Aa

Gọi vốn trái phiếu: Doanh nghiệp bé chật vật, đại gia được mời cho vay thêm

Thứ Tư, 02/10/2019 - 16:25

Sân chơi thị trường trái phiếu doanh nghiệp ngày càng hấp dẫn khi “để mở” sự phân cấp doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư.

Kẻ khó vẫn khó, người dễ vẫn dễ

Mới đây, Tập đoàn Masan (MSN) công bố kết quả phát hành trái phiếu với lượng đặt mua vượt số lượng chào bán. Thông tin này ở nhiều góc độ đã tác động tích cực lên thị trường trái phiếu và cũng là động lực cho các doanh nghiệp nhỏ làm ăn thực lực đang có nhu cầu mở rộng quy mô vốn.

Theo thông tin mới nhất từ Masan, tập đoàn này đã phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu cho 5 tổ chức. Số trái phiếu này bán đi được cho là dễ dàng khi mà lượng đặt mua trái phiếu lên tới 2.550 tỷ đồng.

Câu chuyện phát hành trái phiếu “nhẹ như lông hồng” của ông Nguyễn Đăng Quang cũng giống như nữ tỷ phú USD bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc hãng hàng không Vietjet. Bà Thảo cũng được xem là người mát tay bán trái phiếu. Ngân hàng HDBank, nơi bà làm phó chủ tịch HĐQT, tính từ đầu năm 2019 đến nay đã bán thành công hơn 7.500 tỷ đồng trái phiếu.

Hay như mới đây, ngày 13/9/2019, Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup (VIC) đã thông qua nghị quyết về việc Vingroup sẽ bảo lãnh thanh toán cho các nghĩa vụ của Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast liên quan đến trái phiếu có tổng mệnh giá tối đa 5.000 tỷ đồng dự kiến phát hành trong năm 2019.

Theo tìm hiểu của phóng viên, số trái phiếu này cũng đang được nhiều nhà đầu tư chờ đợi và dự kiến sẽ nhanh chóng hết “hàng”. Cách đây 1 năm, VinFast cũng từng được Euler Hermes bảo lãnh khoản vay 950 triệu USD, kỳ hạn 12 năm nhằm nhập khẩu máy móc thiết bị, phục vụ sản xuất.

Sự sôi động của thị trường trái phiếu trong năm 2018 tiếp tục được duy trì trong 8 tháng đầu năm 2019. Căn cứ thông tin phát hành riêng lẻ trên HNX và công bố thông tin của các doanh nghiệp, ước tính 8 tháng đầu năm 2019 tổng lượng chào bán là 129.016 tỷ đồng và lượng phát hành là 117.142 tỷ đồng, tỷ lệ phát hành thành công toàn thị trường là 90,8%, quy mô thị trường tăng mạnh lên mức khoảng 10,2% GDP.

Trong đó, ngân hàng là nhóm có tỷ lệ phát hành thành công cao nhất (99,6%), tất cả 10 ngân hàng thương mại đều bán hết 100% lượng trái phiếu chào bán. Top 5 ngân hàng thương mại phát hành nhiều nhất, chiếm tới 83% tổng giá trị phát hành 8 tháng năm 2019 của nhóm Ngân hàng là VPB (13.860 tỷ đồng, trong đó có 300 triệu USD trái phiếu quốc tế); HDB (11.600 tỷ đồng), ACB (7.850 tỷ đồng).

Thực tế, không phải ngẫu nhiên trái phiếu ngân hàng được quan tâm và tìm mua hơn hẳn các nhóm doanh nghiệp khác. Ngân hàng là đơn vị kinh doanh tiền, được Ngân hàng Nhà nước giám sát nên độ tin tưởng cao hơn. Chưa kể, lợi nhuận của các ngân hàng thường có độ tăng trưởng bền vững.

Còn đối với các doanh nghiệp quy mô siêu lớn và có lãnh đạo uy tín như Vingroup, Masan hay Vietjet, trái phiếu phát hành ra còn được nhà đầu tư săn đón. Bởi sân chơi trái phiếu cũng giống như những sân chơi đầu tư khác, nhà đầu tư sẽ chọn lọc trái phiếu doanh nghiệp quy mô lớn, kinh doanh hiệu quả. Khi thị trường trái phiếu đa dạng, nhà đầu tư cũng có nhiều cơ hội lựa chọn tựa như múa bán hóa trong siêu thị.

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán SSI, trong 8 tháng đầu năm 2019, bất động sản là lĩnh vực có các doanh nghiệp tham gia chào bán trái phiếu doanh nghiệp đông đảo nhất với 44/108 doanh nghiệp. Tổng lượng chào bán là 47.804 tỷ đồng nhưng chỉ có 36.946 tỷ đồng được phát hành, dư bán 10.858 tỷ đồng.

Tuy vậy, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản dù đem lại cơ hội sinh lời cao cho nhà đầu tư nhưng lại tiềm ẩn rủi ro, nhất là doanh nghiệp có dự án ảo.

Như đợt phát hành trái phiếu 2.000 tỷ đồng của Công ty TNHH An Quý Hưng - cổ đông đã thâu tóm Vinaconex trong đợt thoái vốn của SCIC, mặc dù đưa ra mức lãi suất lên tới 12% mỗi năm, song vẫn bất thành.

