Aa

Hàng loạt dự án “trên giấy“, Hà Nội có ngăn chặn nổi tình trạng lãng phí?

Thứ Năm, 01/09/2022 - 06:08

Hà Nội hiện có tới hơn 400 dự án chậm triển khai tại khắp các quận, huyện, không ít dự án “treo” qua nhiều thập kỷ khiến người dân khổ sở sống trong những căn nhà xuống cấp.

Vấn nạn “quy hoạch treo” tại nhiều địa phương hiện nay gây ra rất nhiều hệ lụy, thiệt hại, khó khăn cho người dân, đặc biệt là Thành phố Hà Nội nơi được được xem là “tấc đất tấc vàng” nhưng lại đang tồn tại khá nhiều dự án “treo” hàng chục năm. Điều này không chỉ khiến cho người dân phải chịu đựng cuộc sống vất vưởng, mà còn gây lãng phí nguồn tài nguyên đất.

Có những quy hoạch lập dự án nhưng 10 năm, 20 năm, thậm chí còn lâu hơn nhưng vẫn chưa triển khai thực hiện. Việc này làm hạn chế quyền khai thác sử dụng đất, kìm hãm phát triển kinh tế xã hội, người dân trong vùng quy hoạch rơi vào khốn đốn, nhà nước thì thất thu ngân sách, còn bộ mặt đô thị nơi có quy hoạch, dự án treo trở nên nhếch nhác.

Để xảy ra tình trạng trên cho thấy vẫn còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật các chuyên ngành liên quan và quy hoạch xây dựng, các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới chưa đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất. Chất lượng lập quy hoạch, tính khả thi của một số đồ án quy hoạch còn thấp, công tác quản lý quy hoạch còn xảy ra sai phạm, ngoài ra còn trách nhiệm của chính quyền các địa phương trong các bước thẩm định, phê duyệt dự án.

Theo đánh giá của HĐND TP Hà Nội, nguyên nhân của việc chậm triển khai là do quy định pháp luật về quản lý đất đai, quản lý đầu tư, xây dựng còn chồng chéo, chưa đồng bộ và chậm được tháo gỡ. Trong khi đó, việc phối hợp giữa các cơ quan chuyên ngành của UBND TP Hà Nội chưa xuyên suốt; chưa quy định trách nhiệm cụ thể của từng ngành, cấp trong việc phối hợp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra; nhiều chủ đầu tư dự án chấp hành pháp luật đất đai, chấp hành chế độ báo cáo giám sát đầu tư chưa tốt; vẫn còn tình trạng cố ý sử dụng đất sai mục đích.

"Treo" công trình hạ tầng, chính quyền không thể thoái thác trách nhiệm

Xin nêu ra hai thí dụ nhỏ về câu chuyện "treo" hạ tầng, đầu tiên là dự án mở rộng 381 Nguyễn Khang với số vốn đầu tư 338 tỷ đồng, được HĐND TP Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư vào ngày 31/12/2015. Đến ngày 15/1/2016, UBND TP Hà Nội có văn bản giao UBND quận Cầu Giấy thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư dự án. Ngày 29/7/2016, dự án được quyết định phê duyệt chỉ giới đường đỏ.

Theo nội dung phê duyệt, ngõ 381 Nguyễn Khang sẽ được kéo dài lên 368 m, nối thông với khu đô thị mới Dịch Vọng. Mặt đường cũng sẽ được mở rộng lên 21,25m (gồm lòng đường xe chạy 11,25m và vỉa hè hai bên mỗi bên 5m). Tuy nhiên, do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, dự án mở rộng ngõ 381 Nguyễn Khang sau nhiều năm vẫn nằm trên giấy và tình trạng này dẫn tới thực trạng là các hộ dân ở đây không thể xây sửa nhà và cũng không thể bán chuyển đổi nơi ở. Nếu thành phố không có các giải pháp quyết liệt thì nguy cơ một dự án không quá lớn cũng sẽ tới lúc bị cho cái mũ “treo xuyên thập kỷ”.

