Aa

Hà Nội: Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tự ý cải tạo biệt thự cũ

Ngọc Tiến
Ngọc Tiến ngoctienreatimes@gmail.com
Thứ Bảy, 02/07/2022 - 15:15

Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu các quận có biệt thự cũ, các đơn vị quản lý nhà và Thanh tra Sở Xây dựng kiểm tra, ngăn chặn các tổ chức, cá nhân tự ý cải tạo, phá dỡ biệt thự cũ.

Sở Xây dựng TP. Hà Nội vừa có văn bản đôn đốc, nhắc nhở việc chấp hành quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng quỹ biệt thự cũ được xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, căn cứ Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn thành phố, Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị, UBND các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ và các Công ty TNHH một thành viên: Kinh doanh dịch vụ nhà Hà Nội, Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, Tổng công ty Phát triển nhà và đô thị - Bộ Quốc phòng chủ động phối hợp với Thanh tra Sở Xây dựng tăng cường kiểm tra, kiên quyết ngăn chặn, xử lý các tổ chức, cá nhân tự ý cải tạo, phá dỡ nhà biệt thự cũ trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cũng giao Thanh tra Sở Xây dựng có trách nhiệm đôn đốc, giám sát xử lý vi phạm trật tự xây dựng đối với các biệt thự thuộc danh mục quản lý theo quy định hiện hành.

Bán biệt thự cổ Hà Nội
Cận cảnh xuống cấp của căn biệt thự cổ tại địa chỉ 46 Hàng Bài - 49 Trần Hưng Đạo (Hà Nội)

Trước đó, ngày 2/6/2022, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định 1845/QĐ-UBND danh mục nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, thay thế Quyết định số 7177/QĐ-UBND ngày 28/11/2013 của UBND thành phố.

Ban hành kèm theo Quyết định này gồm danh mục 1.216 nhà biệt thự cũ, được chia làm 3 nhóm: Nhóm 1 có 222 biệt thự; Nhóm 2 có 356 biệt thự và Nhóm 3 có 638 biệt thự, thuộc đối tượng quản lý theo Quy chế quản lý, sử dụng biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn thành phố.

So với Quyết định năm 2013 là 1.253 biệt thự, số biệt thự giảm 37 căn. Cụ thể, theo danh mục 222 biệt thự xếp Nhóm 1, quận Ba Đình có số lượng biệt thự nhiều nhất với 111 biệt thự; quận Hoàn Kiếm có 87 biệt thự; quận Tây Hồ có 3 biệt thự. Trong số 356 biệt thự xếp Nhóm 2, quận Hoàn Kiếm có 159 biệt thự; quận Ba Đình có 112 biệt thự; quận Hai Bà Trưng có 78 biệt thự; quận Tây Hồ có 4 biệt thự; quận Đống Đa có 3 biệt thự.

Với 638 biệt thự xếp Nhóm 3, quận Hoàn Kiếm có 237 biệt thự; quận Ba Đình có 216 biệt thự; quận Hai Bà Trưng có 166 biệt thự; quận Đống Đa có 13 biệt thự; quận Tây Hồ có 6 biệt thự.

Bán biệt thự cổ Hà Nội
Việc cải tạo, phá dỡ biệt thự cũ được giám sát chặt chẽ, tuân theo quy hoạch được phê duyệt

Theo Quy chế quản lý, sử dụng biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn thành phố, tất cả các nhà biệt thự thuộc danh mục quản lý (bao gồm cả biệt thự thuộc sở hữu của Nhà nước, của các tổ chức, của hộ gia đình, cá nhân) không được tự ý phá dỡ.

Trường hợp biệt thự Nhóm 1 và Nhóm 2 bị hư hỏng nặng, xuống cấp, có nguy cơ sập đổ, đã có kết luận của cơ quan có thẩm quyền về kiểm định chất lượng công trình xây dựng và phải được Sở Xây dựng kiểm tra, báo cáo UBND thành phố và HĐND thành phố (đối với biệt thự Nhóm 1) và UBND thành phố (đối với biệt thự Nhóm 2) cho phép phá dỡ, xây dựng lại theo kiểu dáng kiến trúc, quy hoạch của nhà biệt thự cũ (mật độ xây dựng, số tầng, độ cao).

Cũng liên quan đến số phận của những căn biệt thự cổ, chỉ sau ít ngày Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục thực hiện bán 600 biệt thự cũ (đa số đang nằm trên địa bàn các quận nội thành) thuộc danh mục được bán, thuộc sở hữu nhà nước, đang bán dở dang… thì ngày 19/4/2022, được sự đồng ý của Thường trực Thành uỷ, UBND TP quyết định tạm dừng việc bán quỹ 600 biệt thự cũ để rà soát tổng thể, báo cáo chi tiết các cấp có thẩm quyền.

Thời gian qua, trước sự phát triển nóng của hạ tầng đô thị thì câu chuyện quản lý quy hoạch, xây dựng tại khu vực phố cổ như Hoàn Kiếm, Ba Đình... được nhiều cử tri và dư luận đặc biệt quan tâm. Chính vì thế, các cấp chính quyền Hà Nội cần kiểm tra, tăng cường giám sát việc tuân thủ quy hoạch và không để tình trạng “băm nát” quy hoạch xảy ra. Trong số đó, chính quyền phải kịp thời phát hiện, ngăn chặn các tổ chức, cá nhân tự ý cải tạo, phá dỡ biệt thự cũ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top