Aa

Hà Nội: Cần đổi mới tư duy quy hoạch để khai thác hết tiềm năng

Thứ Hai, 28/09/2020 - 19:20

"Trong công tác quy hoạch, TP Hà Nội cần chủ động, đổi mới tư duy và có tầm nhìn chiến lược nhằm khai thác hết tiềm năng" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tại Hội nghị Thường trực Thành Ủy Hà Nội.

Thay đổi tầm nhìn quy hoạch

Ngày 24/09/2020, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT). Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT - Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao các cơ quan của TP Hà Nội đã chủ động phối hợp với các đơn vị của Bộ KH&ĐT để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, ách tắc về lĩnh vực Bộ quản lý nhằm phối hợp hiệu quả hơn trong thời gian tới,  xây dựng diện mạo Thủ đô ngày một khang trang, văn minh, hiện đại, năng động và phát triển hơn.

“Trong công tác quy hoạch, thành phố Hà Nội cần chủ động, đổi mới tư duy và có tầm nhìn chiến lược nhằm khai thác hết tiềm năng, thế mạnh và nắm bắt cơ hội để vươn mình sánh ngang với các thành phố lớn trên thế giới và khu vực” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT phát biểu tại Hội nghị

TP Hà Nội đạt và vượt 16/16 chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội đảng Thành phố lần thứ XVI đề ra. Dù diện tích chỉ bằng 1% cả nước, dân số chỉ tiếm 8% - 9% nhưng Bộ trưởng đánh giá cao việc Hà Nội đóng góp 19% thu ngân sách, 16% về xuất khẩu của cả nước. Trong tác động của dịch Covid-19, khả năng tăng trưởng của Hà Nội vẫn có thể đạt mục tiêu đề ra, môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính được thay đổi mạnh mẽ. Trong 8 tháng năm 2020, Hà Nội đã đạt hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ kép.

Đóng góp về góc nhìn của Bộ KH&ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, thách thức, hạn chế. Đó là chưa khai thác hết được tiềm năng, lợi thế, cơ hội, chưa tạo được cú hích, đột phá, chưa có nhiều sản phẩm chủ lực, thương hiệu nổi trội, năng suất, sức cạnh tranh của sản phẩm chưa cao.

TP chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư, nhất là các dự án FDI có quy mô lớn, tác động lan tỏa, dẫn dắt, tạo động lực. Khu vực kinh tế tư nhân mặc dù nhiều nhưng còn nhỏ và siêu nhỏ, sức cạnh tranh hạn chế. Hoạt động nghiên cứu và phát triển, khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo chưa tương xứng với tiềm năng. Việc sắp xếp, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước chưa đạt được như kỳ vọng…

Về công tác quy hoạch, Hà Nội hiện là 1 trong 10 tỉnh chưa phê duyệt xong quy hoạch. Theo Lãnh đạo Bộ KH&ĐT, Hà Nội là thành phố lớn, công tác quy hoạch khó nhưng Hà Nội cần đẩy nhanh công tác này và Bộ KH&ĐT sẵn sàng phối hợp với Hà Nội trong công tác lập, thẩm định quy hoạch.

Toàn cảnh Hội nghị

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng tầm nhìn quy hoạch của Hà Nội cần có thay đổi mạnh mẽ hơn, cần có Ban chỉ đạo về công tác quy hoạch, trong đó có các chuyên gia, viện nghiên cứu, mời chuyên gia nước ngoài để có cách nhìn khách quan, độc lập, tranh thủ được hết cơ hội, đi tắt đón đầu, có bước đột phá và tận dụng được các tiến bộ hiện có trong công tác quy hoạch của Thủ đô.

Bên cạnh đó, Hà Nội cần tiếp tục xác định là trung tâm vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trung tâm của vùng Thủ đô, là thị trường tiêu thụ, cung cấp hậu cần cho vùng trung du miền núi phía Bắc, như vậy, Hà Nội cần tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại như đô thị vành đai, đô thị vệ tinh, xây dựng tuyến giao thông lớn, trở thành hành lang kinh tế, tạo ra trục động lực phát triển.

