẫn về phương án khả năng phục hồi, mỗi ngân hàng hướng dẫn một kiểu khiến khách hàng bối rối cũng như khó khăn cho công tác thanh, kiểm tra sau này.
Thứ ba, ngoài thủ tục phức tạp, nhiều doanh nghiệp lo ngại sau khi tham gia lại bị cơ quan thanh tra, kiểm toán vào làm viêc, rất mất thời gian.
Lãnh đạo của Vietcombank, BIDV, TPBank... cũng cho biết, bên cạnh nhiều doanh nghiệp bị ngân hàng từ chối duyệt đề nghị hỗ trợ lãi suất 2% vì không đủ điều kiện thì có nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện từ chối tham gia vì e ngại thủ tục rườm rà và ngại thanh tra, hậu kiểm về sau.
Gỡ vướng cách nào để ngân hàng, khách hàng tự tin tham gia gói hỗ trợ lãi suất?
Theo ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank, để đẩy nhanh gói hỗ trợ lãi suất 2%, trước hết, Chính phủ, các bộ ngành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét mở rộng đối tượng hỗ trợ lãi suất, cụ thể là đối với khách hàng là hộ kinh doanh không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Hai là, đề nghị các cơ quan Thanh tra, Kiểm toán, cơ quan quản lý Nhà nước thống nhất hướng dẫn các nội dung trong triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31, đặc biệt là các nội dung về hóa đơn, chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn đối với khách hàng khi giải ngân sử dụng bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ.
Ba là, đối với các trường hợp khách hàng đã giải ngân và ký hợp đồng tín dụng từ 01/01/2022 đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ và khi thống nhất về đối tượng và điều kiện áp dụng đã quá kỳ hạn trả lãi, đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ ngành xem xét cho phép các tổ chức tín dụng thống kê và hạch toán bổ sung hỗ trợ lãi suất đối với các khách hàng này.
Ngoài ra, ông Vượng cũng đề nghị các cơ quan truyền thông tích cực vào cuộc, thông tin đầy đủ, rõ ràng chính sách và chủ trương của Chính phủ về chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, tránh hiện tượng phản ánh không đúng khi thực tế khách hàng không đúng đối tượng, đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất theo quy định.
“Trước đây, khi thực hiện chính sách cơ cấu nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, có khách hàng kiện Agribank lên tận Chính phủ, song khi đi kiểm tra thì khách hàng này bị nợ xấu 10 năm, tức không nằm trong đối tượng được cơ cấu nợ” ông Vượng lấy ví dụ.
Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cũng kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước phải phối hợp với các bộ, ngành ban hành tiêu chí cụ thể về khả năng phục hồi và mở rộng phạm vi khách hàng được hỗ trợ, cho phép các hộ kinh doanh không có đăng ký kinh doanh được hỗ trợ lãi suất.
Một số lãnh đạo ngân hàng khác kiến nghị các bộ, ngành có giải pháp tháo gỡ về hóa đơn bán lẻ, dư nợ các khoản vay bằng ngoại tệ, mở rộng đối tượng về xuất khẩu lúa gạo, xây lắp... Đồng thời, có giải pháp giải tỏa tâm lý e ngại về thanh kiểm tra cho doanh nghiệp./.