Aa

GS. Nguyễn Mại: "Không châm chước trong chọn lựa nhà đầu tư nước ngoài"

Thứ Bảy, 24/08/2019 - 06:20

GS. TSKH Nguyễn Mại trao đổi với báo chí các vấn đề xung quanh Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

PV: Ông suy nghĩ gì về lần đầu tiên Bộ Chính trị có Nghị quyết (NQ) liên quan đến đầu tư nước ngoài?

GS. TSKH Nguyễn Mại: Có thể nói năm 2018 - 2019 là năm của doanh nghiệp (DN). Bộ Chính trị đã có 3 Nghị quyết, một là NQ về kinh tế tư nhân là động lực tăng trưởng quan trọng, hai là NQ nâng cao hiệu quả của DN nhà nước, đẩy nhanh cổ phần hóa và nay là NQ về đầu tư nước ngoài.

Bước vào giai đoạn mới, chúng ta có đánh giá đầy đủ hơn về vai trò của DN và doanh nhân. Trong điều kiện hiện nay của đất nước, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói, chúng ta cần có khát vọng của dân tộc để thực hiện Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, đuổi kịp trình độ phát triển của thế giới, đưa nước ta từ nước thu nhập trung bình thấp sang nước thu nhập trung bình cao và nước công nghiệp.

Rõ ràng là DN và doanh nhân có vai trò rất quan trọng, là đội quân chủ lực của nền kinh tế. 

Nếu chúng ta làm cho cả 3 đội quân: Kinh tế tư nhân, kinh tế nhà nước và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cùng phát triển thành một nguồn lực tăng trưởng quan trọng thì lúc đó ta mới đạt được tốc độ tăng trưởng cao, bền vững theo hướng kinh tế số.

PV: Nghị quyết này tiếp tục khẳng định nguồn vốn FDI rất quan trọng với Việt Nam. Vậy ông đánh giá như thế nào về những điểm mới của Nghị quyết?

GS. TSKH Nguyễn Mại: Bao trùm lên NQ này là sự đánh giá thành quả chúng ta đã đạt được rất quan trọng. Đồng thời vạch ra những khiếm khuyết mà chúng ta chưa đạt được. Đảng và Nhà nước luôn coi trọng chất lượng và số lượng vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nhưng hơn bao giờ hết, lúc này chất lượng trở nên quan trọng nhất.

Cả thời gian dài chúng ta nói về mô hình tăng trưởng mới, cơ cấu kinh tế hiện đại nhưng do chuyển đổi mô hình tăng trưởng chậm nên muốn tăng tốc thì chất lượng và hiệu quả của thu hút đầu tư là quan trọng nhất.

Phải chọn lựa dự án theo định hướng của Nghị quyết Bộ Chính trị để đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Không để tình trạng như trong Nghị quyết nói, dự án ma, dự án chui, mỏng vốn, chuyển giá, lợi dụng sơ hở của pháp luật.

Mô hình tăng trưởng mới tức là chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang kinh tế số, quan trọng không phải chỉ là công nghệ mà còn nguồn nhân lực, trí tuệ con người. Việt Nam có lợi thế rất nổi trội về năng lực, trí tuệ con người trong nền kinh tế số và nền kinh tế tương lai. Bộ Chính trị đã quyết định khi chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng mới thì thu hút FDI cũng phải chuyển đổi theo mô hình này.

Chúng ta coi trọng chất lượng dự án, tức là ưu tiên những dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, đem lại hiệu quả cao về tăng trưởng và công nghệ, giúp nền kinh tế của ta tăng trưởng nhanh theo hướng hiện đại, theo kịp thế giới. Đó là nội dung chính của NQ Bộ Chính trị lần này.

PV: Ông nhận xét gì về tính chọn lựa dự án thể hiện trong Nghị quyết này?

