Aa

Hà Nội sắp phê duyệt quy hoạch phân khu sông Hồng: Cẩn trọng đầu tư bất động sản đón đầu quy hoạch

Hoàng Trang
Hoàng Trang hoangtrang.98ajc@gmail.com
Thứ Hai, 27/12/2021 - 06:00

Các dự án bất động sản ven sông sẽ càng hấp dẫn hơn khi hạ tầng và các phương án quy hoạch sông Hồng sắp được phê duyệt, tuy nhiên, các nhà đầu tư bất động sản vẫn nên cẩn trọng trong việc đón đầu quy hoạch.

Hà Nội sắp phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng

Đã gần 30 năm kể từ khi thành phố lên định hướng nghiên cứu triển khai cải tạo diện mạo hai bên bờ sông Hồng với mục đích biến sông Hồng trở thành trung tâm của khu đô thị hiện đại sánh ngang sông Hàn ở Thủ đô Seoul (Hàn Quốc), dòng sông Yarra của Melbourn (Úc), hay giống như đô thị bên dòng sông Seine, chảy giữa Thủ đô Paris (Pháp)... tuy vậy, hàng loạt các bản quy hoạch xây dựng giao thông kết nối hai bên bờ sông trong nhiều năm qua vẫn “chưa đâu vào đâu”.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, 2 đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (R1-5) và Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống (R6) đang trong quá trình xây dựng. Trong tháng 12/2021, Bộ Xây dựng sẽ thỏa thuận thống nhất chính thức. Dự kiến, sớm nhất cuối tháng 12/2021, chậm nhất nửa đầu tháng 1/2022, Thành phố sẽ đủ cơ sở pháp lý để phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống, hoàn thành phủ kín 100% quy hoạch phân khu đô thị trên địa bàn Hà Nội.

Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nhìn nhận, việc thực hiện quy hoạch hai bên bờ sông Hồng là một việc cần phải làm đối với Hà Nội, đã đến lúc khu vực này được cải thiện, nâng cấp với kế hoạch phát triển bền vững và chất lượng cao.

Quy hoạch sông Hồng
Việc Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng dự kiến được phê duyệt muộn nhất đầu năm 2022 sẽ là cơ sở và cơ hội để khai thác hiệu quả tiềm năng khu vực, hình thành diện mạo mới cho Thủ đô.

Thời cơ phát triển bất động sản hai bên bờ sông

Hầu hết các chuyên gia đều nhận định, trong giai đoạn hiện nay, khi đất đai trong nội đô đang dần trở nên khan hiếm thì quỹ đất lên tới hàng nghìn mét vuông dọc 2 bờ sông Hồng có thể giúp thành phố tận dụng để phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, nhà ở, chung cư phục vụ cho vấn đề an sinh xã hội.

Chia sẻ tại tọa đàm “Hấp lực mới từ chuỗi đô thị ven sông Hồng”, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn cả trong và ngoài nước đang kỳ vọng vào đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được duyệt và ban hành. Nhờ đó, vùng Thủ đô Hà Nội với vai trò "đầu tàu" của thị trường bất động sản cả nước, hứa hẹn sẽ tăng tốc mạnh mẽ trong thời gian tới.

KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cũng đánh giá, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được lập và dự kiến sẽ được phê duyệt cuối năm 2021 sẽ tạo ra thuận lợi trong quy hoạch xây dựng một thành phố đa năng. Khi đó, khu vực phía gần sông Hồng sẽ xây dựng những con đường, quảng trường… Nhà cửa, phố xá sẽ hướng ra sông, khác với việc nhà cửa, phố xá đều quay lưng với sông, tạo cảnh tượng nhếch nhác như hiện nay. Khi có quy hoạch tốt, đồng bộ, diện mạo đô thị hai bên bờ sông sẽ hút mạnh các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Quy hoạch sông hồng, Sông Hàn của Seoul
Một trong những ý tưởng cho việc quy hoạch phân khu sông Hồng (Ảnh: Sông Hàn giữa lòng Thủ đô Seoul).

