Aa

Hà Nội chỉ phê duyệt dự án chung cư khi đảm bảo hạ tầng giao thông

Chủ Nhật, 28/08/2022 - 13:39

Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, các sở ngành của Hà Nội kiến nghị UBND TP chỉ phê duyệt đầu tư khu chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu và quy định...

Theo  Sở GTVT Hà Nội, trong 10 năm qua, trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút được kiềm chế. Đặc biệt, trong năm 2013, trên địa bàn TP có 67 điểm ùn tắc, đến nay chỉ còn 31 điểm.

Tuy nhiên, trên một số tuyến đường chính, trục đường xuyên tâm như Cầu Giấy - Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu, Trường Chinh - Đại La - Minh Khai, Kim Mã… vẫn còn xảy ra tình trạng phương tiện di chuyển khó khăn vào khung giờ cao điểm.

“Tình trạng ùn tắc giao thông trên một số tuyến đường vào nội đô, cửa ngõ ra vào TP, còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, đặc biệt là trong các khung giờ cao điểm, các dịp lễ, tết”, Sở GTVT Hà Nội nêu rõ.

Sở GTVT Hà Nội cho biết, trên địa bàn TP chỉ còn 31 điểm ùn tắc giao thông. (Ảnh: Đình Hiếu)

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được Sở GTVT Hà Nội cho biết, số lượng phương tiện giao thông tăng quá nhanh trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng kịp. 

Cụ thể, tính đến giữa năm 2022, trên địa bàn thành phố có 7,6 triệu phương tiện, trong đó có trên 1 triệu ô tô, 6,4 triệu xe máy, gần 200 nghìn xe máy điện. Ngoài ra, trên địa bàn TP còn có các phương tiện mang biển ngoại giao, biển quốc tế, biển số xe của các cơ quan Trung ương do Bộ Công an quản lý, xe quân đội, xe ngoại tỉnh.

Để giải quyết tình trạng quá tải hạ tầng giao thông, một trong những giải pháp được Sở GTVT Hà Nội nêu ra là đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành tiếp tục triển khai phương án di chuyển một số trường đại học, bệnh viện, cơ sở sản xuất… ra ngoài khu vực nội thành theo quy hoạch được duyệt từ năm 2011.

Về phía TP. Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành thực hiện di dời các đơn vị cơ sở trực thuộc, đảm bảo đúng tiến độ, lộ trình. Hiện nay, các sở ngành tham mưu cho UBND TP. Hà Nội tổ chức lập, phê duyệt các đồ án quy hoạch sử dụng quỹ đất sau khi di dời các cơ quan trung ương, trường học, bệnh viện, khỏi khu vực nội thành.

Theo thống kê của TP. Hà Nội từ năm 2011 đến nay đã có 9 bộ ngành di dời. Nhưng trong đó, 7 cơ quan vẫn tiếp tục giữ lại trụ sở hoặc bàn giao cơ quan Trung ương quản lý. Hai cơ quan sau khi di dời (Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, 42 Lý Thường Kiệt và Thanh tra Chính phủ 220 Đội Cấn) đã được chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Tất cả các bệnh viện sau khi di dời vẫn tiếp tục sử dụng cơ sở cũ trong nội thành với yêu cầu không tăng quy mô giường bệnh và không mở rộng diện tích sử dụng đất. Hiện chỉ có 2 trường đại học di dời, đó là đại học Y tế công cộng tại 138 Giảng Võ (Ba Đình) và Đại học Thủ đô tại 98 Dương Quảng Hàm (Cầu Giấy).

Để giảm ùn tắc giao thông trong nội thành, Sở GTVT Hà Nội cũng nêu giải pháp quản lý tốt việc phát triển đô thị, trong đó chú trọng phát triển các đô thị vệ tinh để giảm dân số khu vực trung tâm.

Các sở ngành cũng kiến nghị UBND TP. Hà Nội chỉ phê duyệt đầu tư các khu chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại khi phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu và quy định về bãi đỗ xe, hạ tầng giao thông, kết nối giao thông với các trục đường chính trong đô thị.

Hà Nội cũng kiến nghị Trung ương tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển hệ thống khung hạ tầng đường bộ, hoàn thành hệ thống đường vành đai, tuyến hướng tâm, kết nối liên thông theo mạng lưới… góp phần giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP. Hà Nội.

Đề nghị Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm nhằm giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông trên địa bàn Thủ đô. Cụ thể như đầu tư xây dựng bổ sung các cầu vượt sông Hồng để kết nối hai bờ sông phục vụ việc giao thương và đi lại thuận lợi cho người dân./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top