Aa

GS.TS Đặng Đình Đào: "Cáp treo là 'bàn đạp' để Quảng Bình phát huy nội lực"

Thứ Ba, 05/09/2017 - 06:01

GS.TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, trường ĐH Kinh tế quốc dân cho rằng, Quảng Bình trong tay có rất nhiều tài nguyên nhưng lại chưa làm được nhiều để thu hút du khách, cáp treo là một trong những lựa chọn tốt, là bàn đạp để thúc đẩy Quảng Bình phát triển kinh tế.

Cuối tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình. Tại đây, lãnh đạo tỉnh đề xuất nhiều vấn đề, trong đó có việc bổ sung vào quy hoạch khu du lịch Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng tuyến cáp treo dài 5,2 km từ Km37 đường Hồ Chí Minh nhánh đông đến hang Én, hang lớn thứ ba thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay xung quanh đề xuất trên hiện có nhiều ý kiến tranh cãi, tuy nhiên "Thủ tướng và các bộ ngành đồng ý về chủ trương". Ông yêu cầu các bên làm đúng quy trình, không ảnh hưởng đến di sản thiên nhiên thế giới và mở ra để khai thác đúng mức. Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch được giao chủ trì, phối hợp với địa phương làm rõ vấn đề, đánh giá tác động và trả lời những nội dung liên quan; tham khảo UNESCO, sớm trình Chính phủ xem xét.

Trước thông tin này, GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, trường ĐH Kinh tế quốc dân - người con luôn nặng lòng với quê hương Quảng Bình - chia sẻ niềm vui mừng và cho rằng, đây chính là cơ hội để thúc đẩy kinh tế quê hương phát triển, đưa du lịch Quảng Bình "cất cánh". PV Reatimes đã có cuộc trao đổi với GS. TS Đặng Đình Đào để hiểu rõ hơn những tác động kinh tế khi xây dựng cáp treo ở di sản này. 

PV: Thưa GS.TS Đặng Đình Đào, mới đây, Thủ tướng đã đồng ý chủ trương xây cáp treo ở Phong Nha - Kẻ Bàng. Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến e ngại, vì hệ thống cáp treo này sẽ được xây dựng ở vùng di sản. Ông có quan điểm thế nào về vấn đề này?

GS.TS Đặng Đình Đào: Theo quan điểm của tôi, việc xây dựng cáp treo ở Phong Nha - Kẻ Bàng là một chủ trương tốt. 

Thứ nhất, trong điều kiện hiện nay, đưa cáp treo về Quảng Bình sẽ giúp nơi đây phát huy được nội lực về tài nguyên du lịch, nhất là tài nguyên về hang động. Thứ hai, cáp treo sẽ tạo điểm nhấn để Quảng Bình thu hút du khách. Thứ ba, từ cáp treo có thể kéo theo các điều kiện khác phát triển và thúc đẩy kinh tế địa phương. Bởi hiện nay, trong chuỗi các di sản dọc đất nước thì Quảng Bình một mắt xích yếu, không kết nối được với các điểm di sản của địa phương khác từ Huế vào đến Hội An.

Tôi từng đến động Thiên Đường nằm trong hệ thống hang động Phong Nha - Kẻ Bàng, phải nói là rất vất vả. Nếu có cáp treo thì nhiều người sẽ có cơ hội được tới đây chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tạo hoá ban tặng cho mảnh đất này, đưa du lịch Quảng Bình "cất cánh".

Hơn nữa, hiện nay ở Việt Nam, nhiều nơi đã làm cáp treo thành công rồi thì tại sao Quảng Bình đủ điều kiện lại không làm cáp treo? Có người đi trước cho bài học rồi thì Quảng Bình sao không làm được?

Quảng Bình trong tay có rất nhiều tài nguyên nhưng lại chưa làm được nhiều để thu hút khách, rõ ràng cáp treo là một trong những lựa chọn tốt. Tuy nhiên cũng phải tính đến việc chúng ta làm cáp treo thì quan trọng sau đó phải làm dịch vụ thế nào để giữ chân du khách, chứ không thể để họ sáng tới du lịch, tối lại về Quảng Nam, Đà Nẵng thì cũng công cốc.

GS.TS Đặng Đình Đào

GS.TS Đặng Đình Đào

PV: Thưa ông, vậy có nghĩa cáp treo chỉ là "cầu nối", còn Quảng Bình có thể thoát khỏi hai chữ "tỉnh nghèo" đã đeo đẳng bấy lâu nay không lại là câu chuyện khác?

GS.TS Đặng Đình Đào: Phát triển cáp treo, ngoài thu hút khách du lịch chắc chắn sẽ kéo theo việc phát triển các ngành dịch vụ. Mà khi dịch vụ phát triển, các ngành hỗ trợ khác cũng phát triển theo chuỗi để nâng cao giá trị gia tăng. Trong các dịch vụ thì dịch vụ Logistics để kết nối các vùng là rất quan trọng.

