Năm 2022, kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tăng trưởng thấp, cạnh tranh chính trị, xung đột vũ trang, thiên tai, dịch bệnh… đã làm gia tăng rủi ro đến thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực toàn cầu. Trước tình hình đó, với quyết tâm duy trì sự ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương tích cực triển khai có hiệu quả các Nghị quyết về điều hành kinh tế vĩ mô, đặc biệt là Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết số 43/2022/NQ-QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, cùng với sự phối hợp của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp, sự quyết tâm, nỗ lực của các đơn vị thuộc và trực thuốc Tổng cục Hải quan, thu ngân sách nhà nước của ngành Hải quan năm 2022 vượt dự toán và chỉ tiêu phấn đấu được Quốc hội và Bộ Tài chính giao.
Năm 2023, Tổng cục Hải quan được Quốc hội giao dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) 425.000 tỷ đồng. Căn cứ Thông tư số 78/2022/TT-BTC ngày 26/12/2022 của Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán thu NSNN năm 2023, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc tập trung nguồn lực triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm các nhiệm vụ cơ bản:
Quán triệt, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nêu tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán NSNN và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2023; Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan với phương châm "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả"; Tăng cường cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác hải quan, tạo thuận lợi thương mại và các hoạt động xuất nhập khẩu, rút ngắn thời gian, chi phí thông quan hàng hóa.
Tập trung nguồn lực cải cách thể thế pháp luật về hải quan theo hướng hiện đại hóa, đồng bộ, đồng nhất, minh bạch, phù hợp với các cam kết quốc tế và định hướng phát triển Hải quan.
Tiếp tục triển khai cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển Hệ thống CNTT phục vụ triển khai cơ chế một cửa.
Tăng cường chống thất thu qua các công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện thủ tục hải quan, quản lý thuế, kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, kiểm tra nội bộ, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, chủ động rá soát, phân loại, thu hồi và xử lý nợ thuế phát sinh trước ngày 1/1/2023 đồng thời không để phát sinh nợ mới trong năm 2023 qua công tác thanh tra, kiểm tra…
Thực hiện nghiêm các quy định về chính sách tài khóa và các kết luận, kiến nghị của đoàn thanh tra, kiểm toán, UBKT Trung ương; tăng cường công tác kiểm tra nội bộ và tự kiểm tra nội bộ.
Đồng thời, chỉ thị cũng nêu rõ một số nhiệm vụ cụ thể đối với các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan về thực hiện nghiêm túc các giải pháp chống thất thu NSNN: Cục Thuế xuất nhập khẩu, Cục Giám sát quản lý về Hải quan, Cục Quản lý rủi ro; Cục Kiểm định Hải quan; Cục Điều tra chống buôn lậu; Cục Kiểm tra sau thông quan; Vụ Thanh tra - Kiểm tra; Văn phòng Tổng cục; Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan; Vụ Pháp chế; Cục Tài vụ - Quản trị và các Cục Hải quan tỉnh, thành phố…