Aa

Gói hỗ trợ lãi suất: Quan trọng là phải có cơ chế phù hợp

Thứ Bảy, 02/10/2021 - 06:30

Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, nếu có cơ chế đặc biệt, các TCTD sẽ mạnh dạn cho vay đối với doanh nghiệp chịu tác động bởi dịch bệnh và doanh nghiệp mới có thể tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi này nhiều hơn.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp do tác động của đại dịch Covid, mới đây Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề nghị Chính phủ xem xét, quyết định ngay trong kỳ họp tháng 10 tới đây các giải pháp về cấp bù lãi suất cho ngân hàng (hay nói nôm na là hỗ trợ lãi suất) để giảm lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Phóng viên trao đổi với Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) - TS. Nguyễn Quốc Hùng xoay quanh vấn đề này.

Ông Nguyễn Quốc Hùng
TS. Nguyễn Quốc Hùng

PV: Ông đánh giá thế nào về tính khả thi của gói cấp bù ưu đãi lãi suất bằng ngân sách?

TS. Nguyễn Quốc Hùng: Tôi rất ủng hộ chủ trương sử dụng ngân sách để hỗ trợ trực tiếp lãi suất cho các doanh nghiệp. Vấn đề quan trọng nhất ở đây, theo tôi là làm thế nào để đối tượng thụ hưởng, cụ thể là doanh nghiệp, sớm tiếp cận gói ưu đãi lãi suất này.

Hiện tại các doanh nghiệp đều rất khó khăn, doanh thu bị ảnh hưởng, kết quả kinh doanh không bảo đảm do tác động tiêu cực của dịch bệnh. Thế nhưng cái khó của ngân hàng là họ không thể tự ý giảm chuẩn cho vay được. Ngay cả Ngân hàng Nhà nước cũng không thể đưa ra Thông tư dưới chuẩn để cho phép các ngân hàng thực hiện được.

Vì vậy, song song việc dành nguồn tiền để hỗ trợ, Quốc hội, Chính phủ cần sớm ban hành cơ chế đặc biệt trong bối cảnh lịch sử nhất định. Nếu có cơ chế đặc biệt, theo tôi các TCTD sẽ mạnh dạn cho vay đối với doanh nghiệp chịu tác động bởi dịch bệnh và doanh nghiệp mới có thể tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi này nhiều hơn.

Tuy nhiên, trên cơ sở rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ lãi suất năm 2009, chúng ta cần ban hành cơ chế sao cho phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp, nguồn vốn sử dụng đúng mục đích, đồng thời ngân hàng quản lý kiểm soát rủi ro trước, trong và sau khi cho vay để đảm bảo an toàn hệ thống.

Bên cạnh các giải pháp từ phía ngân hàng, Bộ Tài chính nên chủ động, mạnh dạn hơn trong giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Nhất là khi Thủ tướng đang chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các bộ, ngành rốt ráo triển khai các chính sách hỗ trợ nền kinh tế.

PV: Hiện đang có đề xuất Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu xem xét ban hành các gói vay lãi suất thấp trong thời gian từ 3 đến 6 tháng để hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khôi phục kinh tế. Quan điểm của ông thế nào về đề xuất này?

TS. Nguyễn Quốc Hùng: Đối với đề xuất này, theo tôi là không khả thi. Bởi kinh nghiệm các nước cho thấy chính sách tiền tệ không làm thay được chính sách tài khoá trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế.

Dù vậy, thời gian qua, ngành ngân hàng đã vào cuộc và có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân như cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, giảm phí… Lũy kế từ khi có dịch đến nay, các ngân hàng đã cắt giảm trên dưới 30 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trong đó gần 27 nghìn tỷ đồng là để hỗ trợ lãi suất hỗ trợ, 2 nghìn tỷ đồng để giảm phí. Con số như vậy không phải là ít. Tính tổng các biện pháp mà ngân hàng triển khai trong thời gian qua thì mức lãi suất ngân hàng đã hỗ trợ nhiều hơn so với mức đang tính toán như hiện nay. Điều này cho thấy ngành Ngân hàng đã vào cuộc rất quyết liệt.

Có thể nói, hiện ngành Ngân hàng đã tận dụng hết mức các công cụ chính sách tiền tệ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Vấn đề đặt ở đây là trong khi ngành Ngân hàng không còn dư địa để hỗ trợ, thì các nguồn khác lại chưa được tận dụng hết như Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, giảm thuế, giảm phí...

Theo tôi, thời gian tới cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ phía các bộ, ngành với các quyết sách nhanh, đủ mạnh mới có thể hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp phục hồi sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Nói tóm lại, khi xây dựng các gói hỗ trợ đặc biệt trong giai đoạn này cần phải có cơ chế đặc thù thì tính khả thi mới cao, việc giải ngân vốn mới thuận lợi, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn.

PV: Vậy ông bình luận gì về kiến nghị Ngân hàng Nhà nước bỏ quy định doanh nghiệp không có nợ xấu tại các TCTD mới được tiếp cận vay vốn lãi suất 0%/năm để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 68?

TS. Nguyễn Quốc Hùng: Theo tôi, bỏ quy định trên sẽ gây khó cho ngân hàng trong việc bóc tách nợ xấu. Thực tế là không loại trừ khả năng doanh nghiệp có nợ xấu trước khi dịch bệnh xảy ra. Đối với doanh nghiệp phát sinh nợ trong giai đoạn dịch bệnh Covid diễn ra thì đã được các ngân hàng thực hiện cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ. Còn doanh nghiệp phát sinh nợ xấu từ trước khi có dịch vẫn được hưởng chính sách ưu đãi này sẽ rất rủi ro cho ngân hàng. Trong khi áp lực nợ xấu gia tăng của hệ thống ngân hàng là rất lớn.

PV: Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top