Aa

Hạn mức tín dụng năm 2020 có được nới rộng hơn?

Thứ Sáu, 08/05/2020 - 10:45

Tín dụng tăng trưởng khá ì ạch trong những tháng đầu năm nay do cầu tín dụng yếu và các ngân hàng vẫn siết chặt điều kiện vay vốn.

Tăng trưởng tín dụng tính đến 28/4 là 1,32%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 4,6% của cùng kỳ năm 2019.

Tín dụng vẫn ì ạch

Tín dụng tăng trưởng khá ì ạch trong những tháng đầu năm nay cho dù lãi suất cho vay đã giảm. Báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, tăng trưởng tín dụng tính đến 28/4 là 1,32%. Con số này thấp hơn nhiều so với mức tăng 4,6% của cùng kỳ năm 2019. Báo cáo tài chính quý 1 của nhiều ngân hàng cũng ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng âm. Chẳng hạn như Vietinbank, dư nợ cho vay khách hàng giảm 1,25% trong quý đầu năm; Saigonbank giảm 2,3% …

Theo TS. Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng BIDV, dịch bệnh làm giảm nhu cầu tiêu dùng, giảm giao dịch ngoại thương; hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và hộ gia đình cũng bị suy giảm… dẫn tới nhu cầu tín dụng giảm, qua đó tác động tiêu cực đến tăng trưởng tín dụng.

Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM cũng thừa nhận, thời điểm này các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và dệt may nói riêng không có đơn hàng mới mà chỉ thực hiện các đơn hàng đã ký nên không có nhu cầu vay vốn tín dụng mới. Điều mà doanh nghiệp cần lúc này là giãn nợ cũ, giảm lãi vay cho các khoản vay cũ.

Ở góc độ khác, nhiều doanh nghiệp phản ánh vẫn khó tiếp cận được các gói tín dụng do không đáp ứng được các điều kiện vay vốn khắt khe mà phía ngân hàng đưa ra. Hiện sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, trong khi tài sản đảm bảo đã được thế chấp cả vào các khoản vay cũ, trong khi ngân hàng vẫn yêu cầu doanh nghiệp phải có tài sản đảm bảo, phải chứng minh được dòng tiền trả nợ mới cho vay…

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Thống đốc NHNN khẳng định, nếu hạ chuẩn cho vay, phá vỡ các tiêu chí thì hệ thống tổ chức tín dụng sẽ đối mặt nguy cơ bất ổn trở lại như giai đoạn trước đây.

Tăng trưởng tín dụng năm 2020 sẽ thế nào?

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đe dọa tới mục tiêu tăng trưởng, nhiều ý kiến đề nghị NHNN nên nới lỏng hơn tiền tệ và nới hạn mức tăng trưởng tín dụng. Chẳng hạn trong báo cáo khuyến nghị về các chính sách ứng phó với dịch COVID-19 gửi tới Chính phủ mới đây, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đề nghị NHNN xem xét tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho những ngân hàng có những hỗ trợ thiết thực đối với các doanh nghiệp.

Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng kỳ vọng nhà điều hành sẽ nới thêm 2-3 điểm phần trăm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng trong nửa cuối năm nay với giả định dịch bệnh sẽ được kiểm soát trong quý 2 và hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục từ quý 3 - cũng là thời điểm bắt đầu mùa cao điểm cho vay của các ngân hàng.

Tuy nhiên, luồng ý kiến khác lại cho rằng, việc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng sẽ không mang lại nhiều ý nghĩa bởi cầu tín dụng dự báo vẫn thấp. Nguyên nhân do dịch bệnh mới chỉ được khống chế ở Việt Nam, trong khi vẫn đang hoành hành tại nhiều quốc gia trên thế giới. Điều đó cũng có nghĩa hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp vẫn gặp khó cả ở đầu vào lẫn đầu ra, dẫn tới nhu cầu tín dụng tuy có phục hồi, những không cao.

Hơn nữa, hiện áp lực lạm phát vẫn khá lớn khi mà CPI bình quân 4 tháng đầu năm tăng tới 4,9% so với cùng kỳ năm trước, dù đã giảm từ 5,56% của 3 tháng đầu năm, nhưng là mức cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2020. Trong bối cảnh đó, NHNN cũng không dám mạnh tay nới lỏng cung tiền, nới hạn mức tín dụng bởi đây là những công cụ điều hành chủ yếu để kiểm soát lạm phát của cơ quan này chứ không phải là lãi suất.

Cũng vì lý do đó, nên Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo NHNN nhiều khả năng sẽ vẫn duy trì mức tăng trưởng cung tiền và tín dụng trong biên độ tăng trưởng 10 - 14% (tương đương với khoảng 1 triệu tỷ đồng) xuyên suốt cả năm nay, nhằm tránh những hệ lụy về sau như nợ xấu và bong bóng giá tài sản.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top