GS. TSKH Nguyễn Mại: Ngay từ đầu khi thu hút FDI, chúng ta cũng đã chọn lựa những đối tác dự án, đặc biệt là chọn các nước có tiềm năng lớn về vốn, công nghệ, trình độ quản lý. Trên thực tế, FDI đã giúp đất nước thay đổi nhiều về phương thức sản xuất, phương thức tiêu dùng, phân phối, ngay cả tư duy của con người cũng thay đổi một phần nhờ thu hút FDI (cho đến giờ là gần 200 tỷ USD vốn thực hiện).

GS. Nguyễn Mại. Ảnh: H.Dương

Tuy vậy, từ khi chúng ta thay đổi phương thức quản lý từ năm 2006, giao cho các địa phương được cấp phép, xúc tiến đầu tư, chọn dự án đầu tư, bên cạnh cái được như phát huy tính sáng tạo, năng động của địa phương thì cũng “đẻ ra” một số tiêu cực rất không đáng có.

Năm 2006 bắt đầu phân cấp thì năm 2008 vốn thu hút tăng đột biến lên 72 tỷ USD, sau đó có 20 tỷ USD không thực hiện được. Đó là do các tỉnh lựa chọn các dự án, “trải chiếu hoa” cho nhà đầu tư nhưng không thực hiện quyền lựa chọn nên có nhiều dự án rởm, như NQ này nói là “mỏng vốn”. Nhiều dự án 4 - 5 tỷ USD nhưng nhà đầu tư không có tiềm năng, bán không được thì trả lại tỉnh.

Cách đây không lâu, khi tôi vào Quy Nhơn (Bình Định) dự Diễn đàn kinh tế miền Trung tôi nhận thấy khu Nhơn Hội có hàng nghìn ha trong 10 năm chỉ hi vọng vào dự án hóa chất, lọc dầu của Thái Lan trị giá 22 tỷ USD. Nhưng sau đó không thực hiện được nên đến giờ khu đất này phải chuyển đổi thành khu đô thị và du lịch. 

Đó là ví dụ để thấy, nếu ta không tăng cường quyền lựa chọn, đặc biệt là lựa chọn nhà đầu tư và dự án đầu tư thì chúng ta không thể thực hiện mục tiêu thu hút FDI góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế theo mô hình tăng trưởng kinh tế mới.

PV: Theo ông mục tiêu nào trong Nghị quyết cần thực hiện ngay?

GS. TSKH Nguyễn Mại: Có 2 yêu cầu trong NQ này cần thực hiện. Đầu tiên là số lượng dự án. Đây là điều rất quan trọng vì đầu tư trước hết là cần vốn. Nếu năm 2019 làm tốt thì vốn thực hiện có thể đạt gần 20 tỷ USD.

Theo NQ, từ 2021 - 2025, bình quân mỗi năm phải thực hiện 25 tỷ USD, tức là cao hơn 5 tỷ USD so với vốn thực hiện năm 2019. Đó là vấn đề rất lớn. Nếu các bộ không lưu ý, quyết tâm thì không thể thực hiện NQ này.

Theo Sách Trắng mới công bố, hiện Việt Nam có 712.000 DN, chủ yếu là DN tư nhân. Chúng ta có 25.000 DN FDI đang hoạt động. Vốn FDI đóng góp 22 - 23% tổng vốn đầu tư xã hội. Con số 25 tỷ USD thực hiện cũng tương đương tỷ lệ này, tôi nghĩ đó là con số cần phải thực hiện. Không nên thấp hơn nhưng cũng không nên cao hơn.

Vì sao không thấp hơn? Dù có 712.000 DN trong nước, 5 triệu hộ kinh doanh nhưng vốn trong nước vẫn hạn hẹp, vẫn cần nguồn vốn đầu tư bên ngoài thì mới đạt được tăng trưởng 7 - 8%/năm. Đó là mục tiêu không thể thấp hơn được.

Nhưng cũng không nên cao hơn vì có thể giảm mất thị phần của DN trong nước. DN trong nước chủ yếu là DN vừa và nhỏ, nhưng cũng có 12.000 DN lớn, trong đó có hàng trăm tập đoàn rất lớn. 

Dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Bluecom Vina, 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc, tại khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng). Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Khác với năm 1990 khi chưa có nguồn vốn đầu tư trong nước thì phải ưu tiên vốn đầu tư nước ngoài, bấy giờ chiếm hơn 30% tổng vốn đầu tư xã hội. Bây giờ chỉ nên giữ ở mức 22 - 23%. Đó là tỷ trọng hợp lý, không nên thấp hơn hay cao hơn.

Về chất lượng, NQ lần này đưa ra định hướng rõ là hướng đến dự án chất lượng cao, công nghệ cao, công nghệ tương lai như IoT, Blockchain… Đây là cơ hội lớn để chúng ta thực hiện khát vọng dân tộc khi đón đầu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Nghị quyết này rất kịp thời để tạo nên một môi trường đầu tư thuận lợi cho FDI. Khác với đầu tư trong nước là cuộc cạnh tranh của các DN, đầu tư nước ngoài là cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia. Vì vậy muốn thu hút FDI nhiều hơn, chất lượng hơn, đặc biệt là tiếp nhận dòng đầu tư từ Trung Quốc chuyển sang thì chúng ta phải có môi trường đầu tư tốt hơn của Trung Quốc.

Trung Quốc mới đây đã có luật riêng dành cho đầu tư nước ngoài. Cho nên, trong NQ của Bộ Chính trị đã giao cho Quốc hội rà soát thể chế luật pháp và môi trường đầu tư để tạo môi trường đầu tư thông thoáng hơn, cạnh tranh tốt hơn với các nước xung quanh.

PV: Theo ông, mục tiêu giải ngân FDI trong Nghị quyết có quá cao hay không?

GS. TSKH Nguyễn Mại: Không. Hiện chúng ta có khoảng 300 tỷ USD chưa giải ngân, tôi đã nhiều lần nói với báo chí và Bộ Kế hoạch Đầu tư là nên tính lại con số này. Thực sự có những dự án từ lâu lắm rồi, ước tính trong 300 tỷ USD đó có 200 tỷ USD không bao giờ thực hiện được, nó trở thành con số ảo, tốt nhất nên loại ra ngoài. 

Chỉ còn 100 tỷ USD chưa thực hiện được thì chia làm 3 loại: Các dự án đang gặp khó khăn do địa phương chưa có mặt bằng, chưa cấp giấy phép xây dựng; các dự án thiếu vốn cần vay mượn; dự án thực sự khó khăn không thể giải ngân thì ta nên cho người ta 6 tháng, sau đó nếu không thực hiện được thì xóa dự án ấy.

Tôi theo dõi từ năm 2010 đến nay thì con số 60 - 70% giải ngân là hoàn toàn có thể đạt được. Như năm nay, con số giải ngân khoảng 20 tỷ USD trên con số đăng ký 30 tỷ USD.

Để có tỷ lệ giải ngân cao thì việc lựa chọn dự án như nói ở trên là rất quan trọng. Rất nhiều dự án mà chủ đầu tư có tiềm năng thì chỉ sau 6 tháng là thực hiện được dự án.

Xin cảm ơn ông!

Một số mục tiêu theo NQ của Bộ Chính trị:

- Vốn đăng ký giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 150 - 200 tỷ USD (30 - 40 tỷ USD/năm); giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 200 - 300 tỷ USD (40 - 50 tỷ USD/năm).

- Vốn thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 100 - 150 tỷ USD (20 - 30 tỷ USD/năm); giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 150 - 200 tỷ USD (30 - 40 tỷ USD/năm).

- Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 so với năm 2018.

- Tỷ lệ nội địa hóa tăng từ 20 - 25% hiện nay, lên mức 30% vào năm 2025 và 40% vào năm 2030.

- Tỷ trọng lao động qua đào tạo trong cơ cấu sử dụng lao động từ 56% năm 2017 lên 70% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top