Về công tác đầu tư, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết Bộ đang kết nối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài công nghệ cao, Hà Nội cần chủ động kết nối, Bộ sẽ tăng cường hỗ trợ về xúc tiến đầu tư lĩnh vực công nghệ cao. Song song đó, TP Hà Nội cần xác định điều kiện phát triển mới như công nghệ sinh học, sản phẩm y tế, thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, kinh tế số,… Nghiên cứu các mô hình mới, như thành phố trong thành phố, đô thị thông minh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm,…

UBND TP. Hà Nội và Bộ KH&ĐT ký kết chương trình hợp tác (Ảnh: Cổng thông tin Chính phủ)

Liên quan đến đổi mới sáng tạo, TP Hà Nội hoàn toàn đủ điều kiện để trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ KH&ĐT đang triển khai xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) với thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, đặc thù, đồng thời mong muốn thành phố Hà Nội kết nối với NIC, từ đó phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của TP trong lĩnh vực này.

Sớm thành lập Ban chỉ đạo về công tác Quy hoạch

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, ông Vương Đình Huệ - Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các cơ quan, đơn vị TP ghi nhận đầy đủ các ý kiến được Bộ KH&ĐT nêu ra, từ đó rà soát các vấn đề trọng tâm, tháo gỡ từng vướng mắc. Ông cũng nhấn mạnh. quy hoạch là vấn đề lớn, đề nghị UBND TP chỉ đạo các Sở, ngành sớm triển khai nhiệm vụ này đảm bảo chất lượng, đồng thời, bám sát các bộ, ngành để tập trung giải quyết những công trình, dự án, những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc.

Ông Vương Đình Huệ - Bí thư Thành ủy Hà Nội

Bí thư Vương Đình Huệ yêu cầu UBND TP nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các tỉnh, thành phố trên cả nước để tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài, trước mắt cần nghiên cứu sớm thành lập Ban chỉ đạo gồm các chuyên gia trong lĩnh vực này để tổ chức thực hiện, bảo đảm chất lượng, tiến độ.

“TP Hà Nội sẵn sàng đăng cai, phối hợp với Bộ KH&ĐT tổ chức các diễn đàn nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xúc tiến đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đăng ký thử nghiệm thực hiện những cơ chế, chính sách mới như cải tạo chung cư cũ, kinh tế ban đêm, kinh tế tuần hoàn,...” - Bí thư Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Cải tạo chung cư là một trong những vấn đề nóng rất được quan tâm.

Bí thư Thành Ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, dự kiến trong khóa tới sẽ ban hành 10 chương trình công tác toàn khóa, trong đó có nhiều nội dung TP rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Bộ KH&ĐT cả về xây dựng nội dung và tổ chức thực hiện.

Đối với những nội dung kiến nghị của TP đều là những vấn đề quan trọng, cấp thiết như quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới, vai trò của liên kết vùng, các dự án hạ tầng giao thông,… Bí thư Vương Đình Huệ mong muốn Bộ KH&ĐT đặc biệt quan tâm, phối hợp, tạo điều kiện cho Thành phố thực hiện trong thời gian tới./.

Ðề cập đến lĩnh vực quy hoạch phát triển Thủ đô, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn từng khẳng định, đây là nhiệm vụ quan trọng vì việc lập quy hoạch và phát triển quy hoạch một cách có kế hoạch, có ý nghĩa chiến lược lâu dài; khắc phục vướng mắc trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch trên địa bàn Thủ đô, đặc biệt hạn chế thấp nhất tình trạng phá vỡ quy hoạch.

TP sẽ xây dựng Quy hoạch phát triển TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (theo Luật Quy hoạch năm 2017). Rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 để Hà Nội sớm trở thành đô thị hoạt động hiệu quả, bền vững, có tính cạnh tranh cao so với trong nước và khu vực.

Trước đó, tại Dự thảo Báo cáo chính trị trình Ðại hội Ðảng bộ TP Hà Nội lần thứ 17 xác định, tập trung đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị theo hướng thông minh, xanh và bền vững. Cụ thể, hàng loạt quy hoạch quan trọng sẽ được hoàn thành như quy hoạch phân khu, quy hoạch hai bên bờ sông Hồng; quy hoạch không gian ngầm; khớp nối đồng bộ quy hoạch khu vực nông thôn và khu vực đô thị; xây dựng các quy chế, quy định quản lý quy hoạch kiến trúc đối với các khu vực hành lang xanh, vành đai xanh. Ðối với khu vực đô thị trung tâm, sẽ tăng cường lập thiết kế đô thị, cải tạo, chỉnh trang và quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường, chú trọng các tuyến đường cải tạo, mở rộng theo quy hoạch…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top