Aa

Hà Nội đang có hàng nghìn căn hộ tái định cư bỏ hoang, ai chịu trách nhiệm?

Thảo Bùi
Thảo Bùi Buithao021197@gmail.com
Thứ Hai, 12/06/2023 - 06:12

Song song với sự phát triển của nhiều dự án, hạ tầng và công trình phúc lợi mới… vấn đề tái định cư cho người dân thuộc diện đền bù giải phóng mặt bằng vẫn luôn nhận được sự quan tâm lớn trên thị trường.

Nhiều căn hộ tái định cư bỏ hoang trong khi người dân vẫn chật vật tìm nhà ở

Theo UBND TP. Hà Nội, trong giai đoạn 2021 - 2025, thực hiện kế hoạch đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô cần thêm 7.117 căn hộ mới, tương đương khoảng 560.000m2 sàn để đáp ứng đủ nhu cầu tái định cư. Trong khi thành phố nỗ lực thực hiện kế hoạch nhằm chỉnh trang đô thị và ổn định nơi ở cho người dân thì có một nghịch lý là hàng nghìn căn hộ tái định cư đã được xây dựng cách đây hàng chục năm vẫn đang trong tình trạng bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên và mất mỹ quan đô thị.

Theo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 của Quốc hội cho biết, nhiều căn nhà, căn hộ tái định cư chưa được đưa vào sử dụng hoặc không còn nhu cầu sử dụng, bị bỏ hoang đang xuống cấp nghiêm trọng. Cụ thể, Hà Nội vẫn còn 1.947 số căn hộ trống/17.863 căn nhà tái định cư chưa có quyết định bán nhà; 489 căn hộ chưa có phương án bố trí.

Đơn cử, như 3 tòa nhà tái định cư tại Khu đô thị mới Sài Đồng, Long Biên; Khu nhà tái định cư trên đường Trần Phú, quận Hoàng Mai; và cách đó không xa, tại đường Tân Mai, đoạn gần chợ đầu mối Đền Lừ, cũng có 3 tòa nhà tái định cư để hoang phí không có người ở trong nhiều năm. Được biết, trong đợt cao điểm của đại dịch Covid-19 thì 3 tòa nhà này được trưng dụng làm cơ sở điều trị, cách ly bệnh nhân Covid-19 nhưng sau đó lại tiếp tục bị bỏ hoang. Cũng phải kể đến 2 tòa nhà tái định cư với hàng trăm căn hộ trên phố Khuyến Lương, quận Hoàng Mai và 1 tòa nhà cao hơn 10 tầng ở gần ngõ 156 đường Tam Trinh, quận Hoàng Mai đều đang trong tình trạng tương tự…

Theo khảo sát của PV Reatimes, hạ tầng kỹ thuật xung quanh các tòa chung cư tái định cư này đã có dấu hiệu xuống cấp và hư hỏng. Cỏ dại mọc um tùm, một số nơi thành điểm tập kết rác thải và vật liệu xây dựng gây mất vệ sinh đô thị.

Khu tái định cư Trần Phú (Hoàng Mai, Hà Nội) được phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2010, nhằm mục đích phục vụ tái định cư giải phóng mặt bằng Công viên Tuổi trẻ (quận Hai Bà Trưng), hiện bỏ cho cỏ mọc xung quanh um tùm, sân chung cư trở thành nơi bỏ phế liệu xây dựng. (Ảnh: Thảo Bùi)
Môi trường xung quanh ô nhiễm. (Ảnh: Thảo Bùi)
Người dân xung quanh toà nhà tái định cư tận dụng diện tích trồng rau. (Ảnh: Thảo Bùi)

Có thể thấy, thực trạng nhiều khu nhà ở tái định cư bị bỏ hoang đã diễn ra nhiều năm. Những dự án này được đầu tư với nguồn vốn lớn, vậy nhưng lại bị “nằm chết” ở các khu đất trong nhiều năm trời và rõ ràng đây là một sự lãng phí rất lớn, gây bức xúc trong dư luận. Giữa Thủ đô đông đúc, nhiều người lao động vẫn đang chật vật tìm nhà ở để có thể an cư lạc nghiệp thì nhìn cảnh những toà nhà cao tầng đồ sộ bị bỏ hoang khiến ai nấy không khỏi xót xa.

Chị Mai Nga (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Giá mà những căn nhà bỏ trống hàng chục năm kia được tận dụng cho người dân thuê thì sẽ đỡ lãng phí tài nguyên và cũng một phần giải quyết được nơi ăn chốn ở cho nhiều người”.