Còn tại phường Long Biên (quận Long Biên), khu vực ngõ 26 phố Tư Đình cũng nằm trong quy hoạch mở rộng bị "treo" cả chục năm nay. Gần một trăm hộ dân sống ở hai bên mặt ngõ cũng mòn mỏi chờ đợi để ổn định nơi ở nhưng cho tới nay dự án vẫn "nằm trên giấy". Một số hộ dân không thể chờ đợi được đã buộc phải đập bỏ nhà cũ xây nhà mới, nhưng vấn đề là khi dự án chưa bị hủy bỏ thì tới khi tiếp tục triển khai những ngôi nhà khang trang 5 tầng lại không thuộc diện đền bù.

Nhiều hộ dân khác thì chấp nhận bán nhà với mức giá thấp hơn thị trường để di chuyển tới sống ổn định ở nơi khác. Những người mua vào cũng chấp nhận nguy cơ lỗ đậm nếu con ngõ này tiếp tục được mở rộng, dù đã "treo" hơn 10 năm nay.

Ông Trần Văn Minh một người dân sống tại ngõ 26 phố Tư Đình phường Long Biên cho biết: "Theo như quy hoạch nếu tiếp tục mở rộng mặt ngõ thì nhà tôi sẽ bị cắt vào 2m sâu và ngang 5m, chính vì điều này nhiều năm nay chúng tôi phải chờ đợi xem chính quyền có triển khai không hay hủy bỏ dự án rồi mới tính toán xây nhà. Nếu như bây giờ xây hết phần đất mà dự án mở ngõ vẫn thực hiện thì sẽ bị cắt vào nhà, ảnh hưởng tới kết cấu xây dựng, nhưng nếu bỏ lại 10m2 thì lại rất lãng phí. Đó là tình trạng chung của hàng chục hộ dân sống trong ngõ này, nhưng kỳ lạ là dự án này treo cả chục năm mà chính quyền vẫn không giải quyết dứt điểm".

"Treo" và chậm tiến độ các dự án hạ tầng là câu chuyện không còn mới ở Hà Nội. Hệ lụy là khiến cho hàng nghìn người dân bị ảnh hưởng rất lớn tới đời sống nhiều năm trời, nhưng không có một cán bộ hay cấp chính quyền nào phải chịu trách nhiệm. Điển hình như việc mở rộng đoạn phố Nguyễn Đình Chiểu chỉ dài 600m, nhưng đã "treo" tới hơn 17 năm mới hoàn thành. Hàng chục hộ dân phải sống trong những căn nhà cũ chừng ấy năm, sửa chữa hay xây mới không được mà bán cũng không có người mua.

Một trường hợp khác là đoạn đường Vành đai 1 đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái (Hà Nội) chỉ dài 570m nhưng bị treo tới hơn 10 năm khiến cho kinh phí đội lên tới 3 lần (vào khoảng 2 tỷ đồng/m) và đẩy đời sống của hàng trăm người dân ở khu vực này rơi vào cảnh vô cùng khó khăn vì phải chờ xong dự án dân mới có thể xây nhà hoặc sang nhượng.

Hơn 80 hộ dân tại phường Yên Phụ (quận Tây Hồ) sống trong vùng dự án treo 27 năm

Năm 1995, Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội được giao thuê 60.000m2 đất để liên doanh với nước ngoài xây dựng, kinh doanh nhà ở, văn phòng thương mại, khách sạn tại khu vực đất bên sông Hồng thuộc phường Phúc Xá (quận Ba Đình) và phường Yên Phụ (quận Tây Hồ). Theo đó, tại Quyết định số 2767/QĐ-UB ngày 1/8/1995, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500 Dự án sông Hồng City.

Ngày 5/9/1995, UBND TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty phát triển đô thị với thời hạn sử dụng là 45 năm từ ngày 29/11/1994. Tuy nhiên, từ đó đến nay, dự án chưa được triển khai, cơ quan có thẩm quyền cũng chưa có thông báo thu hồi đất. Tập trung chủ yếu ở đây là các hộ dân ở khu tập thể Nhà máy điện và một phần khu tập thể F361, trong đó có 23 hộ gia đình sử dụng đất thuộc khu tập thể F361 đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở từ năm 2004. Vì nằm trong vùng quy hoạch, nhiều công trình nhà ở của người dân mặc dù đã xuống cấp, nhưng không được cấp giấy phép cải tạo, xây dựng.