Tôi cho rằng tìm được nhà đầu tư thi công đảm bảo được chất lượng công trình là yếu tố then chốt. Một công trình cáp treo xây dựng tốn biết bao tiền, làm đâu phải dễ. Trước đó phải tổ chức đấu thầu như thế nào để khai thác hợp lý. Mục đích là tìm được nhà đầu tư "có lòng yêu nước", có trách nhiệm với mỗi công trình

Hiện nay, Việt Nam chưa có một trung tâm Logistics nào đúng nghĩa mà chỉ là có các trung tâm của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đơn lẻ. Trong khi ở các nước như Nhật, trung tâm Logistics phục vụ kinh tế thương mại, phục vụ dịch vụ rất tuyệt vời. 

Nếu thực sự xây dựng được hệ thống cáp treo cùng với các giải pháp đồng bộ khác thì chắc chắn sẽ trở thành bàn đạp phát triển  nội lực, kinh tế đối với Quảng Bình.

Ngoài ra, khi làm đến cáp treo rồi thì phải tính phát triển các tài nguyên khác của địa phương như thế nào.

Chính sách phát triển du lịch kinh tế tại Quảng Bình cần thông thoáng hơn để thu hút nhiều nhà đầu tư cùng kết nối lưu thông đến đâu hàng hóa phát triển đến đó. Ví như có thể phát triển từ Châu Hóa, Mai Hóa vào đến tận Phong Nha - Kẻ Bàng thì lợi nhuận cũng tăng cao.

PV: Năm 2014 khi một doanh nghiệp định xây cáp treo ở Quảng Bình, một số chuyên gia nghiên cứu văn hóa đã phản đối và cho rằng, không nên lãng phí tiền của, bởi Quảng Bình là một tỉnh nghèo, nên dành tiền làm các công trình phúc lợi sẽ hiệu quả hơn. Ông nghĩ sao về sự so sánh này?

GS.TS Đặng Đình Đào: Thời điểm cách đây 5 - 10 năm trước thì có thể nói như vậy, nhưng bây giờ, phát triển du lịch, đầu tư cho cáp treo không hề lãng phí. 

Nhìn lại các địa phương đã xây dựng cáp treo thành công thì đều khai thác tốt và hiệu quả, tạo ra được điểm nhấn cho hình ảnh du lịch của địa phương.

Từ những năm 2003, ở Việt Nam đã có nơi xây dựng cáp treo rồi, cho đến nay, cáp treo vẫn đang thu hút khách khách du lịch, thúc đẩy ra tiềm lực phát triển kinh tế cho địa phương. 

Nhưng có điều, xây dựng như thế nào để không ảnh hưởng đến di sản mới là câu chuyện chính.

PV: Thực tế, người Việt vẫn còn rất e ngại với cáp treo và mỗi lần xây cáp treo đều vấp phải những ý kiến trái chiều?

GS.TS Đặng Đình Đào: Dân mình e ngại vì sao, vì những tuyến đường lớn mới làm xong đã hỏng, trường học xây dựng vừa xong đã bong tróc...

Thứ hai, khi triển khai thi công cáp treo có thể làm ảnh hưởng đến tính tự nhiên, môi trường của di sản, cái đó e ngại là hợp lý.

Ngay cả các nước phát triển như Pháp, cáp treo của họ cũng có thể xảy ra rủi ro thì ở nước ta cũng có thể xảy ra các sự cố tương tự. Như vậy, nhìn từ các sự cố để tính ra các giải pháp hạn chế rủi ro. Muốn xoá đi tâm lý e ngại của dân thì các nhà đầu tư, chuyên gia phải tính đến hết các phương án tối ưu nhất, khỏi ảnh hưởng nhất.

Điều quan trọng là khai thác tài nguyên thì làm thế nào đừng ảnh hưởng đến tính nguyên thủy, tính tự nhiên của hang động. Tương tự, cùng xây dựng cáp treo là xây dựng các công trình khác cũng không được làm ảnh hưởng đến tính nguyên sơ của di sản thế giới.

Thứ nữa, là đừng có dự án mới bắt đầu đã phải làm bằng mọi giá. Tóm lại, liên quan đến chủ trương cáp treo thì cần chú trọng quá trình xây dựng, sinh tồn của tự nhiên, làm thế nào để đảm bảo chất lượng công trình nữa.

PV: Như vậy, nhà đầu tư gần như là yếu tố then chốt tạo nên thành công và uy tín của dự án, Theo GS, nên tuyển chọn nhà đầu tư dựa trên những tiêu chí nào?

GS.TS Đặng Đình Đào: Trước hết là nhà đầu tư phải có khả năng tài chính, thứ hai phải có kinh nghiệm làm cáp treo. Để những nhà đầu tư không có kinh nghiệm "nhảy" vào, huy động tiền ngân hàng để làm là không được.

Một điều nữa là khi đã thiết kế, lựa chọn phương án tối ưu nhất thì phải lựa chọn nhà đầu tư có uy tín, độ tín nhiệm cao, lựa chọn nhà đầu tư mà dẫn đến như BOT hiện nay là không được.

Tôi cho rằng tìm được nhà đầu tư thi công đảm bảo được chất lượng công trình là yếu tố then chốt. Một công trình cáp treo xây dựng tốn biết bao tiền, làm đâu phải dễ. Trước đó phải tổ chức đấu thầu như thế nào để khai thác hợp lý. Mục đích là tìm được nhà đầu tư "có lòng yêu nước", có trách nhiệm với mỗi công trình.

Xin cảm ơn ông! 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top