Lãi suất không “đọ nổi” uy tín

Thực tế là, bất động sản là lĩnh vực kinh doanh yêu cầu vốn lớn và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bản thân các ngân hàng thương mại cũng phải áp hệ số rủi ro 50% với cho vay đảm bảo bằng nhà ở, quyền sử dụng đất; 200% với cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản (theo Thông tư 36) và hệ số này còn tăng lên cao hơn nữa trong dự thảo thông tư thay thế.

Độ hấp thu cao của trái phiếu doanh nghiệp có vẻ không phụ thuộc nhiều vào lãi suất chào bán. Lãi suất trái phiếu bình quân của tất cả các trái phiếu bất động sản phát hành 8 tháng đầu năm 2019 là 10,01%/năm. Trong khi lãi suất trung bình trái phiếu ngân hàng thấp hơn đến 3% so với nhóm trên nhưng lại có chỉ số phát hành thành công cao nhất.

Trái phiếu ngân hàng là nhóm có mức lãi suất thấp nhất và chủ yếu là lãi suất cố định và trả lãi hàng năm. Lãi suất và kỳ hạn bình quân của nhóm ngân hàng là 6,75%/năm và 3.3 năm. Chỉ có 3.900 tỷ đồng trái phiếu nhóm này có lãi suất thả nổi, trong đó gồm: 2.500 tỷ trái phiếu kỳ hạn 3 năm của ABBank có mức lãi suất năm đầu là 6.5%/năm và các năm sau bằng bình quân lãi suất tiết kiệm 12 tháng trả.

Trái phiếu Masan đặc biệt hấp dẫn nhà đầu tư, khi lượng đặt mua vượt xa số chào bán (Ảnh: Internet)

Hay như trái phiếu của Masan cũng không phải đặc biệt hấp dẫn nhà đầu tư bởi lãi suất cao. Trái phiếu Masan là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không được bảo đảm bằng tài sản với kỳ hạn 3 năm.

Trái phiếu có lãi suất 10%/năm cho 2 kỳ tính lãi đầu tiên. Sau đó, lãi suất trái phiếu được tính dựa trên lãi suất tham chiếu (là trung bình cộng của các mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân kỳ 12 tháng do các ngân hàng Vietcombank, BIDV và Agribank công bố) cộng thêm 3,2%/năm.

Độ hấp dẫn của trái phiếu này nằm ở quy mô hoạt động của doanh nghiệp này. Gần đây, Masan của ông Quang có nhiều kế hoạch tấn công vào nhiều thị trường tỷ USD hấp dẫn.

Mới đây, Masan của ông Quang công bố một thương vụ bước ngoặt, có thể giúp quy mô thị trường đầu ra tăng thêm 3,5 lần, từ 1,3 tỷ USD lên 4,6 tỷ USD.

Công ty TNHH Vonfram Masan (MTC) - một công ty con do Masan Resources (MSR) sở hữu 100% vốn - đã ký hợp đồng mua lại nền tảng kinh doanh vonfram của H.C. Starck GmbH (có trụ sở tại Đức) hướng tới trở thành nhà chế tạo vật liệu công nghiệp công nghệ cao.

Masan cũng vững mạnh nhờ uy tín của vị thuyền trưởng. Masan Resources là công ty nằm trong hệ sinh thái Tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang. MSR sở hữu mỏ Núi Pháo, mỏ vonfram có trữ lượng lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc với khoảng 83 triệu tấn quặng vonfram, florit, bismut và đồng.

Trước đó, Masan cũng đã có động thái di chuyển dòng tiền, với lượng cổ tức khoảng 630 tỷ đồng mà CTCP Vinacafé Biên Hòa (VCF) trả cho Masan Beverage (công ty con của Masan Consumer - MCH) trong bối cảnh tập đoàn này đang tấn công mạnh mẽ vào lĩnh vực chăn nuôi và chế biến thực phẩm có quy mô 10 tỷ USD.

Trong khi, hồi đầu tháng 3/2019, Tạp chí Forbes 3 công bố danh sách tỷ phú USD 2019, ghi danh ông Nguyễn Đăng Quang (chủ tịch Tập đoàn Masan) là tỷ phú USD Việt mới với tài sản đạt 1,3 tỷ USD, đứng thứ 1717 thế giới.

Một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cũng bình luận, lãi suất trái phiếu cao giúp tăng tính hấp dẫn, nhưng không có nghĩa nó là tấm bùa giúp các đợt chào bán chắc chắn sẽ thành công. Sự thắng bại nằm ở “vốn tự có” của doanh nghiệp.

Nhìn một cách tổng thể, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp vẫn nằm trong mức tương đối an toàn bởi xấp xỉ bằng với lãi suất vay ngân hàng. Nhưng nếu thiếu một cơ quan định mức tín nhiệm đủ uy tín, người mua trái phiếu, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân sẽ rất khó xác định mức lãi suất hợp lý. Khi chính sách liên quan đến phát hành trái phếu doanh nghiệp thông thoáng hơn thì các cơ chế bảo vệ nhà đầu tư cũng cần hoàn chỉnh hơn. Đây sẽ là nền tảng để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp lớn mạnh và bền vững. Theo đó, không chỉ doanh nghiệp lớn có quy tín mà những doanh nghiệp nhỏ “làm thực ăn thực” có cơ hội huy động vốn từ thị trường mở. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top