Theo Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội, những quận, huyện có số dự án chậm tiến độ nhiều nhất là Hoài Đức (51 dự án), Mê Linh (47 dự án), Nam Từ Liêm (48 dự án), Hoàng Mai (25 dự án)

Bà Nguyễn Thị Hương 75 tuổi sống tại khu tập thể F361 thuộc tổ dân phố số 43 phường Yên Phụ, cho biết: Tôi cũng như nhiều hộ gia đình đang sinh sống ở đây muốn xây dựng, sửa chữa nhà ở, hoặc có người muốn chia tài sản thừa kế cho các con từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa thể thực hiện vì vướng quy hoạch. Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Tổ dân phố số 43, phường Yên Phụ cũng cho biết: Không chỉ gia đình bà Hương mà nhiều gia đình khác trong tổ dân phố cũng chung cảnh ngộ vì sống trong vùng quy hoạch treo từ hơn 20 năm nay.

Sau 27 năm cho đến nay hơn 80 hộ dân của phường Yên Phụ sống trên khu đất thuộc dự án muốn chuyển nhượng, sang tên quyền sử dụng đất, mua bán, cải tạo, xây dựng nhà... đều không thể thực hiện được.

Hàng trăm hộ dân tại phường Tây Mỗ "mòn mỏi" sống trong dự án treo

Hơn 10 năm qua, nhiều hộ dân cư trú tại phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) vẫn "sống mòn" trong những căn hộ tập thể cấp 4 dột nát, xuống cấp vì không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng do vướng dự án "treo".

Theo phản ánh của hàng trăm hộ dân sống tại Tổ dân phố Nhuệ Giang (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: Gia đình họ đã được Nhà máy Cơ khí số 5 phân cho những căn nhà tập thể ở đây từ năm 1972. Gần 50 năm, tất cả khu dân cư nhà nào cũng đã xuống cấp, cũ nát nhưng do nằm trên đất quy hoạch dự án nên không được sửa chữa, làm sổ đỏ.

Gần 50 năm, tất cả khu dân cư nhà nào cũng đã xuống cấp, cũ nát nhưng do nằm trên đất quy hoạch dự án nên không được sửa chữa, làm sổ đỏ.

Bà Đỗ Thị Phương 75 tuổi, người dân sống tại tổ dân phố Nhuệ Giang (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: Năm 1972, tôi và nhiều hộ gia đình công nhân cùng nhà máy đã được Nhà máy Cơ khí số 5 phân cho căn nhà tập thể ở đây, chúng tôi và gia đình sinh sống từ đó đến giờ. Gần 50 năm, nhà cũng đã xuống cấp, cũ nát nhưng do nằm trên đất quy hoạch dự án nên không được sửa chữa, xây dựng, thực tế hiện nay nhiều gia đình 3 - 4 thế hệ cùng ở chung trong căn nhà 50m2 đã xuống cấp.

Bà Lê Thị Vân, đang sinh sống tại Tổ dân phố Nhuệ Giang bức xúc vì dự án đã “treo” hơn chục năm khiến cho gia đình bà và các hộ dân nơi đây gặp nhiều khó khăn, cứ trời mưa là nước ngập toàn bộ khu dân cư vì không có hệ thống thoát nước, các hộ dân tự bỏ tiền ra làm cũng không được phép vì vướng quy hoạch. Chúng tôi đã nhiều lần làm đơn kiến nghị gửi đi các cấp từ phường lên đến thành phố nhưng chưa hề nhận được hồi âm?

Người dân ở Tổ dân phố Nhuệ Giang đã mòn mỏi sống trong vùng dự án treo hơn 10 năm nay.

Bên cạnh sự lãng phí của một dự án gần trăm héc-ta bỏ hoang hơn chục năm giữa Thủ đô Hà Nội, nơi đây hàng nhìn người dân đang phải chịu đựng một cuộc sống tù túng, chật chội, ô nhiễm, mất vệ sinh.

Trả lời ý kiến cử tri, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội cho biết: Ngày 19/3/2008, UBND TP đã có Quyết định số 1057, phê duyệt Dự án giải phóng mặt bằng và san nền sơ bộ khu Cụm các trường Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề của thành phố; Quyết định số 6240 ngày 30/11/2008 thu hồi 691.955 m2 đất tại xã Tây Mỗ, xã Xuân Phương; giao Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố để thực hiện dự án.

