Aa

Hà Nội và những mùa ru ký ức

Thứ Ba, 23/05/2017 - 15:21

Lâu lắm rồi, từ khi chị còn là đứa trẻ, Hà Nội đã đẹp như cổ tích. Thời đó, nhà bác tôi ở ven sông Hồng. Vào Hè, hai bên sông nở trắng màu cỏ lau. Đôi bờ hoa trắng ấy in bóng xuống dòng nước, dưới nắng mơ vàng và bầu trời trong vắt.

Phố nghiêng trôi, những tháng năm vời vợi

Khi chị 10 tuổi, bác tôi bán nhà chuyển vào khu ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội ngày nay) để buôn bán. Đó là lần đầu tiên chị hít thở một bầu không khí đô thị đích thực của thủ đô. Dù khi đó, phố sá không sôi động, náo nhiệt, không ồn ào như bây giờ. Mùi hoa sữa - “Hương của Hà Nội” phảng phất trong gió đã dần thay mùi của cỏ lau.

Hà Nội khi đó tỏa ra thứ hào quang của lâu đài cổ kính, thứ ánh sáng thiên đường trong tưởng tượng của một đứa trẻ. Ở Hàng Cỏ, ngày ngày chị vẫn thấy cảnh “người đô thị” vác cuốc ra đồng trồng rau, công nhân đạp xe đi tới công trường. Rồi cuối ngày, họ trở về chen chúc trong khu tập thể, hay dưới sân cùng bạn bè.

Cả tuổi thơ, chị say mê với từng con phố, mái nhà, từng quán cafe kiến trúc kiểu Pháp, ngắm nhìn bờ hồ tĩnh lặng về đêm… Những ve, những me, những sấu, những cốm Vòng, những phở gánh…, những sản vật nghìn năm của Thăng Long văn hiến đã làm nên hương vị rất riêng về Hà Nội.

Một Hà Nội đầy thơ mộng trong ký ức của nhiều ngườiBác tôi là một phụ nữ Hà thành chính gốc, trước đây nhà ở Hàng Mành. Bây giờ, bà là một phụ nữ buôn bán bình thường, hay mặc đồ đồng màu hoặc đen hết hoặc trắng hết. Đồ trang sức bà đeo là đồ bằng ngọc, bạch kim hoặc hạt xoàn. Chẳng có gì dính dáng đến kiểu cách hiện đại, nhưng nhìn lâu thì thấy sang trọng, thanh lịch và nhẹ nhàng.

 Một Hà Nội đầy thơ mộng trong ký ức của nhiều người

Một Hà Nội đầy thơ mộng trong ký ức của nhiều người

Lần đầu tiên đến nhà, tôi thấy bà vội vã đi thay áo cho tươm tất. Chị bảo, đó là nếp sống đáng tự hào của phụ nữ Hà Nội xưa mà bà vẫn giữ gìn như một thói quen.

Trong bữa cơm mời khách, mẹ chị trải bàn bằng khăn trắng, 1 lọ hoa nhỏ xíu để giữa, bát úp trên đĩa, đũa bọc giấy và từng người phải ngồi đúng chỗ quy định. Thỉnh thoảng, bà có nhắc lại những năm tháng gian nan của Hà Nội, thời mà người người gồng gánh đưa nhau đi di tản, mang theo cả những nỗi buồn và niềm hy vọng. Để rồi khi tiếng bom vừa dứt, họ lại gồng gánh trở về, nhất định không bỏ lỡ một cái Tết ở thành phố quê hương.

Khác hẳn với mẹ, chị là người của thời đại mới. Quần jean bó sát, rách gối một chút, áo hở vai hững hờ để tỏ rõ sự va đập văn hóa. Bác vẫn dặn, chị là con gái Hà Nội, đi đứng nói năng phải chuẩn, không được sống quá tùy tiện, buông tuồng.

Ngập ngừng đô thị

18 tuổi, lần đầu tiên tôi về Hà Nội, trở thành sinh viên đại học rồi quyết định ở lại đây luôn. Từ Mỹ Đình bắt xe về Ngã Tư Sở, ngước mắt nhìn sang thấy tòa 
Keangnam đang lắp đặt những mảng ghép cuối cùng với nóc nhà vờn trong mây. Một biểu tượng cho sự phát triển, hội nhập, hiện đại của thủ đô ngàn năm văn hiến.

Những ngày đầu xa gia đình, được tự mình kiến tạo cuộc sống, tôi như cánh chim tự do hân hoan giữa trời. Và cứ thế, mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, chọn những góc Hà Nội để lê la tìm hiểu. Đầu tiên là quán ăn ngon và cổ, vì đây là nơi duy nhất người ta có thể tìm chút “bình đẳng thưởng thức”.

22 tuổi, tôi tốt nghiệp đại học. Sau 4 năm, xứ sở này đã bớt đẹp và cổ tích hơn. Những giấc mơ bắt đầu vơi dần, khi va chạm thực tế đời thường đã đủ thấy vị đắng cay.

