Đó là đề xuất của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung - Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội trong buổi làm việc ngày 22/8 tại Sở Xây dựng về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2020”.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đề nghị Sở Xây dựng tập trung rà soát các thủ tục hành chính, trong năm nay dứt khoát 100 % thủ tục hành chính phải thực hiện trên môi trường mạng, nghiên cứu quy trình, thủ tục để tiếp tục cải cách, tạo môi trường thông thoáng.
Các chuyên gia, người có nhiều kinh nghiệm của Sở cần nghiêm túc nghiên cứu đề xuất cơ chế mới, thực sự thông thoáng, giúp ngắn thời gian trong lĩnh vực cấp phép; thẩm định các dự án xây dựng; cấp chứng chỉ hành nghề cho cá nhân, tổ chức.
Đặc biệt, về lĩnh vực quản lý nhà chung cư, Chủ tịch UBND Hà Nội gợi ý: “Đơn vị nào quản lý nhiều nhà chung cư nhất thì có thể giao họ viết phần mềm quản lý. Sở Xây dựng chỉ quản lý chung.
Trước mắt, cần xây dựng phần mềm quản lý tất cả nhà thương mại, tái định cư, nhà xã hội. Sở Xây dựng quy chế để mỗi năm Ban quản lý các tòa nhà đóng kinh phí duy trì phần mềm và có trách nhiệm tự cập nhật thông tin về mua bán, duy tu, bảo trì… Kho dữ liệu này sau này sẽ góp phần để hoạch định cơ chế chính sách, xây dựng thành phố thông minh”.
Trong công tác quản lý nhà nước, Sở Xây dựng quan tâm thực hiện theo hướng giảm chi phí, rút ngắn quy trình thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân bằng cách ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa công nghệ thông tin.
“Rút ngắn quy trình thủ tục, áp dụng công nghệ thông tin, dành thời gian hướng dẫn qua mạng, tránh để doanh nghiệp đi lại nhiều lần, giúp giảm chi phí xã hội, giảm sự phiền hà cho người dân, doanh nghiệp”, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu Sở Xây dựng cần tiếp tục mời các chuyên gia, tổ chức hội thảo để xử lý ô nhiễm sông hồ. Sở cần tự tin tiếp tục triển khai vấn đề này để người dân được hưởng lợi; xây dựng đơn giá định mức với lĩnh vực môi trường cần phải sát với thị trường, gắn với các công nghệ mới, hiệu quả,...
Nhiều cán bộ thanh tra quận bị kỷ luật
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Cao Thắng cho biết, thời gian qua, Đảng ủy cơ quan và tập thể lãnh đạo Sở đã nghiêm túc thực hiện Chương trình 08-CTr/TU; tập trung đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng sâu sát, quyết liệt, rõ trách nhiệm; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trên tinh thần "5 rõ".
Cán bộ, công chức, viên chức của Sở nhận thức rõ trách nhiệm thực thi công vụ trong giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp. Nhiều thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở được kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm đơn giản hóa, tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức...
Bên cạnh đó, vẫn còn có một số hạn chế: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ, nội dung cải cách hành chính của một số phòng, ban, đơn vị chưa sâu sát. Một số nhiệm vụ cải cách hành chính được UBND thành phố giao chưa hoàn thành đúng tiến độ. Việc tham mưu trình UBND thành phố ban hành các văn bản quy phạm pháp luật còn chậm. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm có lúc, có việc chưa kịp thời...
Từ năm 2016 đến nay, Sở Xây dựng đã xử lý kỷ luật đối với 2 trường hợp có hành vi tiêu cực, gây phiền hà, nhũng nhiễu, vòi vĩnh người dân, doanh nghiệp và 89 cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ (liên quan đến công tác quản lý trật tự xây dựng; vi phạm nội quy, quy chế cơ quan) bằng các hình thức: Buộc thôi việc; xa thải; khiển trách; cảnh cáo; giáng chức.
Việc xử lý đối với cán bộ, công chức trong việc thực hiện nhiệm vụ xảy ra chủ yếu trong lực lượng Thanh tra Xây dựng tại các quận (huyện, thị xã) - nay là Đội quản lý trật tự đô thị.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, vi phạm trật tự xây dựng vẫn còn diễn biến phức tạp. Một số công trình vi phạm tồn đọng vẫn chưa giải quyết, xử lý dứt điểm.