Tuy nhiên, khu đất Cụm trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề Tây Mỗ nằm trong ranh giới 02 đồ án Quy hoạch phân khu đô thị là S3 tỷ lệ 1/5000 đã được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 4874 ngày 15/8/2013 và Quy hoạch phân khu đô thị GS tỷ lệ 1/5000 đã được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 3976 ngày 13/8/2015, trong đó phần đất cụm trường là đất dự án trong vành đai xanh.

Do đó, trên cơ sở định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và các Quy hoạch phân khu đô thị được duyệt (S3, GS), quy hoạch chi tiết Cụm trường Tây Mỗ tỷ lệ 1/500 được duyệt trước đây cần điều chỉnh tổng thể để phù hợp với định hướng khu vực vành đai xanh sông Nhuệ.

Ngày 16/1/2017, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 314/QĐ-UBND, nội dung chuyển UBND quận Nam Từ Liêm dự án giải phóng mặt bằng và san nền sơ bộ toàn bộ Khu cụm trường Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề thành phố từ Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội. Nhưng cho đến nay, dự án vẫn không có hướng giải quyết tiếp tục thực hiện hay hủy bỏ?

Cũng theo báo cáo của Ủy ban nhân dân phường Tây Mỗ, dự án Cụm Trường trung học chuyên nghiệp - dạy nghề Hà Nội có tổng diện tích 691.955 m², nằm trên địa bàn hai xã Tây Mỗ và Xuân Phương, huyện Từ Liêm trước đây, nay là phường Tây Mỗ, Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Phần đất thuộc diện thu hồi tại Tây Mỗ là 688.919 m², bao gồm 918 hộ, trong đó có 67 hộ đất ở, 451 hộ đất nông nghiệp. Hầu hết những hộ dân ở đây đều ở khu tập thể của các công ty được xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước với nhà cửa xuống cấp, hạ tầng thấp kém.

Mặc dù những kiến nghị của những hộ dân nơi đây liên tục được gửi đi, dự án vẫn “án binh bất động”, như vậy người dân phải tiếp tục đợi chờ không biết đến bao giờ? Vì quy hoạch “treo” nên họ không được đầu tư cơ sở hạ tầng tối thiểu như điện, đường, trường, trạm, không được xây dựng, cơi nới nhà cửa,…

Tất cả các căn nhà đều xuống cấp sau 50 năm sử dụng
Mỗi hộ dân tự cơi nới xây dựng mỗi nhà một kiểu
Có gia đình 3 thế hệ cùng chung sống trong căn hộ 50m2
Chỗ nào cũng thấy cảnh chắp vá, cơi nới
Những căn hộ cơi nới thêm để có nơi sinh hoạt
Những căn bếp được làm từ đủ loại vật liệu
Nhà bà Vân và nhiều căn hộ khác cũng đã xuống cấp.
Bà Vân (73 tuổi) và nhiều công nhân thuộc Công ty Cổ phần Cơ khí Xây dựng Số 5 cùng gia đình đến khu tập thể Cơ khí số 5 (Tổ dân phố Nhuệ Giang, phường Tây Mỗ, Quận Nam Từ Liêm) sinh sống.
Bà Đỗ Thị Phương với căn phòng ngủ ẩm thấp, bong tróc do nhiều năm không được sửa chữa
Toàn cảnh tổ dân phố Nhuệ Giang (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội)

Để xử lý tình trạng dự án "treo", UBND TP. Hà Nội đã đưa các giải pháp và khẳng định xử lý kiên quyết, dứt điểm đối với các dự án chậm thực hiện đầu tư, chậm đưa đất vào sử dụng còn tồn đọng; các trường hợp cố ý chây ì, tiếp tục vi phạm thì kiên quyết thu hồi các dự án đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Theo đó, Hà Nội tập trung hậu kiểm các kết luận thanh tra, kiểm tra để phân loại, đề xuất xử lý theo các nhóm dự án vi phạm, tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và lập hồ sơ xử lý dứt điểm đối với các vi phạm đã đủ căn cứ trong Quý III/2022 và tập trung xử lý nghiêm các dự án chây ì, không chấp hành quyết định xử lý, tiếp tục vi phạm ngay trong Quý IV/2022.