Có thể thấy, đây là cơ hội để Hà Nội chỉnh trang lại diện mạo của Thủ đô, di dời các khu nhà xây dựng chưa an toàn, chất lượng kém, lập lại trật tự tại khu vực hai bãi sông vốn đang phát triển tự phát, lộn xộn, mất mỹ quan. Tiến tới hiện thực hóa giấc mơ hai bên bờ sông Hồng là những khu nhà ở, công trình kiến trúc đặc sắc, các công trình văn hóa công cộng mang tính thời đại cùng với môi trường sống xanh trong lành, tạo vành đai xanh cho Thủ đô.

Mặt khác, việc không có quy hoạch rõ ràng trong nhiều năm qua đã đẩy người dân sống hai bên bờ sông sống trong tình cảnh nhà cửa, đường sá tạm bợ, xây dựng không được cấp phép, đất cát mua bán rủi ro, an ninh không ổn định. Nếu quy hoạch được triển khai đúng tiến độ, thị trường bất động sản cũng như đời sống người dân sẽ được ổn định.

Cần cân nhắc kỹ khi đầu tư “đón sóng” quy hoạch

Thời điểm chuyển từ năm cũ sang năm mới luôn là lúc thị trường bất động sản trở nên tất nập hơn bao giờ hết. Các chuyên gia cho rằng, quy hoạch phân khu sông Hồng được thông qua đúng thời điểm cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022 sẽ có tác động mạnh mẽ đến giá cả bất động sản tại những khu vực này. 

Trước đó, thông tin về quy hoạch hai bên bờ sông Hồng cũng đã nhiều lần làm đẩy giá đất ở các huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh được thổi lên bất thường khiến cho những vùng này dậy sóng. Nhiều môi giới đất đã tô vẽ cho những vùng bãi bồi ven sông những mỹ từ để thu hút các nhà đầu tư xuống tiền rồi “vỡ mộng”, vì trót mua phải đất công, không thể dịch chuyển sang đất thổ cư. 

Thậm chí, nhiều hộ dân đã "tranh thủ" cơi nới, san lấp ao, ruộng, bãi bồi, vườn để sẵn sàng rao bán. Việc lợi dụng quy hoạch, đẩy giá đất lên cao đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc giải phóng mặt bằng, quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn.

Quy hoạch sông Hồng
Nhà đầu tư bất động sản nên cẩn trọng khi đầu tư "đón sóng" quy hoạch.

Mặc dù quy hoạch chưa chính thức được thông qua, nhưng tại một số khu vực, đất thổ cư trong dân vẫn đang được "thổi phồng" tăng giá mạnh, có nơi tăng gấp đôi chỉ trong vài tháng. Theo các môi giới bất động sản, sau mỗi lần có thông tin quy hoạch sắp được phê duyệt, nhiều thửa đất xung quanh các dự án thường tăng 15 - 20% ngay sau đó.

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhìn nhận, do sự khan hiếm nguồn cung ở vùng trung tâm, nhà đầu tư có xu hướng tìm đến vùng ven đô nhiều hơn, khiến thị trường đất nền ngày càng sôi động, hàng loạt tin đồn quy hoạch khiến giá đất đẩy lên ở mức rất cao. Tuy nhiên, nhu cầu đầu tư thực, dài hạn thường rất ít. Giá đất thường chỉ tăng một thời gian rồi nhanh chóng trở về giá cũ.

Các chuyên gia cũng lưu ý những nhà đầu tư muốn mua bất động sản ở thời điểm này, đặc biệt ở các địa bàn Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn hay các huyện ngoại thành đang chờ quy hoạch, dự án lớn triển khai, hạ tầng giao thông kết nối vào nội đô vẫn chưa hoàn chỉnh. Do vậy, bất động sản chưa thể sinh lời nhanh. Nếu nhà đầu tư chấp nhận đầu tư "lướt sóng", xuống tiền theo cơn "sốt" đất thì sẽ gặp nhiều rủi ro hơn là được lợi. 

Vì vậy, trước khi quyết định đầu tư, người dân cần tìm hiểu rõ thông tin quy hoạch từng vùng, tỉnh táo trước thông tin định giá đất, không chạy theo các cơn “sốt ảo”, không nghe theo “cò đất” mập mờ mua bán những mảnh đất chưa rõ pháp lý, các dự án đang bỏ hoang hay thông tin về nguồn gốc đất không rõ ràng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top