Thực chất các cơ quan có thẩm quyền cũng đã tính đến những phương án đó, tuy nhiên còn nhiều vấn đề liên quan tới hành lang pháp lý và những cơ chế linh hoạt. Cùng với đó, để có thể tu sửa, hoàn thiện lại những công trình sau nhiều năm bỏ hoang cũng cần tới một nguồn kinh phí lớn.

Bà Hoàng Hoa (cư dân sống gần toà nhà tái định cư bỏ hoang trên đường Trần Phú) bày tỏ: “Mấy toà nhà này được xây lên cách đây nhiều năm mà vẫn không ai sử dụng, rêu cỏ mọc xung quanh, công trình xuống cấp, sắt hoen gỉ, ảnh hưởng đến mỹ quan xung quanh. Hơn nữa không gian hoang vắng như thế rất dễ xảy ra tình trạng trộm cướp, tệ nạn xã hội và dễ trở thành tụ điểm của tệ nạn hút chích ma túy. Vì vậy, chúng tôi - những người dân sống quanh đây cũng cảm thấy lo lắng và bất an”.

Một người dân khác sống gần toà nhà tái định cư bỏ hoang là ông Thành Nam cũng cho biết: “Việc các toà nhà được xây dựng khang trang rồi không đưa vào sử dụng như vậy rất lãng phí. Xây xong lại để thành nơi tập kết rác thải, nơi đổ trộm vật liệu xây dựng rất mất vệ sinh và gây ảnh hưởng đến môi trường sống của những hộ dân xung quanh như chúng tôi”.

Nếu như trải qua hàng chục năm bị bỏ hoang thì những căn nhà tái định cư kia trong tương tai có thể tiếp tục không có người đến ở. Tuy nhiên, các dự án tái định cư mới vẫn được triển khai xây dựng. Do đó, cần có cơ chế chính sách phù hợp để tháo gỡ vướng mắc đã và đang tồn tại nhiều năm qua với thực trạng nhức nhối này. 

PV Reatimes đã tìm gặp những người dân thuộc diện ở tái định cư khi giải phóng mặt bằng Công viên Tuổi trẻ tại quận Hai Bà Trưng để tìm hiểu nguyên do vì sao những người dân này không chấp nhận ở nhà chung cư tái định cư. Tuy nhiên, khi đến nơi thì chúng tôi nhận được câu trả lời của những người dân xung quanh là: “Họ chuyển đi hết rồi”.

“Rất nhiều người trước kia họ đồng ý nhận tiền đền bù để chuyển đi mua nhà chỗ khác, chứ giờ chẳng ai ở đây nữa đâu”, bà Trà (56 tuổi, phường Thanh Nhàn) cho hay.

Cần quan tâm tới cuộc sống của nhân dân sau tái định cư

Chỉ xây dựng nhà ở tái định cư thôi là chưa đủ, mà cần phải thực hiện công tác an sinh xã hội tốt để người dân có lòng tin rằng cuộc sống ở nơi mới sẽ tốt hơn chốn cũ.

Thực tế, cuộc sống của người dân khi tái định cư cũng gặp không ít những khó khăn. Có những gia đình trước đây sống tại các khu vực dân cư đông đúc và nhộn nhịp; đặc biệt những hộ gia đình sinh sống ở tầng 1 các khu tập thể, chung cư hay ngoài mặt đường thường sẽ tận dụng mặt bằng để kinh doanh. Do đó, khi tái định cư ở khu vực mới mà không có chỗ để tiếp tục buôn bán, làm ăn thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến "miếng cơm manh áo" của người dân. Vì lẽ đó, mặc dù đã có nhiều giải pháp được đưa ra để tuyên truyền, vận động người dân chuyển đến những khu tái định cư nhưng không mấy ai mặn mà.

Do vậy, khi xây dựng khu nhà ở tái định cư, cần xây dựng làm sao để người dân khi chuyển đến chỗ ở mới, phải có cuộc sống tốt hơn ở ngôi nhà cũ hay ít nhất cũng phải bằng được cuộc sống trước đó. 