Kiên quyết thu hồi dự án chậm tiến độ, khắc phục “dự án treo”

Tại Kỳ họp 3 Quốc hội khoá XV, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng), chất vấn Thủ tướng Chính phủ: “Vấn nạn “quy hoạch treo” tại nhiều địa phương hiện nay gây ra rất nhiều hệ lụy, thiệt hại, khó khăn cho người dân, có những quy hoạch lập dự án nhưng 10 năm, 20 năm, thậm chí còn lâu hơn nhưng vẫn chưa triển khai thực hiện. Việc này làm hạn chế quyền khai thác sử dụng đất, kìm hãm phát triển kinh tế - xã hội, người dân trong ranh quy hoạch rơi vào khốn đốn, khó khăn trăm bề, nhà nước thì thất thu ngân sách, còn bộ mặt đô thị nơi có quy hoạch, dự án treo trở nên nhếch nhác.

Để xảy ra tình trạng trên cho thấy vẫn còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật các chuyên ngành liên quan và quy hoạch xây dựng; các quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn mới chưa đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất; chất lượng lập quy hoạch, tính khả thi của một số đồ án quy hoạch còn thấp; công tác quản lý quy hoạch còn xảy ra sai phạm; ngoài ra còn trách nhiệm của chính quyền các địa phương trong các bước thẩm định, phê duyệt dự án.

Kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát toàn bộ các dự án hiện nay để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ quá 5 năm; đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nâng cao chất lượng công tác thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án nhằm phát huy hiệu quả, giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.

Trả lời các nội dung này, Thủ tướng Chính phủ cho biết: “Quy hoạch treo” được hiểu là loại quy hoạch đã được lập và phê duyệt nhưng tổ chức thực hiện chậm hoặc không thực hiện được một số nội dung quy hoạch. “Dự án treo” được hiểu là dự án đầu tư đã được xác định trong quy hoạch, chấp thuận chủ trương hoặc phê duyệt nhưng tổ chức triển khai thực hiện không đảm bảo tiến độ theo quy định.

Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã có Báo cáo số 28/BC-BXD ngày 15.3.2019 về vấn đề này, trong đó đã xác định rõ nguyên nhân và đề xuất các giải pháp khắc phục; Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14.6.2019 về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.

Để khắc phục tình trạng “quy hoạch treo”, “dự án treo”, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, Bộ Xây dựng đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Xây dựng sửa đổi.

Trong đó quy định người dân được cấp phép xây dựng có thời hạn tại khu vực đã có quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, công bố nhưng chưa thực hiện và chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ngoài ra, để khắc phục triệt để tình trạng này, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa Bộ, ngành và chính quyền các địa phương.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan cần tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương trong công tác quản lý thực hiện quy hoạch. Trong đó, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng. Hoàn thiện thể chế về thanh tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch...

Xây dựng các cơ chế chính sách thu hút đầu tư (xã hội hóa) và đa dạng hóa hình thức đầu tư cho việc đầu tư các công trình xã hội như công viên cây xanh, y tế, giáo dục và các công trình giao thông.

Tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương trong công tác quản lý thực hiện quy hoạch để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm như thu hồi các dự án chậm tiến độ theo quy định; xử lý các cán bộ gây ách tắc làm thiệt hại cho nhà đầu tư, Nhà nước, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân...

Thủ tướng yêu cầu chính quyền các địa phương cần: Rà soát quy hoạch, kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi. Rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng “dự án treo”.

Xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, công khai quy hoạch và kế hoạch thực hiện theo đúng quy định; Lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm, trong đó có lĩnh vực đầu tư phát triển đô thị, hạ tầng đô thị; Xây dựng chương trình đô thị, khu vực phát triển đô thị và kiểm soát chặt chẽ tốc độ, chất lượng phát triển đô thị; Kịp thời xử lý các vi phạm trong việc thực hiện quy hoạch.

Tăng cường việc giám sát của người dân, cơ quan dân cử, của Đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong quá trình lập và thực hiện quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng.

Để triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế liên quan đến vấn đề “quy hoạch treo”, “dự án treo”, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành, địa phương rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ, cũng như kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ; đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nâng cao chất lượng công tác thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án nhằm phát huy hiệu quả, giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top