Ở mãi một chỗ cũng dễ chán và phát ốm. Thỉnh thoảng tôi lại thấy mình rơi vào tình trạng ấy. Thế rồi tôi lại muốn đi, muốn rời xa Hà Nội. Nói theo cách của một người trẻ tuổi: “Xách balô lên và đi”. Có thể tôi lo ở mãi một chỗ thì lòng cằn lại. Điều đó thật đáng sợ.

 p/Dù hiện đại, Hà Nội vẫn giữ được vẻ đẹp riêng của mình.

  Dù hiện đại, Hà Nội vẫn giữ được vẻ đẹp riêng của mình.

Liền tù tì như thế hai năm trời, cho đến gần đây, trên chiếc xe du lịch đưa tôi đi Mũi Né, một vùng đất hoàn toàn yên bình cho cả thể xác và tâm hồn, tự nhiên thấy sống mũi mình cay cay… Hình như mình đang nhớ về Hà Nội.

Khi ấy tôi mới biết, tôi yêu thành phố này như thế nào… Rồi tôi quay về, đúng dịp 30/4.

Hà Nội lặng yên và vắng vẻ hơn hẳn. Vẫn lãng đãng, trầm lắng thứ không khí nghệ sỹ bất cần, vẫn phóng khoáng, xôn xao, tươi vui như những bài đồng dao. Nhưng Hà Nội hôm nay đẹp trong âm thầm, lặng lẽ, trong sự sẻ chia, trong sự tri ân với tự nhiên, với con người và xã hội. Hà Nội những năm tháng không có mình đã ra vậy. Thay đổi bao giờ cũng tốt hơn.

Tôi không chắc một Hà Nội yên ả, dịu dàng liệu có đẹp hơn một Hà Nội hối hả, rộn ràng không, chỉ biết rằng, Hà Nội khi đó rất lạ. Nó khiến tôi nhớ về bác của mình, người phụ nữ Hà thành chính hiệu cũng phải bươm trải kiếm sống, va đập với đủ thứ văn hóa linh tinh. Có lẽ bây giờ bà chả buồn nói về thứ gốc gác đáng tự hào của mình nữa, nhưng bà vẫn là người của hôm nay, thuần túy Hà Nội, không pha trộn.

Người ta cứ bảo Hà Nội xưa yên bình, thanh lịch lắm. Thế rồi người di cư, người lao động kéo tới sinh sống đã khiến Hà Nội trở nên ngột ngạt, xô bồ như bây giờ. Để rồi, dân Hà thành chính gốc phải tìm cách thích ứng với cách sống, cách làm việc và cách nói năng mới.

Tôi thì không nghĩ thế. Hà Nội xưa là Hà Nội của thanh lịch, yên bình, còn hôm nay là một Hà Nội nhộn nhịp, năng động, hội nhập.

Đó không phải là sự mất mát, mai một, mà ngược lại, đó là sự phát triển. Một đô thị có nhiều hình thái đan xen mới cũ là một đô thị đang trỗi dậy. Từ khía cạnh này, ta có thể tạm yên lòng trước tình trạng nhập cư ồ ạt hiện nay.

Hà Nội nhộn nhịp hiện nay thể hiện cho một đô thị phát triển, hiện đại

Hà Nội nhộn nhịp hiện nay thể hiện cho một đô thị phát triển, hiện đại

Đô thị đẹp hay chưa đẹp là tất cả ở chúng ta, những người đang sống ở thủ đô. Mặc dù không thể phủ nhận mặt tích cực của nhập cư, nhưng chiều ngược lại, thì vẫn có nhiều người sống ở đây mà có yêu “đây” đâu. Có gì hay họ đem về quê. Dở thì bảo “Hà Nội nó thế”.

Họ từ nông thôn ra đi, mang theo nếp sinh hoạt hồn nhiên về thành phố, không quen hay không chấp nhận nếp sống đô thị. Nhưng các cụ xưa đã dạy: “nhập gia thì phải tùy tục”, đã ra đô thị thì nên theo lề luật đô thị.

Nhiều nét thanh lịch của Hà Nội hào hoa giờ chỉ còn vang bóng một thời, nhưng đừng quá nuối tiếc, ủ dột. Hãy trở lại mặt đất với các hệ lụy của Hà Nội hôm nay. Hãy bằng lòng với hiện tại. Hãy yêu thủ đô của ngày hôm nay như yêu chính hơi thở của mình.

Và thực lòng, trong 1 tuần về lại, tôi chỉ mong những ngày yên bình ấy qua nhanh để công nhân lại tới nhà máy, sinh viên lại đến trường, để những dòng xe lại ồn ào, tấp nập. Bởi vắng một vài ngày thôi thì Hà Nội sẽ đẹp lạ, còn vắng vẻ lâu ngày thì tôi có cảm giác Hà Nội không còn là Hà Nội nữa…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top