Mới đây, thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định về Quy định quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố.
Quyết định quy định về quản lý hoạt động thoát nước và xử lý nước thải tại các đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư nông thôn tập trung, bao gồm: Định hướng, quy hoạch thoát nước, kế hoạch đầu tư phát triển thoát nước, quản lý và vận hành hệ thống thoát nước, đấu nối thoát nước, dịch vụ thoát nước; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân và hộ gia đình có hoạt động liên quan đến thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Quy định áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến hoạt động thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Sở Xây dựng là đầu mối thực hiện quản lý nhà nước về thoát nước đô thị và xử lý nước thải trên địa bàn Thành phố: Tham mưu cho UBND Thành phố chỉ đạo về công tác lập quy hoạch, đầu tư phát triển, quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng hệ thống thoát nước đô thị và xử lý nước thải; hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra, tổng hợp, báo cáo tình hình quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng, khai thác, sử dụng, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, quản lý vận hành hệ thống thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn Thành phố. Đồng thời chủ trì lập nhiệm vụ, đồ án quy hoạch thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn Thành phố; phối hợp với các cơ quan liên quan lập kế hoạch đầu tư phát triển thoát nước trên địa bàn toàn Thành phố; xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật quản lý duy tu duy trì hệ thống thoát nước đô thị; xây dựng kế hoạch, phương án đảm bảo thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành Thành phố.
Quyết định này thay thế Quyết định số 193/2005/QĐ-UBND ngày 18/11/2005 của UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quy định về quản lý, khai thác và bảo vệ hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trước đó, trả lời báo chí, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, các dự án thoát nước tại thành phố đều triển khai chậm so với yêu cầu tiến độ đặt ra, do nhu cầu vốn đầu tư rất lớn. Trong khi đó, việc huy động nguồn lực xã hội theo hình thức đối tác công tư lại khó khăn vì các dự án này thiếu hấp dẫn, quỹ đất đối ứng để giao cho nhà đầu tư hạn hẹp. Các dự án sử dụng vốn ODA có quá trình chuẩn bị đầu tư kéo dài, dẫn tới nhiều thay đổi về cơ chế chính sách, mặt bằng.
Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn do các công trình thoát nước trải dài, khối lượng đền bù giải tỏa rất lớn; chính sách, kinh phí bồi thường, hỗ trợ và bố trí quỹ nhà tái định cư của thành phố còn nhiều bất cập.