Liên quan tới vấn đề này, trong chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đối với việc bồi thường, tái định cư, nhiều đại biểu Quốc hội đã đưa ra ý kiến rằng, cần quan tâm tới cuộc sống của nhân dân sau tái định cư, bảo đảm bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM). (Ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) đề nghị: "Giá đền bù không chỉ theo giá thị trường mà xuất phát từ chỉ đạo đời sống bằng hoặc tốt hơn, không chỉ đo bằng tiền, hoặc đo bằng tiền nhưng phải cộng thêm yếu tố bồi thường thiệt hại về tinh thần. Đền bù cho chuyện người dân phải di dời nhà cửa, cây trái, kỷ niệm, ông bà sinh sống từ lâu đời…".

Đại biểu Lê Minh Hoan (đoàn Đồng Tháp). (Ảnh: Báo Nhân dân)

Bàn về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cũng có nhiều trăn trở: Thế nào là "bằng hoặc tốt hơn"? Bộ trưởng nhấn mạnh rằng, điều này vô cùng nhức nhối, tưởng chừng đơn giản mà lại không.

"Người dân chỉ quan tâm làm sao khi thu hồi đất cuộc sống của họ bằng hay tốt hơn. Chúng ta phải chuẩn bị như một kế hoạch, làm lại cho kỹ. Mất thời gian mà sau này đỡ khổ. Ban đền bù điều tra khảo sát, phân biệt từng trường hợp, lãnh đạo ngồi nghe, cho ý kiến rồi hãy bắt đầu đi vào áp đơn giá, định mức. Đây không chỉ là thu hồi đất mà còn là phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Xuôi cái này thì đầu tư công sẽ nhanh hơn rất nhiều", Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh. (Ảnh: Hoàng Phong)

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, đối với việc bồi thường, tái định cư, cần quan tâm tới cuộc sống của nhân dân sau tái định cư, phải bảo đảm bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, sinh kế của người dân, nhưng phải gắn với văn hóa, cộng đồng. Vấn đề này sẽ quy định nguyên tắc trong luật, phải phân cấp cho địa phương, lãnh đạo địa phương thực hiện.

Việc tái định cư cũng không cứng nhắc vì nếu “họ sẽ ở với con cái, chỉ lấy tiền cũng là một cách” hoặc “tôi có đất nơi khác, đất của anh em rồi nên tôi tự tái định cư cũng là một cách”. Ngoài ra, việc lựa chọn nơi tái định cư cũng rất quan trọng đối với người dân.

Hai “điểm nghẽn” lớn

Chia sẻ với PV Reatimes, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho biết, nhà ở tái định cư là một trong những vấn đề “nhức nhối” nhất hiện nay và đang rất cần hoàn chỉnh hơn về mặt thể chế cũng như phương thức thực hiện.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội. (Ảnh: Reatimes)

Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc nhà ở tái định cư hiện nay không đáp ứng được nhu cầu là một nơi ở mới tốt hơn và hoàn chỉnh hơn nơi ở cũ của người dân.

Ông Nguyễn Thế Điệp cũng chỉ ra có 2 lý do dẫn đến thực trạng này:

Một là, trách nhiệm của chủ đầu tư và cách làm của các cấp chính quyền địa phương hiện nay và cơ chế chính sách đang có những vấn đề chưa phù hợp. Thực trạng này đã dẫn đến hệ quả không tốt khi cơ chế làm nhà ở tái định cư là cơ chế xin - cho, tức là các doanh nghiệp xin để được làm. Việc đảm bảo chất lượng hoàn chỉnh công trình thuộc về cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên trên thực tế, cơ quan Nhà nước tại khu vực cần giãn dân chỉ đặt hàng chứ không liên quan trực tiếp tới xây dựng. Đây là điều bất cập về mặt cơ chế hiện hành.

Hai là, người dân khi tái định cư, họ phải có công ăn việc làm, hạ tầng xã hội phải tương đối hoàn chỉnh như nơi ở cũ, rõ ràng hiện nay chúng ta còn chưa đáp ứng được yêu cầu này.

Do đó, những “điểm nghẽn” nổi cộm nhất hiện nay bao gồm cơ chế thực hiện xây dựng nhà ở tái định cư và nhiệm vụ tạo công ăn việc làm để giúp người dân ổn định cuộc sống mới. Công tác an sinh xã hội của chúng ta thực hiện điều này chưa tốt, do đó đã dẫn đến việc một loạt dự án nhà ở tái định cư xây lên nhưng không có người ở.

“Theo tôi, để tránh được những “điểm nghẽn” này thì nên để các dự án nhà ở tái định cư được vận hành theo cơ chế thị trường. Trách nhiệm của chủ đầu tư phải từ A-Z, điều này có nghĩa rằng Nhà nước phải đưa ra đấu thầu những khu tái định cư một cách công khai và minh bạch. Phải cố gắng làm sao cho các chủ đầu tư được chủ động về công tác xây dựng cũng như chất lượng công trình; đồng thời chịu trách nhiệm toàn bộ từ đầu đến cuối. Tuy nhiên, để làm tốt được điều này thì cần xem xét, nghiên cứu và tính toán kỹ càng để đưa ra giá bán hợp lý, cân đối, sao cho chủ đầu tư phải có lãi”, ông Điệp nhận định.

Vấn đề này xoay quanh mối quan hệ “tam giác” giữa Nhà nước - chủ đầu tư - người dân. Về phía chủ đầu tư, sẽ có lãi nhưng đồng thời cũng phải đứng ra chịu trách nhiệm toàn bộ. Về phía Nhà nước, cần đưa ra những cơ chế chính sách đấu thầu hợp lý. Còn người dân phải là đối tượng được ưu tiên hưởng lợi (chỗ ở mới tốt hơn, có công ăn việc làm và hạ tầng xã hội đảm bảo).

Bên cạnh đó, những hạn chế, tồn tại cũ liên quan đến nhà ở tái định cư trong thời gian qua một phần là do cơ chế chính sách hiện hành còn nhiều bất cập. Thêm vào đó, cách vận hành các khu nhà ở tái định cư cũng chưa hợp lý, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Do đó, cần phải có sự thay đổi.

Dự án xây dựng khu tái định cư và nhà ở thấp tầng tại ô đất ký hiệu B10/ODK3, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội. (Ảnh: Thảo Bùi)
 Dự án tái định cư được xây dựng lên rồi "đắp chiếu" nhiều năm trở thành nơi đổ rác của người dân sống ở khu vực xung quanh. (Ảnh: Thảo Bùi)

Để khắc phục tình trạng xây dựng dở dang hoặc xây xong nhưng bỏ hoang lâu ngày dẫn đến chất lượng công trình bị xuống cấp của một số dự án nhà ở tái định cư, có thể tổ chức đấu thầu, đấu giá hoặc bán cho các chủ đầu tư mới có khả năng hoàn thiện lại. Qua đó, có thể lấy lại nguồn tài chính để tiếp tục đầu tư xây dựng dự án mới.

Đây cũng là những giải pháp mang tính bắt buộc. Lý do là bởi chúng ta không thể bắt người dân ở trong ngôi nhà không đảm bảo an toàn, không thỏa mãn yêu cầu tái định cư cơ bản...

Đặc biệt, nên để người dân khi tái định cư có quyền được chọn căn, chọn tầng, chọn khu vực sinh sống. Đây là điều nên xem xét và tháo gỡ vướng mắc. Bởi nếu theo cơ chế thị trường, đầu tư nhà ở tái định cư cũng sẽ giống như làm nhà ở thương mại, chủ đầu tư phải tính toán làm sao để thu hút được người mua. Khi đó, người dân được lựa chọn nhà ở tái định cư dựa trên mong muốn, sở thích, từ đó, giá cả cũng sẽ có sự khác biệt. Và cuối cùng, cả người mua và người thực hiện dự án đều thỏa mãn.

Đối với nhà ở tái định cư, trách nhiệm của chủ đầu tư cũng phải giống như đối với nhà ở thương mại thì mới có thể khắc phục được tình trạng nhà xây xong nhưng không có người ở, bị bỏ hoang gây lãng phí tài nguyên. Trong khi đó, nguồn cung nhà ở hiện nay vẫn đang bị thiếu trầm trọng.

Chúng ta không thể tập trung giải quyết những vấn đề tồn đọng hàng loạt của những căn hộ tái định cư bỏ hoang này rồi mới tiến hành xây tiếp các dự án mới. Bởi, nếu làm như vậy sẽ không đáp ứng được sự phát triển của Thủ đô. Đơn cử như việc để phát triển hạ tầng TP. Hà Nội, phải giải phóng mặt bằng để làm đường, để làm những công trình phúc lợi hoặc nhiều dự án khác… Do đó, nếu không khẩn trương làm ngay thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu của thời cuộc. Giải pháp có thể thực hiện ngay lúc này chính là đưa ra đấu giá, đấu thầu và bán những tài sản cũ để lấy nguồn tiền đầu tư vào những dự án mới./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top